Cần có cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về cơ chế cấp phát tài chính cho nhiệm vụ khoa học trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.
Cơ chế tài chính, hay nói đầy đủ là cơ chế cấp phát tài chính cho công tác thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dù đã được nói đến và bàn bạc khác nhiều nhưng vẫn là vấn đề thời sự được dư luận quan tâm. Tại sao việc cấp phát kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ lại trậm trễ? Phải chăng do quy trình thẩm định có quá dài và cần phải cải cách cơ chế tài chính như thế nào để việc cấp phát kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp lý và kịp thời?
Đây là những câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần qua.
PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, bày tỏ việc cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước rất chậm trễ. Có ý kiến còn cho biết đã phải từ chối nhận nhiệm vụ vì khi nhận được kinh phí thì đề tài nghiên cứu đó đã lỗi thời, mất tính thời sự hoặc kinh phí không đủ để thực hiện do trượt giá. Bộ trưởng nghĩ thế nào về thực trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Câu hỏi này cũng đã nêu lên thực trạng của tình hình cấp phát kinh phí cho các dự án, đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Về nguyên nhân của sự chậm trễ trong thời gian vừa qua, có thể nói gốc rễ của nó là việc từ trước đến nay chúng ta đã hành chính hóa hoạt động nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Chính vì thế, chúng ta yêu cầu các nhà khoa học và cơ quan quản lý về khoa học công nghệ phải phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ như là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Nghĩa là trước ngày 31/7 hàng năm Bộ KH-CN phải phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ của khoa học công nghệ của năm sau, để gửi sang Bộ Tài Chính và tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội. Sau khi Quốc hội phê chuẩn ngân sách của năm sau thì sẽ giao kinh phí đó cho các nhà khoa học.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (Ảnh: Chinhphu.vn)
Để có được danh mục của các nhà khoa học được phê duyệt vào 31/7 hàng năm, Bộ KH-CN phải thông báo cho các nhà khoa học, các Bộ ngành đề xuất nhiệm vụ. Sau đó, thành lập các loại hội đồng, từ hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đến hội đồng tuyển chọn, xét chọn và làm việc ròng rã 5-7 tháng. Vì vậy, các nhiệm vụ khoa học công nghệ khi được cấp kinh phí thì thường là nhiệm vụ đó đã được đề xuất trước đó ít nhất 1 năm.
Vì vậy, chúng tôi thấy nếu rút ngắn các quy trình thẩm định, thì 31/7 năm trước đó chúng tôi cũng đã phải hoàn thành rồi. Chắc chắn sẽ mất đi tính thời sự, bởi vì những nhiệm vụ khi thực tế đòi hỏi hoặc các nhà khoa học có ý tưởng mà không được cấp kinh phí ngay mà phải chờ 1 đến 2 năm mới được giao kinh phí. Bản thân các nhà khoa học cũng cảm thấy không còn tính thời sự.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu như ở các cơ quan khoa học và công nghệ rút ngắn quy trình thẩm định các đề án, các nhiệm vụ khoa học công nghệ đó thì các nhà khoa học sẽ được nhận kinh phí nhanh hơn. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về nhận định này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Điều đó chỉ đúng nếu như chúng ta thực hiện cơ chế giao thẩm quyền quyết định về mặt kinh phí cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ. Vì khi tiền đã ở trong tay các cơ quan này, rút ngắn quy trình thẩm định thì chắc chắn các nhà khoa học sẽ nhận được tiền sớm hơn.
Hiện nay, chúng ta làm kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ như là kế hoạch xây dựng cơ bản nên về nguyên tắc, ngày 31/7 của năm trước là tất cả các đề tài khoa học đã được phê duyệt rồi, thẩm định rồi. Vì vậy, khi Quốc hội và Chính phủ giao kinh phí thì chắc chắn các nhà khoa học sẽ được nhận kinh phí đó ngay. Tuy vậy, dù là có giao ngay nhưng thời điểm giao kinh phí cũng vẫn sau khi đề xuất hàng năm trời vì thế mà cũng không khắc phục được bất cập này.
