Cần giải pháp hơn “ném đá”!
TT – Kỳ thi THPT quốc gia đã chính thức khép lại. Những câu chuyện bên lề kỳ thi như thường lệ vẫn là những góc nhìn đa chiều của xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng.
Các tình nguyện viên làm hàng rào giúp phân luồng giao thông – Ảnh: DOÃN HÒA
Trong đó, câu chuyện sinh viên tình nguyện lập các “hàng rào sống” trước một số hội đồng thi trở thành tâm điểm.
Bên cạnh một số rất ít những góp ý, điều đáng nói là có hàng ngàn “hòn đá” ném vào “hàng rào sống” với nội dung đay nghiến, chì chiết (không tiện nêu ra ở đây) khiến những người liên quan và không liên quan không thể không đặt câu hỏi: thật sự thì “hàng rào sống” đang ở đâu?
Thực tế thì đội hình hỗ trợ giao thông của các điểm Tiếp sức mùa thi cũng chỉ xuất hiện ở một số hội đồng thi nhiều thí sinh, không có dải phân cách, một hoàn cảnh cụ thể được chính các bạn sinh viên tình nguyện tại hội đồng thi đó lựa chọn, xem đó là cách hữu hiệu nhất để nhanh chóng giải quyết tình trạng hỗn loạn trước và sau các giờ thi.
Video đang HOT
Muốn biết “hàng rào sống” có hiệu quả hay không thì cần có trải nghiệm thực tế. Khoảnh khắc ấy được ghi lại qua một tấm ảnh và hứng chịu “gạch đá”?
ùa thi đã qua, không có sự cố nào nghiêm trọng đến lực lượng này. Điều đó không có nghĩa bỏ qua các chữ “nếu” trong những ý kiến phản biện. Tuy nhiên, đặt ra chữ “nếu” thì cũng nên đặt hai chiều: nhiều người lo ngại “nếu” có xe tải mất lái tuột thắng, sinh viên gặp nguy hiểm và… “ném gạch đá”?
Vậy “nếu” một đám đông nhộn nhạo trước cổng các hội đồng thi kéo dài nửa giờ đồng hồ có nguy hiểm không? Nhiều người cho rằng “nếu” sinh viên đứng nắng đau bệnh thì sao… rồi lại “ném gạch đá”?
Vậy “nếu” không phải là sinh viên được trang bị nón áo đầy đủ mà là thí sinh bị “dồn” trong cái nắng thì sao?
Ở đây chưa nói đến chuyện tình nguyện, nghĩa là một phía phải cho đi và một phía được nhận lại, “đàn anh, đàn chị” hi sinh một chút để “đàn em” vốn đã đủ thứ áp lực từ thi cử vơi đi một chút vất vả, nhọc nhằn…
Người khác lại “nếu” thay vì “hàng rào sống” mà căng dây ở hai đầu tuyến đường thì trở lại chủ đề, Tuổi Trẻ ngày 4-7 có đăng mẩu nhật ký “Nước mắt tình nguyện viên” từ chính những hành động thiếu văn minh làm tổn thương những nỗ lực tình nguyện.
Và với tình hình giao thông của các thành phố hiện nay, liệu có trông chờ chỉ một sợi dây có thể giải quyết? Nhiều sinh viên cho biết đã làm cách đó từ những mùa thi trước nhưng cũng chẳng ăn thua…
Nói vậy để thấy những góp ý thiếu thiện chí, “ném đá” gây “sốc”, thậm chí chỉ qua một tấm ảnh rồi đay nghiến loạn xạ cả lên có phải là hành động đáng ghi nhận?
Những lời đay nghiến vô tội vạ đó có thể trở thành “hàng rào” làm giảm đi nhiệt huyết của những người tình nguyện, chặn đường những trái tim muốn cống hiến?
Những kiểu “ném đá” không xuất phát từ trải nghiệm thực tế có thể trở thành “hàng rào” để ngăn cách mọi người quan tâm chung đến các vấn đề xã hội?
Để việc tình nguyện từ mùa thi năm sau trở nên tốt hơn, lúc này cần những góp ý chân thành hoặc giải pháp hơn là “ném đá”!
Nước mắt tình nguyện viên
Tại hai điểm thi ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn, kết thúc buổi thi trưa 1-7, thí sinh ùa ra đông, lực lượng tình nguyện phối hợp cùng hai CSGT căng mình điều phối giao thông trên đoạn đường gần 300m.
Trưa Sài Gòn nắng nóng, ai cũng nhễ nhại mồ hôi, mệt nhưng tinh thần không hề suy giảm. Giao thông trật tự dù các phương tiện di chuyển chậm.
Bỗng có một người lớn tiếng với sinh viên tình nguyện vì bị cản đường. Ngó qua thấy một người đàn ông trung niên quần tây xám lông chuột, áo sơmi chim cò vạt ngang, giày tây bóng, chạy xe lạng lách len vào những người đang qua đường. Tình huống này diễn ra ngay trên vạch dành cho người đi bộ và anh CSGT đã thổi còi chặn xe để rất đông phụ huynh, thí sinh qua đường trong sự hỗ trợ của các tình nguyện viên.
Khi thí sinh về hết, tình hình giao thông đã ổn định, người đội trưởng nhóm tình nguyện thông báo mọi người tập trung. Một vài bạn nữ đã bật khóc. Tinh thần tình nguyện đang hừng hực bỗng bị giội một gáo nước lạnh buốt, ai cũng thấy nhói lòng…
Theo TTO