Căng thẳng tại Trung Đông: Các bên đối địch Libya thúc đẩy hòa giải dân tộc
Cuộc họp tham vấn kéo dài hai ngày giữa hai phe đối địch là các thành viên Hạ viện Libya và Hội đồng Nhà nước tối cao Libya đã kết thúc tại thành phố Bouznika của Maroc ngày 19/12, với việc cả hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán về tiến trình hòa giải dân tộc của Libya.
Đạn pháo rơi trên đường phố sau cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang tại Zawiya, Libya, ngày 15/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố cuối cùng của cuộc họp với 120 người tham dự, hai bên nhấn mạnh đến nhu cầu tiếp tục duy trì tiếp xúc giữa chủ tịch và các thành viên của hai thể chế, cũng như các cuộc họp chung nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc, giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh bằng biện pháp hòa bình và thống nhất các thể chế có chủ quyền bị chia rẽ.
Hai bên cũng nhất trí triển khai hành động chung để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm tái cấu trúc quyền hành pháp, cải cách thể chế, tài chính, cũng như an ninh, hòa giải dân tộc, phân phối tài nguyên công bằng và phát triển dựa trên quản trị địa phương tích cực.
Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita đán.h giá cuộc họp là thiết yếu và đáng khích lệ, đồng thời kêu gọi nắm bắt tinh thần của Thỏa thuận chính trị Libya, được ký kết tại thành phố Skhirat của Maroc năm 2015, nhằm đạt được giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại của Libya.
Ông kêu gọi người dân Libya bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trong bối cảnh tình hình phức tạp ở đất nước này và những biến động đáng kể ở khu vực Trung Đông.
Libya đã chìm sâu vào hỗn loạn kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ cố Tổng thống Muammar Gaddafi. Đất nước Bắc Phi hiện bị chia cắt giữa hai chính quyền đối lập: một chính phủ được Liên hợp quốc công nhận tại Tripoli và một chính quyền khác ở miền Đông do Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. Cuộc đấu đá quyền lực giữa hai phe phái đã kéo dài suốt nhiều năm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.
Cháy nhà máy lọc dầu ở Libya
Ngày 15/12, hỏa hoạn nghiêm trọng đã bùng phát tại một số bể chứa ở nhà máy lọc dầu Zawiya, cách thủ đô Tripoli của Libya 40 km về phía Tây.
Đây là nhà máy lọc dầu lớn nhất Libya với công suất 120.000 thùng dầu/ngày.
Lực lượng cứu hỏa đã được triển khai đến hiện trường và kiểm soát được các đám cháy. Phần dầu còn lại tại nhà máy lọc dầu Zawiya đã được chuyển sang các bể chứa khác.
Trước đó cùng ngày, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (NOC) của Libya đã phải ban bố tình trạng bất khả kháng sau khi các bể chứa tại nhà máy lọc dầu Zawiya bị hư hại nghiêm trọng trong các cuộc đụng độ xảy ra giữa các nhóm vũ trang trong khu vực lân cận.
Ngành dầu mỏ của Libya, vốn là nguồn thu chính của quốc gia Bắc Phi này, đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng bất ổn an ninh kể từ khi chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.
Libya khẳng định bầu cử là chìa khóa giải quyết bế tắc chính trị Thủ tướng Libya Abdul-Hamed Dbeibah ngày 9/12 nhấn mạnh rằng tổ chức bầu cử là cách duy nhất để giải quyết bế tắc chính trị kéo dài của quốc gia Bắc Phi này. Thủ tướng Libya Abdul-Hamed Dbeibah phát biểu tại một sự kiện ở Tripoli. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ông Dbeibah đã đưa ra phát...