Vài năm gần đây, chúng tôi bị áp đặt phải thẩm định lại 1 lần nữa. Tức là năm trước thẩm định xong để tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước đến khi được Thủ tướng Chính phủ giao kinh phí thì chúng tôi lại phải chờ đợi quá trình thẩm định mà không phải của Bộ KH-CN, cho nên việc giao kinh phí lại càng chậm. Ví dụ như kinh phí nghiên cứu các nhiệm vụ cấp Nhà nước năm 2011 thì đến tận tháng 2/2012 mới được giao, kinh phí cho nghiên cứu các nhiệm vụ cấp Nhà nước năm 2012 đến tháng 10/2012 mới được giao và kinh phí cho nghiên cứu năm 2013 đến thời điểm này vừa mới được giao.
Video đang HOT
PV: Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ cải cách cơ chế cấp phát tài chính như thế nào để khắc phục những tồn tại trong cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ kịp thời, hợp lý và đảm bảo tính thời điểm của công tác nghiên cứu?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương và vừa qua là Nghị quyết số 20 Hội nghị TW 6 khóa 11 về phát triển khoa học công nghệ, trong đó có nội dung rất quan trọng là việc tài trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải phù hợp với tiến độ phê duyệt các nhiệm vụ này.
Thứ hai là Trung ương cũng nhất trí rất cao là phải mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Đây là 2 điểm mấu chốt để giải quyết bất cập. Vì khi chúng ta có cơ chế để các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ khoa học lúc nào và được phê duyệt lúc nào thì có tiền, có kinh phí thực hiện ngay lúc đó. Đối với quỹ thì không cần phải quyết toán theo năm tài chính mà sẽ quyết toán theo hợp đồng. Đồng thời, kinh phí của năm trước mà không sử dụng hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau, không phải báo cáo xin phép.
Như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương, sắp tới chúng tôi thể chế hóa bằng Luật Khoa học công nghệ sửa đổi thì chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng bất cập này.
PV: Bộ KH-CN đã có những đề xuất điều chỉnh như thế nào về các quy định cấp kinh phí nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ hiện nay, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Bộ trưởng, có cần một cơ chế đặc thù cho thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Bởi vì chúng ta đều biết luật là do chúng ta đặt ra. Nếu trong quá trình thực hiện mà không hợp lí thì chúng ta cần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để nó đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Chúng ta từ trước đến nay làm công nghệ nhưng theo cách hành chính hóa. Bây giờ đã hội nhập quốc tế rồi, chúng ta hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Nói cải cách thì rất quan trọng, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ cần thay đổi cách hành xử với khoa học theo thông lệ quốc tế. Tôi cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải có cơ chế đặc thù. Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 36, phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Trung ương, trong đó có rất nhiều nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành sửa đổi các luật hiện hành, kể cả Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế thu nhập và một số luật trong chuyên ngành của khoa học công nghệ.
Chúng tôi hy vọng nếu các Bộ, ngành phối hợp tốt sẽ có những quy định mới với kinh tế thị trường, với đặc thù của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các Bộ, ngành phải đổi mới tư duy. Nếu chúng ta cứ nói rằng Luật Ngân sách là chân lý, không thể thay đổi được và yêu cầu phải thực hiện theo những điều luật đã trở nên lạc hậu, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ đổi mới được hoạt động khoa học công nghệ nói riêng, cũng như đổi mới được cơ chế, chính sách để phát triển đất nước nói chung.
PV: Thưa Bộ trưởng, một vấn đề khác cũng được giới khoa học mong mỏi từ rất lâu. Đó là cơ chế khoán đến các sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bộ trưởng có thể cho biết nội dung chính của cơ chế khoán cũng như là những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi triển khai?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cơ chế khoán cũng đã được rất nhiều người nói đến, nhưng từ trước đến nay chúng ta mới chỉ làm cơ chế khoán -mà chúng tôi gọi là cơ chế khoán một phần. Có nghĩa là theo Thông tư 93 liên tịch giữa Bộ Công nghệ và Bộ Tài chính, thì những gì chi cho con người trong những đề tài nghiên cứu thì sẽ được khoán. Tuy nhiên, đối với giới khoa học, như thế là chưa đủ, bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy phải áp dụng cơ chế khoán tổng thể, hay nói khác đi là cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng.
