Càng “nghiện” net, bạn trẻ càng học lùi
Một cuộc nghiên cứu của trường đại học Ohio, Mỹ vừa chỉ ra rằng những học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook dành ít thời gian hơn cho việc học và nhận điểm số thấp hơn so với những người không bận rộn với việc kết nối bạn bè trên mạng.
Thành viên mạng xã hội và game thủ có điểm số thấp hơn
Cuộc nghiên cứu với 219 sinh viên cho thấy những thành viên mạng xã hội Facebook có điểm tổng kết trung bình (GPA) từ 3 đến 3,5, còn những sinh viên không dùng Facebook thì có điểm GPA từ 3,5 đến 4.
Tại Singapore, một cuộc khảo sát do tờ Straits Times thực hiện trên 653 thanh thiếu niên cũng cho thấy những người thừa nhận bị “nghiện” các trò game máy tính nói chung có kết quả học tập tồi tệ hơn những người không “nghiện”.
Cuộc thăm dò của công ty giải trí trực tuyến Sulake với các bạn trẻ từ 12 đến 18 tuổi trên website dành cho giới trẻ Habbo Hotel cũng cho kết quả tương tự. Trong số những người không “nghiện” net, 59% nói họ hầu như đều nhận được điểm A và B cho các bài thi, chỉ 6% thường nhận điểm C, D và thấp hơn. Còn đối với những người “nghiện” net, chỉ có 50% số này nhận được điểm A và B, có đến 14% thường nhận điểm C, D và thấp hơn.
Video đang HOT
Trong cả hai cuộc nghiên cứu trên, những người trẻ có điểm số kém hơn chỉ dành 5 giờ mỗi tuần cho việc học tập, nhưng lại dành tới 15 giờ mỗi tuần trên Facebook và 20 giờ “nghiền” các trò chơi máy tính như World of Warcraft, MapleStory và Counter-Strike. Cứ 5 game thủ tuổi teen thì có 1 người chơi tới hơn 40 giờ mỗi tuần.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Không chỉ ảnh hưởng đến điểm số
Một khi các bạn trẻ quá sa đà vào thế giới trực tuyến, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, ông Poh Yeang Cherng, quản lý của hãng dịch vụ mạng Touch Cyber Wellness & Sports nói: “Việc lạm dụng quá mức các trang mạng xã hội thường trở thành vấn đề đáng lo ngại khi mà nhiều lĩnh vực hàng ngày của học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng”.
Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, hãng Touch tư vấn cho 45 trường hợp nghiện mạng xã hội.
Joyz Tan, một nhân viên xã hội cao cấp tại dự án 180 của Fei Yue Community Services đã tiếp nhận trung bình 7 trường hợp mỗi tháng. Bà Tan cho biết đối với các trường hợp “nghiện” net nghiêm trọng, học sinh có thể trốn học bởi cậu ta không thể thức dậy để đến trường trong ngày hôm sau.
“Nếu họ thấy việc trốn học không có vấn đề gì, họ sẽ tăng dần số lần trốn học và cuối cùng là bỏ học”, bà Tan nói.
Ngoài việc tiêu tốn quá nhiều thời gian “nghiền” net, khả năng hoạt động bình thường của giới trẻ cũng mất đi sau khi tắt máy tính và họ không còn kiểm soát được cuộc sống của mình, phó giáo sư Paulin Straughan, một nhà xã hội học tại trường đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Jerry Lam, một học sinh lớp 6 chỉ được bố mẹ cho phép chơi Counter-Strike một giờ mỗi ngày. Nhưng cậu học sinh 12 tuổi của trường tiểu học Compassvale thú nhận cậu bị nghiện game này và không thể ngừng nghĩ về nó.
“Cháu không thể tập trung vào việc học của mình được. Tất cả những gì cháu nghĩ là về các bản đồ của trò chơi, các loại vũ khí và đối thủ của cháu trong game”, Jerry Lam nói.
Theo tiến sĩ Daniel Fung, người đứng đầu khoa tâm thần học thanh niên và trẻ em tại Viện sức khỏe tâm thần, để xác định thế nào là một đứa trẻ bị nghiện net, người ta phải nhìn vào việc trò chơi đó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng như thế nào. Ví dụ như xét xem trẻ có các vấn đề với việc học hay với việc giao tiếp với mọi người hay không.
Cuộc khảo sát của Straits Times cho thấy chứng bệnh nghiện game có khả năng làm tổn thương mối quan hệ của trẻ với cha mẹ và anh chị em của chúng. Phân nửa trong số đó đối đầu với người thân để được sử dụng máy tính.
Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tức giận hoặc thất vọng sau khi thua trong một trò chơi. Cứ 10 người thì có 7 người trút sự bực bội lên bản thân hoặc người thân của họ.
Vậy làm cách nào để giải quyết thực trạng đáng lo ngại này ở giới trẻ? Cả ông Poh và giáo sư Straughan đều đồng ý quan điểm các bậc phụ huynh nên chơi game với con em họ để hiểu cả trò chơi lẫn bọn trẻ được tốt hơn.
Phó giáo sư Michael Netzley tại trường đại học Quản lý Singapore kêu gọi các bậc phụ huynh và các giáo viên cần tạo cho giới trẻ tính kỷ luật và chuyên nghiệp cần có trong việc sử dụng công cụ mạng xã hội. Theo ông Michael Netzley, giáo viên và phụ huynh cần phải giúp học sinh sinh viên hiểu làm thế nào để sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.