Cần Thơ chưa bỏ quy định ’sang xe, đổi tài’, lưu thông hàng hóa vẫn tắc
Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đến trưa 26/8, tại Bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ (quận Cái Răng) vẫn còn hàng chục xe tải, xe container phải nằm chờ.
Toàn cảnh bãi trung chuyển hàng hóa tại Bến xe trung tâm TP Cần Thơ với hàng chục phương tiện đậu cả trong và ngoài bãi chờ được “thông quan”. Ảnh: TTXVN phát
Dù tại tại cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa diễn ra chiều hôm qua (25/8), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu thành phố Cần Thơ bỏ ngay quy định phải tập kết để trung chuyển hàng hóa, nhưng địa phương này vẫn chưa thực hiện.
Tài xế Lê Văn Đậm từ Cà Mau lên Cần Thơ chở hàng thức ăn thủy sản cho biết, xe của anh bị kẹt ở đây từ 22 giờ đêm hôm qua, đến trưa nay vẫn chưa được vào thành phố Cần Thơ để nhận hàng. Theo anh Đậm, quy định của Cần Thơ là phải sang hàng tại bãi tập kết nhưng bên công ty sản xuất yêu cầu phải vào tận kho để nhận chứ không có xe chở ra bãi trung chuyển.
“Ngành chức năng thành phố Cần Thơ giải quyết cho tài xế có đầy đủ giấy tờ như giấy đi đường, cam kết, xét nghiệm âm tính thì được vào thành phố giao nhận hàng chứ quy định “ sang xe, đổi tài xế” này đang gây khó khăn cho người vận chuyển” – anh Đậm chia sẻ.
Anh Trịnh Hoàng Sơn (43 tuổi), chủ doanh nghiệp vận tải ở thành phố Cần Thơ cho biết, công ty có gần 70 xe container; trong đó, một nửa đang hoạt động, chuyên nhận hàng hóa ở các tỉnh Đông Nam Bộ về giao hàng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.
Anh Sơn cho rằng, việc đổi tài xế là bất khả thi. Mùa dịch này, khi cầm xe chạy, tài xế đã chấp hành xét nghiệm thường xuyên, ai cũng lo cho sức khỏe của mình nhưng nếu thêm “rào cản” này thì khó khăn càng nhân thêm. Hơn nữa, để lái xe container tài xế phải có bằng FC, người không có kinh nghiệm thì không thể lái được nên phương án “sang xe, đổi tài” là bất khả thi.
Video đang HOT
Ngày hôm qua, công ty của anh Sơn có 7 xe mắc kẹt ở bãi tập kết. Trong hôm nay, 26/8, số lượng xe tiếp tục về Cần Thơ là hơn 10 chiếc. Chủ doanh nghiệp này cho rằng, với phương án lập đội vận tải xanh của Cần Thơ thì không doanh nghiệp nào huy động được số lượng lớn tài xế trong mùa dịch để đổi. Tài xế xe container mỗi người “ôm” cố định một xe để chạy nên thà họ xin nghỉ chứ không yên tâm giao xe cho người khác lái.
Theo các doanh nghiệp vận tải, thành phố Cần Thơ nên tổ chức điểm xét nghiệm ngay tại chốt kiểm soát, khi xe về tới Cần Thơ thì tiến hành test cho tài xế, ai âm tính thì cho vào, giống như các tỉnh khác.
Đối với việc sang hàng, các nhà xe cho rằng cũng rất khó vì không đủ người. Nhất là với các xe chuyên dùng chở hàng siêu trường, siêu trọng, không phải hàng nhỏ lẻ nên không thể thực hiện được – một doanh nghiệp nêu vấn đề.
Ông Đoàn Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Anh Thư (tỉnh Hậu Giang) cho biết, công ty có đầy đủ các loại giấy tờ, đã đăng ký và được Sở Công Thương thành phố Cần Thơ duyệt theo quy định mới. Nhưng từ ngày 23/8 tới giờ thì xe vào Cần Thơ không được mà bắt buộc phải thay đổi lái xe. Bản thân các tài xế ai cũng sợ bị lây nhiễm nên đều có ý thức tự bảo vệ mình.
Nếu bây giờ bắt giao xe cho người khác thì ai dám chắc không có nguy cơ lây bệnh. Thêm vào đó, nếu đổi tài xong thì các tài xế ở bãi tập kết không tránh khỏi tập trung đông người, không ai quản lý. Lỡ có một tài xế dương tính thì sẽ tạo thành ổ dịch ngay. Hiện công ty Anh Thư đâu phải chỉ có một, hai xe mà tới hơn 40 xe đang hoạt động thì làm sao đủ tài xế để đổi.
