Cần Thơ: Trao tiền bạn đọc hỗ trợ 2 cô giáo tận tâm với học trò nghèo
Sau khi Dân trí đăng bài “Bà giáo dành trọn cuộc đời “nâng bước” học trò nghèo”, mới đây bạn đọc N.T. ở Cần Thơ đã trích 10 triệu đồng tiền tiết kiệm để trao cho bà. Bên cạnh đó, mạnh thường quân này cũng trao 10 triệu đồng cho cô Liêu Thị Mỹ Hiếu – chủ nhiệm câu lạc bộ “Nụ cười” Cần Thơ.
Cô Võ Thị Son nhận số tiền bạn đọc N.T hỗ trợ.
Bạn đọc N.T cho biết, đây là số tiền không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm của ông dành cho những cô giáo suốt đời vì những em học trò nghèo, học trò lang thang cơ nhở. Việc làm của các cô rất đáng trân trọng và không phải người nào cũng có thể làm được.
Như Dân trí đã thông tin, nhân vật trong bài “Bà giáo dành trọn cuộc đời “nâng bước” học trò nghèo” là cô Võ Thị Son (71 tuổi, ngụ khu vực 3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Cô Son vốn là giáo viên dạy tiểu học của một số trường tại quận Ô Môn từ trước năm 1970. Sau giải phóng, cô nhận dạy lớp Bình dân học vụ cho những người không biết chữ tại địa phương. Lúc bấy giờ, kinh tế xã hội còn khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi học.
Cô kể, khoảng năm 1980, nhà cô rất nghèo, thứ tài sản quý nhất năm đó có lẽ là đàn gà khoảng 7, 8 con đang độ tìm trống, tìm mái thì bị tụi nhỏ trong xóm bắt hết. Sau khi bị mất gà, cô đi tìm “thủ phạm”, rồi bắt tụi nhỏ đến nhà để “làm việc”. Cũng từ đây, cô dạy các con đạo làm người rồi chuyển qua dạy chữ miễn phí và lớp học của cô được hình thành. Nhiều trẻ em trong xóm năm đó bỏ thói hư, tật xấu, biết đọc, biết viết. Và cứ thế, nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ lớp học của cô Son.
Cô giáo Son trao đổi với PV Dân trí
Năm 2009 được nghỉ hưu, cô Son có nhiều thời gian hơn dành cho lớp học đặc biệt của mình. Mỗi buổi sáng, cô bắt đầu lên lớp vào lúc 7h30 và kết thúc lúc 10h, buổi chiều từ 13h30 đến 17h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Hiện đang là dịp hè nên buổi sáng có hàng trăm em học sinh, còn buổi chiều có 40 em, đủ các lứa tuổi, các lớp học.
Còn cô Liêu Thị Mỹ Hiếu – mọi người thường gọi là cô Mỹ Uyên (Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nụ Cười, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã có 36 năm làm từ thiện và dạy chữ cho trẻ, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Video đang HOT
Cô Hiếu bắt đầu dạy chữ miễn phí cho các em học trò từ năm 18 tuổi. Lúc đó, mới học xong chương trình lớp 9, dạy học cho trẻ em đường phố, trẻ nghèo. Ban đầu, cô dạy tại chùa Bửu Liên ở gần nhà (khu vực 4, phường An Cư, quận Ninh Kiều). Ba năm theo học hoàn chỉnh chương trình sư phạm tiếp sau đó, cô được phân công về giảng dạy phổ cập tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
Nhà báo Phạm Tâm – Phó trưởng VPĐD báo Dân trí tại Cần Thơ trao số tiền 10 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ cô Liêu Thị Mỹ Hiếu.
Năm 2004, cô chuyển về dạy cho Hội Từ thiện Cần Thơ được 4 năm, rồi chuyển qua tham gia dự án dạy trẻ em nghèo Bình Minh của Taytofrom, dạy 6 năm thì cô trở về với lớp tại nhà. Ban đầu là 2 lớp: 1 lớp tại quận Bình Thủy vào chiều thứ hai, tư, sáu; còn 1 lớp tại nhà vào chiều thứ ba, năm, bảy.
