Cẩn trọng khi đăng ký dự thi để tránh rớt oan
Thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi. Nếu khai không chính xác, thí sinh sẽ gặp nhiều rắc rối sau này, kể cả tình huống đậu thành rớt.
Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 nêu rõ: “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ ĐKDT. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển, khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ ĐKDT với hồ sơ gốc”.
Thực tế cho thấy chưa mùa tuyển sinh nào có nhiều trường hợp thí sinh đậu thành rớt như năm 2015, và hầu hết các trường hợp này đều do xác lập sai đối tượng, khu vực (KV) ưu tiên trong tuyển sinh.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Gia Định TP HCM, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tránh nhầm lẫn khi xác lập đối tượng ưu tiên
Trong kỳ tuyển sinh năm ngoái, rất nhiều sai sót, nhầm lẫn trong xác lập đối tượng ưu tiên của thí sinh được các trường ĐH phát hiện khi thí sinh đến nộp hồ sơ nhập học.
Tất cả trường hợp thí sinh đậu thành rớt ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM đều khai thuộc đối tượng ưu tiên 06, theo diện “con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” (được cộng 1 điểm – PV).
Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, các thí sinh đã nộp giấy tờ để được hưởng ưu tiên và đều được bộ phận thu nhận hồ sơ của trường cùng hiệu trưởng trường THPT kiểm tra tính xác thực nhưng vẫn bị sai.
Trong các công văn Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên gửi Bộ GD&ĐT, báo cáo về vụ việc ba thí sinh tỉnh này rơi vào hoàn cảnh đậu thành rớt, cho rằng: “Các thí sinh trên đều có bố từng tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia (có giấy xác nhận của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh). Khi làm phiếu ĐKDT, các em chưa rõ quy chế, giáo viên hướng dẫn chưa thấu đáo nên các em nhầm tưởng thuộc đối tượng ưu tiên 06″.
Hy hữu hơn, thí sinh Nguyễn Xuân Anh Tuấn (Quảng Ngãi) sau khi đã nhập học một tháng ngành y đa khoa ĐH Y dược – ĐH Huế, lại nhận thông báo không đủ điểm đậu vào ngành học này. Tương tự các thí sinh nói trên, Tuấn đã ghi sai đối tượng ưu tiên (đối tượng 06).
Video đang HOT
Nhiều thí sinh, phụ huynh và cả cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ ĐKDT của các trường THPT còn nhầm lẫn trong trường hợp thuộc đối tượng 04 (thuộc nhóm ưu tiên 1, được cộng 2 điểm – PV).
Hoàng Thị Anh Thương – học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, tỉnh Vĩnh Phúc – đến ĐH Dược Hà Nội làm thủ tục nhập học nhưng bị nhà trường từ chối tiếp nhận vì cho rằng thí sinh này không thuộc đối tượng ưu tiên 04, không đủ điểm trúng tuyển.
“Khi làm hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia tại Trường THPT Ngô Gia Tự, tôi có đem biên bản giám định khả năng lao động – mất sức 81% của bố tôi do Hội đồng giám định y khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp đến hỏi nhà trường và được nhà trường nhập vào dữ liệu gửi Bộ GD&ĐT là tôi thuộc đối tượng ưu tiên 04″ – thí sinh này cho biết.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, đối tượng 04 gồm con liệt sĩ; con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; con của người được cấp “giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh, mà người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động; người bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học, đang hưởng trợ cấp hằng tháng, là con đẻ của người hoạt động kháng chiến; con của người có công với cách mạng quy định tại điểm a, b, d khoản 1 điều 2 pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005 được sửa đổi, bổ sung theo pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16-7-2012.
Trong khi bố của thí sinh Hoàng Thị Anh Thương chỉ là công nhân mất sức lao động 81%, nên không thuộc các trường hợp theo quy định nêu trên.
Sửa đổi về khu vực ưu tiên
Theo quy chế sửa đổi, bổ sung, từ kỳ tuyển sinh 2016, đối tượng 01 trong nhóm ưu tiên 1 (được quy định ở điều 7 của quy chế) phải là “công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại KV 1″.
So với quy định trước đây, đối tượng ưu tiên này được thu hẹp hơn và cụ thể hơn: không áp dụng đối với các xã thuộc KV 2, KV 3 và yêu cầu bắt buộc về thời gian có hộ khẩu thường trú.
Liên quan chính sách ưu tiên KV, năm nay Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung nội dung về nơi học và tốt nghiệp THPT như sau: “Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại KV nào thì hưởng ưu tiên theo KV đó. Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở KV nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo KV đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các KV có mức ưu tiên khác nhau, hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở KV nào hưởng ưu tiên theo KV đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh”.
Đối với các trường hợp được hưởng điểm ưu tiên KV theo hộ khẩu thường trú, được quy định cụ thể như sau: “Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã KV 3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quyết định của bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên”.
