Cần một cuộc chấn hưng giáo dục
Đó là đề nghị của nhiều đại biểu tham dự cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo nước nhà do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 27-9 tại Hà Nội.
Rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua để mổ xẻ những bất cập của giáo dục và đề xuất những giải pháp nhằm thay đổi. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên bộ trưởng, các thứ trưởng và nhiều cán bộ quản lý của Bộ GD-ĐT cùng có mặt để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ những nhà nghiên cứu giáo dục, nhà khoa học có uy tín…
Hàng loạt vấn đề cần giải quyết
Là người đầu tiên phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, cho rằng: “Trước hết tôi vẫn nghĩ cần phải có một phương hướng cải cách giáo dục, phải có một đề án cải cách giáo dục mang tính tổng thể và chiến lược phát triển giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa trình bày phải nằm trong đề án cải cách đó. Trong bối cảnh nền giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, nhiều vấn đề đang cần phải nghiên cứu thay đổi như hiện nay, việc đưa ra một bản chiến lược tổng thể phát triển giáo dục là chưa có cơ sở”.
“Chúng ta luôn nói “Tôn sư trọng đạo”, nhưng lương nhà giáo quá thấp, giáo viên không thể sống được bằng đồng lương của mình” GS HOÀNG TỤY
Theo bà, sẽ có hàng loạt vấn đề phải giải quyết đồng bộ mà trước hết phải xác định lại sứ mạng giáo dục hiện nay và triết lý giáo dục sẽ nằm trong sứ mạng giáo dục đó là gì.
PGS Trần Quốc Toản, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói trong quá trình đổi mới giáo dục cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy, nhận thức, triết lý giáo dục vì đây là những vấn đề mang tính mở đường. Tiếp đến, những yếu tố giáo dục căn bản phải được nghiên cứu rõ cả về khoa học và thực tiễn. Và những vấn đề này không phải giao cho cơ quan quản lý hành chính thực hiện mà phải có cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm với những nghiên cứu cẩn trọng.
Bà Nguyễn Thị Bình kiến nghị: “Cần có một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể nêu ra được giải pháp, lộ trình để trình trung ương và Quốc hội theo quy định pháp luật. Tổ chức này có thể là Ủy ban cải cách giáo dục”.
Video đang HOT
GS Hoàng Tụy phát biểu tại cuộc tọa đàm.
Bắt đầu từ đâu?
Đổi mới quản lý giáo dục, thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục, thay đổi nội dung chương trình, đổi mới thi cử và xây dựng chính sách đối với nhà giáo… là những vấn đề được các nhà giáo dục cho rằng là then chốt của một cuộc chấn hưng giáo dục. Các ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng đặc biệt quan tâm, thảo luận về việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan điểm, triết lý giáo dục cho giai đoạn phát triển mới.
GS Hoàng Tụy cho rằng nên điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để sau THCS, phần lớn học sinh sẽ vào học trung học hướng nghiệp, chỉ một tỉ lệ nhỏ học THPT. Với cấu trúc giáo dục quốc dân được điều chỉnh, sẽ khắc phục được tình trạng 80-90% học sinh phổ thông chỉ học để đi thi đại học và có thể thực hiện được việc sàng lọc, thắt chặt quản lý chất lượng đầu ra của đại học.
Cùng với việc điều chỉnh cấu trúc giáo dục, GS Hoàng Tụy đề nghị phải đổi mới cơ bản cách học và thi. Để khắc phục tình trạng học sinh lao vào học chỉ để thi và sự tốn kém, thiếu thực chất của kỳ thi cuối cấp, GS Hoàng Tụy cho rằng nên thực hiện việc kiểm tra ngay trong quá trình học và cuối các cấp học, học sinh chỉ cần làm một bài tiểu luận để kiểm tra kiến thức tổng hợp.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – nguyên phó Ban Tuyên giáo trung ương, người có nhiều năm gắn bó với ngành sư phạm, đổi mới đào tạo đội ngũ chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Vỳ kiến nghị cần sớm thực hiện các giải pháp: xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm, nghiên cứu tìm kiếm mô hình mới để đào tạo giáo viên, đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên theo chu kỳ thường xuyên, hoàn thiện các tiêu chuẩn tuyển dụng đầu vào và thực hiện nghiêm túc chế độ tuyển dụng giáo viên, nâng cao đãi ngộ đối với giảng viên, giáo viên…
Cùng quan điểm này, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Chính sách nhà giáo là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề then chốt của việc đổi mới giáo dục”. Chất lượng giáo dục nâng lên, tiêu cực được đẩy lùi, việc thực hiện đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực… tất cả đều trông chờ vào một đội ngũ nhà giáo tâm huyết, có năng lực. Nhưng để có một đội ngũ như thế, chính sách phải thay đổi trước.
