Sóc Trăng khắc phục án oan sai
Thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng còn sai sót, dẫn đến khởi tố, bắt giam người vô tội, gây ra hậu quả nặng nề cho người bị oan. Để không còn án oan sai xảy ra, trong khi tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS), việc khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan tư pháp Sóc Trăng.
Anh Thạch Sô Phách ở ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân, huyện Trần Đề đang thất nghiệp chờ nhận tiền bồi thường oan sai.
Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Sóc Trăng có nhiều cố gắng trong việc tuân thủ pháp luật hình sự, TTHS, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động TTHS ở Sóc Trăng còn nhiều sai sót. Theo Công an Sóc Trăng, ba năm qua, toàn tỉnh đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can: năm 2012 có 16 vụ án với 18 bị can, năm 2013 có 12 vụ án với 13 bị can, năm 2014 có 12 vụ án với 21 bị can. Nhiều vụ án đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm, phải đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Làm việc tại Sóc Trăng về khắc phục án oan sai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết, căn cứ đình chỉ điều tra một số vụ án có dấu hiệu không đúng, chưa chính xác, có thể dẫn tới việc oan sai. Việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố còn để tình trạng quá hạn theo luật định, tỷ lệ giải quyết đạt thấp; tỷ lệ án đình chỉ, tạm đình chỉ cao, cho thấy công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác trinh sát điều tra và tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra chưa được tăng cường và đề cao đúng mức. Vẫn còn tình trạng người bị bắt, tạm giữ, tạm giam sau đó trả tự do vì không chứng minh được hành vi phạm tội. Một số trường hợp áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để đình chỉ điều tra chưa chính xác. Bên cạnh nguyên nhân về năng lực, kinh nghiệm, thì trách nhiệm điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra chưa được tăng cường đúng mức trước yêu cầu cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố còn sai sót, truy tố sai tội danh, sai pháp luật , dẫn đến oan sai. Kiểm sát hoạt động tư pháp chưa được tăng cường đúng mức, hiệu quả chưa cao, nhất là về trách nhiệm chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Có dấu hiệu của việc bức cung, nhục hình tại một số vụ án nhưng chưa kịp thời xem xét, phát hiện, xử lý. Đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng còn nhiều nhưng các cơ quan điều tra chưa kịp thời phân tích, làm rõ. Viện kiểm sát không thực hiện đúng quy định của Bộ luật TTHS trong việc đình chỉ điều tra một số vụ án mà chuyển trách nhiệm này sang cơ quan điều tra thông qua việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm kéo dài việc giải quyết, gây bức xúc cho người được đình chỉ và dư luận. Việc tham gia của luật sư ngay từ đầu quá trình điều tra vụ án còn hạn chế. Trong một số trường hợp, các luật sư chưa được tạo điều kiện trong việc tham gia tố tụng, nhất là giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra tình trạng tòa án cấp trên hủy án do lỗi của thẩm phán trong đánh giá chứng cứ và vi phạm thủ tục tố tụng. Việc tranh tụng góp phần hạn chế oan sai chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Bồi thường thiệt hại cho người bị oan do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, chưa kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Vụ oan sai gây bức xúc dư luận ở Sóc Trăng thời gian qua là vụ bắt, tạm giam bảy người oan sai tại huyện Trần Đề gồm: Thạch Sô Phách , Thạch Mươl , Trần Văn Đở, Trần Hol , Trần Cua , Khâu Sóc , Nguyễn Thị Bé, bị khởi tố với tội danh giết người – che giấu tội phạm. Công an Sóc Trăng cho rằng, bảy người bị bắt, tạm giam oan sai là do điều tra viên sơ xuất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án, không xem xét hết các tình tiết gỡ tội cho các đối tượng…
Để hạn chế mức thấp án oan, sai, các cơ quan hữu quan cần nghiêm khắc thực hiện chế độ trách nhiệm trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giữa các cấp và giữa các cơ quan chức năng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giáo dục cán bộ, thanh tra nội bộ, xử lý nghiêm minh cán bộ khi có vi phạm cần được quan tâm, quán triệt, triển khai thường xuyên và có hiệu quả. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm chấp hành và tuân thủ pháp luật nghiêm minh, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Các cơ quan tư pháp Sóc Trăng cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và những quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định của pháp luật hình sự, TTHS để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có các giải pháp cụ thể về tổ chức cán bộ, kiểm tra, thanh tra, chính trị nội bộ, khắc phục ngay các vụ việc oan sai, không để tái diễn. Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng cần được tiến hành khẩn trương theo đúng quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục các hậu quả do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Luật sư chưa được tạo điều kiện thuận lợi tham gia tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên thực tế giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, khắc phục án oan sai.
BẠCH SỸ CHẤT
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sóc Trăng
MINH TRƯỜNG
Theo_Báo Nhân Dân
Sóc Trăng: 7 người bị bắt oan sắp được bồi thường gần nửa tỷ đồng
- Theo đó, mỗi người bị bắt oan trong vụ án giết lái xe ôm sẽ được bồi thường từ 65 - 74 triệu đồng/ người.
