Cân nhắc kỹ trước lựa chọn ngành nghề
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 được xem là một trong những cột mốc quan trọng trước khi Luật Giáo dục sửa đổi bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Theo đó, quy chế thi năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2019. Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường lao động, xu hướng chọn ngành của học sinh đang bắt đầu có sự thay đổi…
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Sáng 5-1, tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ở Trường THPT Phú Nhuận, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo Luật Giáo dục hiện hành.
Theo đó, tất cả học sinh đều phải tham gia thi THPT quốc gia mới được xét tốt nghiệp với tỷ lệ 30% điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình học tập năm lớp 12; 70% còn lại là điểm bài thi THPT quốc gia.
Năm nay, các trường đại học (ĐH) vẫn tiếp tục duy trì nhiều phương thức xét tuyển như sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT hoặc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Điểm mới trong xét tuyển ĐH năm nay là có thêm nhiều trường ưu tiên tuyển thẳng đối với học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền ở bậc THPT.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi tại buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra vào sáng 5-1
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc xác định tính cách, điểm mạnh và hạn chế của bản thân trước khi đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp, Th.S Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Khách sạn – Nhà hàng, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết, để xác định tính cách bản thân là hướng nội hay hướng ngoại, học sinh nên tham gia các bài kiểm tra trắc nghiệm với nhiều câu hỏi, tình huống đa chiều để có đánh giá đầy đủ chứ không nên dựa vào nhận xét cảm tính, chủ quan của mình, dễ dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp.
Theo Th.S Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, xu hướng đào tạo hiện nay ở các trường ĐH đang mở rộng theo hướng song ngành, tức sau khi kết thúc các học phần của một chuyên ngành, sinh viên sẽ được chuyển tiếp qua một chuyên ngành đào tạo khác giúp mở rộng nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.
Thậm chí, trong cùng chuyên ngành đào tạo, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, đưa ra dẫn chứng, không phải ai học tâm lý sau khi ra trường đều trở thành bác sĩ tâm lý mà có thể công tác tại bộ phận nhân sự, chăm sóc khách hàng của công ty, doanh nghiệp hoặc làm giáo viên tâm lý ở trường phổ thông.
Quan tâm kỹ năng ngoại ngữ
Nhằm giúp học sinh có đủ hành trang trước khi vào ĐH, ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc ĐH Greenwich Việt Nam – cơ sở TPHCM, so sánh, nếu như ở các trường phổ thông, tiếng Anh được xem là một trong những môn học thì khi lên ĐH, tiếng Anh sẽ trở thành công cụ để học tốt các môn học còn lại. Vì vậy, ngay khi ngồi trên ghế trường phổ thông, học sinh phải trang bị kỹ năng ngoại ngữ để có thể học tập tốt ở trường ĐH.
Video đang HOT
Hiện nay, ở hầu hết các trường ĐH, sinh viên năm nhất sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh để phân loại và xếp lớp, từ đó đưa ra lộ trình đào tạo phù hợp. Những bạn nào chưa đủ điều kiện ngoại ngữ sẽ được đề nghị tăng cường học phụ đạo – sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động, học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 cần có ý thức soạn đơn xin việc, tìm hiểu yêu cầu lao động của các doanh nghiệp để từ đó biết mình đang có gì, còn yếu những kỹ năng nào nhằm tiếp tục bổ sung trong 3-4 năm ĐH, tránh tình trạng chọn trường ĐH cho có rồi sau khi tốt nghiệp không biết làm gì, hoang mang trước những đòi hỏi về việc làm của doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Th.S Phạm Thị Xuân Hiền, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Việt Đức, giới trẻ hiện nay đang nở rộ trào lưu “gap year” (một năm gián đoạn – PV), tức là thay vì học ĐH trước rồi mới gửi đơn đi xin việc thì gián đoạn việc học một năm để đi làm, sau khi có kinh nghiệm thực tế mới quay lại trường ĐH nâng cao trình độ.
