Cân nhắc khi chọn bài thi, ngành học
Từ ngày 1-4, học sinh THPT bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia đồng thời với việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Cách thức đăng ký này buộc học sinh phải quyết định lựa chọn trường/ngành ngay từ bây giờ thay vì chờ đến khi có kết quả thi như nhiều năm trước. Việc tìm hiểu kỹ về cách thức đăng ký và lựa chọn trường/ngành phù hợp là đòi hỏi cần thiết đối với học sinh.
Tìm hiểu kỹ về cách thức đăng ký và lựa chọn trường, ngành phù hợp là cần thiết với mỗi học sinh. Ảnh: Viết Thành
Lưu ý khi chọn cả hai bài tổ hợp
Từ năm 2017, học sinh (HS) tham dự kỳ thi THPT quốc gia phải thi theo bài thi chứ không theo môn thi như trước. Các môn thi được tổ chức thành 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (gồm môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, HS phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng. Để tăng cơ hội trúng tuyển, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép HS được đăng ký chọn cả 2 bài thi tổ hợp.
Qua kỳ khảo sát chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội vừa qua cho thấy, nhiều HS rất băn khoăn trong việc lựa chọn bài thi tổ hợp nào để vừa phù hợp với năng lực, không bị quá tải, vừa tăng cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng. “Em dự định sẽ đăng ký cả hai bài tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để có thêm cơ hội xét và trúng tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, thời gian từ nay tới kỳ thi không nhiều, em lo lắng vì khối lượng kiến thức nhiều quá, lại có cả nội dung kiến thức lớp 11 nữa” – em Nguyễn Hùng Mạnh (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên) .
Theo Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo), HS nên cân nhắc kỹ khi chọn cả hai bài tổ hợp. Nếu đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp có nghĩa các em phải học và thi tới 9 môn, nhiều hơn 3 môn so với HS đăng ký 1 bài tổ hợp. Áp lực về thời gian và khối lượng kiến thức có thể khiến các em bị quá tải, ảnh hưởng đến kết quả thi. Bởi vậy, HS nên chọn học và đăng ký có trọng tâm vào một bài thi để tránh tình trạng học quá nhiều môn mà không đem lại hiệu quả cao.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, số HS chọn cả hai bài tổ hợp là gần 70 nghìn em (chiếm gần 10% tổng số HS thi), song kết quả của những HS này không cao so với những em chỉ làm một bài tổ hợp. Điểm bình quân của HS chỉ làm bài tổ hợp khoa học tự nhiên là 5,47 điểm, bài khoa học xã hội là 6,59 điểm; điểm bình quân các bài thi tương ứng của HS thi cả hai bài tổ hợp chỉ là 4,0 điểm và 5,99 điểm.
Video đang HOT
Tăng ngành mới, giảm chỉ tiêu khối quân đội
Năm 2018 ghi dấu sự biến động mạnh mẽ về số lượng ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động như dinh dưỡng, du lịch, đô thị học, khoa học xã hội và hành vi… Trong đó, riêng ở danh mục đào tạo trình độ đại học hiện đã có thêm hơn 100 ngành mới, tăng gần 40% so với danh mục ban hành năm 2010, nâng tổng số ngành đào tạo trình độ đại học lên 360 ngành. Đây là cơ hội lớn đối với HS, song cũng đòi hỏi các em phải tìm hiểu kỹ về ngành nghề định theo đuổi, đối chiếu với năng lực và điều kiện của bản thân để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Trước những băn khoăn của HS về việc chọn ngành nào, trường nào để có cơ hội việc làm tốt nhất, PGS.TS Bùi Đức Triệu (Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định: “Các em đừng lo thiếu cơ hội việc làm mà hãy lo học thật tốt. Nếu học tốt thì nơi nào cũng cần, nơi nào cũng thiếu”.
Minh chứng cho điều này, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng (Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính) thông tin: “Theo khảo sát của Học viện đối với sinh viên ra trường năm 2017, 70% số sinh viên có việc làm sau 3 tháng ra trường, tỷ lệ này sau 1 năm ra trường đạt gần 98%. Chất lượng học tập là yếu tố quyết định. Các em cần tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút quyết định đăng ký ngành mà mình yêu thích nhất, có sở trường nhất để gắn bó lâu dài”.
Các trường khối quân đội năm nay có nhiều điều chỉnh trong tuyển sinh. Hầu hết đều xét tuyển 2 tổ hợp là A00 (toán, vật lý, hóa học) và A01 (toán, vật lý, tiếng Anh). Đây là năm đầu tiên một số trường như Học viện Khoa học quân sự, Trường Sĩ quan không quân… áp dụng quy định thống nhất một điểm chuẩn xét tuyển chung cho HS cả nước ở một số ngành thay vì quy định điểm chuẩn riêng cho HS miền Nam, miền Bắc.
Ngoài ra, để thu hút HS nữ có nguyện vọng học tập trong môi trường quân đội, Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) đã quy định cụ thể về số lượng tối thiểu thí sinh nữ đối với mỗi ngành được giao chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ là 2 người.
Ngoài ra, HS cũng cần lưu ý, năm nay, chỉ tiêu hệ dân sự của khối trường quân đội sẽ giảm tới 50% so với năm trước, đồng thời quy định trong đăng ký xét tuyển được siết chặt. Các trường khối quân sự chỉ nhận xét tuyển đối với nguyện vọng 1. HS sơ tuyển vào trường nào làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đó. Các nguyện vọng tiếp theo, HS có thể đăng ký vào hệ dân sự của trường quân đội hoặc trường không thuộc khối quân đội. Thời gian sơ tuyển tại các địa phương, đơn vị được ấn định thống nhất trên cả nước là từ ngày 1-3 đến ngày 25-4-2018.
