“Cần xem xét lại cách thi trắc nghiệm môn Toán”
GS Đỗ Đức Thái nói không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice, nhưng cũng không ủng hộ thi toán bằng tự luận khó như thời “3 chung” trước đây.
Tại “ngày hội toán học mở” diễn ra ở TP.HCM ngày 24/11, GS Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán bày tỏ không phản đối thi trắc nghiệm nhưng cần phải xem xét lại.
Theo ông Thái thi trắc nghiệm có nhiều hình thức nhưng hình thức có 4 lựa chọn, chọn lấy 1 phương án (multiple choice) thìkhông đánh giá, phản ánh hết năng lực giáo dục toán học đòi hỏi.
“Chúng ta không thể đồng nhất trắc nghiệm giáo dục với multiple choice. Nếu trắc nghiệm multiple choice đưa ra những câu hỏi và những lựa chọn cụ thể, chẳng qua rèn học sinh cảm giác đúng của những lựa chọn. Tôi đồng ý là dạy toán chúng ta cũng dạy cho học sinh tìm cảm giác đúng, trực giác toán để biết được tính đúng tính sai. Nhưng đấy chỉ là một phần của toán học mà không phải là phần cơ bản. Phần cơ bản của toán học là dạy cho người học biết chịu trách nhiệm về mình, nói gì phải có căn cứ không phải cảm giác đúng đó” – ông Thái nói.
Theo ông Thái, đánh giá trắc nghiệm bằng multiple choice sẽ không đo được năng lực tư duy, lập luận, giải quyết vấn đề, giao tiếp. Phương pháp này chỉ khuyến khích học sinh nhận biết bản chất thông qua biển hiện bên ngoài nên vô cùng tai hại. Do vậy muốn thi trắc nghiệm thì phải thay đổi hình thức thi trắc nghiệm.
“Tôi không đồng ý thi toán bằng trắc nghiệm multiple choice, nhưng tôi cũng không ủng hộ thi toán bằng tự luận khó như thời “3 chung” trước đây. Chúng ta đã thi trắc nghiệm được nhiều năm rồi vì vậy cần thiết phải tổng hợp lại tính hiệu quả trước khi quyết định ào ạt áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Thái để xuất.
Học toán không phải để đi thi
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, cho hay quan điểm xây dựng chương trình môn học này là tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Điều đó trái với mục tiêu của việc dạy hiện nay là học sinh phải biết nhiều kiến thức, giải được nhiều bài tập và cuối cùng đạt điểm cao ở các kỳ thi.
Theo ông, học toán không phải để đi thi, vì vậy đừng nhầm trong năm có nhiều học sinh tham gia rất nhiều kỳ thi quốc tế, chính thống mà đỉnh cao là IMO bởi đây không phải là sáng tạo của học sinh.
Ông Đỗ Đức Thái: Học tóan không phải để thi (Ảnh: MT)
Video đang HOT
Ông Thái khẳng định, sự sáng tạo của học sinh không phải là đẩy các em đi luyện những đề thi học sinh giỏi. Mặt khác, chất lượng nền giáo dục phổ thông hay thành tựu của Toán học Việt Nam cũng không thể đánh giá chỉ qua thành tích ở những kỳ thi.
“Khơi gợi sự sáng tạo Toán học của học sinh không phải là đẩy các em luyện đề học sinh giỏi. Vì vậy không lấy những học sinh rất giỏi hay giỏi cá biệt trở thành kim chỉ nam để hướng cả chương trình giáo dục”- ông Thái nói.
Chủ biên chương trình môn Toán cho hay, sau khi công bố chương trình môn Toán thì nhận được hai luồng ý kiến.
Một luồng cho rằng chương trình đã giảm nhẹ năng lực toán học của học sinh, có nguy cơ làm mất ưu thế của nền toán học Việt Nam trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Một luồng khác lại nói chương trình không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu thi cử hiện hành.
