Căng thẳng Nga-Mỹ leo thang vì các đòn trừng phạt mới
Chính phủ Nga đã phản ứng, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “vô căn cứ”, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả.
Căng thẳng Nga-Mỹ tiếp tục leo thang khi mà Mỹ vừa mới áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các công dân và công ty của Nga liên quan tới các hoạt động mà Washington cho là gây hại trên mạng và vấn đề Triều Tiên, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt “cứng rắn hơn” đối với Moscow liên quan đến một loạt các vấn đề khác.
Chính phủ Nga lập tức phản ứng, cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là “vô căn cứ”, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra biện pháp đáp trả.
Đồ họa minh họa về lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Ảnh: United Global Asset.
Các nhà lập pháp Mỹ hôm qua (21/8) đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” hơn nhằm chống lại các “mối đe dọa” từ Nga liên quan đến một loạt các vấn đề như Ukraine, tình hình Syria, các vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, các cáo buộc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh và các cuộc tấn công mạng.
Theo các nghị sĩ Mỹ, bên cạnh các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Nga, chính phủ Mỹ cần tạo thêm sự “đau đớn” nhiều hơn nữa đối với nền kinh tế Nga nếu nước này không thay đổi hành vi của mình, bất chấp mong muốn cải thiện mối quan hệ từ người đứng đầu chính phủ 2 nước tại hội nghị thượng đỉnh gần đây.
Chỉ trong ngày hôm qua, Quốc hội Mỹ đã tiến hành tới 3 phiên điều trần liên quan tới Nga, đối với các Ủy ban Ngân hàng và Quan hệ Đối ngoại cùng 1 tiểu ban Tư pháp chống khủng bố. Thượng Nghị sĩ Mike Crapo của Đảng Cộng hòa cho biết, tại các phiên điều trần này, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được sự thống nhất “mạnh mẽ chưa từng có” về việc Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa để trừng phạt Nga.
Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea nêu rõ, Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal mà Moscow bị cáo buộc là chủ mưu. Theo ông, Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt theo thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và sẽ đưa ra những phương án tiếp theo với nhiều mức độ cứng rắn khác nhau dựa trên cách thức phản ứng của nước Nga.
Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Sigal Mandelker còn cảnh báo sẽ tìm cách cắt giảm nguồn đầu tư nước ngoài của Nga.
Video đang HOT
Giới chức Mỹ đưa ra các tuyên bố trên ngay sau khi Bộ Tài chính nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải thủy và 6 tàu của Nga với cáo buộc tham gia hoạt động chở xăng dầu tinh chế cho các tàu của Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công dân Nga, 1 công ty Nga, 1 công ty của Slovakia với lý do những cá nhân và công ty này đã giúp 1 công ty khác của Nga né tránh những biện pháp trừng phạt liên quan đến những hoạt động trên mạng mà Mỹ cho rằng “có hại”.
Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow không thấy có bất kỳ bằng chứng hay lý do gì để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này. Và rằng các cáo buộc nhằm vào Nga mà Mỹ đưa ra là “lừa dối”.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã hối thúc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ, ông Jeremy Hunt nêu rõ đề nghị của Anh về việc “yêu cầu các đồng minh đảm bảo các biện pháp trừng phạt đối với Nga là toàn diện và rằng các nước này cần thực sự “kề vai sát cánh” với Mỹ.
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Anh đã quá đề cao quan điểm của nước này và cố tình áp đặt các chính sách thù địch của London về Moscow đối với EU và Mỹ: “Về bản chất, các đồng nghiệp Anh của chúng tôi có một quan điểm tự đề cao bản thân. Một quốc gia sắp rời khỏi Liên minh châu Âu, lại háo hức áp đặt chính sách đối ngoại của mình cho Khối Liên minh này, thậm chí cả lên Mỹ đối với những chính sách về Nga”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Nga – Mỹ gia tăng như vậy, nhiều người dân “xứ cờ hoa” vẫn tin rằng việc cải thiện quan hệ với Nga quan trọng hơn các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại nước này.
Theo kết quả thăm dò mới đây do hãng Gallup tiến hành và công bố trong ngày hôm nay (22/8), có tới 58% số người Mỹ được hỏi mong muốn chính quyền sẽ cải thiện quan hệ với Nga thông qua các biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, chỉ có 36% số người được hỏi tin vào sức nặng của các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế cứng rắn./.
Theo Đình Nam/VOV1 Tổng hợp
Nguy cơ bùng nổ xung đột Nga - Mỹ từ chảo lửa Syria
Căng thẳng giữa Mỹ và Nga liên quan tới những diễn biến gần đây tại "chảo lửa" Syria đang đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra đối đầu trực diện, thậm chí là cuộc chiến quân sự, giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Đức năm 2017 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Donald Trump ngày 9/4 tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra quyết định về biện pháp đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta, Syria trong vòng 24-48 giờ. Chính quyền Trump cho rằng lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga đã gây ra vụ tấn công khiến ít nhất 70 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trong khi Moscow và Damascus bác bỏ mọi cáo buộc, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ hành động cứng rắn, thậm chí không loại trừ phương án tấn công quân sự nhằm vào Syria.
"Nếu đó là Nga, nếu đó là Syria, nếu đó là Iran, nếu đó là cả 3 nước này hợp lại, chúng ta cũng sẽ giải quyết", Tổng thống Trump cảnh báo.