Hiện nay, khi các em ở Bình Thủy đã được vào trường học thì cô chỉ dạy một lớp ở nhà mình. Lớp có hơn 20 học sinh là những trẻ em đường phố, trẻ có hoàn cảnh khó khan và cô dạy hoàn toàn miễn phí.
Hoàng Tùng
Theo Dân trí
Ước mơ blouse trắng không chỉ cho mình
Hoàn cảnh khốn khó, vừa học vừa làm đủ thứ nghề để trang trải tiền học phí cho ước mơ blouse trắng, thậm chí còn gánh trên vai bệnh tật của người thân nhưng chưa một ngày các bạn trẻ đầu hàng số phận.
Huỳnh Như và mẹ nuôi - Ảnh: T. TRANG
Tất cả bởi một niềm tin xán lạn đến ngày khoác áo blouse trắng cứu người, giúp đời, cuộc sống gia đình no đủ hơn.
Chèo đò từ năm lên 8
Lớn lên từ vòng tay cha nên cậu thanh niên 19 tuổi Lưu Hữu Tuấn ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), sinh viên năm 2 Trường CĐ Y tế Cần Thơ, không có chút ký ức gì về mẹ.
Tuấn nói được học tới giờ là sự nỗ lực hết mình của người cha tật nguyền. Căn nhà trống trước hụt sau cặp mé sông, hai cha con chỉ có chiếc ghe nhỏ duy nhất làm phương tiện sinh nhai.
Kể lại tuổi thơ khốn khó, Tuấn run run: "Hồi còn chút xíu, mỗi lần thấy cha khập khiễng xuống đò đưa khách qua sông là tôi thấy thương cha, cứ nói mai mốt lớn sẽ chèo đò thay cha, cha không chịu cứ bắt nói phải học để tìm việc khác".
Cứ vậy, việc cố gắng học cứ ăn sâu trong tiềm thức, những bữa cơm cha nhường con cá, miếng thịt càng làm động lực cho Tuấn học hành chăm chỉ hơn nữa.
Năm Tuấn lên 8 tuổi, một lần cha bệnh không ngồi dậy nổi, khách thì cứ gọi đò sang, Tuấn đánh liều xuống sông chèo đò. "Ai cũng lo, may mà tôi chèo trót lọt. Tôi chèo đò luôn từ đó, học một buổi chèo một buổi", Tuấn kể.
Tuấn ham học ngành dược, nhưng tính toán nếu học ĐH phải mất đến 5 năm, học phí lại cao. Nếu học CĐ thì học chỉ 3 năm, ra trường sẽ xin đi làm sớm, có thu nhập sớm để gia cảnh bớt thiếu thốn.
"Thấy tôi đi làm cha sẽ yên tâm, không phải dãi nắng dầm mưa cố sức kiếm tiền nữa. Nếu muốn học ĐH tiếp, sau này tôi vẫn có thể học được. Tôi mong ra trường đi làm sẽ đón cha lên ở trọ cùng, nếu cha muốn đi làm tôi sẽ xin cho cha làm bảo vệ cho vui chứ cha con mỗi người một nơi tôi lo lắm", Tuấn nhẹ giọng.
Từ ngày lên trung tâm Cần Thơ trọ học, Tuấn vừa học vừa đi làm, lúc phát tờ rơi ở các ngã tư, khi đi phụ đám. Mỗi tháng thu nhập hơn 800.000 đồng, trừ tiền trọ, ăn uống, Tuấn còn gửi một ít về cho cha thuốc men.
Hữu Tuấn (trái) đi phát tờ rơi ngoài giờ học - Ảnh: T. TRANG
Giúp người theo di nguyện của ngoại
Dáng người nhỏ nhắn, lúc nào cũng nhoẻn miệng cười, không ai nghĩ cô sinh viên y khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ Trần Thị Huỳnh Như, nhà ở quận Cái Răng, vài tháng nữa sẽ trở thành tân bác sĩ ngành y học cổ truyền.
