Cẩn trọng với trường nhận hồ sơ bằng “điểm sàn”
GD&TĐ – Thông báo xét tuyển vào ĐH đợt 1, nhiều trường ĐH top trung và hầu hết các trường top dưới đều công bố điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển bằng với mức tối thiểu – ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Những trường này đều ghi rõ, chỉ nhận Giấy chứng nhận điểm bản gốc, không nhận bản photo.
Nhiều trường nhận hồ sơ bằng điểm tối thiểu
Trường ĐH Quảng Bình năm nay chỉ xét tuyển kết quả thi của thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì.
Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ ở bậc ĐH, CĐ bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT (15 điểm ĐH và 12 điểm CĐ). Các hồ sơ không đúng quy định sẽ không được xét tuyển.
Nếu nguyện vọng 1 chưa đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ có thông báo cụ thể về việc xét nguyện vọng bổ sung.
Căn cứ vào mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, Trường ĐH Nguyễn Trãivừa công bố mức điểm xét tuyển năm 2015 là 15 điểm.
Nhà trường thực hiện 2 phương án tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc xét tuyển học bạ với các ngành Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh du lịch, Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quan hệ công chúng …
Video đang HOT
Đối với nhóm ngành Kiến trúc, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Trường ĐH Nguyễn Trãi có đề án tuyển sinh riêng.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, mức điểm xét tuyển được đưa ra cũng là 15 với bậc ĐH và 12 với bậc CĐ.
Trường ĐH Hồng Đức năm 2015 tuyển sinh đào tạo 29 ngành bậc đại học và 11 ngành bậc cao đẳng; 1 ngành liên kết đào tạo. Tất cả các ngành, bậc đều xét tuyển theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia); 14 ngành đại học và 5 ngành cao đẳng xét tuyển theo cả 2 phương thức: Xét điểm thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả học tập ở THPT.
Đối với phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia, điều kiện về điểm là tổng điểm các môn của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống;
Trường ĐH Thủy lợi cũng đã đưa ra ra điều kiện nộp hồ sơ. Theo đó, điểm thi THPT quốc gia của thí sinh tối thiểu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, trường này còn thêm điều kiện: Thí sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 trở lên;
Tổ hợp môn xét tuyển vào trường gồm: Khối A (Toán học, Vật lý, Hóa học) hoặc Khối A1 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), các môn tính hệ số 1.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định năm nay tuyển 1.000 chỉ tiêu ĐH ,trong đó có 300 chỉ tiêu đại học sư phạm kỹ thuật, 700 chỉ tiêu kỹ sư công nghệ và cử nhân kinh tế và 500 chỉ tiêu cao đẳng.
Điều kiện tham gia xét tuyển của thí sinh là tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có đủ sức khỏe học tập theo quy định; đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng; tổng điểm môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp môn xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.
PGS. TS Nguyễn Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ cũng công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp nhất bằng với ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định (15 điểm). Riêng đối với nhóm môn 1 và 2 (tổ hợp truyền thống) trường dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển. Số chỉ tiêu còn lại dành cho nhóm môn 3 và 4.
Trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8/2015. Nhà trường cũng sẽ tiến hành xét tuyển các nguyện vọng bổ sung (nếu có). Theo đó, thời gian dự kiến xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 (từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9/2015); đợt 2 (từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10/2015); đợt 3 (từ ngày 10/10 đến hết ngày 25/10/2015).
Ngay cả Trường ĐH Luật Hà Nội năm nay cũng thông báo nhận hồ sơ của thí sinh có điểm xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Điểm trúng tuyển của trường được xác định theo từng mã ngành kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng tổ hợp môn thi. Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyể nvào trường theo từng tổ hợp môn thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký ban đầu thì được chuyển sang ngành khác cùng tổ hợp môn thi còn chỉ tiêu.
Nếu còn chỉ tiêu mà nhiều thí sinh cùng mức điểm, trường sẽ tính theo tiêu chí phụ: Tiêu chí 1, thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi trong cả 3 năm THPT;
Tiêu chí 2: Đối với ngành Luật, ngành Luật kinh tế, thí sinh xét tuyển theo tổ hợp các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh có điểm môn Ngữ văn cao hơn sẽ trúng tuyển.
Thí sinh xét tuyển tổ hợp Toán, Lý, Hóa, thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.
Thí sinh xét tuyển theo tổ hợp Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, thí sinh có điểm Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.
Đối với ngành Luật thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh, thí sinh có điểm môn Tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.
Nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ
Ngay sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã lưu ý các trường cần cân nhắc theo khả năng thu hút thí sinh của mình để để ra mức điểm nhận hồ sơ phù hợp. Tránh lấy điểm quá thấp, dẫn đến thí sinh có thể sẽ phải rút hồ sơ nhiều lần.
Tuy nhiên, trên thực thế, không chỉ các trường top dưới mà cả những trường hàng năm mức điểm chuẩn khá cao cũng chỉ đưa ra mức điểm xét tuyển bằng “điểm sàn” của Bộ trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Với cách này, các trường có thể tận thu thí sinh, nhưng chắc chắn, khi quá nhiều hồ sơ nộp vào, mức điểm trúng tuyển sẽ tăng cao hơn nhiều ngưỡng tối thiểu. Điều đó cũng đồng nghĩa, những thí sinh điểm thấp nộp vào trường rất ít cơ hội trúng tuyển.
Do đó, thí sinh cần hết sức lưu ý, không chỉ căn cứ vào mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ như công bố của các trường để xét tuyển mà nên tham khảo kỹ thông tin từ phổ điểm của Bộ GD&ĐT cũng như sức thu hút, điểm chuẩn của trường đó các năm trước.
Sau khi quyết định nộp hồ sơ, việc theo dõi thông tin về thí sinh xét tuyển tại trường đó vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT đã đưa vào quy chế việc các trường phải công bố thông tin xét tuyển 3 ngày 1 lần. Đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng để thí sinh quyết định mình nên “đi” hay “ở”.
Ngoài ra, thí sinh cũng không nên chủ quan là mình còn rất nhiều cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung.
Đúng là sau 20/8, thí sinh sẽ còn 3 giấy chứng nhận kết quả thi với 12 nguyện vọng khác nhau vào các trường. Nhưng trên thực tế, khoảng 70% chỉ tiêu ở các trường đã được “chốt” ở nguyện vọng 1.
Như vậy, thí sinh chỉ còn cơ hội với khoảng 30% chỉ tiêu còn lại. Đó là chưa kể, lượng nguyện vọng nhiều cũng đồng nghĩa với nhiều thí sinh ảo, dẫn đến nhận định đỗ hay trượt sẽ khó khăn hơn nhiều.
Theo GD&TĐ