Cần xóa nghịch lý điểm ưu tiên
Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… thì chính sách ưu tiên là cần thiết. Tuy nhiên, phải có điều chỉnh để bảo đảm sự công bằng
Thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Khi kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở từng địa phương, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh, thành đã có nhiều đổi khác nên khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn đang dần thu hẹp thì việc tính điểm ưu tiên khu vực cũng cần được xem xét lại.
Điểm chuẩn ĐH lên đến 30,5: Bất hợp lý
Về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30, tức là tổng điểm 3 bài thi (tính hệ số 1) nhưng kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017 chứng kiến có trường điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm. Điều này có nghĩa là trường đã cộng gộp điểm ưu tiên vào tổng điểm 3 bài thi để xác định điểm chuẩn.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh dưới 30 điểm nhưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn là 30,5.
“Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt ĐH. Đây là điều bất hợp lý” – TS Tùng nói.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cũng cho biết nguyên tắc xét tuyển là xem xét trước tiên điểm thi của 3 bài thi sau đó mới xem xét tiếp đến điểm ưu tiên. Điểm chuẩn 30,5 đương nhiên là ở đây thí sinh nào cũng đã được cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng). Việc xác định điểm chuẩn trên 30 là trực tiếp loại thẳng thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 (nếu có) nhưng không thuộc diện được hưởng điểm ưu tiên. Theo TS Lý, thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà không trúng tuyển thì phải xem lại chính sách.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng điều kiện học tập của học sinh ở những địa phương vốn được coi là khó khăn, nhiều hạn chế thì nay đã có sự đổi khác. Nhờ sự phổ biến của mạng internet, học sinh không chỉ học với giáo viên trên lớp mà còn có thể học qua mạng, học hỏi nhau qua các diễn đàn học tập. Vì vậy, khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn đã thu hẹp nhiều so với trước kia. Hơn nữa, kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm qua thí sinh được thi tại địa phương, thậm chí địa phương đóng vai trò chủ trì như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thì khó bảo đảm tính công bằng, nghiêm túc như kỳ thi ĐH trước đây.
Video đang HOT
Điểm ưu tiên, bao nhiêu là vừa?
Hiện tại, công thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cộng 0,5 điểm với khu vực II, 1 điểm với khu vực II nông thôn và 1,5 điểm với khu vực I. Mức cộng điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) không quá 3,5 điểm.
TS Trần Đình Lý cho rằng điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… còn có sự chênh lệch nên vẫn cần duy trì chính sách ưu tiên để bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, chính sách điểm ưu tiên như hiện nay đang tạo hiệu ứng ngược, cần phải điều chỉnh giảm ít nhất một nửa.
ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực là tạo điều kiện để học sinh ở những vùng này được học ĐH nhằm sau này trở về phục vụ địa phương. Nhưng thực tế, nhiều sinh viên ở những khu vực được hưởng ưu tiên đổ dồn về thành phố học và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này làm cho chính sách cộng điểm ưu tiên không còn nhiều giá trị. Nên chăng, thí sinh thuộc khu vực ưu tiên sẽ được cộng đầy đủ điểm ưu tiên nếu như học ĐH tại địa phương còn khi ra những trung tâm thành phố lớn học ĐH thì chấp nhận cuộc cạnh tranh bình đẳng, tránh tình trạng học sinh giỏi ở khu vực không được ưu tiên bị đánh bật khỏi những trường ĐH tốp đầu do chính sách cộng điểm ưu tiên quá nhiều.
2 phương án cho điểm ưu tiên
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng có 2 phương án cho vấn đề điểm ưu tiên. Phương án 1, với những trường vốn có điểm chuẩn cao như công an, quân đội, y dược thì trước tiên cần quan tâm đến điểm thi của thí sinh. Phải coi điểm thi thực tế là yếu tố quyết định, sau đó mới xét đến điểm ưu tiên của thí sinh (nếu có). Phương án 2 là giảm điểm ưu tiên. Cụ thể, hiện nay thí sinh khu vực II được cộng 0,5 điểm ưu tiên, khu vực II nông thôn được cộng 1 điểm và 1,5 điểm ưu tiên cho khu vực I thì nay giảm tương ứng chỉ còn được cộng ưu tiên 0,2 – 0,4 – 0,6 điểm. Theo vị này, trong 2 phương án thì phương án 1 ưu việt hơn.
Theo Phapluattp.vn
Thầy hiệu trưởng hiến đất xây trường
Ngôi trường ở vùng cao Quảng Nam thiếu đất xây dựng, thầy Nguyễn Khắc Điệp hiến đất với mong muốn những trẻ em Xê Đăng có điều kiện học tập.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp động viên học sinh tiêm văcxin bệnh bạch hầu. Ảnh: Đắc Thành.
Thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) hiến 600 m2 đất xây Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Cang - ngôi trường thầy từng công tác nhiều năm.
17 năm trước, thầy Điệp tốt nghiệp khoa Sử Đại học Đà Nẵng và lên huyện Nam Trà My - vùng đất nghèo khó, xa xôi nhất Quảng Nam công tác. Dạy ở trường THCS xã Trà Nam được bảy năm thì thầy chuyển đến trường THCS Trà Cang - nơi trẻ con dân tộc Xê Đăng học nhiều nhất huyện.
Ngày đó, khu đất quanh trường rộng chừng hai hécta được một người dân rao bán. Nghe tin, thầy bàn với vợ vay mượn gần 80 triệu đồng để mua. Hết giờ lên lớp, thầy lại ra mảnh đất trồng cây, dựng chuồng chăn nuôi lợn, dê, bò. Đến năm 2015, thầy Điệp được điều động về trường Trà Mai, trung tâm huyện Nam Trà My công tác. Ông giao lại mảnh đất cho người thân tiếp tục chăn nuôi.
