Cần xét xử lưu động những vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng
Đó là ý kiến của không ít chuyên gia pháp lý khi bàn về thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay. Bởi muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chỉ rõ cho họ thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý rất nặng nề.
Lỗi vô ý nhưng hậu quả khôn lường
Cuối tháng 4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên sơ thẩm và tuyên phạt mức án nghiêm khắc đối với một lái xe ôtô gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn huyện Phúc Thọ đầu năm 2015. Với nhận định hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng và hành vi của bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202, Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Điện 8 năm tù giam. Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn buộc lái xe gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại cho hàng loạt nạn nhân với số tiền rất lớn.
Hậu quả pháp lý mà lái xe ôtô nêu trên phải gánh chịu là do vụ TNGT anh ta gây ra vào trưa 30-3-2015. Khi ấy, Nguyễn Văn Điện (SN 1984), trú ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định điều khiển xe ôtô mang BKS: 88C-042.04 (loại xe ôtô chuyên kéo xe hỏng) lưu thông trên Quốc lộ 32, theo hướng thị xã Sơn Tây – nội thành Hà Nội. Phía sau xe ôtô do Điện điều khiển thời điểm đó kéo thêm chiếc máy bơm bê tông, nặng 5 tấn.
Đến km 31 100, giữa lúc xe ôtô do bị cáo lái chạy với tốc độ khoảng 50km/h thì chiếc máy bơm bê tông phía sau bất ngờ bị gãy đứt mối hàn thanh kéo. Tức thì cả một khối hợp kim nặng 5 tấn lao sang phần đường bên trái và đâm vào chiếc ôtô 16 chỗ ngồi do anh Đường Văn Hòa (SN 1979), trú ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển theo hướng ngược lại.
Cú đâm làm xe ôtô 16 chỗ ngồi bị xé toác thành và thân xe, đồng thời xoay ngược chiều kim đồng hồ. Cùng thời điểm, chiếc ôtô 29 chỗ ngồi, do anh Hồ Ngọc Tài (SN 1962), ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ điều khiển đi phía sau xe ôtô 16 chỗ ngồi cũng lao tới và tiếp tục va chạm với xe ôtô vừa gặp nạn. Hậu quả của vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này đã khiến 5 người ngồi trên xe ôtô 16 chỗ ngồi tử nạn và 4 người khác bị trọng thương.
Ngoài ra, vụ tai nạn còn khiến xe ôtô của anh Hòa bị nát bươm… Quá trình xét xử, Nguyễn Văn Điện khai nhận mặc dù biết rõ xe ôtô cứu hộ mà bị cáo điều khiển không được phép kéo theo máy bơm tê tông phía sau và lưu thông trên đường bộ nhưng vẫn cố tình thực hiện, đơn giản chỉ vì chủ quan.
Gần nhất là cuối tháng 2 vừa qua, Nguyễn Quang Vinh (SN1977), trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội cũng đã khiến cho 2 gia đình rơi vào nỗi đau mất người thân, còn đối tượng thì đang chờ ngày bị đưa ra tòa án xét xử. Theo đó, khoảng 7h ngày 29-2-2016, Vinh đến điểm rửa xe của gia đình trên phố Hoàng Như Tiếp. Thấy chiếc ôtô Camry của khách đến rửa xe vẫn cắm chìa khóa điện nên đối tượng nhảy lên cầm vô lăng phóng ra phố Ái Mộ.
Nhưng khi xe mới chỉ chạy được vài trăm mét thì chiếc ôtô đâm liên tiếp vào nhiều xe máy và người đi đường, khiến 3 nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Trong đó có hai ông cháu trong một gia đình. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng không có Giấy phép lái xe và cũng chưa bao giờ lái xe đường dài.
Nhìn nhận về các vụ án TNGT nói chung và hai vụ án TNGT điển hình nghiêm trọng nói trên, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: “Tội phạm mà các lái xe gây TNGT thực hiện hoàn toàn chỉ là lỗi vô ý. Có nghĩa là các lái xe ôtô không cố ý thực hiện hành vi gây tai nạn và cũng không hề mong muốn cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn thì hậu quả của lỗi vô ý này đôi khi lại rất khủng khiếp và khôn lường”.