Nhiều trường hợp các bạn trẻ sau khi đi làm một năm, vì mải mê kiếm tiền nên không quay lại tiếp tục việc học. Do đó, trước khi đưa ra lựa chọn phù hợp, học sinh nên tham khảo ý kiến của giáo viên và phụ huynh để có định hướng phù hợp.
Theo các chuyên gia, vào ĐH chỉ là điều kiện cần. Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao trong xã hội, người học phải tự trang bị thêm cho mình kiến thức ngoại ngữ và tin học, có kỹ năng giải quyết và xử lý vấn đề, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống. Một lưu ý khác cũng hết sức quan trọng là các em không nên chạy theo ngành “hot”, đăng ký ngành học theo tâm lý số đông mà nên cân nhắc theo sở thích, khả năng của bản thân, tránh tình trạng sinh viên ngồi nhầm lớp, ra trường không tìm được việc làm gây lãng phí thời gian, công sức và nguồn nhân lực xã hội.
THU TÂM
Theo SGGP
Nhìn lại những điều đã cũ và hy vọng ngành Giáo dục sẽ khởi sắc trong năm mới
Điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là ngành Giáo dục sẽ cùng thay đổi, trên dưới một lòng để làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình.
Người Việt Nam ta có thói quen trong những ngày đầu năm mới thì ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục năm mới không còn những chuyện buồn, ngành giáo dục năm mới đều là những câu chuyện điển hình.
Và, điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng để từng người thầy luôn làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quốc hội tán thành thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhìn lại những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2019
Nhìn lại năm 2019, chúng ta thấy rằng đây là một năm mà ngành giáo dục có rất nhiều điểm nhấn so với năm 2018. Nếu như năm 2018 để xảy ra vụ gian giận điểm thi trên quy mô rộng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình với hơn 200 thí sinh được nâng điểm.
Thế nhưng, năm 2019 thì chúng ta thấy được sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ, các địa phương, cùng đội ngũ giáo viên và sự phối hợp với nhiều ban ngành khác đã thực hiện khá tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Kỳ thi năm 2019 đã thể hiện sự nghiêm túc, gọn nhẹ và không còn những bất thường về điểm số. Những địa phương có truyền thống học tập tốt đã trở lại vị trí dẫn đầu, những địa phương còn khó khăn đã được trả lại đúng vị trí.
Không còn tình trạng những thủ khoa, những thí sinh có điểm cao nằm ở những tỉnh như Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình nữa. Người dân không còn nghi ngờ về việc gian lận và đương nhiên uy tín của kỳ thi đã được cải thiện- cho dù kết quả không cao như năm 2018.
Năm 2019 cũng đánh dấu một sự kiện lớn liên quan đến toàn ngành giáo dục đó là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Bắt đầu từ ngày 1/7/2020 này, Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực.
Rất nhiều thay đổi trong thời gian tới đây đòi hỏi giáo viên phải thực sự cố gắng, học tập để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Điều đáng chú ý là cuối năm 2019 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để đưa vào giảng dạy cho Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới. Chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" đã được thực hiện.
Rất nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã được mở để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới lần này. Hy vọng, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giải quyết được những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Vẫn còn những điều chưa trọn vẹn
Hậu quả của tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được các địa phương giải quyết trong năm 2019 nhưng rõ ràng cách giải quyết vẫn khiến dư luận băn khoăn, chưa đồng tình.
Danh sách các thí sinh gian lận điểm thi không được Bộ và các địa phương công bố. Những thí sinh được xác định là gian lận điểm nhưng đủ điểm chuẩn vào các trường đại học không bị xử lý như kế hoạch ban đầu mà lãnh đạo Bộ đã chia sẻ với báo chí.
Những phụ huynh có con được nâng điểm đa phần chỉ dừng lại ở mức kỷ luật "Khiển trách" hoặc "Nghiêm túc rút kinh nghiệm" mà thôi. Như vậy, chúng ta thấy mâu thuẫn xảy ra trong cách giải quyết của sự việc.
