Cẩn trọng với tai nạn lao động
Thời điểm cận tết, nhiều công trình, công ty, nhà máy… tại TPHCM đang chạy nước rút để kịp hoàn thành công việc trước tết.
Trước áp lực đó, người lao động (NLĐ) phải làm khối lượng công việc lớn, tăng ca ngày đêm trong khi sức khỏe không được đảm bảo. Mặt khác, do chủ quan nên nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc đã xảy ra.
Người lao động cần sử dụng các thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mang thương tật vì đuối sức
Là nạn nhân của TNLĐ, chị N.T.T. (32 tuổi, ngụ tại Tân Phú, TPHCM) đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất, bàng hoàng kể lại: Hôm đó là cuối tuần nhưng phải làm nhanh đơn hàng để cho khách kịp lấy hàng chuyển ra Bắc phục vụ Tết Tân Sửu.
Phần vì ngủ chưa đủ giấc, phần vì tê chân do ngồi quá lâu nên tôi duỗi thẳng chân ra cho đỡ mỏi. Lúc đó chân mỏi và tê quá, tôi quên là máy thụt hộp cứng gần ngay phía trước. Vừa duỗi chân ra là máy nó dập, làm đứt gần lìa ngón chân cái. May mắn được người nhà kịp thời sơ cứu và đưa đến BV nên chị T. đã giữ được ngón chân của mình. Chị T. chia sẻ, đây là xưởng sản xuất của gia đình và vào thời điểm bị tai nạn, chị T. đã không mang giày bảo hộ lao động.
Cũng là nạn nhân của TNLĐ nhưng anh T.V.C. (37 tuổi, ngụ tại quận 12) lại kém may mắn hơn chị T. Là kỹ sư công trình đang giám sát thi công tại một nhà máy bia ở TPHCM, anh C. đang đi vội để kịp giờ về công ty họp thì bị trượt ngã vì sàn trơn do mới lát gạch. Anh C. bị đau chân dữ dội nên được đồng nghiệp đưa đến BV khám.
Video đang HOT
“Sau khi tới BV thì được bác sĩ chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo đầu gối. Giờ phải nằm lại BV để bác sĩ theo dõi, chân bị nẹp cố định, đi lại rất khó khăn vì phải dùng nạng. May mắn là có đội nón bảo hộ. Cố gắng làm cho hết việc để ăn tết mà chân cẳng như vầy thì coi như thua”, anh C. ngậm ngùi.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp NLĐ bị TNLĐ khi phải làm việc với cường độ cao để kịp hoàn thành công việc. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến nạn nhân phải gánh chịu thương tật, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của mình. TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nạn nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.
An toàn là trên hết
Theo BS Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thường do NLĐ bất cẩn khi thao tác máy móc, mệt mỏi do tăng ca, ngủ gật và vừa làm việc vừa giỡn. Mặt khác, máy móc cũ kỹ, không được bảo trì đúng quy định cũng có thể là nguyên nhân gây ra TNLĐ. Đặc biệt, nhiều vụ TNLĐ thương tâm đã xảy ra do NLĐ không mang bảo hộ lao động (không đeo bao tay, giày bảo hộ, kính bảo hộ) và không được huấn luyện kỹ khi vận hành máy móc, thiết bị…
“Các loại máy móc dễ gây tai nạn cho NLĐ như máy ép (máy ép đế giày, máy ép giấy, máy ép nước mía), máy cuốn (máy xay thịt), máy cưa gỗ, cưa sắt… Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp NLĐ bị giập nát bàn tay, ngón tay – đây là tổn thương rất nặng nề do máy dập, máy ép khi làm việc với cường độ cao, nhiệt độ cao làm giập nát một diện rộng và tổn thương nặng nề các cấu trúc quan trọng của bàn tay, ngón tay (mạch máu, thần kinh, gân, xương…). Hậu quả, dẫn đến hoại tử bàn tay, cổ tay và phải làm mỏm cụt. Đặc biệt là tổn thương đứt lìa hoặc đứt gần lìa bàn tay, cổ tay, ngón tay do máy cưa gỗ, cưa sắt, máy cắt cỏ… nguy cơ tàn tật rất lớn”, BS Võ Hòa Khánh chia sẻ.
TS-BS Võ Thành Toàn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BV Thống Nhất, cũng khuyến cáo, dịp cận tết do áp lực công việc lớn, tăng ca nhiều, vì vậy NLĐ cần phải luôn tỉnh táo. Mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe bằng cách ăn uống đủ dưỡng chất và phải để cơ thể được nghỉ ngơi sau thời gian làm việc mệt nhọc.
Quan trọng hơn, NLĐ cần tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn lao động như mang bao tay, nón và giày bảo hộ, kính đeo mắt… Trước và trong khi vận hành cần kiểm tra máy móc kỹ lưỡng, không được lơ là.
“Khi chứng kiến người bị TNLĐ, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu đúng cách. Cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương và tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, BS Võ Thành Toàn lưu ý.
Theo thống kê của Sở LĐTB-XH TPHCM, tổng số vụ TNLĐ dẫn đến chết người trong năm 2020 tại TPHCM là 85 vụ, làm 89 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Riêng tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, năm 2020, BV tiếp nhận hơn 4.300 trường hợp nhập viện vì TNLĐ. Đặc biệt, trong những tháng cận tết có đến hơn 1.000 trường hợp nhập viện vì TNLĐ.
Đừng để đổ bệnh vì... tắm
Tắm không đúng thời điểm, quên lau khô người, kiêng tắm không đúng lúc... có thể khiến gặp không ít rắc rối, thậm chí là nguy hiểm
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM), đột tử sau khi tắm có thể xảy ra khi kết hợp 2 yếu tố: một là bản thân người bệnh đã có vấn đề tim mạch, ví dụ bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành...; hai là thời điểm và cách tắm khiến người đó gặp lạnh đột ngột.