Video đang HOT
Lái xe Nguyễn Văn Điện và chiếc ôtô 16 chỗ trong vụ tai nạn giao thông tháng 3-2015
Xét xử lưu động để thay đổi nhận thức
Nói về một số biện pháp, giải pháp nhằm giảm TNGT hiện nay, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng xử lý nghiêm minh bằng hình sự đối với người gây TNGT luôn là một giải pháp mang tính răn đe và phòng ngừa tội phạm cao. Tuy nhiên, trong khi Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định khắt khe về hành vi, hậu quả đối với người vi phạm Luật Giao đông đường bộ thì sau ngày 1-7 tới đây khi Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng, trách nhiệm pháp lý của những người gây TNGT lại có phần nới lỏng hơn.
Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ (từ 31% trở lên), tài sản của người khác (từ 70 triệu đồng trở lên) là có thể bị xử lý theo Điều 202, Bộ luật Hình sự.
Vậy nhưng quy định tương ứng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên mới bị xử lý bằng hình sự. “Tôi cho rằng với tình trạng TNGT diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay thì việc làm nhẹ đi trách nhiệm pháp lý mà người gây tai nạn phải gánh chịu là điều chưa hợp lý”, luật sư Giang Hồng Thanh đánh giá.
Ngoài ra theo vị luật sư này, trong quá trình xử lý hình sự về án TNGT, các cơ quan tố tụng cần xét xử công khai, lưu động tại cộng đồng dân cư đối với một số vụ án để tăng tính răn đe, phòng ngừa và đó cũng là biện pháp tuyên truyền rất hiệu quả. Bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm trong một vụ án TNGT.
Đồng quan điểm, thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, TAND TP Hà Nội đánh giá, lâu nay chúng ta vẫn thường xuyên xét xử công khai, lưu động đối với các vụ án về ma túy. Trong nhiều năm duy trì hoạt động này và cùng với hàng loạt biện pháp, giải pháp khác thì đông đảo người dân đã nhận thức rõ tác hại của ma túy cũng như hậu quả pháp lý mà người buôn bán, tràng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy phải gánh chịu.
Trong khi đó, TNGT hiện nay cũng được coi là mối nguy hại rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì mỗi ngày, trên cả nước có rất nhiều người mất mạng do TNGT và những thiệt hại về kinh tế là rất khó cân đong đo đếm được.
“Hầu như ai cũng hiểu rõ sự mất mát và sợ bị TNGT, song tâm lý chung của không ít người lại luôn nghĩ rằng tai họa ở chỗ khác và xảy ra với người khác chứ không phải mình. Do đó, tăng cường xét xử công khai, lưu động một số vụ án TNGT điển hình chắc chắn sẽ góp phần thay đổi nhận thức của mọi người”, thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng chi sẻ.
Đối với những người chuyên điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến hoạt động giao thông, chỉ huy Đội 11, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết, có tới hơn 50% vụ TNGT nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và chuyển hướng không an toàn.
Qua đó cho thấy, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn rất hạn chế và kỹ năng điều khiển phương tiện không tốt. Đối với các biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiệu TNGT, đại diện Đội 11 cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ sâu rộng hơn nữa, xử lý hành chính nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần siết chặt lại công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Cùng với đó, theo lực lượng Cảnh sát hình sự, đối với một số vụ án TNGT điển hình thì Viện kiểm sát và Tòa án cần phối hợp xét xử công khai, lưu động để đông đảo người dân theo dõi. Qua đó, họ sẽ tự mình rút ra những bài học cho bản thân.
Mỗi năm thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng 11.000 nghìn người chết vì TNGT và mỗi ngày có tới 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình phải chịu những tổn thất về tinh thần. Ngoài ra, TNGT còn gây tổn thất rất lớn về vật chất, kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương hơn 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền này có thể xây dựng được 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh; 1.123 trường học và 6.400 căn nhà tình nghĩa.