Chúng tôi cũng đang cùng với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, trong đó phải xây dựng được những định mức rất cụ thể để làm căn cứ xây dựng dự toán, sau đó quản lý thật chặt quá trình tổ chức thực hiện. Và cuối cùng phải nghiệm thu, đánh giá thật chặt sản phẩm đầu ra có đáp ứng được với yêu cầu khi đặt hàng và cam kết của người làm nghiên cứu hay không.
Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan chủ trì và các nhà khoa học, chứng từ, hóa đơn và nội dung chi định mức chi phải thật công khai, minh bạch để tránh tình trạng có những bất đồng khi sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Và khi thanh tra, kiểm toán phải có đầy đủ chứng từ để chứng minh những khoản chi là đúng và hợp lệ.
Còn đối với cơ quan tài chính cũng như cơ quan quản lý về khoa học công nghệ, thì chúng tôi chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng để thanh quyết toán và thanh lý những hợp đồng nghiên cứu. Và nếu làm được điều đó thì các nhà khoa học sẽ cảm thấy được tôn trọng và đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động nghiên cứu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã tham gia chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.
Theo VOV
Tự chủ tài chính là giải pháp "cởi trói" cho đại học
Nhận định giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều bất cập, "rào cản" về cơ chế, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chế độ giảng viên... GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse, Pháp) cho rằng trao quyền tự chủ tài chính là giải pháp hữu hiệu "cởi trói" cho các trường ĐH.
Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, muốn có một nền giáo dục đại học phát triển thì bắt buộc phải có sự đầu tư cho khoa học tương xứng. Dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng hiện tại, Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở mức rất thấp (0,2%) và để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, GS Dũng cho rằng Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ đầu tư cho R&D, hay cũng chính là tăng đầu tư cho giáo dục đại học, lên gấp nhiều lần.
GS. Nguyễn Tiến Dũng
Bên cạnh việc tăng đầu tư cho khoa học, GS Dũng cũng nhấn mạnh một điều tối quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển là cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giảng viên, thành phần nòng cốt của đại học. Tuy nhiên, do những bất cập về cơ chế nên hiện phần lớn các trường đại học ở ViệtNam chưa thể có chế độ tương xứng với giảng viên, nghiên cứu viên. Bởi vậy, việc trao quyền tự chủ tài chính cũng như các quyền tự chủ khác sẽ giúp "cởi trói" về mặt cơ chế cho các trường đại học, là cơ sở để đại học Việt Nam phát triển.
Sức bật của nền kinh tế phụ thuộc vào tỷ lệ đầu tư cho khoa học
Các nước có sức bật mạnh nhất về kinh tế chính là những nước có tỷ lệ đầu tư cao nhất cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ điển hình là Hàn Quốc. Chỉ trong mấy chục năm, Hàn Quốc từ một nước nghèo biến chuyển hoàn toàn thành một nước công nghiệp hiện đại, cạnh tranh thắng cả Mỹ, Nhật về nhiều mặt công nghệ.Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc là hơn 3% GDP, thuộc loại cao nhất thế giới. Những cường quốc mới như Trung Quốc cũng đang tăng rất nhanh tỷ lệ đầu tư cho R&D. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đầu tư được có 0.2% GDP cho R&D, là con số quá thấp so với tham vọng trở thành nước công nghiệp. Nếu như cứ mỗi năm Việt Nam tăng tỷ lệ đầu tư cho R&D lên thêm 30% so với năm trước, thì phải sau 10 năm nữa tỷ lệ đầu tư cho R&D mới đạt được đến mức 2%GDP.
Các đại học vừa là các trung tâm đào tạo nhưng cũng vừa có chức năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Bởi vậy, tăng đầu tư cho đại học cũng chính là tăng đầu tư cho R&D.
Chất lượng cao đi đôi với giá thành cao
"Chất lượng quốc tế nhưng giá thành bằng 1/10 quốc tế" là chuyện viển vông. Để đạt đẳng cấp quốc tế, thì đại học cũng cần được đầu tư ngang tầm quốc tế, và các Giáo sư phải được trả lương tương đối cạnh tranh so với quốc tế, chứ không phải chỉ bằng 1/5 hay 1/10 quốc tế.