Nên tắm lúc nào?
Những hôm thời tiết trở lạnh, anh Nguyễn Văn B. (47 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã chuyển sang tắm vào sáng sớm trước khi đi làm vì nghe người ta đồn "tắm đêm dễ đột quỵ", trong khi chỉ khoảng hơn 18 giờ là anh B. đã đi làm về đến nhà. Kết quả là sau vài ngày tắm lúc sáng sớm, anh B. bị cảm lạnh, đã thế còn hay bị nhức đầu sau khi tắm.
Theo BS Anh Vũ, cơ thể bị lạnh có thể do các nguyên nhân như khi tắm đã dội đột ngột nước lạnh vào cơ thể hoặc mới tắm xong, người còn ướt, mặc chưa đủ ấm đã đi ra ngoài trời lạnh. Điều này dẫn đến hiện tượng co mạch, làm tăng huyết áp. Tùy vào bệnh mắc phải, vị trí các mạch máu bị co... có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Các trường hợp nhẹ hơn, người bệnh có thể thấy nhức đầu, chính là do tăng huyết áp.
Có thể đổ bệnh nếu tắm không đúng cách. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những người đi về muộn sau một bữa "nhậu" cũng cần chú ý điều này, khi người đang say thường cảm thấy nóng bức, nếu tắm lúc này sẽ rất dễ nhiễm lạnh. Tắm nước lạnh xong, đi ngủ mở quạt hay máy lạnh rất dễ dẫn đến co mạch, tăng huyết áp nhưng vì đã "say xỉn" nên ngủ mê mệt không nhận biết cơn tăng huyết áp, dẫn đến việc sẽ không được trợ giúp kịp thời khi xảy ra những nguy cơ này.
"Tắm vào buổi sáng quá sớm cũng chưa chắc hay, vì nhiều khi thời tiết vào giờ "trước khi đi làm", tức 5-6 giờ sáng, còn lạnh hơn lúc chiều tối. Quan trọng là nên tắm lúc nhiệt độ trong ngày dễ chịu nhất, ở miền Nam là khoảng 16-17 giờ. Nếu đi làm về trễ hơn, 19-20 giờ tắm cũng không sao, vì miền Nam không có thời điểm nào quá lạnh, đừng tắm quá trễ, gần giờ đi ngủ là được. Tắm buổi trưa cũng không phải là ý hay vì sau khi ăn trưa, cơ thể cần nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn, việc tắm sau khi ăn có thể khiến các quá trình sinh học của cơ thể không được thuận lợi" - BS Vũ khuyến cáo.
Ai cần kiêng tắm?
Các quan điểm sai lầm về chuyện tắm ở người bệnh, sản phụ đôi khi cũng gây nên rắc rối. Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), việc vệ sinh cơ thể đúng cách sẽ giúp sản phụ phòng tránh được nhiều nguy cơ. Cuộc sinh khiến sản phụ đổ nhiều mồ hôi. Sau đó khi cho con bú, mồ hôi ra càng nhiều.
Trong môi trường quanh năm nóng bức như ở TP HCM, không tắm gội nhiều ngày sẽ khiến sản phụ khó chịu, ảnh hưởng đến việc phục hồi sau sinh, ngoài ra em bé còn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, mầm bệnh từ mẹ.
"Sau sinh, không nên kiêng tắm mà chỉ cần tránh tắm bằng nước lạnh, tắm nhanh đừng dầm nước lâu, không ngâm mình trong bồn, phòng tắm cần kín gió. Nếu sản phụ còn đau sau cuộc sinh, người nhà nên giúp đỡ" - BS Hải khuyên.
Trẻ em cũng là đối tượng hay bị bắt kiêng tắm khi đang bệnh, nhất là các căn bệnh để lại sang thương trên da như thủy đậu, tay chân miệng... Nhưng theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), việc kiêng tắm không có ích gì mà ngược lại khiến bé thêm ngứa ngáy vì mồ hôi đọng lâu ngày trên da. Trong bệnh thủy đậu, không vệ sinh cơ thể sạch sẽ còn làm tăng nguy cơ các vết bóng nước bị nhiễm trùng. Trẻ bị sốt vì các bệnh khác cũng không nên kiêng tắm.
Theo BS Khanh, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc tắm bằng nước ấm (cha mẹ dùng tay để thử, thấy nước không nóng cũng không lạnh là vừa), không tắm lâu và nhanh chóng làm khô người khi tắm xong.
Nên mang đủ "đồ nghề" vào phòng tắm
Một số người có phòng tắm bên trong phòng riêng có thói quen tắm xong rồi mới ra kiếm quần áo mặc vào, hay vừa bước ra ngoài làm việc khác vừa lau khô tóc... Các BS nhấn mạnh rằng điều này là không nên. Hãy tập thói quen mang theo khăn tắm và quần áo sạch vào phòng tắm. Tắm xong, lau thật khô mình, đầu tóc, mặc quần áo đủ ấm rồi mới bước ra ngoài. Điều này đặc biệt cần thiết với các đối tượng dễ nhiễm lạnh như người cao tuổi, người đang có bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ... trong những ngày trời lạnh.
Cứu nạn thuyền viên bị tai nạn lao động, hôn mê trên biển Tối qua (22/1), tàu SAR 412 đã đưa ngư dân bị tai nạn lao động về đến Đà Nẵng. Nhờ được cấp cứu kịp thời. Nạn nhân bước đầu bảo toàn được tính mạng. Trước đó, 8 giờ sáng ngày 22/1, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin, tàu cá QB 91439 do ông...