Cần minh oan cho người đã chết
Sau khi chị Trần Thị Hải Yến tự tử trong nhà tạm giam, không ít lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng chị bị oan nhưng đến nay chưa có cơ quan nào kết luận, minh oan cho chị
Phát biểu tại Quốc hội về tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự ngày 5.6, đại biểu Nguyễn Thị Khá nói: “Cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra việc (nghi can) tự sát trong trại tạm giam, bởi biết đâu họ bị oan mà tự sát…”. Có lẽ trường hợp chị Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên mà Pháp luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh là minh họa cụ thể cho ý kiến nói trên của bà Khá.
Vụ án này Chủ tịch nước từng chỉ đạo liên ngành tư pháp trung ương kiểm tra, báo cáo nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có kết luận chính thức. Trước đó, đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự đã dành hơn một nửa thời gian của đợt làm việc tại Phú Yên để tìm hiểu, chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến vụ án này.
Cha và chị ruột chị Trần Thị Hải Yến đau khổ trước cái chết oan khuất của người thân.
Một cái chết còn nhiều uẩn khúc
Theo hồ sơ, tối 3.3.2012, giữa nhà chị Yến và nhà ông Nguyễn Tấn Dũng (hàng xóm) xảy ra cãi vã, ném đá qua lại do gia đình ông Dũng hát karaoke gây ồn ào đến khuya. Gần năm tháng sau, ngày 25.7.2012, Công an huyện Tuy An (Phú Yên) khởi tố vụ án. Gần bốn tháng sau nữa, ngày 13.11.2012, chị Yến bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích. Hai tháng sau, chị bị bắt tạm giam.
Ngày 19.3.2013, TAND huyện Tuy An tuyên chị Yến 30 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Ngày 1.7 năm đó, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm với nhận định chưa đủ cơ sở buộc tội, vụ án có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Tòa yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Từ khi bị khởi tố cho đến khi xét xử phúc thẩm, chị Yến và gia đình liên tục kêu oan. Sau khi hết hạn tạm giam, chiều 7.10.2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy An tống đạt quyết định gia hạn tạm giam hai tháng đối với chị Yến. Hơn ba tiếng sau, người ta phát hiện chị đã chết trong buồng tạm giam trong tư thế treo cổ.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 17.10.2013, các cơ quan nội chính tỉnh Phú Yên họp, thống nhất nhận định cấp sơ thẩm có sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử chị Yến, đồng thời giao Công an tỉnh rút hồ sơ vụ án này lên điều tra lại. Ngày 11.12.2013, Công an tỉnh Phú Yên ra thông báo kết luận chị Yến treo cổ chết nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự (liên quan đến cái chết của chị Yến). Đồng thời, công an cũng đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với chị Yến với lý do chị Yến đã chết.
Video đang HOT
Một oan án lửng lơ
Vụ án này còn có nhiều uẩn khúc. Bất luận thế nào, một bị can liên tục kêu oan, sau treo cổ chết trong trại tạm giam (theo kết luận của công an) đã là điều bất thường. Đó là chưa nói khi cha mẹ chị Yến xin đưa thi thể con mình về quê nhà (huyện Tuy An) an táng, phía công an lại mang xác chị Yến đi chôn ở nghĩa trang TP.Tuy Hòa.
Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, cha mẹ chị Yến liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan chức năng trung ương về cái chết đầy uẩn khúc của con mình. Họ cho rằng con gái mình bị oan vì không có hành vi cố ý gây thương tích cho người bị hại và yêu cầu cơ quan tố tụng phải minh oan cho con mình, đồng thời phải xin lỗi công khai và xem xét trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã gây ra oan, sai đối với con mình.
Tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự tại Phú Yên ngày 13.1, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết khi điều tra lại vụ án cố ý gây thương tích, Công an tỉnh Phú Yên xác định lại chị Yến không có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, sau đó đoàn chuyên viên liên ngành tư pháp trung ương thống nhất đánh giá chị Yến có hành vi phạm tội Cố ý gây thương tích.
Ngày 6.2, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao đề nghị sớm có kết luận vụ việc. Chủ tịch nước cũng đã yêu cầu liên ngành tư pháp trung ương kiểm tra, báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào công bố kết luận chính thức.
Minh oan cho chị Yến là hợp đạo lý
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra bị can đối với chị Yến theo khoản 7 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự (người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết) như nhiều trường hợp khác là máy móc, vô cảm. Bởi theo lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đã nói, khi điều tra lại, Công an tỉnh này đã xác định hành vi của chị Yến không có dấu hiệu tội phạm.
Với kết quả này, cơ quan tố tụng nên đình chỉ điều tra chị Yến theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm). Như thế, vừa phù hợp pháp luật, vừa phù hợp đạo lý.
Minh oan cho người bị oan khi họ còn sống đã là điều khó khăn, minh oan cho người đã chết còn khó hơn nhiều. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì cơ quan tố tụng cũng phải có trách nhiệm minh oan cho họ để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người như Hiến pháp đã quy định.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Theo_Dân việt
Làm rõ các vụ chết khi tạm giam, tạm giữ
Đoàn giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến các vụ chết trong trại tạm giam, nhà tạm giữ và các trường hợp đình chỉ điều tra tại Phú Yên.
