Càng lên lớp cao, càng ít môn học
Theo xu hướng chung của các nước, các trường không cần phải dạy quá nhiều môn để tạo điều kiện cho học sinh phát huy tư duy, khả năng sáng tạo.
Tại cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong tuần qua về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – Bộ GD-ĐT – đề xuất việc dạy học tích hợp bởi đây là xu hướng tất yếu.
Thêm vào nhưng để bớt đi
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện nhóm nghiên cứu, cho hay: “Tích hợp là một quan điểm cơ bản trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa, tổ chức nội dung dạy học của nhiều nước, đặc biệt ở bậc tiểu học và THCS”. Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, ở tiểu học, tích hợp trong bộ môn toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng 2 môn học mới ở lớp 4, 5, gồm khoa học và công nghệ (trên cơ sở môn khoa học và kỹ thuật trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội (trên cơ sở môn lịch sử và địa lý các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).
Bậc THCS thêm 2 môn học mới là khoa học tự nhiên (trên cơ sở môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (trên cơ sở các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành và một số vấn đề xã hội). Hai môn học này được xây dựng theo mô hình cơ bản đảm bảo tính logic hệ thống của các phân môn, nội dung chương trình các phân môn có sự hỗ trợ cho nhau và tránh trùng lắp, có những chủ đề liên kết giữa các phân môn… Học sinh bậc THPT cũng học theo hướng tích hợp và lồng ghép.
Về lộ trình triển khai, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tích cực chuẩn bị các môn học mới, cứ sau vài năm có thể thêm một số môn. Dự kiến tới năm 2025 về cơ bản có các môn tự chọn tương đương các nước.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho hay, các môn học mới xây dựng trên quan điểm tích hợp như đề xuất đã tổ chức xin ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên ở Hà Nội, TP.HCM, TP.Cần Thơ và tỉnh Nam Định. Các ý kiến đều thống nhất phương án tích hợp này không gây ra sự xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề về phương pháp dạy; không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Video đang HOT
Theo kế hoạch, sau năm 2015, số môn học của học sinh lớp 12 chỉ còn 7 môn bắt buộc và tự chọn so với hiện nay là 13 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giảm bắt buộc, tăng tự chọn
Nhóm nghiên cứu đề xuất phân bổ các môn học trong 3 năm THPT như sau: Lớp 10 là giai đoạn để học sinh bước đầu định hướng nghề nghiệp sau này, có 11 môn học bắt buộc, chương trình ở mức cơ bản; đồng thời học sinh sẽ chọn các môn/chủ đề có nội dung ứng dụng kiến thức môn học và thực tiễn hoặc nghề.
Các năm lớp 11, 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Số môn học sẽ không quá nhiều như hiện nay nhưng học sâu hơn. Nhóm nghiên cứu đề nghị có 4 môn bắt buộc là: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 (từ môn ngoại ngữ 2 trở đi là môn tự chọn), giáo dục công dân. Đồng thời, học sinh sẽ phải chọn 3 môn trong danh mục các môn sau: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, môi trường, công nghệ, kinh doanh, nghề (liên quan đến các nghề ở địa phương)… và chọn thêm các chủ đề gắn với định hướng nghề nghiệp, ứng với các môn tự chọn và bắt buộc. Như vậy, học sinh sẽ học 7 môn (4 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn) và một số chủ đề. Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, giáo dục công dân là môn bắt buộc nhằm trang bị những yếu tố nền tảng về đạo đức, phẩm chất không thể thiếu đối với mỗi công dân tương lai.
Xét trên tổng thể cả 3 cấp học, số môn học bắt buộc giảm dần và các môn/hoạt động tự chọn tăng lên. Các trường sẽ tổ chức thí điểm dạy học tự chọn, có thể làm theo cách của một số nước theo hình thức “vết dầu loang”. Trong vài năm đầu các trường có đầy đủ các điều kiện về giáo viên, khả năng quản lý sẽ đăng ký tham gia dạy học tự chọn. Sau đó, mô hình này sẽ mở rộng dần, sau khoảng 5 – 6 năm sẽ phủ hết tất cả trường THPT.
Theo thanh niên
Rập khuôn là... giỏi! - Kỳ 3: Thụ động trước cuộc sống
Thói quen làm theo mẫu từ những bậc học đầu tiên trong đời sẽ khiến học sinh thui chột khả năng sáng tạo, lúng túng trước những tình huống ngoài khuôn mẫu.