Đối với quy định về KV, để tính điểm ưu tiên, KV 2 bổ sung: “Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã KV 1)”.
Ai là đối tượng ưu tiên 06?
Theo thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/2/2015 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đối tượng 06 gồm: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc đối tượng 01; con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế có giấy chứng nhận được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định tại nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; con của người có công giúp đỡ cách mạng.
Điều 49 của nghị định 31/2013 quy định: hồ sơ để được hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế gồm: Giấy tờ chứng minh được khen tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng; quyết định trợ cấp một lần của giám đốc sở LĐ-TB&XH. Thí sinh thuộc đối tượng 06 phải có hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ trên.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi trẻ
'Thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia vì lợi ích học sinh'
Đó là khẳng định của thạc sĩ Nam Nhật Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT.
Tại buổi tư vấn tuyển sinh do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, Minh Tâm, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) và một số bạn đặt câu hỏi: "Năm nào Bộ GD&ĐT cũng có nhiều đổi mới về thi cử, liệu có cách nào để không phải thay đổi nhiều?".
Thạc sĩ Nam Nhật Minh giải đáp: Chúng ta luôn mong muốn sự ổn định nhưng điều này phải đi cùng xu hướng phát triển.
Ông Minh nêu, những thay đổi của kỳ thi năm nay đều vì lợi ích của học sinh. Việc tổ chức 120 cụm thi (70 cụm thi đại học và 50 cụm thi tốt nghiệp THPT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến điểm thi.
Thạc sĩ Nam Nhật Minh chia sẻ trong ngày hội tư vấn tuyển sinh dành cho học sinh các trường cấp ba trên địa bàn Hà Nội, do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức. Ảnh: Quyên Quyên.
Theo quy chế năm 2015, mỗi thí sinh nộp 4 nguyện vọng vào một trường, đồng thời nộp - rút hồ sơ khiến các em khó xử lý, gây rối trong khâu xét tuyển.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy chế. Đợt một, học sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Điều này giúp các em bớt căng thẳng và có nhiều cơ hội chọn ngành mình yêu thích.
Hơn nữa, thí sinh biết kết quả thi mới đăng ký vào trường phù hợp nên nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Ông Minh cho biết, tất cả nguyện vọng của thí sinh được quản lý bằng hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các em gửi quá số lượng phiếu đăng ký xét tuyển, hệ thống chỉ nhập ngẫu nhiên số lượng quy định, nên có thể trường sĩ tử yêu thích lại không được chấp nhận.
Một học sinh lớp 12 tại Hà Nội cũng băn khoăn về khâu kỹ thuật của Bộ GD&ĐT khi cho phép thí sinh nộp hồ sơ online "liệu có sập mạng?".
Thạc sĩ Nam Nhật Minh tư vấn, học sinh không phải lo lắng về vấn đề kỹ thuật của Bộ GD&ĐT, vì đã được chuẩn bị kỹ. Cũng trong năm 2016, tất cả hội đồng thi trên toàn quốc cùng công bố kết quả nên tránh được sự cố về mạng như năm ngoái.
Bí quyết của thủ khoa
Cũng trong buổi tư vấn, 12 thủ khoa đầu vào năm 2016 đến từ các trường đại học Hà Nội gửi gắm thông điệp đến thí sinh.
Ngô Vương Minh - thủ khoa Đại học Y Hà Nội - cho rằng, thời gian cuối cấp rất quan trọng với học sinh, nhưng không vì thế mà các bạn luôn căng thẳng.
Lý Thảo - thủ khoa Đại học Hà Nội - quan niệm, mỗi học sinh hãy biết tự tin mình sẽ đỗ đại học, trở thành thủ khoa. Thảo tự nhận mình không phải người xuất sắc, nhưng luôn ao ước trở thành thủ khoa, và điều đó đã trở thành hiện thực.
Nguyễn Hà My - thủ khoa Đại học Giao thông Vận tải - tư vấn, những tháng cuối ôn tập, học sinh nên làm nhiều đề và bấm thời gian như lúc thi thật để biết năng lực của mình.
Đại diện trường Đại học Ngoại thương Hà Nội - thủ khoa Phan Thị Băng Dung - quan tâm sức khỏe của học sinh. Dung lưu ý, thời gian tháng 7 là mùa hè, rất nóng, học sinh phải giữ gìn sức khỏe trước thời tiết khắc nghiệt.
Theo Zing
Không nên thi quá nhiều môn Theo quy chế thi THPT quốc gia, để xét tốt nghiệp THPT, học sinh phải đăng ký và dự thi tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Đương nhiên, đối với các thí sinh (TS) dự thi tại các cụm thi tốt nghiệp, 100% học sinh chỉ đăng ký thi 4 môn, vì...