Cần xử lý nghiêm những YouTuber tung tin sai sự thật vụ án liên quan tới bà Nguyễn Phương Hằng
Ngày 30/10/2022, một loạt YouTuber tự nhận là những người ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, hiện bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”) đã có những clip lives tream chia sẻ nội dung bà Hằng được tại ngoại.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, hiện bà Nguyễn Phương Hằng vẫn đang bị tạm giam để tiếp tục điều tra. Vì thế, việc những YouTuber này tung tin thất thiệt đã gây rối loạn không gian mạng, rất cần được xử lý nghiêm.
Drama vẫn chưa kết thúc
Những tưởng, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt thì drama do chính bà tạo ra sẽ kết thúc, cư dân mạng sẽ được hưởng không khí “yên bình”,nhưng không, các YouTuber trước đó ủng hộ bà Hằng tiếp tục drama còn dang dở của bà ta. Trong các cuộc livestream của họ, bà Hằng vẫn là nhân vật chính được nhắc đến, như một cách để họ nuôi sự kiện, nhằm lôi kéo sự quan tâm của một bộ phận cư dân mạng ủng hộ bà Hằng. Đa số những YouTuber này đều hành nghề bán hàng online, thế nên việc câu kéo người theo dõi, câu view, câu like luôn được các đối tượng lợi dụng triệt để. Họ không từ thủ đoạn nào, từ việc lôi các YouTuber khác ra đấu đá, chửi bới, lăng mạ (dù trước đó chung một chiến tuyến), đến việc lợi dụng việc con trai bà Hằng mới đây có đơn gửi cơ quan tố tụng đề nghị được đặt 10 tỷ đồng nhằm đảm bảo, thay thế biện pháp tạm giam cho mẹ được tại ngoại, để tung tin thất thiệt rằng bà Hằng đã được trở về.
Các kênh YouTuber đưa thông tin thất thiệt cho rằng bà Hằng được tại ngoại.
Tính đến nay, bà Hằng đã bị tạm giam 7 tháng, nhưng cũng từ đó đến nay, không gian mạng vẫn tràn ngập các thông tin liên quan đến bà này, kéo theo hai luồng dư luận ồn ào đến từ hai phía, một bên bảo vệ bà Hằng hay còn gọi là “chính nghĩa” và một bên ở phía đối lập, còn được gọi là “lươn”.
Trước đó, một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin con trai bà Hằng gửi đơn xin cho mẹ mình được tại ngoại. Bám theo sự kiện này, một loạt YouTuber như Long Vlog, Chinh Le và các YouTuber trong nước như Hùng râu (chủ kênh Vua Trầm), Ngô Thanh Long (chủ kênh Long Ngô)… đã có clip chia sẻ sự kiện bà Hằng được tại ngoại, kéo theo những bình luận của phe “chính nghĩa” gây rối loạn dư luận và ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan chức năng. Trong đó, nguy hiểm nhất là có luồng dư luận cho rằng, “bây giờ cứ có tiền là không bị tạm giam, cứ nộp tiền vào là được bảo lãnh tại ngoại” như trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng. Nhiều người thiếu hiểu biết cho rằng, bà Hằng đang thực hiện tuyên bố “lấy tiền che thân” mà trước khi bị bắt, trong một livestream, bà này đã cao giọng thách thức.
Cũng liên quan đến drama của bà Nguyễn Phương Hằng, trước đó, vào cuối tháng 3/2022, bà P.T.L, chủ một tài khoản Tiktok cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử lý vì có hành vi đăng tải, chia sẻ nhiều video clip có nội dung, thông tin sai sự thật, xuyên tạc hoạt động điều tra của cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, xúc phạm uy tín của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Bà L thú nhận, vì là fan hâm mộ bà Hằng nên đã đăng tải các video lên mạng xã hội nhằm ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng và lôi kéo nhiều người đăng kí kênh. Sau khi được giáo dục, bà L nhận thức rất rõ hành vi của mình và cam kết không tái phạm. Cũng không nằm ngoài drama này, ngay sau khi bà Hằng bị bắt một thời gian ngắn, một số YouTuber và Tiktoker đã tung tin thất thiệt như bà Hằng được chồng bảo lãnh cho tại ngoại, chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng và đã được thả về.