Từ khi sinh ra, Như thiếu vắng tình thương cả cha lẫn mẹ, lớn lên bằng sự cưu mang của bà ngoại và dì. Những ngày này, Như vừa làm luận văn chuẩn bị ra trường, vừa chăm sóc mẹ nuôi (cũng là dì ruột - PV) đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ.
"Mẹ tôi bị u xơ tử cung, vì chưa có đủ tiền đóng tạm ứng nên mẹ chưa được mổ", Như nói. Bà Phan Thị Phượng, mẹ nuôi Như, khóc rấm rứt: "Giờ tui bệnh tui đang làm khổ con nhỏ hơn, nuôi nó từ nhỏ tui thương nó như con ruột".
Như nói rằng nếu không có mẹ nuôi và bà ngoại, Như không thể tiếp tục đi học. "Ngày ngoại còn sống, ngoại cứ nói đi nói lại ráng sống chờ tôi học hành ra trường có việc làm rồi có gia đình ngoại mới yên tâm. Vậy mà tôi đi chưa hết chặng đường đại học ngoại đã bỏ tôi đi", Như tâm sự.
Học phí ở trường mỗi năm hơn 8 triệu đồng là một tay mẹ nuôi Như lo. Mẹ nuôi cũng không khấm khá gì, hai vợ chồng phải đi tận ngoài Vũng Tàu làm phụ hồ cho các công trình.
"Tui không lo thì ai lo cho nó bây giờ, thân nó côi cút lại học giỏi. Vợ chồng tui nói với nhau làm gì cũng phải làm, ráng thêm chút cho nó học xong để nó đỡ tấm thân", bà Phượng chia sẻ.
Học y nhưng Như có thâm niên gần 6 năm đi dạy kèm. Như nói chi phí cũng đủ trang trải cho tiền quần áo, sách vở, bởi không thể để cha mẹ nuôi thêm gánh nặng. Từ nhà đến trường gần chục cây số, Như nói chiếc xe cha mẹ nuôi mua cho để đi học cũng từ tiền mua trả góp, sắp ra trường mà tiền xe vẫn chưa trả hết.
Như chọn ngành y học cổ truyền cũng vì tâm nguyện của ngoại, học y là để giúp đời. "Khi ra trường, ngoài giờ làm tôi sẽ dành thời gian châm cứu và hốt thuốc nam chữa bệnh miễn phí cho người dân bên cồn nơi tôi ở. Đa phần người nghèo không có tiền mua thuốc tây,họ thường tìm đến đông y như cứu cánh" - Như bày tỏ.
Trải lòng trên những trang nhật ký, Huỳnh Như viết: "Sáu năm trôi qua như cái chớp mắt, chớp mắt từ cô sinh viên nay sắp trở thành bác sĩ. Chớp mắt người xưa đã đi mà tâm nguyện vẫn còn. Ngần ấy năm trải qua biết bao biến cố, số mình cực khổ, chỉ trách vì mình mất đi tình cảm từ sớm nên luôn trân quý mọi thứ gọi là tình cảm. Chỉ mong rằng mỗi sớm mai là một ngày mới, tương lai khởi sắc, những người ơn quanh mình vẫn khỏe mạnh, thương yêu...".
"Tiếp sức" 59 học sinh, sinh viên ngành y - dược
Ngày 30-11-2018, tại Trường CĐ Y tế Cần Thơ, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" với 59 suất học bổng, trị giá 271 triệu đồng (5 triệu đồng/suất dành cho sinh viên hệ ĐH, 4 triệu đồng/suất dành cho sinh viên hệ CĐ và học sinh hệ trung cấp) cho các bạn học sinh, sinh viên đang theo học ngành y - dược tại các trường trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Kinh phí trao học bổng do Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ.
Theo tuoitre
Cần Thơ: Phụ huynh than trời vì sách giáo khoa khan hiếm Gần một tuần qua, nhiều phụ huynh ở Cần Thơ đi mua sách giáo khoa cho con mà phải giành giật nhau. Thậm chí, có người đi đến lần thứ 4 mới mua được bộ sách cho con, nhà sách nào cũng trong tình trạng "cháy hàng". Khách hàng mua sách cho con ở nhà sách thiết bị giáo dục Cần Thơ Cụ...