Ngày 12.1, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên. Nhiều thành viên đoàn giám sát đã rất quan tâm đến các trường hợp chết khi đang bị tạm giam, tạm giữ ở Phú Yên thời gian qua.
Phải có các kết luận rõ ràng
Theo đại diện UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua tại tỉnh này có ba trường hợp chết khi đang tạm giam, tạm giữ, gồm một trường hợp treo cổ tự tử và hai trường hợp chết do bệnh lý. Trong đó, trường hợp của bị can Trần Thị Hải Yến (SN 1982, ngụ xã An Cư, Tuy An) chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An hồi tháng 10.2013 là trường hợp có khiếu nại, tố cáo căng thẳng, kéo dài. Công an tỉnh Phú Yên đã kết luận chị Yến chết do treo cổ tự tử. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, gia đình chị Yến đã liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương và trung ương.
Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Phú Yên đã rút hồ sơ từ Công an huyện Tuy An lên điều tra lại vụ án cố ý gây thương tích và đến nay chưa chính thức công bố kết luận điều tra lại. Chủ tịch nước đã yêu cầu liên ngành Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao kiểm tra, báo cáo vụ án này.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên báo cáo kết luận của liên ngành trung ương về vụ án của chị Yến để xem xét, đánh giá. Cạnh đó, đoàn giám sát yêu cầu Công an tỉnh Phú Yên cung cấp các kết luận điều tra nguyên nhân chết của các trường hợp chết trong nhà tạm giam, tạm giữ khác như vụ ông Lê Thanh Tâm chết trong trại tạm giam; báo cáo rõ thời gian tạm giam, tạm giữ của những trường hợp này, đồng thời phải kết luận rõ là những người này có phạm tội hay không. Một thành viên đoàn giám sát đã lưu ý đại diện VKSND tỉnh Phú Yên về việc báo cáo không đầy đủ, ít hơn công an tỉnh về số trường hợp chết khi đang tạm giam, tạm giữ.
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng quan tâm đến vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP.Tuy Hòa (vụ anh Ngô Thanh Kiều). Đây cũng là trường hợp duy nhất có đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra tại Phú Yên thời gian qua.
Cha và chị gái đau đớn trước cái chết của chị Trần Thị Hải Yến. Ảnh: Q.L
Yêu cầu làm rõ các vụ đình chỉ điều tra
Bên cạnh đó, nhiều thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu làm rõ các trường hợp đình chỉ điều tra tại Phú Yên.
Theo báo cáo của UBND tỉnh này, từ ngày 1.10.2011 đến 30.9.2014 đã có 438 vụ với 61 bị can được tạm đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 22% tổng số vụ và 2,38% tổng số bị can). Cùng thời điểm, có 53 vụ với 58 bị can được đình chỉ điều tra (chiếm 2,6% tổng số vụ và 2,3 tổng số bị can).
Trong số này, đoàn giám sát đặc biệt lưu ý đến ba vụ với ba bị can được đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Một thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề: "Nếu đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thì phải xem xét có oan hay không. Cần kiểm tra lại ba vụ án này và làm rõ trách nhiệm giải quyết như thế nào".
Một thành viên khác của đoàn giám sát yêu cầu kiểm tra, xem xét lại trường hợp Lại Văn Long yêu cầu VKSND tỉnh Phú Yên bồi thường 79 triệu đồng. Bị can này có hành vi phạm tội liên tiếp tám lần khi chưa thành niên và đã được đình chỉ điều tra theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự (BLHS) về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Thành viên đoàn giám sát này cho rằng quyết định đình chỉ điều tra đối với trường hợp này là phù hợp với quy định pháp luật nhưng cần làm rõ là bị can có bị tạm giam không.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua có ba vụ với ba bị can được đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa) và cả ba trường hợp này đều không có đơn khiếu nại, tố cáo.
Dù vậy, các thành viên đoàn giám sát vẫn yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên báo cáo rõ các trường hợp đình chỉ này vì "nhiều nơi áp dụng sai khoản 1 Điều 25 để tránh bồi thường oan". Theo một thành viên đoàn giám sát, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nếu có sai phạm đều có trách nhiệm của VKS.
Áp dụng án treo chưa đúng
Đoàn giám sát cũng đặc biệt quan tâm đến tình hình áp dụng án treo của tòa án hai cấp ở Phú Yên. "Hiện nay ở cấp huyện, việc áp dụng án treo không đúng rất nhiều. Nhiều vụ xác định tình tiết giảm nhẹ sai quy định của pháp luật" - một thành viên đoàn giám sát nói.
Đại diện UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận đây là vi phạm phổ biến của tòa án trong hoạt động xét xử ở tỉnh này. Những vi phạm phổ biến khác của tòa án như áp dụng sai tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; để quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định, có vụ quá hạn đến tám tháng, không phân công hội thẩm nhân dân; vi phạm trong nghị án...
Một thành viên đoàn giám sát lưu ý: "Trong xét xử, vụ nào chưa thống nhất thì các ngành tố tụng họp lại, bàn kỹ với nhau. Vụ nào không có tội thì nên tuyên vô tội để tránh xảy ra oan sai".
Theo NTD
Sóc Trăng khắc phục án oan sai Thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng còn sai sót, dẫn đến khởi tố, bắt giam người vô tội, gây ra hậu quả nặng nề cho người bị oan. Để không còn án oan sai xảy ra, trong khi tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS), việc khẩn trương...