Cảnh báo chất lượng thi cao học
Câu chuyện về chuyện tiêu cực chốn trường thi vẫn luôn là điểm nóng trong các mùa thi cử. Nhưng với kỳ thi tuyển sinh cao học, câu chuyện ấy càng “nổ” hơn bao giờ hết.
Những chuyện tiêu cực trong thi cử như: Quay cóp, hối lộ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với chốn trường thi bấy lâu nay. Nhưng không ở đâu và không khi nào lại “nóng” như trong kỳ thi tuyển sinh cao học và kỳ thi liên thông vừa diễn ra tại HN trong hai ngày 17- 18/9 vừa qua. Trước kỳ thi một tuần lễ, các cửa hàng photocopy ven các trường đại học đã tấp nập thí sinh tới hỏi mua “phao”.
Một chủ quán photocopy gần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: Cứ đến mùa thi, đặc biệt là mùa tuyển sinh cao học, cửa hàng luôn nhận được những đơn đặt hàng làm “phao”. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn làm sẵn phao và “tư vấn” cho thí sinh mua. Anh A – dự thi cao học Học viện Tài chính – cho biết: “Mình cũng chẳng dùng đến đâu. Nhưng nhiều khi mang theo ít tài liệu, thấy cũng an tâm hơn”.
Dù đã được phổ biến quy chế rất kỹ, vấn đề giám sát nghiêm ngặt, những hình thức xử lý ngặt nghèo, song các thí sinh vẫn không nao núng. Chỉ sau 20 phút làm bài thi môn kinh tế chính trị tại Học viện Tài chính, các thí sinh bắt đầu kích hoạt khối tài liệu giắt sẵn trong người.
Video đang HOT
“Phao” xả sau mỗi buổi thi
T – một thí sinh tham gia kỳ thi – cho biết: “Bài thi có dùng nhiều lý thuyết, nên lượng phao nhiều hơn hẳn các môn thi trước”. Trong khi các giám thị có phần lỏng lẻo cũng là lúc các thí sinh đều tranh thủ “bổ sung” tư liệu cho bài thi. Cũng có trường hợp bị giám thị phát hiện, song hình thức xử lý vẫn chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở và cảnh cáo.
Cũng theo T được biết: “Tụi mình cũng ý thức phải có thái độ tốt với các giám thị và hết sức tế nhị khi làm bài nên các thầy cũng tạo điều kiện”. Thực trạng thi cử ở các trường khối xã hội cũng không trong lành hơn. Còn Ngọc A – thí sinh thi cao học, khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – cho hay: “Mình vẫn thấy nhiều tiêu cực tái diễn quá. Dù đã nghe, nhưng những gì tận mắt trông thấy khiến mình hơi… nản”.
Cách giấu tài liệu của các thí sinh trong kỳ thi cao học vừa qua cũng không có gì là đặc biệt, như trong túi quần, bít tất, trong áo… hay cả nơi vùng kín… Mọi việc hẳn không dễ che mắt được giám thị, vậy mà qua cả đợt thi, lượng thí sinh bị đình chỉ thi chỉ đếm trên đầu ngón tay (!?)…
Tuy nhiên, theo thí sinh T, đề thi của Học viện Tài chính năm nay tương đối… hóc nên dù có mang tài liệu, nhiều thí sinh vẫn… méo mặt. “Mình có anh bạn cùng thi, vừa bước ra khỏi phòng đã than là không trúng tủ và sẽ đăng ký thi lại đợt tới”.
Thời điểm kết thúc của môn thi cũng là lúc các thí sinh tha hồ xả… “phao”. Nhìn dãy hành lang trắng phao thi, ít ai nghĩ rằng đây là kỳ thi của “người lớn”. Thực trạng đáng báo động đó khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đào tạo cao học nói riêng…
Theo BDVN
Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
Trẻ gò mình luyện thi
Trước đây, sau khi học xong mẫu giáo, phụ huynh chỉ cần nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 tại các trường công lập. Thế nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cho con vào học ở các trường tư thục, bán công, trường quốc tế. Học phí của các trường này cao ngất ngưởng, nhưng vẫn thu hút rất đông học sinh, thậm chí số lượng học sinh đăng ký cao gấp nhiều lần chỉ tiêu của trường. Vì thế, cuộc đua vào lớp 1 trở nên hết sức "nóng bỏng".
