Cần giải pháp để thầy cô yên tâm toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho giáo dục
Những năm gần đây, chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo dần được cải thiện, thế nhưng nếu so sánh với mặt bằng của nhiều ngành nghề khác, thì lương nhà giáo vẫn ở mức thấp, nếu không làm thêm, nhiều người khó gắn bó được với nghề.
Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, vấn đề học thêm lại một lần nữa được đưa ra bàn luận sôi nổi trên nghị trường. Có ý kiến cho rằng cần cấm học thêm, nhưng cũng có đại biểu nêu quan điểm cần nhìn nhận gốc rễ căn nguyên vấn đề. Vì đâu giáo viên phải dạy thêm? Vì lương nhà giáo còn chưa đảm bảo cuộc sống?
Sau những giờ cống hiến hết mình trên bục giảng, vì học trò thân yêu, mỗi thầy cô đều phải trở về với cuộc sống đời thường, đối mặt với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Mức lương thấp khiến nhiều giáo viên không khỏi chật vật.
Cô Mai Thị Thu Hoa, một giáo viên tại Hải Dương 17 là giáo viên hợp đồng, đến giờ mức lương của cô nhận được cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, ngoài việc dạy chuyên môn, cô Hoa còn kiêm nhiệm thêm cả việc trông học sinh ăn bán trú buổi trưa để có thêm phụ cấp, tranh thủ đi bán hoa quả những ngày được nghỉ, bán hàng qua mạng…
Ảnh minh họa.
Nuôi 2 con học đại học và học cấp 3, chi phí sinh hoạt không hề nhỏ, áp lực kinh tế phần lớn phụ thuộc cả vào chồng cô.
Cô Nguyễn Thị Dung (Hải Dương) là một giáo viên trẻ, có hơn 4 năm trong nghề. Cô Dung chia sẻ, khi tốt nghiệp THPT, với mơ ước được đứng trên bục giảng cùng với lòng yêu trẻ, cô quyết tâm thi đỗ vào ĐH Sư phạm Hà Nội 1, 4 năm miệt mài đèn sách, cô Dung tốt nghiệp với 2 tấm bằng Cử nhân Sư phạm mầm non và bằng Cử nhân Sư phạm Tiếng Anh. Học cùng lúc 2 ngành dù nhiều vất vả, nhưng ước mơ về nghề giáo luôn thôi thúc cô sinh viên sư phạm nỗ lực vượt qua.
Đến khi tốt nghiệp, ra trường, vì địa phương ít chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh bậc THCS, THPT, cô Dung trở thành giáo viên mầm non, nhưng mức lương nhận được thời điểm đó cũng chỉ tương đương với bằng Trung cấp.
Đến giờ khi đã chuyển sang dạy tiếng Anh ở bậc Tiểu học, tính cả phụ cấp, sau hơn 4 năm đi làm, hiện tại lương của cô giáo Nguyễn Thị Dung cũng chỉ xấp xỉ 3,5 triệu đồng/tháng.
“Với mức lương này, nếu không xoay xở thêm công việc khác sẽ rất khó để đảm bảo cuộc sống. Nhiều khi cũng cảm thấy chạnh lòng. Dù áp lực, nhưng khi đã lên bục giảng, những giáo viên chúng tôi đều phải gạt hết những suy nghĩ về cuộc sống thường ngày, chuyên tâm để giảng dạy”, cô Dung nói.
Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, Nghệ An chia sẻ: “Nếu giáo viên chỉ dựa vào đồng lương quả thực sẽ rất chật vật. Để có cuộc sống tươm tất hơn, nhiều thầy cô phải tìm cách tăng thu nhập thông qua dạy thêm tại các trung tâm, bồi dưỡng học sinh giỏi, thực hiện nhiều công việc kiêm nhiệm, thậm chí bán hàng online… Chắc hẳn không ít thầy cô đã từng có suy nghĩ, nếu như mình không chọn nghề giáo mà làm một nghề khác có lẽ cuộc sống đã khá hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, hiện nay mức lương của nhà giáo cũng giống như bao công chức, viên chức khác, nhiều người hoạt động trong khu vực công khác, họ cũng chỉ được nhận mức lương như vậy. Chúng tôi vẫn động viên nhau rằng, đây là khó khăn chung, dù nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhưng ngân sách có hạn, rất khó để tạo đột phá về lương thưởng cho giáo viên”.
Video đang HOT
Thầy Hồ Tuấn Anh kiểm tra việc học trực tuyến tại nhà của học sinh.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, Việt Nam dù xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, động lực phát triển kinh tế xã hội, song giải pháp để tiếp cận mục tiêu đó đủ mạnh hay chưa lại là vấn đề cần bàn.