Theo thông tin mới nhất về vụ 7 người ở Sóc Trăng bị bắt oan do nghi ngờ liên quan tới cái chết của lái xe ôm, tin tức trên Zing.vn cho hay, khi 2 cô gái ra đầu thú thì cả 7 người trên đã được minh oan. Vài ngày tới, mỗi người sẽ được bồi thường từ 65 - 74 triệu đồng.
Được biết, sáng 9/1, VKSND tỉnh Sóc Trăng mời Trần Hol ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) lên làm các thủ tục để nhận tiền bồi thường oan sai trong 5 ngày tới.
Ngoài thanh niên này cơ quan công tố cũng lần lượt mời Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm đến nhận hết số tiền còn lại sau khi trừ tạm ứng. Theo Trần Hol, tổng số tiền anh được bồi thường trên 74 triệu đồng.
Hai trong số 7 người bị bắt oan.
Trong đó thiệt hại do tổn thất tinh thần 40 triệu đồng, còn lại là thu nhập thực tế bị mất. "Trước đây nhóm chúng tôi được tạm ứng mỗi người 20 triệu đồng. Đến nay, VKS chỉ mời nhận tiền, việc xin lỗi công khai khi nào thì chưa nghe nói", Hol chia sẻ.
Trước đó, nguồn tin báo Người lao động cho hay, ngày 8/1, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã dẫn đầu Đoàn Giám sát của Quốc hội đến làm việc với tỉnh Sóc Trăng về tình trạng oan sai trong thời gian qua ở tỉnh này. Trong đó có trường hợp của 7 thanh niên trên.
Báo cáo vụ này, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết nguyên nhân oan sai là do lực lượng điều tra sơ suất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án... Ngoài ra, cơ quan này cũng viện lý do là trình độ, năng lực của các điều tra viên không đồng đều, một số điều tra viên mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế; lực lượng điều tra viên còn thiếu, nhất là đối với cấp huyện.
Trong khi đó, báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về vụ oan sai ở Trần Đề, VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng do kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ việc không thực hiện đúng quy chế kiểm sát điều tra đã dẫn đến bắt oan 7 thanh niên. Cơ quan này cũng viện lý do trình độ, năng lực của một số KSV còn hạn chế, chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm. Sau vụ này, có 2 điều tra viên và 1 KSV bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thông tin vụ việc:
Rạng sáng 6/7/2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn D. (43 tuổi, trú tại huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết gục trên đường thuộc xã Đại ân 2, huyện Trần Đề.
Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan điều tra (CSĐT) quyết định bắt tạm giam 6 nghi can để điều tra về hành vi giết người, gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách, cùng trú tại huyện Trần Đề. Riêng bạn gái của Trần Văn Đỡ là Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) bị bắt về hành vi không tố giác tội phạm.
Khi vụ án sắp kết thúc điều tra thì tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (trú TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến cơ quan công an tại TP.HCM đầu thú. Duyên thừa nhận đã thông đồng với Phan Thị Kim Xuyến (16 tuổi, trú tại huyện Trần Đề) giết ông D. để cướp tài sản.
Duyên và Xuyến là hai đối tượng đồng tính, có quen biết với nạn nhân sau nhiều lần thuê ông D. chở đi làm. Sau khi thực hiện xong hành vi giết người, cả hai đã trốn lên TP.HCM thuê nhà sống chung. Tại đây, do phát hiện Duyên có "người mới", Xuyến tỏ ra ghen tuông, quyết định ra đầu thú để hai người được... mãi mãi bên nhau.
Đề phòng có người thuê Duyên và Xuyến đứng ra nhận tội thay cho các bị can đã bị khởi tố trước đó nên sau khi di lý về Sóc Trăng, 1 trong 2 đối tượng này được chuyển đến tạm giam tại Bạc Liêu để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, qua nhiều lần thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng xác định lời khai của Duyên trùng khớp với các tình tiết trong vụ án.
Sau khi điều tra làm rõ thủ phạm đích thực của vụ án trên, VKSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra đối với 7 bị can. Riêng bị can Diễm đã được cho tại ngoại từ trước đó.
Ngày 19/8/2014, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng phạt 12 năm tù về tội giết người và cướp tài sản. Đối với Duyên, lúc xảy ra vụ án chưa đủ 14 tuổi nên cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đưa vào trường giáo dưỡng.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vụ 7 thanh niên bị bắt oan: Kỷ luật hàng loạt cán bộ công an Liên quan đến vụ 7 thanh niên bị bắt oan ở huyện Trần Đề, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định kỷ luật nhiều cán bộ, công an Sóc Trăng và huyện Trần Đề. Sáng ngày 6/6, nguồn tin từ Công an tỉnh Sóc Trăng xác nhận với PV, Ban Giám đốc Công an tỉnh này đã triển...