Theo 24h.com.vn
ĐH công muốn tự chủ thu chi
Nguồn thu tài chính có hạn vì thấp lại cào bằng - nhiều trường ĐH công lập cho rằng đây là lý do khiến chất lượng giáo dục bị kìm hãm, trường không thu hút được giảng viên giỏi và khó có thể "cất cánh".
Tham dự tọa đàm "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục" do Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức sáng 18/3 ở TPHCM, nhiều lãnh đạo các trường ĐH và chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải có những giải pháp đột phá về cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản trị để các trường ĐH công lột xác.
Học phí thấp "đè" chất lượng giáo dục
Theo GS-TS Mai Ngọc Cường, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện nguồn thu của các trường ĐH công lập hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước. Trong đó, nguồn từ ngân sách chiếm khoảng 54% - 57%, nguồn thu ngoài ngân sách chiếm khoảng 43% - 46%, chủ yếu là thu từ học phí, lệ phí.
Các trường ĐH công cho rằng tăng học phí sẽ giúp tăng chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong giờ thực hành.
Ngoại trừ các trường ĐH khối Kinh tế, Luật có khả năng tự bảo đảm trên 50% mức chi từ các nguồn thu sự nghiệp ngoài ngân sách Nhà nước, còn lại các trường ĐH khác chỉ bảo đảm dưới 50% mức chi. Đặc biệt khó khăn là các trường khối y dược, thể thao và văn hóa nghệ thuật. Do nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước gặp khó khăn nên nhiều trường khó có khả năng tăng nguồn để tự cân đối thu chi.
GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng với suất đầu tư khoảng 400 - 500 USD/sinh viên/năm như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng là "vô phương"! GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng với suất đầu tư thua các nước trong khu vực 8-10 lần mà đòi hỏi phải sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục là duy ý chí.
Trước thực tế này, theo nhiều đại biểu, không thể duy trì cơ chế học phí thấp và cào bằng như hiện nay. "Mức học phí thấp đang kìm hãm, đè nén nền giáo dục ĐH" - PGS.TS Lê Bảo Lâm, hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nói. Theo ông Lâm, học phí thấp nên phương tiện giảng dạy, học tập nghèo nàn, lương thấp không thu hút được giảng viên giỏi... thì làm sao có thể nâng cao chất lượng.
GS.TS Nguyễn Đông Phong, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đề nghị phải thay đổi khung học phí linh hoạt hơn và chính sách học phí nên để các trường chủ động xây dựng, không nên ràng buộc các trường bằng cơ chế "phân khúc thấp". Nếu giao cho trường tự quyết định học phí, tự quyết định nhân sự, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình đào tạo ra thì trường công chắc chắn sẽ vươn lên.
Tốt cho sinh viên và giảng viên
Nhiều đại biểu cho rằng tăng học phí là xu hướng khó tránh, song cần phải có chính sách hỗ trợ người học. Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, tín dụng cho sinh viên vay sẽ là giải pháp hoàn toàn có cơ sở và khả thi. "Khi sinh viên học bằng tiền đi vay thì chắc chắn sẽ quyết tâm học hành để còn trả nợ" - ông Phong nói. Giải pháp này được rất nhiều đại biểu đồng tình. Để tăng cường nguồn thu cho các trường, TS Nguyễn Kim Dung, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, còn đề nghị các nhà tuyển dụng - những người hưởng lợi từ kết quả đào tạo của nhà trường - phải chung tay giúp nhà trường phát triển.
Các đại biểu cũng cho rằng để bảo đảm chất lượng, các trường ĐH phải được sự giám sát của toàn xã hội. Theo TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TPHCM, việc kiểm soát chất lượng phải được thực hiện thông qua các tổ chức kiểm định độc lập.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM, khi người học đã bỏ tiền nhiều thì phải được học ở nơi tốt. Do vậy, các trường ĐH phải cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo đảm chất lượng mình cung cấp phù hợp với yêu cầu của khách hàng - là người học.
Cũng theo ông Hồ Thanh Phong, cơ chế trả lương theo giờ giảng như hiện nay sẽ khiến giảng viên - người cung cấp dịch vụ - dạy đến sức cùng, lực kiệt để có thu nhập bảo đảm cuộc sống không còn tâm trí, thời gian nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn. PGS-TS Lê Bảo Lâm cũng cho rằng việc tuyển dụng giảng viên rất khó khăn, nhất là những người được đào tạo ở nước ngoài, vì mức lương quá thấp. Do vậy, việc tự chủ thu chi với quyền trả lương cao sẽ là nền tảng để giải quyết những nhu cầu thiết yếu của giảng viên, từ đó mới có thể mang lại dịch vụ tốt nhất cho người học.
Theo Người Lao Động