“Điều đầu tiên được đặt ra là lấy tiền từ đâu để tăng lương cho giáo viên, phát triển giáo dục, đây là câu hỏi vô cùng khó. Nhưng cũng có nhiều nước dù không có tiền họ vẫn sẵn sàng đi vay để trả lương cho giáo viên, coi đây như một khoản đầu tư, ưu tiên cho giáo dục. Giáo dục muốn phát triển trước tiên phải có được đội ngũ giáo viên giỏi, để giáo có giáo viên giỏi cần có những yếu tố kích thích”.
Nói về kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc tính lương cho giáo viên, GS.TS Đinh Quang Báo cho biết, ở nhiều nước, lương giáo viên luôn ở mức cao nhất trong hệ thống lương nhà nước, bởi vậy nhiều người chọn ngành sư phạm để cống hiến, ngành giáo dục cũng có những người giỏi top đầu. Điển hình như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Singapore là nhóm những quốc gia nổi lên nhờ phát triển giáo dục. Họ chọn khoảng 10-15% người giỏi nhất tốt nghiệp THPT để vào ngành giáo dục. Đương nhiên, để thu hút được người giỏi cũng cần có những chính sách đãi ngộ đi kèm.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, bài học kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, không phải cứ chi nhiều tiền hơn thì sẽ thành công hơn khi giải bài toán nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Thực tế một số nước tổng số tiền đầu tư vào giáo dục ít hơn nhưng tỷ lệ dành cho giáo viên lại lớn hơn vẫn sẽ có những thành công nổi bật trong giáo dục. Trong đó phải kể đến Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. Các quốc gia này đã thực hiện 3 chính sách lớn gồm tuyển giáo viên giỏi nhất, tạo điều kiện để giáo viên phát huy hết năng lực, trợ giúp kịp thời khi học sinh có sa sút trong học tập.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Họ tuyển giáo viên giỏi nhất bằng cách thu hút sinh viên tốt nghiệp sư phạm giỏi nhất, tuyển sinh vào ngành sư phạm những học sinh phổ thông giỏi nhất, tăng trình độ đào tạo giáo viên tối thiểu là cử nhân đại học sư phạm và thạc sĩ. Ví dụ, ở Phần Lan giáo viên tối thiểu có bằng thạc sĩ, Hàn Quốc tuyển dụng giáo viên tiểu học trong top 5% cử nhân giỏi nhất, Singapore, Hàn Quốc tuyển sinh vào sư phạm trong top 30% học sinh giỏi nhất.
Để thu hút nhiều người tài vào sư phạm, các nước này đã đào tạo giáo viên cân bằng giữa cung và cầu, ngay sau khi được tuyển chọn Bộ Giáo dục đảm bảo sinh viên chắc chắn có việc làm. Ở một số nước ngay khi học năm cuối sinh viên đã có hợp đồng làm công chức nhà nước, cách này vừa không tạo áp lực thừa -thiếu giáo viên, kích thích thu hút được tinh hoa vào sư phạm, vừa làm cho dạy học là một nghề cao quý do tính cạnh tranh cao. Đào tạo có qui hoạch cân đối cung-cầu là giải pháp để đầu tư kinh phí cao cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm. Tiền đầu tư cho sinh viên sư phạm ở các nước này là rất cao. Lương giáo viên ở các nước thành công nhất trong giáo dục không cao hơn một số ngành nhưng họ đủ sống trên mức trung bình khá cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp là bí quyết để có đội ngũ giáo viên chất lượng cao – chìa khóa vạn năng thành công giáo dục”, GS.TS Đinh Quang Báo nói.
Với thực tế giáo dục tại Việt Nam, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều yếu tố, nhưng giáo viên là thành tố then chốt, phải có giải pháp để thầy cô giáo có thể toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục. Trong lúc còn hạn hẹp về kinh tế cần chọn mục đầu tư: “Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1. Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Biên chế giáo viên không chỉ và không lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là biên chế về chất lượng nghề nghiệp. Theo cách này sẽ tạo được sự cạnh tranh sàng lọc lành mạnh, khách quan”./.
Nghịch lý xếp lương giáo viên các bậc học: dạy nhiều lương thấp, ít lương cao
Khi xếp lương hiện nay và cả xếp lương theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non vẫn chịu thiệt thòi, vẫn xếp ở mức thấp hơn so với các cấp khác.
Hiện nay vấn đề định mức làm việc ở các bậc mầm non, phổ thông vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.
Sắp xếp lại định mức làm việc của giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập một cách công bằng, phù hợp là một trong những vấn đề cần được quan tâm để tăng hiệu quả công việc, tạo động lực phấn đấu của giáo viên các cấp.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được trình bày đề xuất của bản thân về định mức làm việc, chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non, phổ thông.
Đề xuất về định mức giờ dạy giáo viên mầm non, phổ thông
Về định mức làm việc theo quy định hiện nay thì giáo viên mầm non là 40 giờ/ tuần; giáo viên tiểu học 23 tiết/ tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/ tuần; giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/ tuần bên cạnh còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của hiệu trưởng, lãnh đạo ngành,...
