Cân nhắc chọn trường, chọn ngành phù hợp
Với các phương thức xét tuyển như hiện nay và sự săn đón thí sinh của nhiều cơ sở giáo dục ĐH, cơ hội để trở thành sinh viên là trong tầm tay với những thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, chọn ngành học nào lại là câu chuyện không đơn giản vì còn căn cứ vào năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội.
Lập nghiệp đừng chỉ vì chữ ĐH mà cố chọn ngành không phù hợp. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Áp lực chọn nghề
Cho dù công tác hướng nghiệp trong các trường THPT thời gian qua đã được chú ý hơn, nhưng trên thực tế việc chọn ngành học nào sau khi tốt nghiệp lại là câu chuyện của cả gia đình. Theo các chuyên gia, xu hướng chung là các gia đình thường định hướng cho con em mình nối nghiệp gia đình với suy nghĩ có sẵn lợi thế nền tảng khi người đi trước sẽ truyền đạt cho người đi sau. Chẳng hạn, gia đình có truyền thống kinh doanh sẽ hướng con theo học về kinh doanh, bố mẹ là giáo viên, bác sĩ… sẽ hướng con học sư phạm, trường y dược…
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc bố mẹ can thiệp quá sâu vào quyết định chọn ngành học, chọn trường của con sẽ khiến thí sinh cảm thấy rất áp lực. Lợi thế nếu theo ngành truyền thống của gia đình không ai có thể phủ nhận nhưng trên thực tế, có học sinh đã từng tâm sự với TS Lâm rằng chứng kiến cảnh bố mẹ đi sớm về khuya, trực bệnh viện nhiều đêm trong tuần, công việc căng thẳng đến giấc ngủ cũng chập chờn khiến cho em… sợ ngành y. Em không muốn cuộc sống sau này của mình cũng tuân theo quỹ đạo ấy nên dù học rất giỏi, hoàn toàn có khả năng thi đậu vào ngôi trường mơ ước của hàng triệu thí sinh nhưng cuối cùng em học sinh này vẫn quyết định chọn ngành sư phạm.
Tương tự, TS Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết, hiện nay có một xu hướng đó chọn ngành nghề thời thượng mà báo chí nhắc đến thường xuyên, gọi chung là chọn ngành “hot” mà không thực sự hiểu rõ. Thông tin chọn trường mà thí sinh biết chủ yếu qua cuốn sách “Những điều cần biết về tuyển sinh…” và một vài thông tin trên báo chí, website của trường ĐH đó còn thực chất cơ hội việc làm ra sao, mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề đó lại không được tính đến. Từ đó, dẫn đến nguy cơ chọn sai ngành học, trường học, lãng phí thời gian, công sức… Tự nhiên rơi vào lĩnh vực khác mà mình không có sở trường, thậm chí mình cũng không thực sự thích thì chắc chắn sẽ khó đạt kết quả học tập tốt, sau đó là công việc sau khi ra trường không được như ý. Hàng năm, các trường ĐH đều công bố danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém vì không theo được hoặc vì không yêu thích nên không học được… Nhiều hệ lụy khác cũng sẽ kéo theo nếu chọn sai ngành nghề tương lai.
Đừng bỏ lỡ cơ hội
Theo các chuyên gia của công ty tuyển dụng trực tuyến Vietnamwork, mỗi thí sinh không chỉ có cơ hội một lần chọn ngành học trong đời, nhưng thời gian không chờ đợi bất cứ ai nên lần lựa chọn đầu tiên rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp THPT, việc lựa chọn đăng ký học tiếp hay tham gia thị trường lao động cần được cân nhắc kỹ dựa trên rất nhiều tiêu chí. Trong đó, quan trọng nhất là xác định đúng đam mê của mình, thứ hai là đánh giá năng lực bản thân có thế mạnh gì, điểm yếu nào để phát huy và khắc phục những hạn chế đó. Thứ ba, xem xét nhu cầu xã hội có cần đến ngành nghề đó hay không. Thứ tư là xem xét hoàn cảnh gia đình, không chỉ là sự ủng hộ của gia đình mà còn là những lời khuyên từ người đi trước có sự tiếp xúc gần gũi với bạn, đánh giá bạn có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Thứ năm, nếu như bạn vẫn còn đang mơ hồ về bản thân bạn, còn gặp khó khăn trong sự lựa chọn thì nên tìm đến những lời tư vấn của những người đã có kinh nghiệm hay đã trải qua những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Từ đó, có thể có những phát hiện mới mẻ với bản thân bạn hoặc khơi gợi hướng đi đúng đắn cho tương lai. Thứ sáu, tìm kiếm cơ hội, nỗ lực làm việc, học tập để đạt được nguyện vọng. Cũng có thể, đam mê thực sự sẽ đến trong quá trình làm việc.
Ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM phân tích, nếu như trước đây, người lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công. Nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là phải phát triển năng lực biến mình trở thành người có tư duy, sáng tạo gắn liền với công nghệ. Bởi thực tế các ngành nghề hiện nay đang chuyển đổi, phát triển, đòi hỏi người lao động phải sáng tạo. Vì vậy, các bạn trẻ đừng hỏi ngành nghề nào “hot”, mà hãy hỏi “mình có hot không?”.
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp được công bố. Đây là thời điểm các thí sinh và gia đình đang hồi hộp chờ đợi kết quả và tính toán khả năng chọn trường, chọn ngành phù hợp. Một lưu ý năm nào cũng nhắc lại đó là không phải vào ĐH bằng mọi giá mà quan trọng là xác định được sở thích và năng lực của bản thân để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp, có thể là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đừng chỉ vì chữ ĐH mà cố chọn ngành không phù hợp, chọn ngành chạy theo thị hiếu sẽ lãng phí không chỉ thời gian, công sức, tiền của mà chính là cơ hội của bản thân…
Thu Hương
Theo daidoanket
Áp lực chọn nghề
Kỳ thi THPT quốc gia với kết quả bài làm ra sao có ý nghĩa quyết định hết sức lớn với những thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều học sinh cuối cấp trung học phổ thông vẫn chưa biết chọn nghề, chọn trường sao cho đúng.
Ảnh minh họa
Với không ít bạn trẻ, việc đăng ký xét tuyển vào một trường đại học nào đó chỉ là theo tâm lý chung của bạn bè, chứ hoàn toàn không biết mình thích làm nghề gì nữa. Lại có bạn đưa ra câu trả lời rất đơn giản: "Bố mẹ em quyết định cho em theo học ngành này rồi!?".
Áp lực chọn nghề đối với học sinh là rất lớn. GS. TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội, đã phải thốt lên: "Trường tôi có thế mạnh về đào tạo các ngành khoa học cơ bản và đưa ra rất nhiều học bổng cho các ngành này. Nhưng thật đáng tiếc trong 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường có tới 800 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành kinh tế. Nhiều khảo sát của các trường đại học và doanh nghiệp cho rằng ước tính có khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học. Điều này gây rất nhiều lãng phí cho bản thân các em, gia đình và cả xã hội".
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các bậc phụ huynh tham gia vào việc chọn ngành, chọn trường cho con em là điều cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, các vị chỉ nên dừng lại ở mức độ tư vấn chứ đừng áp đặt. Chính vì sự áp đặt của các bậc phụ huynh đã khiến không ít bạn trẻ miễn cưỡng theo học ngành học mà mình không thích một thời gian, sau đó thấy nhàm chán, kết quả học tập không tốt. Có bạn học xong chương trình đại học lại đi làm ngành nghề khác mà mình yêu thích. Lại có bạn học giữa chừng bỏ để theo học ngành, trường khác đúng với sở trường và năng lực của mình.
Có ý kiến từ phụ huynh nhờ tư vấn khiến chuyên gia tuyển sinh giật mình vì không phải là tư vấn để con học ngành, trường nào đó cho phù hợp mà là nhờ khuyên giúp làm sao để con thi vào ngành học mà lĩnh vực này là thế mạnh của gia đình. Phụ huynh đó đã quá áp đặt suy nghĩ của mình mà không nghĩ rằng theo học tài chính - ngân hàng mà bạn trẻ đó không thích, tốt nghiệp ra trường chắc cũng khó mà say mê được. Nhưng nếu theo học công nghệ thông tin là ngành bạn đó thích, thì với ham thích học tập và với niềm say mê công việc, rất có thể bạn đó thành công, trở thành một lập trình viên, kỹ sư giỏi.
Lời khuyên của cha mẹ, hãy nên dừng ở mức khuyên nhủ, tư vấn, chứ đừng quá áp đặt để các bạn trẻ thấy áp lực chọn nghề với mình là quá nặng nề. Thực tế, khi đưa ra áp lực chọn nghề cho con, các bậc phụ huynh cũng phải đối mặt với những căng thẳng vì mình và con không tìm được tiếng nói chung.
Vẫn biết, không phải định hướng nào của bố mẹ cũng sai vì hơn ai hết để họ hiểu được năng lực, khả năng của con, nhưng cũng không nên vì thế mà gây áp lực con em quá mức, theo kiểu ép con cái phải thi vào ngành nghề mà các bậc phụ huynh cảm thấy "có triển vọng". Điều nên làm là để con tiếp cận với ngành nghề mình định hướng, để con tìm hiểu đây có phải là nghề mình thích hay không. Việc định hướng là quyền của cha mẹ, nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, gợi ý còn quyết định vẫn thuộc về con.
Tâm An
Theo GDTĐ
Tặng 52.000 tờ Báo Thanh Niên cho phụ huynh và thí sinh Trong các ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, 10 doanh nghiệp, tổ chức đã đồng hành với thí sinh và phụ huynh bằng việc tặng 52.000 tờ Báo Thanh Niên nhằm giúp các thí sinh nắm bắt được thông tin về thi cử, chọn ngành, chọn trường và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Phụ huynh ở tỉnh Bến Tre...