Theo Hanoimoi.com
Cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 đã ngày một nóng lên khi các trường công bố hàng loạt các thông tin tuyển sinh hấp dẫn như: Mở thêm nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
ảnh minh họa
Đặc biệt, đa dạng hóa các loại hình xét tuyển với những tổ hợp mới lạ, điều này được coi là thuận lợi cho thí sinh, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với sở thích và năng lực của mình.
Phù hợp với năng lực
PGS.TS Lê Văn Thanh - chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng: Điều tiên quyết là thí sinh phải thông thái khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho phù hợp với năng lực học tập và ngành nghề theo sở thích cá nhân.
Nếu như những tổ hợp xét tuyển truyền thống rất căn bản và đã tồn tại nhiều năm nay, dù gì nó cũng có những ưu điểm, nếu không có những suy tính khác biệt thì lựa chọn tổ hợp truyền thống là điều nên làm.
Còn với những tổ hợp mới, các trường đưa ra là cũng có những tính toán ở sự đặc thù hoặc là ngành nghề hay tạo sức hút đối với người học. Nhưng quan trọng hơn cả là thí sinh phải xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với tổ hợp xét tuyển và ngành học hay không.
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2018 này, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển, với số lượng 4 tổ hợp cho mỗi ngành/nhóm ngành. Đây là điểm mới được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao.
Việc các trường được quyền tự chủ hoàn toàn trong công tác xét tuyển với việc chủ động đưa ra các phương án xét tuyển được coi là thuận cho cả nhà trường và thí sinh vì với cách thức này, sẽ giúp các trường lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất vào học. Còn với người học, đa dạng tổ hợp xét tuyển mỗi ngành và nhóm ngành cũng đồng nghĩa với việc thí sinh có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển, xét tuyển theo sở thích và nguyện vọng của mình.
Lời khuyên đối với thí sinh của nhiều chuyên gia tuyển sinh là thí sinh cần phải thông thái khi lựa chọn tổ hợp xét tuyển. Hãy đặt ra những giả thiết trong trường hợp lựa chọn tổ hợp xét tuyển nào đó không phù hợp với năng lực, cứ cho là khả năng trúng tuyển là có thì khi theo học các em sẽ phải chấp nhận những thực tế có thể mình không vừa lòng với ngành học đã chọn lựa, hoặc việc đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp và ngành học đó vượt quá sức mình khiến việc học tập trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ chuyển đổi ngành học hoặc không có khả năng theo học hết chương trình đào tạo. Đây là sự lãng phí không chỉ là tiền của mà còn là thời gian - thứ không lấy lại được đối với mỗi người.
Hướng đến chất lượng
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải - phân tích: Việc Bộ GD&ĐT quy định cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển là hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại.
Thực tế cho thấy, việc thiết kế chương trình đào tạo của các trường hiện nay là đa dạng và phóng phú, tất cả đều hướng tới phát triển năng lực tư duy toàn diện của người lao động, theo những yêu cầu ngày càng cao của vị trí việc làm của từng ngành đào tạo. Hiện nay, xu thế chung trong đào tạo của các nhà trường là ngoài lượng kiến thức chuyên ngành căn bản thì các trường cũng trang bị cho sinh viên những kiến thức tổng hợp mà ta hay gọi là "kỹ năng mềm".
Đánh giá cao chủ trương các trường chủ động xác định tổ hợp xét tuyển là hướng đến trách nhiệm và chất lượng hơn, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho rằng: Việc lựa chọn tổ hợp tuyển sinh đầu vào có ý nghĩa rất quan trọng đối với các trường và đặc biệt là thí sinh. Nếu các em không có thiên hướng về toán hoặc khoa học tự nhiên sẽ rất khó khăn khi theo học các ngành như toán, công nghệ thông tin, cơ học, tự động hóa... Thế nên việc xây dựng tổ hợp, môn xét tuyển phải phù hợp với ngành/nhóm ngành xét tuyển.
Trước việc có những tổ hợp xét tuyển mới trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 này, những chuyên gia tuyển sinh cho rằng nên lạc quan nhiều hơn là lo lắng vì khi các trường tính toán xây dựng các tổ hợp xét tuyển là đều tính hướng đến chất lượng, chứ không có trường nào làm ngược lại vì sẽ bị đào thải trong một môi trường cạnh tranh ngày càng cao giữa các trường.
Trong bối cảnh thông tin công khai như hiện nay thì việc tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo mà thí sinh muốn theo học, đánh giá xem có phù hợp hay chất lượng không là điều không quá khó. Chính vì vậy, các trường khi mở rộng vào các tổ hợp vẫn cần bám vào những tổ hợp theo khối thi truyền thống như A - C - D... trước đây.
Theo Giaoducthoidai.vn
Năm 2018 ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu Vừa qua,Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh đợt 1. Học sinh tham dự ngày hội Tư vấn tuyển sinh tại Đại học Kinh tế Quốc dân Đây là dịp để các học sinh THPT, đặc biệt là học sinh lớp 12 và các bậc phụ huynh, giáo viên được tiếp cận...