Là người dạy đội tuyển Toán học sinh giỏi nhiều năm, ông Thái phủ nhận việc chương trình mới “không tạo điều kiện cho học sinh giỏi phát triển”.
“Chúng ta có 1 triệu học sinh và chỉ 1 phần nhỏ trong 1 triệu này cần một chương trình đặc biệt”- ông nói.
Ông Thái cho rằng, học toán để thông minh hơn, thể hiện ở suy nghĩ có logic, hợp lý, làm gì có lập luận có lý, biết đúng, biết sai và đây là những điều tối cần thiết cho cuộc đời và trong các môn học thì môn toán dễ hình thành tính cách đó nhất.
“Học Toán là phải kiếm tiền được để nuôi được mình và gia đình và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Học toán mà chỉ chờ ngân sách nhà nước thì thôi đừng học toán. Một con người phải nuôi được mình nuôi được gia đình rồi mới nghĩ đến phát triển xã hội chứ. Để kiếm được tiền thì phải quyết được vấn đề thực tiễn chứ không phải giải quyết đề thi. Do đó năng lực thứ 2 là năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn. Nhưng vấn đề là thực tiễn lại không ở dạng toán học. Chúng ta dạy học trò chuyển bài toán thực tiễn về dạng toán học rồi giải quyết, đó là năng lực mô hình hóa toán học. Để giải quyết được bài toán đó thì phải sử dụng được các công cụ, phương tiện toán học…”- ông Thái nói.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Học sinh Thi trắc nghiệm Toán: Cân nhắc kỹ nếu tiếp tục triển khai
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 vẫn có bài thi trắc nghiệm Toán, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên (GV) Toán trường THPT Lương Thế Vinh nhận định: Toán của học sinh (HS) đang "nát" dần, việc thi trắc nghiệm môn học này, HS sẽ không rèn luyện được tư duy logic.
10 hệ lụy thi trắc nghiệm Toán
Không ít người cho rằng thi trắc nghiệm Toán đánh giá được năng lực HS nhưng ông và nhiều người lại có quan điểm ngược lại?
- Hiện đang có hai khuynh hướng đối với thi trắc nghiệm Toán. Một khuynh hướng ủng hộ thi trắc nghiệm Toán như 3 năm vừa qua, đa số là những người làm công việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH). Họ cho rằng tổ chức thi trắc nghiệm Toán thuận lợi, chấm thi khách quan và nhanh. Khuynh hướng phản đối là những GV đang giảng dạy môn Toán ở trường THPT - làm việc trực tiếp với HS, trong đó tôi nhận thấy thi trắc nghiệm Toán có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Thầy có thể nói rõ về vấn đề này?
- Dạy trắc nghiệm Toán dẫn đến hệ lụy HS đang mất gốc, không nắm vững kiến thức nền tảng. Tiếp đến là sự tùy tiện, trong quá trình làm bài trắc nghiệm HS có thói quen bằng mọi cách tìm được đáp số nhanh nhất, trong đó có cả cách không chính xác dẫn đến làm liều, ẩu. Các em đang mất phương hướng, không có phương pháp để giải quyết một bài toán cơ bản.
Ngoài ra, HS cẩu thả, phụ thuộc quá nhiều vào máy tính, lười học và đặc biệt là thiếu suy luận logic. Trong khi, mục tiêu lớn nhất của môn Toán là rèn tư duy logic. Mục tiêu này hình thành trong quá trình rèn luyện Toán tự luận. Thực tế đã có nhiều em ngây ngô khi học những môn Toán ứng dụng ở trường ĐH.
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, dạy trắc nghiệm Toán dẫn đến hệ lụy học sinh đang mất gốc. Ảnh: Trần Oanh
Nhiều đồng nghiệp của tôi than phiền về việc phải hướng dẫn lại Toán phổ thông cho sinh viên. Học và thi trắc nghiệm Toán cũng dẫn đến HS có tâm lý ỉ lại, chờ may rủi và không cảm nhận được sự thú vị của môn học này.