Chưa kịp yêu đã chán
Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: "Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em".
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong một tiết học môn văn theo hướng không đọc chép, HS tự tổ chức và làm chủ giờ học - Ảnh: Minh Luân
Ông Tiến cho biết, có lần ông dự chuyên đề về tập làm văn ở một trường tiểu học, bài văn tả con đường đến trường. Có học sinh (HS) tả: "Nhà em ở ngay sau trường nên ngày nào em cũng trèo tường đến trường cho nhanh". Cô giáo cho rằng tả như thế là không được. Thế nhưng theo ông Tiến, trước hết phải tôn trọng sự thật và tôn trọng sự trong sáng của học trò. Nhiệm vụ của giáo viên là làm thế nào để HS biết đưa nhiều chi tiết để bài làm chân thực, sinh động hơn. Còn việc có nên trèo tường để vào trường hay không thì giáo viên sẽ nói chuyện với HS đó ở một khía cạnh khác.
PGS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/sai, có những tiêu chí khoa học. Tuy nhiên, theo ông Thống, do dạy văn là dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, không thể dùng văn mẫu để yêu cầu HS cảm thụ đúng hướng... Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích HS đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lý, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.
Nhà giáo Đặng Đình Đại, người có thâm niên mấy chục năm dạy văn ở bậc THPT cho rằng, hậu quả của việc học thuộc lòng theo văn mẫu rất nặng nề. Chấm thi tốt nghiệp THPT, ĐH sẽ thấy rõ nhất điều này. Nhiều bài văn giống nhau dù không ngồi cùng một phòng thi hay một hội đồng thi. Ấy là do các em được học thuộc văn mẫu để đi thi.
Ông Đại cho biết, kết quả của văn mẫu ở cấp học dưới khiến cho nhiều HS lên lớp 10, khi gặp đề đòi hỏi sáng tạo một chút là kêu khó và lúng túng không làm bài được. Làm văn theo mẫu từ khi bắt đầu học tập làm văn đã khiến HS chưa kịp yêu môn văn đã chán môn học này.
Làm hỏng tư duy diễn đạt, thuyết trình
Thói quen làm theo văn mẫu khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo của các em bị mai một dần, thói quen đọc sách cũng không được hình thành vì nó không trở thành nhu cầu tự thân nữa. Ngày nay học văn nhưng HS không cần đọc tác phẩm mà chỉ học theo văn mẫu để làm bài. "Văn hóa đọc của giới trẻ mà chúng ta vẫn lo ngại cũng xuất phát từ điều này" - ông Đại nói.
Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở việc học và dạy môn văn, HS có yêu thích môn này hay không... mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống của HS khi bước ra ngoài cuộc sống. Ông Đại cho biết, nhiều HS ra trường với kết quả học tập có thể rất cao nhưng lại "lơ ngơ" và thụ động trước mọi thứ. Cứ gặp tình huống không nằm trong khuôn mẫu là lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào.
Một cán bộ của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng xin việc, nhiều bạn trẻ không đương đầu nổi với các câu hỏi đòi tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình. Trong khi đó, để tìm cho mình những ứng viên thông minh, có tố chất và khả năng sáng tạo cao trong công việc, nhà tuyển dụng thường phỏng vấn những câu hỏi "kỳ lạ" để kiểm tra phản ứng, triết lý, tư duy riêng của ứng viên.
Mất dần cảm xúc
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng điều đáng lo ngại đặc biệt là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em. Bà Dương Thị Mai Hương, cũng giáo viên trường này so sánh: "Nếu dạy theo kiểu đọc chép thì thầy là "máy dạy" và trò là "máy học". Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột tài năng của người dạy. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái "máy dạy" văn".
Theo nhiều nhà chuyên môn, dạy văn là dạy cho HS biết cách ăn nói, miêu tả, dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa dạy cho HS biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. "Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bày sẵn?", một giáo viên suy tư.
Theo thanh niên
Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam: Tụt hạng Trong thời gian từ năm 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế ở Mỹ, tức mỗi năm trung bình có 2 bằng sáng chế. Có năm Việt Nam không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Tụt hạng cả 3 tiêu chí GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc) cho...