Một bất cập nữa được các doanh nghiệp vận tải phản ánh là các xe không vào thành phố Cần Thơ mà chỉ đi ngang qua một đoạn vẫn phải vào bãi tập kếp của Cần Thơ để khai báo. Với lượng xe dồn ứ đông thì hiện nay việc này rất mất thời gian bởi mỗi lần khai báo mất mấy tiếng đồng hồ. Cùng đó là chi phí phát sinh thêm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều xe chở nguyên liệu về giao cho các đơn vị sản xuất, nay bị ngừng trệ sẽ gây ảnh hưởng lớn cho cả 2 bên giao – nhận.
Chiều 25/8, kết luận cuộc họp trực tuyến với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 63 tỉnh thành phố về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Cần Thơ xem xét lại việc đưa ra quy định riêng như lập điểm trung chuyển hàng hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tất cả địa phương cần rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Điều gì không trái nhưng phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ và không thể đưa ra văn bản gây thêm chi phí, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong 3 ngày qua, phóng viên TTXVN đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ phụ trách vấn đề này cùng Giám đốc Sở Giao thông vận tải để nắm bắt các giải pháp xử lý của thành phố nhưng đều không nhận được phản hồi.
Việc địa phương ban hành những quy định đối với việc vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch để đảm bảo phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải “đăng ký trước” và “sang xe, đổi tài” tại bãi tập kết trong khi họ đã phải đáp ứng rất nhiều thủ tục giấy tờ để được hoạt động trong thời điểm khó khăn này lại đang dẫn đến nguy cơ “luồng xanh” bị tắc nghẽn. Từ đó dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ khi dịch bùng phát.
Ninh Thuận tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa an toàn, thông suốt
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa một cách an toàn, thông suốt giữa các vùng và địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp đảm bảo vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hoá được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân sinh, đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Ninh Thuận điều tiết, phân luồng, tránh ách tắc giao thông xảy ra tại mối giao thông lớn trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Ninh Phước.
Theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc tổ chức lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 được tỉnh triển khai một cách đồng bộ, thống nhất. Theo nguyên tắc, các phương tiện vận tải hàng hóa phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các nội dung có liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; đồng thời, đội ngũ lái xe, người theo xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa phải được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 theo quy định.
Tùy theo cấp độ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh Ninh Thuận sẽ phân luồng các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc ưu tiên cho phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, y tế phục vụ phòng, chống dịch...Các tuyến giao thông nội tỉnh cũng được kết nối với các tuyến đường ưu tiên Quốc gia bảo đảm giao thông không bị tắc ngẽn, hàng hóa không bị ùn ứ.
Đối với trường hợp một số khu vực trong tỉnh thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, để có đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, UBND tỉnh huy động các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh có thương hiệu, chất lượng phục vụ tốt, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải và phòng, chống dịch COVID-19, đã đăng ký trên bản đồ an toàn COVID-19 để vận chuyển hàng hóa đi đến phục vụ người dân vùng giãn cách, cách ly.
Tỉnh Ninh Thuận chỉ cho phép người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm); đồng thời, thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra.
Nếu người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa có lưu trú tại Ninh Thuận phải thực hiện cách ly tại nơi nghỉ, lưu trú riêng do doanh nghiệp bố trí, khai báo y tế hằng ngày; đồng thời, thông báo cho nơi lưu trú biết để giám sát, kiểm tra. Nếu có nhu cầu về nhà tại Ninh Thuận phải cách ly y tế theo qui định.
Tỉnh Ninh Thuận cũng thành lập các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa điểm cửa ngõ ra, vào tỉnh; tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa; kiểm soát dịch tại địa điểm tập kết phương tiện, điểm trung chuyển, giao nhận hàng hóa để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19...
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao cho các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác đến tỉnh tại các vị trí giao nhận hàng hóa. Cùng đó, kiểm tra, giám sát lái xe, người bốc dỡ hàng hóa theo xe, cá nhân tiếp nhận hàng hóa trong việc lưu trú tại đơn vị do doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải bố trí thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên đối với lái xe, người bốc dỡ và giao nhận hàng hóa chưa có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đi/đến tỉnh hoặc theo đề nghị của đơn vị vận tải.
Ngoài ra, đơn vị có liên quan trong tỉnh cũng khẩn trương thành lập đội tuần tra lưu động thực hiện kiểm tra đột xuất phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có dấu hiệu vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, giám sát chủ phương tiện thực hiện đăng ký kê khai và cam kết phạm vi hoạt động vận chuyển hàng hóa trong tỉnh, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh, thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Đoàn xe chở LPG vẫn ùn tắc nghiêm trọng trước cửa ngõ vào Cần Thơ Từ ngày 23/8 đến nay, 20 chiếc xe bồn chở các loại khí hóa lỏng (LPG) đã bị chặn lại trước cửa ngõ vào Cần Thơ, gây ùn tắc nghiêm trọng nhưng chính quyền thành phố vẫn chưa có cách thức giải quyết. Hàng chục xe tải, xe container vẫn nằm chờ được vào TP. Cần Thơ giao nhận hàng trong ngày 26/8/2021...