Đầu năm 2017, trường Trà Cang nằm trong trong lộ trình lên chuẩn quốc gia, tuy nhiên diện tích không đảm bảo xây khu làm việc, nhà công vụ. Nam Trà My lại là huyện nghèo nhất nước, ngân sách hạn hẹp nên việc đền bù giải tỏa gặp khó.
Phía huyện đặt vấn đề hiến đất, vợ chồng thầy Điệp đồng ý. "Để có trường cho bọn trẻ, tôi nói với huyện cần bao nhiêu cứ lấy, không ngại gì", ông Điệp kể và cho hay hiện huyện cần 600 m2 xây dựng, nhưng nếu lấy hết ông sẽ cho không.
Khu đất thầy Điệp hiến 600 m2 xây dựng Trường trung học cơ sở Trà Cang. Ảnh: Đắc Thành.
Theo thầy Điệp, ở vùng cao việc xây dựng công trình rất tốn kém, dùng ngân sách đền bù đất sẽ chồng thêm khó khăn. Làm trong ngành giáo dục nhiều năm, ông hiểu được việc này nên rất muốn khó khăn với chính quyền.
"Việc hiến đất để học sinh có chỗ học đàng hoàng, đồng nghiệp mình có thêm điều kiện cống hiến thì đáng lắm. Lâu nay tôi ao ước có được ngôi trường đầy đủ phòng học, ăn ở nên hiến chừng ấy đất chỉ là phần nhỏ", thầy Điệp bày tỏ.
Thầy giáo của nhiều sáng kiến
Đến tầm trưa, bữa ăn học sinh bán trú trường Trà Mai bày sẵn, như bao ngày thầy hiệu trưởng xuống nhà ăn kiểm tra chất lượng. Ở vùng cao, trẻ con đến trường không phải chuyện dễ. Chúng đến lớp vài bữa lại nghỉ học theo cha mẹ lên nương rẫy. Các em đến trường được hưởng chế độ miễn học phí, mỗi tháng được nhận hỗ trợ tương đương 40% mức lương cơ sở để trang trải việc học.
Theo thầy Điệp, quan trọng nhất là chất lượng bữa ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho tuổi ăn tuổi lớn. Với định mức như vậy, hiệu trưởng các trường phải tính toán để mỗi học trò sau khi ăn uống hàng tháng vẫn còn dư ra một khoản dùng mua sách vở, áo quần và đồ dùng sinh hoạt bán trú.
Thầy Điệp đã nghĩ ra phiên "đấu giá suất ăn" cho học sinh được nhiều đồng nghiệp làm công tác quản lý ở các ngôi trường miền núi học tập. Đầu năm học, Ban giám hiệu sẽ có thông báo gửi các đơn vị cung cấp thực phẩm về phiên đấu giá chọn ai đảm bảo số lượng, chất lượng với giá thấp nhất sẽ trúng thầu.
Đến bữa ăn, thầy Điệp xuống kiểm tra thức ăn của học sinh bán trú. Ảnh: Đắc Thành.
"Các đơn vị cung cấp thức ăn sẽ ghi báo giá bỏ vào thùng. Ban giám hiệu nhà trường sẽ mở phiên, mời họ tới, thông báo công khai. Với thực đơn như nhà trường yêu cầu, đơn vị nào có giá tốt nhất sẽ được chọn", thầy Điệp và nói cách làm này học sinh có được bữa ăn rẻ nhưng chất lượng đảm bảo.
Dạo quanh khuôn viên trường, thầy Điệp bộc bạch, ngôi trường Trà Mai thuộc diện khang trang nhất huyện. Tuy nhiên, vì vẫn đang còn thiếu thốn, thầy Điệp thông qua mạng xã hội và mối quan hệ kêu gọi giúp đỡ. Vào dịp nghỉ hè, thầy đi đến các tỉnh, thành phố tìm các nhà hảo tâm nhờ hỗ trợ, rồi chạy xe máy chở từng bao áo quần về trường phát cho học sinh.
"Một tổ chức nước ngoài tài trợ 200 triệu đồng để xây thư viện rộng 60 m2. Sách sẽ đi xin và học sinh khóa trước tự nguyện để lại sách vở, tài liệu cho các em khóa sau có hoàn cảnh khó khăn", thầy Điệp .
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My cho hay, trước thầy Điệp làm hiệu trưởng ở trường Trà Cang, đảm nhận công việc rất tốt. Việc hiến đất thể hiện được sự quan tâm của người thầy đến công tác giáo dục của địa phương. "Kinh phí hiến đất dành đầu tư vào xây dựng trường trang khang, đẹp hơn cho học sinh", ông Thuận nói.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, đánh giá thầy Nguyễn Khắc Điệp có tinh thần tuyệt vời, rất xứng đáng được khen thưởng.
Theo VNE
Bà nội lên thành phố thăm chắt ngoại, còn gói đồ thừa về nên mẹ chồng coi thường... Vài năm sau nhớ về bà nội tôi không khỏi rơi nước mắt, bà nội cả đời cực khổ nuôi dưỡng cả 5 người con khôn lớn trong đó có cha tôi. Tôi là cháu gái út trong gia đình lại cộng thêm cha tôi bị tật nguyền, mẹ tôi bỏ tôi đi nên bà nội là càng yêu thương tôi. ảnh minh...