Lúc chủ trương không công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi thì nói là có thể việc này do cha mẹ các em làm nên không xử lý thí sinh.
Nhưng, cha mẹ những thí sinh được nâng điểm đa phần chỉ bị xử lý ở mức "Khiển trách" hoặc "Nghiêm túc rút kinh nghiệm" thì tính răn đe không có. Mức kỷ luật này cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị trí công tác của các bậc phụ huynh.
Chính vì xử lý như vậy nên chúng ta vẫn thấy cái xấu lởn vởn trong ngành giáo dục nếu sự việc xử lý chỉ lừng chừng như vậy rồi thôi.
Điều đáng để băn khoăn nữa là Nghị quyết 88 của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng cuối cùng thì Bộ không làm được.
Phải chăng đây là sự chậm trễ của lãnh đạo Bộ khi để các chuyên gia, nhà giáo có khả năng biên soạn, viết sách giáo khoa đã ký trước hợp đồng với các Nhà xuất bản hay thực tâm Bộ Giáo dục không muốn làm. Vì cứ nhìn vào khoảng thời gian Bộ thông báo tuyển người biên soạn sách giáo khoa thì chúng ta cũng hiểu được bản chất của sự việc.
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt thì có 4 bộ là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Dù sách chưa phát hành chính thức nhưng đơn vị này đã "đi đêm" với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ 4 năm nay.
Sách chưa phát hành nhưng lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đánh tiếng là giá sẽ cao hơn sách giáo khoa hiện hành.
Tuy nhiên, nếu còn tình trạng đi đêm như thế này thì chuyện sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành cũng là điều dễ hiểu. Gánh nặng sẽ tiếp tục đè lên đôi vai của phụ huynh học sinh trong những năm tới.
Trong các nhà trường thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến và trở thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh. Học sinh học thêm từ khi chưa vào lớp 1 đến khi thi vào đại học. Một số học sinh học ngày, học tối, học ở trường, học ở nhà thầy cô xuyên suốt.
Tình trạng một số giáo viên bạo hành học sinh vẫn xảy ra ở một số nhà trường và trong năm 2019 thì chúng ta vẫn thấy một số giáo viên bị đuổi việc vì liên quan đến bạo hành học sinh.
Tình trạng phụ huynh bênh vực con mình, coi thường giáo viên vẫn xảy ra ở một số nơi. Nhẹ thì lên Facebook xúc phạm, nặng thì vào trường đánh cả giáo viên đang dạy con mình. Đạo lý, tính tôn sư trọng đạo đang bị mai một ở một số nơi, một số trường hợp- đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong thời gian tới đây.
Năm 2020 hy vọng sự bình an, khởi sắc.
Năm 2020 đã chính thức bắt đầu- năm mà ngành giáo dục bắt đầu sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thổng mới ở lớp 1- năm mà Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực. Rất nhiều thay đổi đang chờ đội ngũ lãnh đạo ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Liệu rồi những hạn chế, yếu kém trong ngành có được khắc phục, những cái mới liệu giáo viên có tiếp cận tốt không? Tất cả đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn ngành giáo dục cùng sự cộng hưởng của toàn xã hội.
Nếu sự chỉ đạo sát sao cùng với chung tay phối hợp tốt, chúng ta tin rằng ngành giáo dục nước nhà sẽ khởi sắc đi lên. Và, chúng ta tin, chờ đợi một năm mới ngành giáo dục nước nhà không còn nữa những câu chuyện buồn, câu chuyện tiêu cực để vực dậy uy tín, vị thế của giáo dục nước nhà ngày càng được tốt hơn.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Năm 2019, sự kiện giáo dục nào đáng quan tâm? Năm 2019 có nhiều sự kiện GD-ĐT thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Bên cạnh một số quyết sách hứa hẹn những thay đổi căn bản thì ngành giáo dục vẫn xảy ra những vụ việc gây nghi ngờ và mất niềm tin của xã hội nhưng lại chưa được chính ngành này giải đáp thỏa đáng....