Khi được hỏi liệu Nga có phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Syria hay không, ông Trump nói: "Ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) có thể phải chịu trách nhiệm. Và nếu ông ấy thực sự làm vậy, biện pháp đối với ông ấy sẽ rất cứng rắn. Tất cả mọi người đều phải trả giá. Ông ấy (Putin) cũng phải trả giá".
Nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ
Những tiếng nói "diều hâu" nhất tại Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Trump phát lệnh can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Mỹ bây giờ là có quá nhiều lực lượng quân sự của các nước đang tham chiến ở cự ly rất gần nhau tại "chảo lửa" Syria, bao gồm cả lực lượng Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc, trừ khi Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đương đầu với Nga trong một cuộc xung đột vốn rất dễ vượt khỏi tầm kiểm soát, còn không các lực lượng quân sự của Mỹ phải rất cẩn thận nếu không muốn gây bất kỳ thương vong nào cho các lực lượng Nga tại chiến trường Syria.
Nga từng tuyên bố rằng nước này sẽ có biện pháp đáp trả nếu lực lượng quân sự của họ bị tấn công. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định "việc núp dưới những cái cớ bịa đặt và giả tạo để can thiệp quân sự vào Syria, nơi các lực lượng Nga được triển khai theo đề nghị của chính phủ hợp pháp, là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được và có thể dẫn tới những hậu quả khủng khiếp".
Phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump sau khoảng thời gian 24-48 giờ như ông tuyên bố, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa hai cường quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Cuộc đối đầu này có thể dẫn tới một thảm họa thực sự là cuộc chiến nảy lửa giữa Nga và Mỹ, hoặc có thể trở thành một bài học kinh nghiệm cho các bên để tránh xảy ra các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng quân sự Nga, Tướng Valery Gerasimov, từng nói "nếu mạng sống của các sĩ quan Nga bị đe dọa, lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ đáp trả" và mục tiêu đáp trả chính là các hệ thống phóng tên lửa và tên lửa.
Theo giới phân tích, nếu các lực lượng quân sự của Nga bị tổn thương trong các cuộc không kích do Mỹ và đồng minh tiến hành, Moscow sẽ đáp trả bằng vũ lực.
"Nếu các lực lượng Nga bị tấn công, chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh", Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cấp cao Moscow nói với National Interest.
Mỹ - Nga sẽ đối đầu ra sao?
Hệ thống phòng không S-400 uy lực của Nga (Ảnh: Sputnik)
Hiện chưa rõ ý định của chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm gì nếu quyết định tấn công quân sự Syria, song một "lằn ranh" mà Washington phải vô cùng cẩn trọng đó là tránh tấn công các lực lượng của Nga.
"Tôi chắc chắn rằng (Mỹ) sẽ phải rất cẩn trọng để tấn công chính xác các mục tiêu. Có rất nhiều cách để có thể tấn công chính xác mục tiêu, bao gồm phóng tên lửa hành trình từ trên không hoặc trên biển hay triển khai máy bay chiến đấu xâm nhập (Syria)", Mark Gunzinger, cựu phi công lái máy bay B-52 của Không quân Mỹ, cho biết.
Mỹ có thể sử dụng các vũ khí tấn công tầm xa được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác như các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk của Hải quân hay tên lửa hành trình AGM-86C được trang bị trên máy bay B-52 của Không quân để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria nhằm giảm bớt nguy cơ cho các phi công trước mối đe dọa từ các tên lửa đất đối không.
Hơn nữa, do tên lửa hành trình bay ở tầm cực thấp và bám theo địa hình để tránh "tầm mắt" của radar mặt đất nên ngay cả những hệ thống phòng không uy lực được Nga triển khai tại Syria như S-400 hay S-300V4 cũng khó có thể phát hiện các tên lửa đang bay tới, trừ khi chúng bị tấn công trực tiếp.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng các máy bay tàng hình như B-2 Spirit của Northrop Grumman và F-22 Raptor của Lockheed Martin để tấn công các mục tiêu tại Syria. Mặc dù Nga có khả năng phát hiện các máy bay tàng hình của Mỹ, song Moscow được cho là chưa đủ năng lực để đánh chặn các máy bay này bằng các hệ thống phòng không. Trong khi đó, lợi thế của các máy bay tàng hình này là được trang bị những cảm biến có độ phân giải cao và mang theo nhiều loại vũ khí.
Các chuyên gia cho rằng các lực lượng quân sự Nga đủ khả năng tấn công đáp trả các căn cứ của Mỹ và đồng minh, không chỉ ở Trung Đông mà còn trên cả châu Âu. Các vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa như các tên lửa hành trình Kalibr được trang bị trên tàu nổi và tàu ngầm, hay tên lửa hành trình phóng từ trên không X-101 được trang bị trên các máy bay ném bom chiến lược như Tupolev Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack, là những vũ khí có thể giúp Nga đẩy lùi các cuộc tấn công của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi mâu thuẫn giữa các cường quốc hạt nhân nổ ra là cuộc xung đột này chắc chắn sẽ leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát, từ đó dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực. Chuyên gia Kashin nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ rất có thể bị mất kiểm soát như vậy.
Thành Đạt
Theo Dantri
Trump ra quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga như thế nào? Sau khi được các phụ tá tư vấn ba cách để trừng phạt Nga, Trump đã chọn phương án có cấp độ trung bình. Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: AFP. Mỹ ngày 25/3 ra lệnh trục xuất 60 người bị cho là nhân viên tình báo Nga làm việc tại Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao. Trong những ngày trước khi Trump ra...