Cần lắm sách giáo khoa thực học, thực nghiệp
Gạt qua nghi ngại về khái toán kinh phí quá lớn của Đề án Chương trình và sách giáo khoa mới, dưới góc độ chuyên môn, cần nhìn nhận việc phải có chương trình và sách giáo khoa mới là hết sức cần thiết để cải tổ, chấn hưng nền giáo dục vốn đang oằn mình dưới nhiều bất cập
Với quy mô khoảng gần 2,8 triệu học sinh (HS) THPT, trong đó HS lớp 12 gần 1 triệu, chương trình giáo dục hiện nay gần như định hướng HS sau THPT sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các báo cáo tổng kết năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy nếu số HS tốt nghiệp THPT năm 2011 là 1.048.000 thì số lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ là 1.960.000. Năm 2012, con số tương tự là 964.000 và 1.812.592; năm 2013 là 946.000 và 1.710.483. Điều này cho thấy, HS tốt nghiệp THPT đều chọn thi ĐH, CĐ.
Nặng thi cử, chỉ hướng học sinh vào ĐH
Thực tế này do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến cơ chế, thủ tục – ngay từ tháng 3 hằng năm, HS đã phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ (trước khi thi tốt nghiệp THPT); do tâm lý phụ huynh và HS chọn học ĐH để có cơ hội việc làm, thăng tiến trong tương lai; do hệ thống các bậc đào tạo và các loại hình đào tạo khác với ĐH chưa bảo đảm chất lượng…
SGK cần được cải tiến, đưa học sinh đến gần cuộc sống hơn Ảnh: TẤN THẠNH
Những điều này được dẫn ra tưởng chừng như nghịch lý với logic cho rằng nếu chọn học ĐH thì học sinh phải có khả năng khám phá và có tố chất nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra cho thấy nhiều chương trình đào tạo ở các trường ĐH đã trở thành chương trình đào tạo cấp 4 – một hệ quả do cả nhà trường ĐH và sinh viên vốn được đào tạo theo chương trình nặng từ chương lý thuyết hàn lâm, yếu về thực hành thí nghiệm ở bậc THPT.
Mục tiêu của việc học ở bậc THPT là vào ĐH, phương cách để vào hầu hết các trường ĐH là điểm thi cao. Những điều này đã làm cho nền giáo dục phổ thông mang tính chất “tiếp cận nội dung” của chương trình đào tạo hơn là “tiếp cận kỹ năng” của người học.
Trước đây, mục tiêu giáo dục toàn diện thường được hiểu đơn giản là HS phải học đầy đủ tất cả các môn thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao. Việc thực hiện mục tiêu giáo dục cũng nghiêng về truyền thụ kiến thức càng nhiều càng tốt, chú trọng dạy chữ hơn dạy người; chú trọng truyền bá kiến thức hơn đào tạo, bồi dưỡng năng lực của người học; ít yêu cầu người học vận dụng kiến thức vào thực tế… Tình hình này đã dẫn đến hiện tượng “quá tải”, vừa thừa vừa thiếu đối với người học và đối với mục tiêu giáo dục.
Video đang HOT
Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đồng thời phải phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân… Để đạt được mục tiêu này, việc cải tiến chương trình giáo dục và đổi mới sách giáo khoa là điều không thể không làm.
Môn học phải “thấm” vào học sinh
Chương trình phổ thông của nhiều nước khác so với Việt Nam không nặng hơn về số giờ học nhưng phong phú hơn, chú trọng nhiều đến thực hành và ứng dụng hơn; chú trọng khả năng quan sát, phán xét và tư duy độc lập của HS hơn; HS có nhiều điều kiện để làm thí nghiệm và tiếp cận với các máy móc hơn.
Ví dụ ở Pháp, trong môn lý-hóa (chương trình giáo dục của Việt Nam tách riêng làm 2 môn), HS được học không chỉ các công thức vật lý và hóa học mà còn được học ứng dụng của chúng đến sức khỏe của con người ra sao, trường điện từ, áp suất hay các nguyên tố ảnh hưởng đến con người thế nào… HS được thực nghiệm trên lớp, làm những dụng cụ như radio hay vi mạch điều khiển tự động ở mức đơn giản. HS phổ thông theo hướng học nghề thì được tiếp cận máy móc công nghiệp hiện đại, như các máy để chế tạo và sửa chữa ô tô.
Cách tiếp cận các môn khoa học khác ở Pháp đã bắt đầu mang tính nghiên cứu: đặt vấn đề, suy luận, đặt các giả thuyết, làm thí nghiệm trên các ví dụ, viết ra phương trình thích hợp, tính toán tìm lời giải, kiểm tra lời giải, trình bày và thông báo kết quả. Tóm lại, nội dung các môn học và cách tổ chức môn học tiếp cận sát với thực tế và đưa HS đến gần cuộc sống hơn.
Hiện Đề án Chương trình, sách giáo khoa mới đang được thảo luận và nếu được thông qua sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở các lớp 1, 6 và 10 từ năm học 2016-2017. Đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và SGK mới. Định hướng chung của đề án vẫn là phát triển năng lực HS, bảo đảm hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và tiếp cận nghề nghiệp.
