Cần Thơ: Sạt lở trên sông Trà Nóc, 12 căn nhà bị sụp một phần
Vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc ở Cần Thơ đã ảnh hưởng tới 12 căn nhà trên đường Lê Thi Hồng Gấm với chiều dài khoảng 60m, sâu vào bờ khoảng 6m; rất may không có thương vong về người
Một ngôi nhà bị sụp toàn bộ phần nhà phía sau xuống sông Trà Nóc (Cần Thơ). (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Khoảng 12 giờ ngày 25/2, tại đường Lê Thị Hồng Gấm thuộc khu vực 2, phường Trà An (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) xảy ra sạt lở bờ sông Trà Nóc làm 12 căn nhà ven sông bị sụp một phần, rất may không có thương vong về người.
Theo nhiều người dân tại địa phương, trong lúc họ đang chuẩn bị bữa ăn trưa thì phát hiện phần nhà phía sau rạn nứt và hạ thấp từ từ xuống sông Trà Nóc. Mọi người hô to và kịp thời chạy thoát ra ngoài, lên nhà phía trên.
Sau đó, có 3 căn nhà liền kề nhau bị sụp xuống sông Trà Nóc (phần nhà phía sau), 9 căn kế tiếp bị rạn nứt vách tường và có nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào.
Ông Lê Viết Hùng, chủ căn nhà số 78, đường Lê Thi Hồng Gấm cho biết vào thời điểm trên, nghe hàng xóm hô hoán nhà bị nứt và đang sụp xuống nên ông chạy sang xem. Vừa quay trở về, ông thấy ngôi nhà của mình cũng đang bị kéo theo nên vội cùng vợ con di chuyển đồ đạc ra phía trước.
Chưa đầy một tiếng sau, toàn bộ phần nhà phía sau của gia đình ông Hùng với chiều dài khoảng 6m bị cuốn xuống sông Trà Nóc cùng nhiều tài sản chưa kịp chuyển đi.
Người dân tại địa phương cho biết thêm tình trạng sạt lở trên có dấu hiệu rạn nứt vài ngày gần đây tại nhà của 3 hộ dân nhưng bà con không ngờ sạt lở, sụp đổ nhà cửa lại xuất hiện nhanh như vậy.
Video đang HOT
Bà Đỗ Thị Nụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trà An, cho biết vụ sạt lở đã ảnh hưởng tới 12 căn nhà trên đường Lê Thi Hồng Gấm với chiều dài khoảng 60m, sâu vào bờ khoảng 6m.
Sau khi sạt lở xảy ra, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân phường Trà An và quận Bình Thủy huy động các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên giúp người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực, nhà cửa bị sạt lở , rạn nứt.
Hiện trường vụ sạt lở. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ , Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã xuống hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đã trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng, mỗi hộ 20 triệu đồng (từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai của thành phố) để bà con khắc phục hậu quả; đồng thời lưu ý người dân không nên lưu trú tại căn nhà bị sạt lở, rạn nứt; kịp thời di dời tài sản đến nơi an toàn và tìm nơi cư trú tạm thời.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu phường Trà An và ngành chức năng quận Bình Thủy bố trí lực lượng hỗ trợ di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn và tìm nơi cư ngụ cho người dân nếu có nhu cầu.
Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cần tiến hành khảo sát thực tế và đề xuất thành phố giải pháp khắc phục sạt lở tại khu vực này.
Tháng 6/2020, bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An cũng đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng , làm sạt hoàn toàn phần nhà phía sau của 13 hộ dân./.
Sạt lở bờ sông Trà Khúc, 'hà bá' nuốt chửng đất sản xuất của dân
Người dân xót xa và đành bất lực khi chứng kiến hàng trăm mét bờ sông Trà Khúc lâm vào tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, "hà bá" nuốt chửng đất sản xuất.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Trà Khúc, đoạn chảy qua địa phận các xã Tịnh Hà, Tịnh Sơn, Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an. Uớc chừng, hàng trăm mét đất nông nghiệp của bà con nông dân đã bị "hà bá" nuốt chửng, không ít ngôi nhà ven sông bị đặt trong tình trạng báo động và đứng trước nguy cơ "xóa sổ".
Người dân lo lắng trước thực trạng bờ sông Trà Khúc ngày càng sạt lở nghiêm trọng.
Đứng trên khu đất nham nhở vì bị nước sông "ngoạm", ông Nguyễn Thái Binh (thôn Minh Long, xã Tịnh Minh) cho hay, nhiều năm qua, gia đình ông sống chủ yếu dựa vào nghề nông và 2 sào đất ven sông Trà Khúc này chẳng khác nào "cần câu cơm". Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, khi bờ sông lâm vào cảnh sạt lở, hàng chục mét đất nông nghiệp của gia đình cũng dần dà trôi theo con nước.
"Không chỉ mất đất sản xuất, vườn chuối được tôi vun trồng bao năm qua cũng ngã đổ khi thủy triều dâng. Cứ cái đà sạt lở như thế này, chẳng mấy chốc mà gia đình tôi không còn đất để canh tác" , ông Binh ngậm ngùi giãi bày.
Cũng như ông Binh, ông Nguyễn Thanh Hồng (trú thôn Minh Long) đang thấp thỏm không yên trước thực trạng bờ sông sạt lở khiến diện tích đất sản xuất giảm dần theo thời gian. Chỉ tay vào một đoạn bờ sông sạt lở nghiêm trọng, ông Hồng cho hay: "Chỗ này trước đây có mấy bụi tre được tôi trồng để chống sạt lở nhưng rồi cũng bị nước sông nhấn chìm. Chuồng trại chăn nuôi của gia đình đã bị kéo sập chỉ sau một đêm nước dâng cao" , ông Hồng nói.
Ngoài ra, căn nhà cấp 4 của ông Hồng chỉ còn cách mép sông Trà Khúc chưa tới 3 mét. Do đó, ông và các thành viên khác trong gia đình luôn sống trong tâm thế phập phồng vì mối lo sạt lở.
Trong khi đó, sạt lở bờ sông Trà Khúc đoạn chảy qua thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà với chiều dài hơn 500m cũng đang đe dọa đến nhà cửa của 10 hộ dân.
"Hà bá" nuốt chửng đất sản xuất của người dân.
Đề cập đến tình trạng sạt lở bờ sông, ông Nguyễn Mậu Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi có 4 sông lớn gồm: Trà Khúc, Trà Bồng, Vệ và Trà Câu.
Ông Văn cho rằng, đặc điểm địa hình, địa chất, diễn biến phức tạp của mưa lũ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở, đặc biệt là ở khu vực sông Trà Khúc.
"Ngoài ra, nguyên nhân khiến sạt lở gia tăng còn do tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông diễn ra ngày càng nhiều. Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để có báo cáo cụ thể và giải pháp phù hợp" , ông Văn thông tin thêm.
Sóc Trăng: Sạt lở bờ sông trong đêm tối, nhiều hộ dân phải sơ tán Khoảng 20 giờ 40 phút ngày 1/8, tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có 3 hộ phải di dời. Hiện trường vụ sạt lở tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (huyện Long Phú). (Ảnh...