Cần sửa ngay sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới sau năm 2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần mau chóng có SGK mới cho bậc học phổ thông, nếu không cần điều chỉnh, bổ sung gấp một số nội dung trong SGK hiện hành.
Thiếu và thừa
Trên các diễn đàn chính thức, GS Phan Huy Lê nhiều lần đề xuất mong mỏi của giới sử học là Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng chỉnh sửa SGK lịch sử, nhằm cải thiện chất lượng dạy học môn sử càng sớm càng tốt.
GS Lê cho rằng, SGK hiện nay trình bày dàn trải, la liệt sự kiện, rất nặng nề, nhàm chán, chưa được cập nhật.
Ông nói: “Trong SGK, một quan niệm toàn bộ về lịch sử Việt Nam vẫn chưa rõ. Chẳng hạn, lịch sử miền nam Trung Bộ và Nam Bộ chủ yếu mới bắt đầu từ khi người Việt vào đây, tức từ thế kỷ XVI, XVII. Hoặc nhà Mạc là một vương triều tồn tại trong thế kỷ XVI cũng không có chỗ trong SGK”.
GS Phan Huy Lê cho rằng, SGK Lịch sử – Địa lý thiếu thông tin cập nhật.
Với môn Văn, GS Nguyễn Đình Chú cho rằng, cần mạnh tay bỏ nội dung phần Tiếng Việt ở chương trình THPT mà chỉ nên dạy ở cấp tiểu học, THCS như trước đây.
“Người ta nghĩ đưa Tiếng Việt vào dạy ở THPT là để khắc phục tình trạng hành văn của xã hội kém nhưng thực tế đã không giải quyết được. Ngược lại, nó chỉ làm cho kiến thức hàn lâm thừa thãi một cách không cần thiết, chưa kể là ít nhiều có sự lặp lại kiến thức giữa chương trình các cấp học dưới với cấp học THPT”, GS Chú nói.
Với môn Sinh học, GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét: Môn Sinh quá ít tiết, SGK các lớp thì quá mỏng, trong khi quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết.
“Liệu một cháu 12 tuổi có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ? Cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thuỳ khứu giác, thuỳ thị giác, não trước, tiểu não, hành tuỷ, tuỷ sống của con thằn lằn?”, GS Dũng nói.
Video đang HOT
Môn Toán là môn được các chuyên gia đánh giá là môn có nội dung SGK khá ổn nhưng vẫn nặng nề và nhiều kiến thức thừa.
Theo GS Văn Như Cương, những bài về tích phân, số phức hoặc các bài toán phức tạp về phương trình lượng giác, hình học không gian không cần thiết phải dạy hoặc bắt học sinh phải làm ở cấp THPT.
“Hầu hết chúng ta có lẽ không ai cần đến những kiến thức như vậy, trừ những thầy dạy toán. Chương trình của chúng ta hiện nay thực sự quá tải. Gần đây Bộ GD&ĐT đã triển khai giảm tải nhưng có thể nói việc giảm tải này hoàn toàn thất bại”, GS Cương nói.
GS Cương cho rằng, cần giảm mạnh khối lượng kiến thức văn hoá trong tất cả các môn học khác như Lí, Hoá, Sinh, Sử, Địa…, chỉ giữ lại những kiến thức cơ bản, cần thiết và phổ thông.
Biên soạn lại SGK: Nên dựa vào hội khoa học chuyên ngành
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần mau chóng có SGK mới cho bậc học phổ thông.
“Bộ GD&ĐT nói sau năm 2015 sẽ bắt tay biên soạn lại SGK, như vậy nếu sớm thì phải 2017 may ra mới có sách. Bắt con em chúng ta đợi 5 năm nữa thì lâu quá”, GS Hạc nói.
GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, liên tưởng tới bộ sách được biên soạn những năm 1950 của ta để nhấn mạnh việc tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế khi xây dựng chương trình, biên soạn SGK.
“SGK hồi đó tuy mỏng dính, kiến thức rất chắt lọc nhưng về cơ bản vẫn “đủ chất” cho học sinh, kể cả “chất để làm người”. Nói riêng môn Toán, các cuốn SGK cấp II, cấp III ngày ấy do các thầy Lê Hải Châu và Hoàng Tuỵ biên soạn vừa ngắn gọn, vừa súc tích, vừa cơ bản. Được vậy là nhờ chúng ta tham khảo các SGK chuẩn mực và rất cơ bản của Nga, Pháp, Mỹ và các nước khác”, GS Nhung nói.
Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, một trong hai tác giả bộ sách Toán được nhắc ở trên, xác nhận, để biên soạn sách Toán hồi đấy, các tác giả chủ yếu dựa vào tài liệu của Liên Xô và Pháp, đồng thời tham khảo sách của Trung Quốc, Anh và vùng tạm chiếm hồi kháng chiến chống Pháp.
Chia sẻ kinh nghiệm biên soạn SGK, ông Châu cho biết, hồi đó, Bộ Giáo dục lập một Ban Tu thư gồm những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn, làm việc tập trung trong một thời gian không dài.
Theo ông Châu, muốn bộ sách có chất lượng, các tác giả phải cùng một lúc biên soạn chương trình tất cả các môn từ lớp thấp nhất đến lớp cao nhất, không nên làm kiểu cuốn chiếu, chia giai đoạn như hiện nay.
