Cần thay đổi cách tuyển sinh sư phạm
Cần thay đổi cách đánh giá thí sinh sư phạm như cho viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp, nêu rõ lý do theo ngành sư phạm, đam mê tới mức độ nào…
Chỉ trong 1 tháng, liên tiếp nhiều vụ bạo hành về thể chất lẫn tinh thần của giáo viên đối với học sinh đã xảy ra. Trong khi đó, nhiều công văn khẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm mâu thuẫn thầy trò, phụ huynh – giáo viên khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên hiện nay.
Đã đến mức báo động
Nhận xét về những vụ bạo hành thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng loạt vụ thầy cô trách phạt quá tay hoặc ứng xử với học trò phản sư phạm thời gian qua như: Bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng, không giảng bài cho học trò nhiều tháng liền… là những hành động bạo hành khiến xã hội không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, PGS-TS Trương Văn Vỹ , giảng viên Xã hội học tội phạm – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, lưu ý không nên nhìn nhận đó là vấn đề điển hình của nền giáo dục. “Tôi không cho rằng điều này nằm ở vấn đề nhân lực của ngành sư phạm vì ngành nào cũng có vấn đề nhân lực. Đây thuộc về bản chất đạo đức của một vài cá nhân là thầy cô. Không thể lấy vài trường hợp này mà vẽ thành bức tranh của nền giáo dục. Vẫn còn rất nhiều thầy cô thương yêu học trò” – ông nói.
Tân sinh viên nhập học Trường ĐH Sư phạm TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Còn TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng hiện tượng này cho thấy không hẳn chứng minh quan hệ thầy – trò xuống cấp báo động mà có thể đâu đó, các thầy cô có những ứng xử chưa phù hợp trong các tình huống cụ thể với học sinh, chưa thật sự tôn trọng các em và dẫn đến các phản ứng bốc đồng, mất kiểm soát của các em. Từ đó, dư luận xã hội về sự việc tăng lên, cho rằng quan hệ thầy – trò xuống dốc đến mức báo động.
Không chỉ tuyển bằng điểm số
Video đang HOT
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm tổ chức cuộc thi năng lực cho thí sinh thi vào các trường sư phạm. Qua quá trình đào tạo sư phạm ở các trường, ông nhận thấy một bất cập là các trường sư phạm hiện nay đều tuyển bằng điểm theo khối mà không biết các em có đam mê hay không.
“Tình thương người, thương trẻ rất quan trọng, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Nếu khi vào trường, các em có tố chất này, mình đỡ phải lo lắng khâu đào tạo về sau” – ông khẳng định. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nếu bản thân con người không ác độc, yêu thương đồng loại thì sẽ biết cách xử lý, kìm nén không để xảy ra các sự cố như thời gian vừa qua.
“Phải thay đổi cách đánh giá bằng việc ngoài bài thi từ các môn cơ bản, cần cho thí sinh viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp, nêu rõ lý do mình theo ngành sư phạm, đam mê tới mức độ nào” – ông Dũng kiến nghị.
Còn PGS-TS Trương Văn Vỹ cũng thừa nhận đầu vào sư phạm quá thấp, tuyển sinh tràn lan trong những năm gần đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. “Cần có những người ưu tú để đào tạo con người” – ông nói. Chuyên gia này đồng tình với việc đánh giá năng lực cá nhân thí sinh thi vào trường sư phạm, đồng thời tăng cường tính thực hành các môn đạo đức, tâm lý sư phạm trong nhà trường.
TS Nguyễn Đức Danh cho rằng chúng ta chưa có các chương trình bổ sung để sàng lọc, tuyển chọn thí sinh thi vào sư phạm như các nước phát triển, phương án xét tuyển vào các ngành sư phạm chỉ chủ yếu dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp cả hai như cách tuyển sinh của các trường ĐH khác.
“Ở những nước phát triển, các trường/khoa sư phạm đều yêu cầu thí sinh nộp kèm “xác nhận đáp ứng điều kiện làm việc với trẻ em” khi nhận vào học hoặc phải có xác nhận này trước khi xếp giáo sinh tham gia các hoạt động với học sinh như đi thực tế, thực tập tại trường phổ thông” – ông Danh thông tin.
Không phù hợp thì chuyển ngành sớm
Một nữ giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết trước đây, giao tiếp ứng xử sư phạm chỉ đưa vào như một chuyên đề. Từ năm 2016, giao tiếp ứng xử sư phạm trở thành môn học bắt buộc trong trường ĐH đối với sinh viên sư phạm. Theo giảng viên này, ở các nước tiên tiến, trước khi vào sư phạm, người ta có bài đánh giá năng lực đầu vào xem bạn có phù hợp với nghề giáo hay không. Điều này không có nghĩa người không phù hợp sẽ bị từ chối ngay. Trong 1-2 năm đào tạo tiếp theo, trường sẽ tiếp tục cho sinh viên làm bài kiểm tra năng lực, nếu nhiều lần vẫn không phù hợp thì có thể bị chuyển sang ngành khác.