Trong quy định trên thì chỉ có giáo viên mầm non là làm việc 8 giờ/ ngày tương đương 40 giờ/ tuần, nên giáo viên mầm non là cực khổ nhất, vất vả nhất.
Giáo viên mầm non thường sáng đến trường rất sớm để đón trẻ, chiều phải về rất trễ để trả trẻ và làm hết tất cả các ngày trong tuần, buổi trưa phải cho các trẻ ăn, cho các trẻ ngủ trưa, lo cả phần vệ sinh cho các em,...
Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn phải thực hiện đồ dùng dạy học, tham gia rất nhiều phong trào, hội thi, chăm sóc trẻ, quản lý trẻ,... vô cùng vất vả.
Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn
Về định mức làm việc thì xin kiến nghị đối với bậc mầm non nghiên cứu có phương án trả thêm tiền tăng giờ cho giáo viên thời gian đón, trả trẻ (đầu và cuối mỗi buổi học) và giờ nghỉ trưa một cách hợp lý, nếu thực tế mỗi giáo viên mầm non thực hiện hơn 8 giờ mỗi ngày thì phải được trả chế độ tăng giờ, thêm buổi.
Đối với giáo viên phổ thông thì về kiến thức của các bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở có cao hơn ở tiểu học tuy nhiên về tính chất, mức độ khó khăn thì công việc của giáo viên tiểu học vất vả nhiều hơn so với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở vì giáo viên tiểu học dạy các em còn rất nhỏ như tờ giấy trắng, việc giảng dạy và giáo dục các em sẽ khó khăn hơn nhiều.
Các em nhỏ việc ý thức, tự học, tự rèn luyện,... cũng hạn chế hơn nhiều so với các em lớn tuổi hơn.
Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở là lứa tuổi vừa trẻ con, vừa người lớn, giai đoạn này đang phát triển tâm lý, nhân cách các em đang hình thành, rất muốn chứng tỏ bản thân, dễ vướng vào tệ nạn, dễ trở nên cá biệt hơn,... nên giáo viên trung học cơ sở cũng rất vất vả trong việc dạy và giáo dục học sinh.
Lứa tuổi trung học phổ thông giai đoạn này các em tuổi lớn hơn nên nhân cách các em đã dần dần ổn định, các em tập trung vào việc học hơn, ý thức tốt hơn,... nên công việc giảng dạy và giáo dục của giáo viên trung học phổ thông cũng sẽ có phần đỡ vất vả hơn các cấp còn lại.
Do đó, người viết cho rằng việc quy định giáo viên tiểu học 23 tiết/ tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết / tuần; trung học phổ thông 17 tiết tuần chưa hợp lý, nên người viết đề xuất về định mức tiết dạy của 3 bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là như nhau cùng 20 tiết/ tuần.
Kiến nghị lương, phụ cấp giáo viên mầm non lên cao nhất
Như đã phân tích ở trên và công việc thực tế thì giáo viên mầm non là vô cùng vất vả, cực khổ, nhiều giáo viên mầm non vì yêu nghề, mến trẻ mới bám trụ được với nghề nên rất mong được xem xét về lương và thu nhập của giáo viên mầm non cho tương xứng.
Nhưng khi xếp lương hiện nay và cả xếp lương theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non vẫn chịu thiệt thòi, vẫn xếp ở mức thấp hơn so với giáo viên các cấp khác.
Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non có chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng, nên theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non hạng III mới dù có trình độ đại học hoặc cao hơn vẫn chỉ xếp hệ số lương khởi điểm 2,1.
Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông thì có cùng chuẩn trình độ đào tạo là đại học sẽ có cùng hệ số lương khởi điểm theo các Thông tư 02, 03, 04/ 2021 mới là 2,34 (Hạng III mới).
Do vị trí việc làm, tính chất mức độ phức tạp, khó khăn của công việc ở các cấp học, bậc học nên người viết xin được mạnh dạn đề xuất đối với bậc học mầm non, nên đưa giáo viên mầm non vào lương cao hơn hoặc có hệ số lương khởi điểm bằng với giáo viên các cấp còn lại, tức là đề xuất về trình độ giáo viên mầm non vẫn là cao đẳng sư phạm nhưng hệ số lương khởi điểm sẽ là 2,34.
Khi thực hiện lương mới theo vị trí việc làm trong thời gian tới theo Nghị quyết 27/NQ-TW, tiếp tục kiến nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non cao nhất so với các bậc học khác.
Trên đây là những đề xuất, kiến nghị về chế độ làm việc, phụ cấp của giáo viên mầm non, phổ thông mà người viết cho rằng hợp lý, phù hợp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy. Trong bức thư gửi các thầy cô giáo khi vừa đảm nhận vị trí "ghế nóng" của ngành giáo dục, Bộ trưởng...