Cần những người thầy có tâm
Tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu học nghề đồng nghĩa với việc các trường cao đẳng, trung cấp nghề sẽ có thêm nguồn tuyển. Tuy nhiên, đây là những đối tượng học sinh đặc biệt, nên việc dìu dắt các em học nghề song song chương trình học văn hóa là không đơn giản.
Học nghề để “né” học văn hóa
Ngọc Minh (huyện Đông Anh – Hà Nội) cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên gia đình sớm cho em đi học nghề. Em thích đi học chuyên ngành sửa chữa điện tử ở Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ (Đông Anh) với dự định sau khi tốt nghiệp sẽ mở cửa hàng cùng người anh họ.
Nắm vững kiến thức văn hóa sẽ giúp học sinh thuận lợi hơn trong các bài tập thực hành nghề. (ảnh minh họa)
Được biết, do bị hổng kiến thức từ những năm học THCS nên khi vào trường, Minh gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục học những môn văn hóa theo quy định cho khối kỹ thuật gồm: Văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh. Mặc dù nhà trường đã sắp xếp học văn hóa xen kẽ với môn học nghề chuyên ngành điện tử, nhưng Minh cho biết, em chỉ thích học nghề và không hứng thú với các môn văn hóa.
Qua tìm hiểu thông tin ở một số trường như Trung cấp nghề Công nghệ Thăng Long, Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội… mỗi năm trường chỉ tuyển sinh từ 200 – 250 học sinh (bậc trung cấp), trong đó, có gần 50% số các em tốt nghiệp THCS theo học. Phần lớn các em lựa chọn học nghề như một giải pháp để tránh các môn văn hóa. Tuy nhiên, trong chương trình khung buộc vẫn phải có những môn văn hóa, nhằm tạo điều kiện cho các em khi tốt nghiệp bằng trung cấp nghề, có giá trị tương đương với bằng tốt nghiệp văn hóa, giúp các em có thể học cao lên.
Ông Nguyễn Đức Vinh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội – cho biết: “Các em do sức học văn hóa yếu, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên lựa chọn học nghề để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Những học sinh này rất hăng say học nghề, nhưng khi học các môn toán, văn, lý, hóa thì có tâm lý chán nản, lười học, khiến giáo viên cũng khá vất vả khi dìu dắt các em.
Còn ông Nguyễn Đức Thọ – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ (Đông Anh) – cho biết thêm, mặc dù nhà trường đã bố trí học văn hóa xen kẽ học nghề để giảm bớt áp lực tâm lý cũng như kiến thức cho các học sinh, nhưng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp văn hóa qua mỗi kỳ thi vẫn còn khiêm tốn. Có những em phải thi lần thứ 2,3 mới đạt yêu cầu.
Phát huy vai trò người thầy
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý học sinh, ông Nguyễn Đức Vinh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội – thừa nhận, vẫn còn tồn tại tình trạng học sinh trốn tiết học văn hóa, còn các tiết học nghề thì lại có mặt đầy đủ.
Ông Vinh cho biết, việc đào tạo văn hóa ở các trường nghề không quá khắt khe vì đa số học sinh yếu văn hóa mới đi học nghề. Để tạo điều kiện cho các học sinh THCS vừa hoàn thiện chương trình văn hóa, vừa học nghề hiệu quả, thì rất cần đến sự phối hợp của đội ngũ giáo viên nhà trường – những người thầy có tâm. Giáo viên phải có sự chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế những chương trình học đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cho học sinh. Đồng thời cần có biện pháp động viên, khích lệ phù hợp đồng thời giúp học sinh nhận biết được bản chất của việc học văn hóa là những nền tảng cơ bản giúp các em thuận lợi khi học nghề. “Đặc biệt với những môn học chuyên ngành điện rất cần đến kiến thức vật lý năm lớp 11, 12, nếu nắm được những kiến thức cơ bản này thì các em sẽ thuận lợi hơn xử lý các bài thực hành về điện” – ông Vinh nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình đào tạo, phần lớn những người làm công tác quản lý tại các trường nghề đều cho rằng, cần sớm có giải pháp giảm bớt áp lực các môn học văn hóa cho học sinh trường nghề, ví dụ như chỉ giữ lại những môn văn hóa hỗ trợ cho chuyên môn, chứ không nhất thiết phải có trình độ tương đương THPT như hiện nay.
Theo LĐTĐ