Kể cả với chất lượng còn khiêm tốn hiện tại ở Việt Nam, việc tính giá thành ở đại học vẫn quá thấp so với giá trị thực sự mà đại học đang mang lại cho xã hội. Việc tính quá thấp đó (ví dụ như tính giá thành của các giờ giảng bài quá thấp) làm giảm giá trị của đại học trong nền kinh tế, và làm cho đại học không nhận được mức đầu tư cần nhận được để "nuôi nấng" và phát triển.
Giáo dục đại học Việt Nam đang "vướng" nhiều rào cản về cơ chế để phát triển
Học phí cần được tính hợp lý
Vẫn theo nguyên tắc "tiền nào của đấy", nếu tính mức chi phí hàng năm trên đầu sinh viên quá thấp, thì đại học sẽ không có kinh phí để trang bị cơ sở vật chất tốt và trả lương xứng đáng cho giảng viên. Bởi vậy cần tính mức chi phí cho hợp lý. Đối với sinh viên hoàn toàn tự túc, thì phải trả học phí tương xứng với mức chi phí đó.
Còn tất nhiên, đại học có thể có các loại học bổng một phần, toàn phần, kèm tiền sinh hoạt phí, v.v. đối với các đối tượng sinh viên đáng được ưu tiên khác nhau để khuyến học và đảm bảo công bằng xã hội. Nhưng những khoản học bổng đó phải được bù lại từ các nguồn ngân sách khác (nhà nước, doanh nghiệp, quĩ từ thiện của cựu sinh viên, v.v.) thì mới đảm bảo cho đại học có đủ tiền để phát triển và đảm bảo chất lượng.
Tự chủ tài chính là giải pháp "cởi trói" cho đại học
Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, tự chủ tài chính là một trong các biện pháp hữu hiệu để chống lãng phí, tham nhũng, và thực hiện chế độ với giảng viên được tốt hơn. Một số đại học đang thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, đã trả lương được cao hơn cho các giảng viên so với các đại học không tự chủ về tài chính, ngay cả khi những trường này thu được tiền (kể cả tiền học phí và tiền từ ngân sách nhà nước) tính trên đầu sinh viên ít hơn ở các đại học không tự chủ tài chính.
Trả lương thấp cho giảng viên không phải là tiết kiệm mà là lãng phí
Hiện tại thu nhập trung bình của các giảng viên ở Việt Nam mới chỉ xứng bằng 1/3 công suất lao động của họ, tức là họ đáng nhẽ phải có thu nhập cao gấp 3 hiện tại mới xứng với công việc của họ. Việc trả lương thấp này, không những chỉ là một sự bất công lớn với ngành đại học so với nhiều ngành khác (khi mà chẳng hạn thu nhập củagiáo sư không bằng thu nhập của một số kỹ sư hay thạc sĩ mới ra trường), mà còn tạo nên sự lãng phí vô cùng to lớn về tiềm năng của ngành đại học: trung bình các giảng viên đại học bị lãng phí trên 50% tiềm năng công suất lao động của mình vì thiếu điều kiện làm việc và quá mất thời giờ vào chuyện cơm áo gạo tiền. Đồng thời, việc trả lương thấp này gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, và không khuyến khích được thế hệ trẻ đi theo khoa học.
Các đại học có ích nhất cho xã hội là các đại học phi lợi nhuận
Ngay ở các nước phát triển, các đại học lớn nhất đều phi lợi nhuận, dù là đại học công như UC Berlekey hay đại học tư như Yale. Các đại học đó đem lại lợi ích chung rất lớn cho xã hội, lợi ích mà chúng mang lại lớn hơn nhiều lần so với tiền của mà xã hội đầu tư vào chúng. Còn các đại học vị lợi nhuận chỉ phục vụ một mảng thị trường nào đó, với mục đích hàng đầu là đem lại lợi nhuận cho các cổ đông chứ không phải là cho toàn xã hội. Bởi vậy, tự chủ tài chính không có nghĩa là biến đại học thành công ty cổ phần để phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích.
GS. Nguyễn Tiến Dũng
Mạnh Hải (Lược ghi)
Theo dân trí
ĐH Cần Thơ có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Sáng 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ. Tại đây Thủ tướng chỉ đạo Đại học Cần Thơ có trách nhiệm lớn trong việc đào tạo nguồn lực cho ĐBSCL. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với trường Đại học Cần Thơ sáng 20/3. Theo báo của hiệu trưởng Trường...