Đánh giá lại toàn diện thi trắc nghiệm Toán
Trực tiếp đứng lớp, ông thấy chất lượng học Toán của HS 3 năm trở lại đây thế nào?
- Tôi tạm chia làm 3 trường phái GV dạy Toán. Trường phái GV dạy và hướng dẫn HS làm trắc nghiệm 100%, được các em rất thích vì hợp thời, có thể đi thi đạt điểm cao. Trường phái GV vừa hướng dẫn tự luận và trắc nghiệm 50% - 50%, trong đó có tôi.
Theo đó, đầu chương bài, tôi hướng dẫn HS làm tự luận, trình bày cẩn thận để hiểu được bản chất vấn đề; đến giữa chương, tôi không cho HS trình bày và nháp, mà điền đáp số. Đến cuối chương, tôi hướng dẫn HS làm trắc nghiệm để phục vụ cho việc đi thi.
Ở trường THPT Lương Thế Vinh - nơi tôi công tác, các em HS tự giác nên không gặp trở ngại. Nhưng ở những trường yếu hơn, đồng nghiệp nói HS học đối phó và không theo. Như vậy, trong 3 cách dạy Toán đều có những trở ngại và khó khăn; mục tiêu rèn tư duy logic cho HS không đạt được, ngoài việc nhiều người đang hướng tới là dạy để đi thi.
Về mặt điểm số, mỗi khi chúng tôi kiểm tra vấn đáp hay làm tự luận, hoặc có các cách đánh giá tương tự cho kết quả rất thấp. Chỉ khi kiểm tra trắc nghiệm, với những gì được dạy, được học thì HS đáp ứng được, gần giống như học mẹo, học vẹt.
Vì thế, khi chúng tôi thay đổi đề bài, tình huống, hay cho đề bài nhiều chữ hơn thì các em ngại không đọc hết. Khi HS yếu về kỹ năng làm toán, khả năng tư duy, trình bày thì năng lực Toán học không thể đạt như dạy và thi tự luận.
Chúng ta đang tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông, đề thi trắc nghiệm Toán cải tiến ra sao để phù hợp với xu hướng và giảm thiểu hệ lụy?
- Kỳ thi THPT quốc gia có bài thi trắc nghiệm Toán đã được thực hiện 3 năm. Đặt đề thi Toán của mình bên cạnh những đề thi trắc nghiệm như SAT của Mỹ hay PISA của Tổ chức OECD thấy khác nhau một trời một vực.
Đề Toán của mình rất hàn lâm, nặng lý thuyết. Đề có rất nhiều tình huống, bài tập khó do các thầy dày công sáng tạo tới mức chỉ dành cho siêu nhân. Điều quan trọng là những bài toán ấy không có trong thực tế và trong khoa học. Trong khi các bài trắc nghiệm Toán nước ngoài được nghiên cứu trong thực tế, đo đạc trong thực tiễn.
Nếu sắp tới, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi trắc nghiệm Toán nên cải tiến đề thi cơ bản, khoa học và thực tiễn hơn. Đề thi đánh giá được đúng năng lực của HS, làm thay đổi cách dạy - học theo hướng tích cực, thực chất hơn. Qua đây, tôi kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD&ĐT đánh giá lại toàn diện của việc dạy và thi trắc nghiệm Toán, chất lượng của HS vào ĐH rồi có kết luận hướng đi sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi
Điểm môn toán tăng từ khi thi trắc nghiệm Toán được xem là môn "sát thủ" trong kỳ thi THPT quốc gia khi còn hình thức tự luận nhưng khi chuyển sang thi trắc nghiệm, điểm môn này đã "dễ thở" hơn nhiều Có lẽ do chỉ mới triển khai đại trà thi trắc nghiệm gần như tất cả các môn thi (trừ môn văn) của kỳ thi THPT quốc gia trong...