Theo_An ninh thủ đô
Xe Camry 'điên' đâm chết 3 người: Chủ xe có phải chịu trách nhiệm liên đới?
"Chủ phương tiện xe Camry "điên" không có trách nhiệm phải bồi thường trách nhiệm dân sự khi lái xe gây tai nạn", luật sư Anh Thơm cho biết.
Xung quanh vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào sáng 29/2, ở phố Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội khiến 3 người tử vong, PV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, như báo chí đưa tin vào khoảng 7h30 ngày 29/2/2016, chiếc Camry chạy tốc độ cao lấn sang làn đường ngược chiều tông ôtô 5 chỗ, nhiều xe máy trên phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) làm 2 ông cháu và một phụ nữ tử vong. Đến chiều ngày 29/2, lái xe Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi) đến trình diện cơ quan CSĐT và khai nhận gây ra vụ tai nạn khiến 3 người tử vong.
"Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh người rửa xe tự ý đánh xe của khách đi sửa chữa đèn trên taplo thì chủ phương tiện không có lỗi vì không giao xe nhờ đi sửa. Do đó, chủ phương tiện không có trách nhiệm phải bồi thường trách nhiệm dân sự khi lái xe gây tai nạn. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh chủ phương tiện ô tô đã nhờ người rửa xe đánh xe đi sửa hộ đèn taplo thì chủ phương tiện phải bồi thường trách nhiệm dân sự.
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra" có qui định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường. Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.
Chiếc xe Camry "điên" đâm chết ngườI
Còn nếu cơ quan điều tra chứng minh chủ phương tiện xe ô tô biết rõ người rửa xe không có đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật (không có giấy phép lái xe) mà nhờ đánh xe đi sửa hộ đèn taplo ô tô thì chủ phương tiện này có dấu hiệu phạm Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 205 BLHS. Ngoài ra chủ phương tiện phải có trách nhiệm bồi thường trách nhiệm dân sự theo qui định tại Điều 632 Bộ luật dân sự", luật sư Anh Thơm cho biết.
"Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định, điều khiển phương tiện trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác. Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm", luật sư anh Thơm phân tích.
Từ những tình tiết nêu trên, luật sư Anh Thơm khẳng định: "Hành vi của người lái xe đã có dấu hiệu phạm Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a Khoản 3 Điều 202 BLHS. Để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 BLHS thì cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm qui định nào của Luật giao thông đường bộ".
Tuy nhiên, luật sư Anh Thơm cũng phân tích: "Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này. Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác.
Theo lời khai của lái xe khi đi đến đoạn cua rẽ phải để lên đường Ái Mộ thì do mở cua rộng quá sang bên trái đường. Lúc đó, lái xe mất bình tĩnh và không xử lý được nên đã đâm vào bên trái đường và gây ra tai nạn. Như vậy có thể thấy, lái xe do mất bình tĩnh, đi không đúng làn đường, không làm chủ tay lái, đạp nhầm chân phanh ga làm ô tô tăng tốc đâm vào hàng loạt xe máy và người tham gia giao thông đi trên đường. Hậu quả làm tử vong 3 người và gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Hành vi đạp nhầm chân phanh ga thể hiện năng lực của người lái xe. Lỗi của người lái xe đã vi phạm.
Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải".
Cũng theo luật sư Anh Thơm, người điều khiển phương tiện không có giấy phép hoăc bằng lái xe quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đây là những tình tiết định khung tăng nặng được qui định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Nhưng do lái xe đã bị xử lý về Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự có khung hình phạt lớn hơn nên khi xét xử Tòa án vẫn coi là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về tính chất mức độ hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.
Theo Infonet
Đưa các vụ án ra xét xử lưu động: Nên hay không? Có ý kiến cho rằng việc đưa ra xét xử lưu động là cách làm phi giáo dục, xâm phạm đến nhân thân bị cáo khi bản án chưa được kết án Hôm nay (17/12), Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động 3 bị cáo trong vụ thảm án làm 6 người trong gia đình ông Lê...