Canada rút khỏi nghị định thư Kyoto
Canada sẽ chính thức rút khỏi nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu và trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi nghị định này.
Một nhà hoạt động của Anh trong cuộc biểu tình phản đối thay đổi khí hậu ở Durban, Nam Phi.
Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent cho hay nghị định thư “không đại diện cho một con đường đi lên của Canada” và nước này có thể đối mặt với những khoản tiền phạt lớn nếu không đáp ứng các mục tiêu.
Động thái trên, vốn là hợp pháp và đã được dự đoán từ trước, biến Canada trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi nghị định toàn cầu.
Nghị định thư được thông qua tại Kyoto, Nhật Bản năm 1997 nhằm chống lại sự ấm lên của khí hậu toàn cầu.
Video đang HOT
Theo Bộ trưởng Kent, chi phí để đáp ứng các nghĩa vụ của Canada theo nghị định thư Kyoto có thể tiêu tốn của nước này 13,6 tỷ USD.
“Số tiền đó tương đương 1.600USD từ mỗi gia đình Canada – đó là chi phí mà người Canada phải trả cho nghị định thư Kyoto”, ông Kent nói.
Ông Kent nói thêm rằng bấp chấp chi phí trên, lượng khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên khi 2 quốc gia thải ra nhiều khí CO2 nhất trên thế giới – Mỹ và Trung Quốc – không tham gia thoả thuận Kyoto.
Tuyên bố của ông Kent diễn ra chỉ ít giờ sau khi một thoả thuận vào phút chót về biến đổi khí hậu được thông qua tại Durban, Nam Phi.
Chính phủ Tự do trước đây đã ký kết nghị định thư Kyoto nhưng chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper không bao giờ thừa nhận nó.
4 năm trước, Canada đã tuyên bố không có ý định đáp ứng các cam kết của nước này đối với nghị định thư Kyoto và lượng khí thải hàng năm của Canada đã tăng lên khoảng 1/3 kể từ năm 1990.
Theo Dân Trí
Liên Hiệp Quốc nối lại đàm phán khí hậu
Đại diện môi trường các nước thuộc Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán môi trường vào ngày 1-10 tại Panama với hi vọng đạt được bước tiến trong nội dung quan trọng nhất là kéo dài nghị định thư Kyoto.
Trẻ em tham gia sự kiện thả diều nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ở Sydney, Úc ngày 24-9 - Ảnh: AFP
Theo AFP, các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài đến ngày 7-10 không hi vọng sẽ có được tuyên bố chắc chắn nào, song các quan chức vẫn cần đạt được các bước tiến cần thiết cho hội nghị chính thức sắp tới. Nghị định thư Kyoto, nhằm buộc các nước giàu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ hết hạn vào cuối năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thay thế nào được thống nhất.
Các nước đang phát triển và thải nhiều khí thải nhất như Trung Quốc và Ấn Độ vốn không chịu ràng buộc bởi nghị định thư Kyoto, muốn kéo dài nghị định thư này và buộc các nước giàu siết chặt việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, khẳng định để công bằng, một thỏa thuận mới cần bao gồm những nước thải nhiều khí thải.
Tại hội nghị, Úc và Na Uy đề nghị một kế hoạch nhằm giải cứu môi trường thế giới, trong đó buộc tất cả các nước đều phải tham gia, nhưng lại mất đến bốn năm để trở thành hiện thực. Theo đó, việc xem xét, đánh giá các báo cáo môi trường ở mỗi nước sẽ kéo dài đến năm 2014 nhằm ước tính các bước cắt giảm khí thải dành cho các nước giàu và nghèo.
Một thỏa thuận sẽ được tất cả các nước nhất trí vào năm 2015 và chính thức được áp dụng vào năm 2018. "Đây là con đường tiến duy nhất, ngoài ra không còn cách nào khác ngoài thất bại" - Reuters dẫn lời một quan chức tham gia đàm phán tại Liên Hiệp Quốc nhận định.
Dù diễn ra trong bối cảnh thế giới đang loay hoay về các vấn đề kinh tế, song vòng đàm phán môi trường vẫn gây sự chú ý bởi một lần nữa sự bất đồng giữa các nước về giải pháp nhằm cắt giảm khí thải có nguy cơ biến thành cuộc chiến giữa các nước giàu và nghèo.
Nó sẽ quyết định hội nghị tại Durban, Nam Phi vào ngày 28-11, sẽ là cơ hội hay mồ chôn cho nghị định thư Kyoto.
Theo Tuổi Trẻ