Cần tính toán lại nếu học phí trường công lập cao tới cả nửa tỉ đồng
Theo TS Lê Viết Khuyến, học phí trường công lập không thể tăng cao đến mức dự tính 70 triệu đến cả trăm triệu/năm. Với mức này, học sinh gia đình không khá giả, giàu có thì làm sao theo học được. Các trường cần phải cân đối và tính toán lại.
Theo TS Lê Viết Khuyến, học phí tại các trường công lập không thể tăng quá cao, đặc biệt với các ngành đặc thù như Sức khoẻ, Sư phạm. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn
Cứ tự chủ là học phí tăng
Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa công bố mức học phí tăng “chóng mặt” từ mức 13 triệu đồng/năm lên 50-70 triệu đồng/năm trong phương án tuyển sinh 2020.
Đây không phải lần đầu tiên học sinh, phụ huynh “choáng” với mức học phí tăng “khủng”, bởi hễ cứ nhắc đến được tự chủ là học phí sẽ tăng cao gấp nhiều lần. Đáng nói, những trường được tự chủ đều có chất lượng đào tạo thuộc tốp đầu.
Với ngành Răng-Hàm-Mặt của Trường Đại học Y Dược TPHCM, nếu tính theo dự kiến tăng 10% học phí các năm tiếp theo, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.
Như vậy sau 6 năm học, một sinh viên ngành Răng-Hàm-Mặt sẽ phải đóng khoảng 540 triệu đồng học phí.
Ngoài ra, nếu tính thêm tiền đóng các chi phí khác trong trường, lớp, thuê trọ, ăn uống, sách vở… tiết kiệm tối đa thì sau 6 năm, học tổng chi phí cũng khoảng 750 triệu đồng. Một con số mà nhiều gia đình không dám nghĩ đến.
Trong khi đó, bác sĩ ra trường lương cao cũng chỉ khoảng 10 triệu/tháng. Nếu người đó vay tiền đi học, sau khi trừ chi phí sinh hoạt tạm tính 5 triệu/tháng thì cũng mất nhiều năm để “è cổ” trả hết nợ thời sinh viên.
Video đang HOT
Không chỉ Trường Đại học Y TPHCM mà nhiều trường khác cũng có học mức học phí cao do tự chủ.
Khi đưa ra mức học phí này, các trường đều cam kết rằng sẽ không để sinh viên giỏi nghỉ học vì học phí mà sẽ có chế độ chính sách về học bổng…, nhưng thực tế, tỉ lệ cấp học bổng rất ít so với nhu cầu hoặc mức học bổng cũng không thể “chạy theo” học phí.
Chính vì thế, một vấn đề cần nghiêm túc được nhìn nhận là với mức học phí cao thế này, con em nông dân, người thu nhập thấp, thậm chí ngay cả con nhà công chức, viên chức bình thường dù có giỏi thì cũng khó có cơ hội theo học.
Phải tính lại
Bàn về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mức học phí tăng như hiện nay, với đa số học sinh không phải nghèo nhưng gia đình không khá giả, giàu có thì đều sẽ khó khăn.
Các trường công lập được tự chủ, chi phí đào tạo sẽ phải được tính cân bằng giữa thu và chi. Nguồn thu sẽ có từ ngân sách nhà nước cấp, học phí, các hoạt động của nhà trường như nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất, nguồn xã hội hoá… Tất cả các nguồn đó phải được cân bằng lại với chi phí đào tạo.
“Nếu được tự chủ, người học sẽ phải đóng phần lớn trong chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội. Đối với các trường công, học phí phải phù hợp, ở mức độ vừa phải và với thu nhập của người dân chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo”, ông Khuyến thẳng thắn nêu.
Theo nguyên Phó Vụ trưởng, nếu chi phí đào tạo sau tự chủ lên quá cao thì cần tính toán lại để các chi phí khác như nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất… phải “gánh” đi. Các thông tin này phải minh bạch và công khai để xã hội hiểu tại sao học phí lại tăng cao như vậy.
Ông Khuyến chia sẻ: “Nhiều trường sẽ lý giải là không thu như thế không thể đào tạo được, nhưng lãnh đạo các trường phải tính đến con đường giảm chi phí đào tạo, thậm chí là cân đối lại chất lượng đầu ra để vẫn đảm bảo chi phí vừa phải, phù hợp với học phí của người học. Còn nếu muốn tăng hoặc giữ nguyên chất lượng thì phải tìm thêm các nguồn khác chứ không thể nâng vô tội vạ được”.
Ngoài ra, các trường có lộ trình tăng học phí quá cao, gấp nhiều lần thì cần phải thông báo từ rất sớm để học sinh không bị động.
Xôn xao học phí trường y 'khủng', lương bác sĩ bao nhiêu?
