Cần tìm hiểu về cơ hội việc làm khi chọn ngành học
Bên cạnh sự yêu thích và phù hợp, khi chọn ngành học, thí sinh cần chú ý đến cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Điều này càng đúng khi nhìn vào công bố của Bộ LĐ-TB-XH trên bản tin thị trường lao động việc làm quý 2/2017: cả nước có trên 183.000 người tốt nghiệp ĐH rơi vào tình trạng thất nghiệp (tăng 44.200 người so với quý trước).
Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một yếu tố quan trọng không kém khi chọn ngành học chính là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố mang tính chất lý thuyết và hơi khó dự đoán nhưng là một yêu cầu thực tế, vì mục đích cuối cùng của việc học là việc làm. Do vậy, ngay khi chọn ngành, thí sinh nên chú ý đến xu hướng phát triển của các ngành nghề được dự báo có nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là sự ra đời của các ngành nghề mới.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc tham khảo số liệu dự báo về nhu cầu thị trường lao động là cần thiết trong trường hợp này. Những số liệu dự báo được đưa ra đều căn cứ trên tình hình thực tế. “Do vậy, nếu xã hội đã có những cảnh báo về một số ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao thì không nên lựa chọn, trừ khi đó là một ngành thực sự đam mê”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, bên cạnh thông tin từ các trung tâm dự báo thị trường lao động, người học nên tham khảo chính kết quả khảo sát tình hình việc làm các ngành nghề của từng trường. Đặc biệt là của những ngành học, trường mình muốn nộp hồ sơ để qua đó thấy được khả năng tiếp nhận của xã hội về nhân lực trong lĩnh vực và trường đào tạo.
Người giỏi không thiếu việc
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định, năng lực thực sự mới chính là yếu tố chủ quan quyết định cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
Video đang HOT
“Mỗi ngành nghề được đào tạo trong các trường ĐH đều nhằm mục tiêu cung cấp nhân lực cho xã hội. Dù đó là ngành mà cơ hội việc làm đang trong phạm vi “khung cửa hẹp” thì vẫn luôn có cơ hội cho người năng lực tốt. Ngược lại, nếu là một chuyên gia tồi trong lĩnh vực đó thì nhu cầu xã hội có lớn cũng chưa chắc có cơ hội. Vì vậy, không nên nghĩ rằng một ngành nghề bị cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp cao là hoàn toàn không có việc làm”, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng .
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nói: “Việc làm phụ thuộc vào thị trường lao động nhưng quan trọng hơn là năng lực bản thân. Ngành học nào cũng có cơ hội việc làm miễn là giỏi. Giỏi ở đây là năng lực thực sự chứ không chỉ bằng cấp, ngoài kiến thức chuyên môn còn phải hội đủ các kỹ năng cho từng vị trí công việc cụ thể”. Tuy nhiên thạc sĩ Vũ lưu ý, vẫn cần cân nhắc một chút về nhu cầu xã hội ở những ngành nghề đặc thù.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Công nghệ thông tin là ngành đang rất thiếu nhân lực nhưng bao nhiêu người có thể đáp ứng được các vị trí việc làm đòi hỏi nhiều ý tưởng như thiết kế phần mềm?”.
Từ đó, tiến sĩ Hạ cho rằng: “Có những ngành cần nhiều nhân lực, sinh viên ra trường có việc ngay. Nhưng ngành không “ nóng” mà sinh viên có năng lực thì cơ hội việc làm vẫn cao. Do vậy, sau khi trúng tuyển, sinh viên phải nỗ lực rất nhiều ngay từ năm đầu tiên để chủ động trang bị “hồ sơ đẹp” theo đúng yêu cầu nhà tuyển dụng”.
“Vấn đề là người học phải chủ động khẳng định bản thân để doanh nghiệp tự tìm đến mình. Thực sự chỉ nhìn sự thụ động và không có trách nhiệm với việc học của sinh viên trên giảng đường cũng có thể đoán trước về khả năng thất nghiệp trong tương lai”, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.
Sinh viên tư vấn chọn nghề cho học sinh
Tô Thành Nghĩa, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hằng ngày nhận được rất nhiều thư từ học sinh (HS) nhờ tư vấn chọn ngành nghề phù hợp.
Theo Nghĩa, sau nhiều lần tiếp xúc với HS THPT ở nhiều trường tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận, nhận thấy đa phần HS đều không biết chọn ngành nào, bản thân thích học ngành gì.
Nghĩa tìm hiểu và nhận ra, với những ai đã từng gặp thất bại trong việc lựa chọn con đường đi cho mình đều có một điểm chung, đó là không có sự chuẩn bị từ trước, chọn đại ngành nào đó để học, sau khi học được một thời gian thì phát hiện không hợp với bản thân, rồi dẫn đến việc bỏ hết để thi lại. Việc này gây ra sự tổn thất không nhỏ cho gia đình và xã hội.
“Muốn góp phần giúp đỡ các HS có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai của mình, nên mình quyết định phát triển dự án tư vấn chọn nghề cho HS qua email, có tên ProjectX 2017″, Nghĩa nói.
Tuyết Linh, HS lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), cho biết: “Đã từng gửi email nhờ tư vấn. Nhờ vậy mà tháo gỡ được nhiều vướng mắc về chuyện học, thi và chọn trường”.