Video đang HOT
Một đối tượng được cho là rất tích cực trong việc xuyên tạc hoặc tham gia các buổi livestream có nội dung xuyên tạc, đó là Ngô Thanh Long (tức YouTuber “Long Ngô”). Ông Ngô Thanh Long từng xuất hiện trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và đã có hành vi “cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức”. Tại buổi livestream này, Ngô Thanh Long đã có lời lẽ xúc phạm báo chí. Kết cục cho hành vi này là ông Long đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.
Đáng nói, mặc dù đã từng bị xử phạt về những phát ngôn sai sự thật, nhưng ông Long cũng như nhiều YouTuber khác không từ bỏ drama “chị đại” để lại. Đình đám nhất trong những YouTuber bám vào drama của bà Nguyễn Phương Hằng phải kể đến Long Vlog và Chinh Le. Cư dân mạng trong ngày 30/10/2022 đã xôn xao trước thông tin nhóm này chia sẻ trong livestream với nội dung bà Hằng được tại ngoại: “Chị Hằng về, anh em YouTuber hội ngộ ăn mừng”. Tham gia buổi livestream, ngoài Long Vlog, Chinh Le, còn có một số đối tượng khác cũng thuộc biệt đội “chính nghĩa” như Nhidtvlog và Saly Huynh. Một đối tượng khác cũng tung tin thất thiệt về bà Hằng, đó là chủ kênh YouTube “Cuộc sống bốn phương”. Vì là tin hot, thế nên chỉ trong thời gian ngắn, những kênh YouTube này đã thu hút một lượng lớn người xem trực tiếp, để lại hàng nghìn bình luận vẫn là đến từ hai phía: “Chính nghĩa” và “lươn”, mà nội dung chủ yếu là chửi bới, xúc phạm danh dự lẫn nhau, biến không gian mạng thành một bãi rác khổng lồ.
Đánh đối thủ và… đánh nhau
Luôn tự nhận ở phe “chính nghĩa”, tôn trọng sự thật, là những người sống nghĩa khí, nhưng rốt cuộc thì những đối tượng là chủ các kênh YouTube kể trên trong thời gian qua đã có lối hành xử trên không gian mạng rất phản cảm, thiếu văn hóa.
Đầu tiên, phải kể đến YouTube Chinh Le. Người này trong thời gian bà Phương Hằng chưa bị bắt, đã thường xuyên có những buổi livestream chiến đấu với phe đối lập, mà đỉnh điểm là trong một buổi xuất hiện trên kênh của bà Phương Hằng, chủ nhân YouTube Chinh Le đã có những lời lẽ vu khống, xúc phạm ca sĩ Vy Oanh hết sức vô văn hóa và vô đạo đức. Cũng vì nội dung này mà ca sĩ Vy Oanh đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan công an, yêu cầu xử lý hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự cô của ông Lê Kim Chính, chủ nhân YouTube Chinh Le.
Ông Lê Kim Chính (kênh youTube “Chinh Le”) trong buổi livestream của bà Hằng với nội dung xúc phạm ca sỹ Vy Oanh.
Một YouTuber khác khiến bà Hằng cũng phải e ngại vài phần là Nguyễn Công Long, chủ kênh YouTube Long Vlog. Ngoài việc chửi bới, lăng mạ các YouTuber ở phía đối lập, Nguyễn Công Long còn có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm một số YouTuber cùng “chiến tuyến” hết sức phản cảm, bậy bạ. Trong một thời gian dài, các buổi livestream của những người như ông Chính, ông Long thu hút sự theo dõi của đông đảo người tham gia các nền tảng xã hội, tạo thành một thứ rác tràn ngập trên không gian mạng. Những hành động đó bị lên án rất nhiều, đến từ chính những người đã từng ủng hộ kênh YouTube của ông Long. Nhưng, ngược lại, vẫn có những “khán giả” ủng hộ ra mặt, tung hô lối hành xử vô đạo đức của chủ kênh YouTube này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện hai chủ nhân kênh Long Vlog và Chinh Le đều sinh sống ở nước ngoài và thỉnh thoảng có về Việt Nam. Nhiều người cho rằng, cũng có thể những người này ở nước ngoài nên mới có thể mạnh miệng xúc phạm người khác như vậy. Ngồi một chỗ và cào bàn phím chửi bới, lăng mạ người khác khi nào cũng dễ hơn việc phải đối mặt. Rất nhiều YouTuber ngày nay chọn cách này để gây sự chú ý nhằm tạo tương tác cho kênh của mình. Đôi khi, họ cũng gặp trạng thái ảo tưởng về chính mình, ảo tưởng quyền lực khi thấy mình nói đến đâu, “khán giả” tung hô đến đấy.