Ngoài chương trình chính thức trên lớp, cần có nhiều hoạt động ngoại khóa có tính tự nguyện, nhằm nâng cao khả năng khám phá khoa học của HS như: hướng dẫn HS theo dõi các chương trình, sách báo về khoa học, các cuộc thi Olympic về khoa học, tham quan phòng thí nghiệm của các nhà máy và các trường ĐH, tham gia “ngày mở cửa” ở các ĐH…
Tuy nhiên, đó chỉ mới là nội dung môn học. Để nội dung môn học được “thấm” đến HS thì việc cải tiến phương pháp giảng dạy và truyền đạt của giáo viên, trong đó chú trọng đến hình thức giúp HS làm việc theo nhóm qua các seminar, cũng là một yếu tố quyết định đề án đổi mới có thành công hay không.
Chỉ có một nền giáo dục thực học, thực nghiệp mới trang bị cho HS từ bậc THPT các điều kiện và bồi dưỡng tố chất về kỹ năng khám phá, nghiên cứu khoa học. Để khi bước vào môi trường ĐH, các em sớm bắt nhịp với môi trường học thuật có yêu cầu cao về các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo Giaoduc
Đề án đổi mới sách giáo khoa: Đơn giản, chung chung
Theo dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT xây dựng, nguồn lực để thực hiện ước tính gần 35.000 tỉ đồng
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc ngày 14-4 đã thảo luận việc ban hành nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (đề án) sau năm 2015.
Phân hóa từ tiểu học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải khắc phục những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành và toàn quốc sẽ thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các trường phổ thông dựa vào đó để xây dựng chương trình giáo dục.
Chương trình mới dự kiến được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Cấp tiểu học và THCS xây dựng một số môn học tích hợp các mạch kiến thức theo từng lĩnh vực liên ngành. Cấp THPT thực hiện phân hóa bằng tự chọn, chương trình có một số ít môn học bắt buộc và có nhiều môn học, chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu và tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.
Theo đề án, Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK nhưng tất cả phải được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng; từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng SGK điện tử ở những nơi có đủ điều kiện.
Sách giáo khoa sẽ là mục tiêu trong đề án đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Tronh ảnh: Một giờ học ở cấp tiểu học tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi được thống nhất triển khai, sẽ lần lượt thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc ở cả 3 cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; các năm học 2020-2021 (THPT), 2021-2022 (THCS) và 2022-2023 (tiểu học) đều thực hiện chương trình và SGK mới ở lớp cuối của mỗi cấp học. Nguồn lực để thực hiện ước tính 34.275 tỉ đồng, chưa kể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn thiếu.
Giải trình chỉ 2 trang
Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT, nhiều thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng dự thảo nghị quyết cũng như đề án quá đơn giản, chung chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý dẫn Nghị quyết 40 của QH về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ QH khóa X (năm 2000) đến nay chưa tổng kết. "Tôi đề nghị đề án phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, chứ không phải hôm nay thông qua rồi 10 năm sau lại xin đổi mới" - ông Lý nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan ngại: "Đọc đề án thì thấy cái gì cũng đúng nhưng chưa có gì cụ thể. Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động chỉ có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá".
Giải trình chất vấn, ông Hiển cho biết ngành đã thực hiện cơ bản mục tiêu Nghị quyết 40 đề ra song cũng còn những hạn chế, thiếu sót và "việc đổi mới là theo xu hướng chung của đất nước". Ông Hiển thừa nhận lần đổi mới trước "chưa quan tâm đến các điều kiện", nay cơ bản các địa phương đã có đủ nhưng vẫn phải bổ sung. Về thời điểm thay đổi toàn diện chương trình và SGK, ông Hiển không thể "chốt" chính xác nhưng "có lẽ phải thực hiện đến năm 2030. Tuy nhiên, không thể chắc chắn mà lúc nào thấy cần thiết phải thay đổi thì sẽ làm".
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải có báo cáo tổng kết đánh giá Nghị quyết 40 để thấy có gì hay, dở rồi căn cứ tình hình trong nước và xu hướng thế giới để làm nổi bật sự cần thiết về việc ban hành nghị quyết đổi mới chương trình và SGK mới.
"Dự thảo nghị quyết của QH và đề án do Bộ GD-ĐT xây dựng chưa làm rõ mục đích, yêu cầu đổi mới. Dường như chỉ sao chép lại quan điểm của Đảng... nên chưa đủ điều kiện trình ra QH. Vì vậy, trong tháng 4-5, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan ngồi với nhau làm lại, chứ đơn giản thế này trình ra QH thì không được" - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Theo VNE
Xúc động bức ảnh Cha ôm con trước khi vào phòng thi ĐH Cái ôm thật chặt chính là niềm tin, là lời động viên của người cha đối với con trai trong kỳ thi ĐH nước sôi lửa bỏng. Tại Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, hình ảnh một ông bố có gương mặt khắc khổ ôm chặt lấy cậu con trai động viên con trước khi vào phòng thi...