Chi phí đào tạo một bác sĩ tại Mỹ tốn 40 - 60 nghìn USD nhưng thu nhập trung bình của bác sĩ tại Mỹ là 200 nghìn USD/năm. Nếu Việt Nam lấy mức học phí cao để 'sàng lọc" sinh viên thì đây là quan niệm sai lầm.
Theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020 vừa công bố, mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2020-2021 tăng mạnh so với trước đó. Trong đó, ngành Răng-Hàm-Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa dự kiến là 68 triệu đồng/năm.
Chưa kể, học phí tăng khoảng 10% theo từng năm sau. Với 2 ngành học kể trên, dự kiến sinh viên phải đóng hơn 500 triệu đồng học phí cho 6 năm học.
Mức học phí dự kiến của trường ĐH Y dược TP.HCM
Bác sĩ Huynh Wynn Trần - Tổ chức y khoa VietMD tại Hoa Kỳ, nơi hỗ trợ nhiều bác sĩ Việt cho biết đây là mức học phí quá cao so với người Việt.
Bác sĩ Wynn cho rằng để đánh giá mức học phí này có cao hay không thì cần so sánh với học phí của trường đại học hay ngành nào đó, hoặc đơn giản nhất là đánh giá với thu nhập trung bình của người Việt, mức lương của bác sĩ khi mới ra trường.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 2500 - 2600 USD/năm. Như vậy học phí y khoa của trường Đại học Y dược TP.HCM sẽ cao hơn thu nhập bình quân của người Việt rất nhiều. Đó là còn chưa kể tiền sinh hoạt phí của sinh viên từ ăn ở, đi lại...
Trong khi đó, lương bác sĩ học 6 năm ra trường với mức lương tính theo bậc nhà nước như cử nhân là 2,34. Bác sĩ sẽ nhận được khoảng 2,9 triệu đồng/tháng đã trừ bảo hiểm.
Nhiều người chia sẻ rằng khi ra trường tổng thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, như thế thu nhập sau khi đi làm cũng chưa bằng học phí.
Bác sĩ Wynn cho biết mức học phí y khoa tại Mỹ ở trường công lập khoảng 40 nghìn USD/năm, trường tư khoảng 60 nghìn USD/năm nhưng thu nhập trung bình 1 năm của người Mỹ là 60 nghìn USD.
Lương trung bình 1 năm của bác sĩ Mỹ khoảng 200 nghìn USD. Nhìn vào đây sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn với thu nhập của bác sĩ Việt Nam.
Hơn nữa, hiện nay sinh viên y khoa của Việt Nam ra trường phải đi học việc thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó lại học thêm chuyên khoa, học lên nữa thì học phí sẽ tiếp tục cao lên rất nhiều.
Ảnh minh họa
Học phí quá cao như hiện tại cũng làm cho các em học sinh ở các vùng núi, vùng khó khăn muốn học y khoa cũng khó. Việt Nam lại chưa có bảo lãnh cho chính các em sinh viên để vay đi học. Ví dụ ở Mỹ, sinh viên Y có thể được ngân hàng bảo lãnh cho vay tiền để đi học còn tại Việt Nam thì chuyện bảo lãnh vay tiền đi học từ ngân hàng rất khó.
Ngoài ra, thực tế các vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc miền núi lại cần bác sĩ nhiều hơn và chỉ những em học sinh, sinh viên đến từng vùng này sau khi học xong có khả năng sẽ quay về quê làm việc, cống hiến.
Với mức học phí như hiện tại, bác sĩ Huynh Wynn Trần khẳng định chắc chắn phải những gia đình có điều kiện mới cho con đi học được trường y. Những sinh viên này khi ra trường chắc chắn đều ở lại thành phố để làm việc. Bài toán thiếu bác sĩ ở vùng nông thôn, miền núi sẽ tiếp tục tăng lên.
Bác sĩ Huynh Wynn Trần cho rằng các cơ quan giáo dục cần xem lại chính sách học phí cho sinh viên, nhất là ở trường công lập để tạo công bằng, bất cứ ai cũng có thể vào học chỉ cần điều kiện là giỏi.
Nhiều ý kiến cho rằng mức học phí cao để ai chọn làm nghề y phải xác định từ đầu. Thế nhưng nếu lấy mức học phí cao để "sàng lọc" sinh viên thì đây là quan niệm sai lầm.
Sàng lọc sinh viên đầu vào bằng điểm số, chưa tin tưởng có thể tiếp tục cho làm các bài luận, sàng lọc trực tiếp bằng thi tuyển phỏng vấn để biết người đó có đam mê với nghề y hay không.
Học phí trường Y cao nhất 70 triệu/năm: Học sinh lo sốt vó, không dám xét tuyển Đại học Y Dược TP.HCM thông báo mức học phí tăng đột biến, dự kiến 40-70 triệu đồng/năm khiến thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường lo lắng. Không dám xét tuyển Theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020 vừa công bố, mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2020-2021 tăng...