Theo TNO
Thêm nhiều ngành học mới, đa dạng phương thức xét tuyển
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2018 là việc rất nhiều trường ĐH dự kiến sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh của các trường cũng sẽ có một số điều chỉnh hướng tới sự đa dạng và phong phú hơn so với năm 2017.
Năm 2018, nhiều trường ĐH sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực kết hợp với xét tuyển.
Thêm nhiều ngành đào tạo mới "đón trước" nhu cầu xã hội
Năm 2018, Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội sẽ mở thêm một số ngành lần đầu tiên được nhà trường đào tạo. Đó là các ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Khoa học Thông tin Địa không gian, Sư phạm tiếng Đức, Quản trị Trường học...
Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, đây đều là những ngành đào tạo đón đầu nhu cầu nhân lực trong cách mạng 4.0 sắp tới. Đồng thời, cũng là những ngành học mới hứa hẹn sẽ là những công việc "hot" trong vòng 4-5 năm tới. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành, ĐHQG Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động thu hút các sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong năm 2018.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng cho biết: Năm nay, các chuyên ngành trước đây của trường đã đào tạo sẽ được nâng cấp, tách ra thành những ngành độc lập.
Đặc biệt, nhà trường cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động như ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng; thương mại điện tử; Quản trị khởi nghiệp; Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro... Đây đều là những ngành học "đón đầu" nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong 4-5 năm tới.
Trường ĐH Thủy lợi cũng dự kiến sẽ tuyển thêm 4 ngành trong năm 2018 gồm: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. Tương tự, ĐH sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng dự kiến tuyển sinh thêm 6 ngành mới bao gồm Sư phạm công nghệ; Quản lý xây dựng; Kiến trúc; Kỹ thuật đồ họa; Năng lượng tái tạo; Quản lý nhà hàng ẩm thực.
Còn Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cũng vừa được cấp phép tuyển sinh thêm 2 ngành mới trong năm 2018 gồm Mỹ thuật đô thị và Quản lý xây dựng. Trong đó, Mỹ thuật đô thị là ngành rất mới, lần đầu tiên được tổ chức đào tạo tại Việt Nam trình độ đại học. Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh dự kiến mở thêm 2 ngành mới: Ngôn ngữ Hàn Quốc và Việt Nam học.
Cũng trong năm 2018, dự kiến các trường ĐH sư phạm lớn trên toàn quốc sẽ đào tạo thêm một số ngành mới như Tiếng dân tộc và Khoa học tự nhiên nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020. Khối các trường ngành Y dược dự kiến cũng sẽ tuyển thêm một số ngành như Quản trị bệnh viện; Tổ chức và quản lý Y tế; Nhóm các trường thuộc khối An ninh-quốc phòng cũng dự kiến sẽ mở thêm ngành An toàn thông tin.
Tổ chức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực
Nếu như năm 2017, hầu hết các trường đều tổ chức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì năm 2018, nhiều trường ĐH dự kiến thay đổi phương thức tuyển sinh theo hướng kết hợp giữa thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và xét tuyển. Theo đề án tuyển sinh của trường ĐH quốc tế TP Hồ Chí Minh, nhà trường sẽ tự ra đề và tổ chức thi ĐGNL dành cho các thí sinh đã tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp năm 2018.
Đề thi sẽ có tính phân loại tốt thí sinh thông qua việc kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, tư duy logic, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng viết của người dự thi. Thí sinh phải vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đủ điểm chuẩn trong kì thi kiểm tra ĐGNL của trường tổ chức sẽ trúng tuyển vào trường mà không cần tham gia thêm các phương thức xét tuyển khác.
Tương tự, ngoài các thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng, các thí sinh có nguyện vọng vào trường ĐH FPT sẽ phải tham gia hai bài thi do trường tổ chức vào ngày 13-5. Trong đó, bài thi một nhằm ĐGNL phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan ngành học đăng ký dự thi; Bài thi 2 nhằm ĐGNL nghị luận thông qua bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình trung học. Như vậy, yêu cầu đối với thí sinh trúng tuyển là đạt yêu cầu trong bài thi của trường vào ngày 13-5 và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Khác với ĐH Quốc tế và ĐH FPT, năm 2018, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức tuyển sinh thông qua hình thức thi ĐGNL và xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thay vì thi ĐGNL trước khi thi THPT quốc gia, nhà trường tổ chức phương thức thi này sau khi thí sinh đã trải qua vòng sơ tuyển điểm học bạ, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, bài thi ĐGNL chiếm tỷ trọng 40%; điểm thi THPT quốc gia chiếm 50% và điểm học bạ chiếm 10% trong tổng điểm xét tuyển.
Theo Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xã hội, thí sinh vi phạm quy chế thi sẽ bị xử lý mạnh tay hơn.
Cụ thể, thay vì tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kì thi của thí sinh trong hai năm tiếp theo, dự thảo mới quy định hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Theo Cand.com.vn
Hà Giang chuyển được 10.822 HS từ điểm trường về trường chính Sở GD&ĐT Hà Giang vừa có báo cáo sơ kết học kỳ I và phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II năm học 2017-2018, trong đó có thành tích chuyển được 10.822 HS từ điểm trường về trường chính ảnh minh họa Theo báo cáo này, đầu năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã chuyển được 10.822 HS từ điểm trường về học tại...