Cư dân mạng thì vốn hiếu kỳ và dân trí cũng không đồng đều, khi đã theo dõi kênh của ai và coi người đó là thần tượng, họ rất dễ bị dẫn dụ và bất cứ lời nào của thần tượng đối với họ cũng là chân lý. Thực tế đã xảy ra hiện tượng hâm mộ bà Nguyễn Phương Hằng. Hâm mộ đến mức mù quáng, sẵn sàng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật để chà đạp những người không cùng quan điểm với mình. Vì vậy, cơ quan pháp luật và cơ quan quản lý văn hóa cần có biện pháp mạnh để xử lý về các hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác của chủ nhân các kênh YouTube. Bởi chính những người này đã góp phần đổ thêm rác vào một núi rác trong không gian mạng vốn đã khổng lồ.
Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật,xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…
Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Việc bà Nguyễn Phương Hằng xin tại ngoại, luật quy định ra sao?
Chuyên gia luật nhấn mạnh các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, để có thể quyết định cho họ được tại ngoại hay không.
Như Thanh Niên thông tin, quá trình Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra bổ sung vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương), thì bị can này và gia đình có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM đề nghị xin được tại ngoại điều tra. Bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24.3.2022 đến nay.
Người dân tụ tập và livestream trước nhà bà Nguyễn Phương Hằng trong ngày bà (ảnh nhỏ) bị bắt tạm giam . LÊ NAM - T.L
Trong đơn xin, gia đình bị can nêu bà Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, gia đình muốn xin cho bị can được áp dụng các biện pháp khác thay thế tạm giam để ra ngoài điều trị bệnh.
Điều kiện nào để được tại ngoại?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi năm 2021) có những quy định về biện pháp thay thế tạm giam gồm: bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, bị cáo. Theo đó, bị can, bị cáo đang bị tạm giam nếu đủ điều kiện theo luật định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang các biện pháp trên (tức được tại ngoại - PV) để điều tra, truy tố, xét xử.
Chẳng hạn, đối với biện pháp bảo lãnh, quy định nêu cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh thì có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ; và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người.
Đối với biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Thông tư 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định là 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Thông tư 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC cũng nêu cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng trên, trong một số trường hợp đặc biệt: bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh...
Còn đối với trường hợp áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thay thế cho tạm giam, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho hay đây là biện pháp có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.
Khó được chấp thuận?
Dù luật có nêu điều kiện cụ thể từng trường hợp được áp dụng một trong các biện pháp thay thế tạm giam, nhưng luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tại điều 121 về bảo lãnh, điều 122 về đặt tiền để bảo đảm, điều 123 (bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi năm 2021) về cấm đi khỏi nơi cư trú cũng quy định rằng: "Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, để có thể quyết định cho họ được áp dụng hay không". Từ đó, luật sư Hoan cho hay việc bị can, bị cáo được áp dụng tại ngoại sẽ phụ thuộc vào quan điểm, ý chí của chính cơ quan tiến hành tố tụng, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Quay lại với vụ án Nguyễn Phương Hằng, luật sư Hoan nhận định: "Việc cơ quan tiến hành tố tụng cho bị can Hằng tại ngoại theo đề nghị của bị can và gia đình là khó. Bởi vụ án này còn liên quan đến có hay không vai trò đồng phạm của một số cá nhân khác và hiện cơ quan điều tra đang làm rõ".
"Nếu cho rằng việc bị can tại ngoại có thể làm ảnh hưởng quá trình đấu tranh làm rõ tội phạm cũng như để không bỏ lọt tội phạm, thì dù đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp bảo lãnh, đặt tiền bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú thay cho biện pháp tạm giam, cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn có thể tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng", luật sư Hoan phân tích.
Chùm ảnh: Công an phong toả khu vực nhà bà Hằng để khám xét Hàng trăm cảnh sát được huy động phong toả khu vực đường Nguyễn Thông kéo dài từ đường Điện Biên Phủ đến đường Hồ Xuân Hương. Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội lợi dụng...