GS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành, các hội này sẽ lựa ra những chuyên viên giỏi, kết hợp với các giáo viên giàu kinh nghiệm để biên soạn chương trình, SGK mới.
Để giúp các hội có nguồn tài liệu tham khảo, Bộ GD&ĐT đứng ra đặt vấn đề với đại sứ quán các nước để xin bộ SGK.
Chương trình sẽ do một hội đồng quốc gia thẩm định, sau đó cho các nhà xuất bản và nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ SGK khác nhau (Nhà nước không cần tốn kinh phí trong việc này).
Bộ nào hay sẽ được tái bản nhiều lần và ngược lại. “Tôi mong có thể làm ngay mà không cần đợi đến tận năm 2015″, GS Dũng nói.
Theo Quý Hiên
Tiền Phong
Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa qua từng tiết học
Lâu nay, học sinh hiểu biết rất lơ mơ về biển, đảo Việt Nam, về bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Do vậy, tất thảy học sinh các bậc học ở Khánh Hoà đều sôi nổi, hào hứng khi được học trực quan với những cứ liệu, hình ảnh minh chứng cụ thể, phong phú về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hứng khởi học lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa
Gần 700 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang) bước vào năm học mới 2012-2013 được trang bị ngay kiến thức cơ bản về biển, đảo Việt Nam biển, đảo Khánh Hoà, những đe dọa đối với biển đảo (tranh chấp chủ quyền, ô nhiễm môi trường)... Đặc biệt, các em được dạy những nét chính về lịch sử chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Được tham dự tiết học trực quan về chủ đề nói trên, chúng tôi chứng kiến các em rất chăm chú lắng nghe về truyền thống bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của các thế hệ ông cha ta sôi nổi, hào hứng khi được xem những hình ảnh cụ thể các đảo ở Trường Sa, về những người lính đảo, cuộc sống của các gia đình trên đảo...
Học sinh trường Lê Quý Đôn hào hứng học lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: L. Phong
Em Nguyễn Khánh Linh - học sinh lớp 11A2 - bộc bạch: "Lâu nay, thỉnh thoảng các em mới đọc qua sách, báo hoặc xem truyền hình nên hiểu biết rất lơ mơ về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên chúng em trực tiếp được học về chủ quyền của Việt Nam gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của nhiều thế hệ. Chúng em hiểu hơn, nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của hai quần đảo này và có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, trực tiếp dạy lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa - cho hay: Các bài dạy về biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa được sắp xếp có hệ thống, với những minh chứng cứ liệu cụ thể về chủ quyền, hình ảnh bằng băng ghi hình trực quan các điểm đảo rất phong phú, luôn tạo cho các em niềm hứng khởi, say mê học và nghiên cứu về biển đảo. Nhà trường sẽ tiên phong tổ chức cho các em tham gia chương trình ngoại khóa về biển, đảo thi tìm hiểu về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa...
Cần nhân rộng trong cả nước
Để đưa được chương trình giảng dạy về Hoàng Sa và Hoàng Sa vào tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT từ năm học 2012-2013, Sở GDĐT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng Khoa học lịch sử Khánh Hoà đã dày công biên soạn bộ tài liệu hoàn chỉnh nhất, phù hợp với từng bậc học. Sở GDĐT tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn ngoại khóa "chủ quyền biển đảo" cho hàng trăm giáo viên, cán bộ chủ chốt trong ngành giáo dục.
Buổi chiều bình yên trên huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Tân Hải
Chiều ngày 18/9, trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hoà - cho biết: Ngành giáo dục đã hướng dẫn cho các thầy cô phương pháp truyền đạt các nội dung khái quát về biển, đảo VN, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa một cách hiệu quả, hài hoà, phù hợp với từng lứa tuổi và nhận thức của các em. Chẳng hạn như ở bậc tiểu học chỉ giới thiệu về Trường Sa hôm nay khối THCS dạy thêm phần lịch sử chủ quyền THPT mở rộng nội dung "thế hệ trẻ Khánh Hoà với trách nhiệm bảo vệ biển, đảo quê hương"...
Chương trình giảng dạy về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được lồng ghép trong các giờ học lịch sử, địa lý, học chính khóa, ngoại khóa thông qua màn hình trực quan rất sinh động, bổ ích. Mục tiêu tạo cho các em luôn nhận thức việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa... qua từng tiết học. "Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GDĐT về nội dung chương trình và hiệu quả bước đầu giảng dạy chủ quyền biển, đảo. Trong khi chờ đợi việc biên soạn về chủ quyền biển, đảo trong sách giáo khoa lịch sử, thiết nghĩ, Bộ GDĐT nên nghiên cứu nguồn tài liệu chủ quyền biển, đảo của tỉnh Khánh Hoà biên soạn để áp dụng giảng dạy cho học sinh phổ thông trong cả nước!" - ông Lê Tuấn Tứ nói.
Theo lao động
Học sinh vẫn cõng sách đến trường Bộ GD-ĐT vừa công bố số lượng sách giáo khoa tối thiểu với học sinh tiểu học năm nay: Lớp 1, 2, 3 chỉ cần 6 cuốn, lớp 4 và 5 cần 9 cuốn. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện. Trong danh mục mà Bộ GD-ĐT ban hành, 6 cuốn sách giáo khoa (SGK) của học sinh lớp 1, 2 và...