Theo đó để được học lớp 1 ở các trường có tên tuổi như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn..., ngay từ khi học xong lớp 4 tuổi, các bé đã phải gò mình học ôn tại các lò luyện để làm quen với chữ cái, đánh vần, ghép vần hay thậm chí là học cộng, trừ các số trong phạm vi 10.
Để vào được trường điểm, các bé phải dùi mài trong các lò luyện nhiều tháng ròng (Ảnh: Thanh Niên)
Là một trường khá nổi ở Hà Nội, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm chỉ 400, nhưng hồ sơ đăng ký đã vượt qua con số 1.300. Như vậy, tỷ lệ chọi của trường là 1:3. Năm ngoái, trường chỉ tuyển 500 chỉ tiêu nhưng cũng có tới 1.600 hồ sơ đăng ký.
Trường tiểu học Thực nghiệm năm 2011 có chỉ tiêu là 180 học sinh nhưng ngay trong ngày đầu đã bán hết 600 đơn, đồng nghĩa với việc có ít nhất 420 học sinh bị loại. Hay tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 là 360 nhưng số lượng đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với dự kiến.
Không chỉ tỷ lệ chọi cao mà đề thi tuyển sinh vào lớp 1 cũng rất hóc búa. Khi đề thi vượt vũ môn vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm năm nay được đăng tải trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc, phụ huynh có tên Quốc Huy cho rằng: "Đề này quá khó. So với các câu hỏi của cuộc thi đường Olympia thì đề này còn khó hơn. Đến phụ huynh còn thấy khó hiểu, thì làm sao trẻ con làm được".
Câu hỏi số 3 trong đề thi thử vào lớp 1 của trường Tiểu học DL Đoàn Thị Điểm có độ khó ngang với các câu hỏi trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Đề thi yêu cầu học sinh gạch một hình khác với các hình còn lại
"Em rất choáng váng! Ngày em 5 tuổi, em chưa biết số 10 là gì, vào lớp 1 mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên nhưng 12 năm liền em vẫn là học sinh giỏi. Vậy mà trẻ con bây giờ 3 tuổi đã biết đếm từ 1 đến 100, 5 tuổi thì biết hết chữ cái, biết ghép vần, biết làm tính. Chúng ta định đào tạo thiên tài chăng?", mẹ Trường Giang chia sẻ.
Đề thi tuyển vào lớp 1 của Trường Nguyễn Siêu năm nay yêu cầu học sinh đếm số chân các con vật trong hình và nối kết quả với các đáp án cho sẵn. Với đề thi này, nhiều học sinh bị trượt vì đáp án không trùng khớp với tư duy con trẻ. Đề yêu cầu học sinh đếm số chân từng loại con vật và phải biết cộng số chân đó theo số lượng con vật in trong hình trong khi hầu hết các trẻ vẫn luôn mặc định rằng gà có 2 chân, cá sấu có 4 chân.
Ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, đáng ra trẻ phải được phát triển tự nhiên, chơi mà học, học mà chơi, chưa phải lo việc ôn luyện, thi cử thì tâm lý sính trường "top trên" của phụ huynh đã vô tình làm con mất đi những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ.
Cao học - cứ thi là đậu
Trái ngược với các bé 5- 6 tuổi phải căng sức học trong các lò luyện thi thì chuyện thi cao học lại dễ dàng đến không ngờ.
Nếu trước kia, điều kiện để thi cao học là phải có hai năm kinh nghiệm làm việc hoặc phải có bằng giỏi thì bây giờ sinh viên tốt nghiệp có thể dự thi cao học ngay sau khi ra trường. Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành năm 2011, thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp đúng ngành hoặc phù hợp với ngành dự tuyển, không cần có thâm niên công tác là có thể dự tuyển.