Lê Thoa
Theo Người Lao Động
Những con số "thừa - thiếu" và kỳ vọng thay đổi tuyển sinh sư phạm năm 2018
Chuyện thừa - thiếu của ngành sư phạm về nhân lực vẫn chưa giải quyết được, dù đã được đề cập đến từ nhiều năm trước. Vì thế, quy hoạch mạng lưới, đào tạo theo nhu cầu, thậm chí tăng tiêu chí để tuyển sinh đầu vào sư phạm chọn người giỏi... là những điều được đặt ra trong tuyển sinh ngành này năm 2018.
Trong khi cử nhân sư phạm dư thừa thì giáo viên mầm non theo nhu cầu thực tế lại quá thiếu. Ảnh: P.T
Bài toán "thừa- thiếu" chưa thể cân bằng
Hiện nay, cả nước có 73 trường ĐH, 59 trường CĐ, 33 trường trung cấp đào tạo sư phạm. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của các trường sư phạm là 54.702. Và tỷ lệ tuyển sinh của các trường vào khoảng 88%. Theo dự báo, đến năm 2020 cả nước thừa 70.000 cử nhân sư phạm, đây là một sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội.
Nhưng, cử nhân sư phạm thì thừa, giáo viên mầm non đang cần để đáp ứng nhu cầu thực tế lại quá thiếu. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, về đội ngũ mầm non, toàn ngành hiện có 474.396 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 37.361 cán bộ quản lý; 316.616 giáo viên; 108.259 nhân viên. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế đạt 62,5%; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,76. Hiện nay cả nước còn thiếu 32.641 giáo viên mầm non.
Về đội ngũ tiểu học: Số lượng giáo viên tiểu học: 397.098, Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn 395.987, đạt 99,72%, (trên ĐH 0,2%; ĐH: 55,9%, CĐ: 32,0%, Trung cấp: 12,0%); Tỉ lệ trung bình giáo viên/lớp đạt 1,43. Tuy nhiên, tỉ lệ này không đồng đều ở các địa phương và vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ, trong đó có giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học.
Thực tế này đã đặt ra những yêu cầu mới đối với đào tạo và tuyển sinh sư phạm: Thêm ngành thiếu, bớt ngành thừa, tính toán lại đầu vào, đẩy mạnh đào tạo chất lượng... nhưng liệu những yêu cầu này có kịp thực hiện từ năm 2018?
Năm 2018 có kịp "đào tạo theo nhu cầu"?
Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì những bất cập đang tồn tại ở các trường sư phạm lâu nay bao gồm: Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, các trường sư phạm đang tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau.
Bộ cần phải tập trung nghiên cứu về dân số, về quy mô, về độ tuổi, về phân bố địa lý, về dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn lực đầu tư phù hợp.
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, sắp tới, việc đào tạo sư phạm phải gắn với cơ chế "đặt hàng". Nghĩa là đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn "cần người" của địa phương, thay vì đào tạo tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số trường ĐH vùng công bố chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm.
Trong khi hạn cuối yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố chỉ tiêu tuyển sinh là ngày 20-3. Có không ít băn khoăn cho rằng: Liệu việc đào tạo theo "đơn đặt hàng" của ngành sư phạm có kịp triển khai năm 2018?
Một thay đổi đổi quan trọng nữa trong tuyển sinh sư phạm là: Tại Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận, cụ thể Điều 17, khoản 3, Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 sẽ được sửa đổi, bổ sung: "Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên".
Đại diện các trường ĐH khẳng định, hút người giỏi vào sư phạm sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều nhưng không dễ để tuyển sinh, thậm chí nhìn thấy trước viễn cảnh có thể phải đóng cửa một số ngành đào tạo bởi nhiều lý do. Nhiều trường đã dự báo tuyển sinh sư phạm năm nay sẽ khó khăn hơn những năm trước đó.
Tuy nhiên, cũng hi vọng với những điều chỉnh này, đầu vào và chất lượng đào tạo ngành sư phạm sẽ được nâng cao, quan trọng hơn là những thay đổi này được thực hiện càng sớm càng tốt để bài toán thừa cử nhân nhưng thiếu giáo viên cục bộ sẽ nhanh chóng có được lời giải.
Theo Phapluatxahoi.vn
Tương lai nào cho ngành sư phạm? Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, sinh viên sư phạm không có việc làm, những lùm xùm chuyện "chạy trường" để có suất dạy hợp đồng làm nóng dư luận thời gian qua... khiến cho bức tranh tuyển sinh sư phạm ngày càng trở nên ảm đạm. Giờ học của sinh...