Các trường thường tổ chức hai đợt tuyển sinh cao học vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm, kể cả khi số lượng thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi bán hồ sơ dự tuyển, các trường tổ chức lớp học ôn trong khoảng 1-2 tháng. Bạn Nguyễn Thị H., học viên cao học ngành Lịch sử Việt Nam, K20, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: "Học ôn trong khoảng 20 buổi cho cả 3 môn và chỉ điểm qua kiến thức cơ bản. Cái chính là các thầy cho giới hạn và phạm vi đề để tập trung ôn luyện. Hầu hết những người đi học ôn đều đỗ cả, nếu trượt thì có thể là vì điểm ngoại ngữ quá kém".
Trong khi trẻ em phải nhoài người tập viết, tập tính nhiều tháng ròng chỉ để được vào lớp 1 thì quá trình thi và học để có được bằng thạc sĩ lại quá dễ dàng
Qua tìm hiểu của PV, ở một số trường đại học hiện nay, sinh viên dễ dàng thi đỗ cao học một phần do tỷ lệ chọi rất thấp. Thậm chí có những ngành, số học viên đăng kí dự thi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Do đó, nhiều trường hợp, chỉ cần đóng tiền, nộp hồ sơ và tham gia học bồi dưỡng vài buổi là cơ hội đỗ tới 90%.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2010, có 729 hồ sơ dự thi cao học vào 12 ngành đào tạo nhưng số lượng trúng tuyển lên đến 607 thí sinh, tương ứng tỉ lệ đỗ là 83%. Ngành báo chí học, được xem là ngành "hot" nhất của trường cũng chỉ có 186 hồ sơ dự thi, trong đó số lượng trúng tuyển là 88 (tỉ lệ chọi 1:2). Một số ngành còn lại, rơi vào tình cảnh ảm đạm hơn nhiều khi số lượng hồ sơ nộp vào quá ít, điển hình như ngành Quản lý xã hội, năm 2010 lấy 10/14 hồ sơ dự thi, ngành Xuất bản lấy 19/25, Lịch sử Đảng lấy 21/34 ...
Năm 2010, hệ đào tạo sau đại học của ĐH Sư phạm Hà Nội với gần 50 chuyên ngành có tỉ lệ chọi cũng rất thấp. Cụ thể, trong tổng số 2.870 hồ sơ dự thi thì có tới 1.476 thí sinh trúng tuyển, tương ứng tỉ lệ chọi 1:2.
Thí sinh dự thi trình độ thạc sĩ sẽ thi 3 môn bao gồm: Ngoại ngữ, môn cơ bản và môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo. Thí sinh trúng tuyển chỉ phải đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10 ở các môn thi cơ bản, môn thi cơ sở, còn môn ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của từng trường. Các số liệu thống kê cho thấy, số điểm một thí sinh đỗ cao học rơi vào khoảng từ 11-14 điểm cho 2 môn thi. Do đó, đối với các thí sinh thuộc diện ưu tiên, chỉ cần đạt tối thiểu mỗi môn 5 điểm là đã có thể ung dung đỗ cao học.
Không ai phủ nhận việc học cao học là cần thiết, nhưng với quá trình thi cử quá dễ dàng, liệu sau vài năm học, những học viên đó có thành những thạc sĩ ưu tú hay sẽ thành những tiến sĩ giấy? Trong khi đó những bé 5-6 tuổi đang tuổi ăn tuổi chơi thì lại phải "dùi mài kinh sử" nhiều tháng ròng trong các lò luyện và trải qua kỳ thi sát hạch khắt khe chỉ để được vào lớp 1.
Theo VNN
Du học Nhật bản tuyển sinh đợt 1 tháng 4/2012. Được chấp nhận cả đối với những bạn đã từng là tu nghiệp sinh tại Nhật Bản!Được chấp nhận cả với những bạn đã từng bị Cục Quản lý Nhập cảnh Nhật Bản từ chối cấp Giấy phép nhập cảnh. (Từ 01 đến 02 lần). TUYỂN SINH DU HỌC NHẬT BẢN ĐỢT THÁNG 01 & THÁNG 04/2012 -Được chấp nhận cả đối với...