Cần có chính sách đặc thù để khuyến khích giáo viên đến vùng khó khăn
Bày tỏ băn khoăn trước Đề án “ Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”, TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ: Nếu Đề án đưa ra mà lương của giáo viên bằng, thậm chí thấp hơn hiện tại thì rõ ràng ngành Giáo dục sẽ bị thiệt thòi.
Thu hút và giữ chân người tài bằng chính sách tiền lương
Khuyến khích người tài vào ngành Giáo dục
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Giáo dục đang rất cần thu hút người giỏi. Nếu chúng ta không có chính sách thu hút và giữ chân người tài vào ngành Giáo dục thì cần phải bàn đi, tính lại sao cho thỏa đáng
TS Nguyễn Đắc Hưng
Theo TS Nguyễn Đắc Hưng, mục tiêu của Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp” rất hay và phù hợp với thực tiễn.
Qua đó đảm bảo công bằng, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời đánh giá đúng năng lực, vị trí việc làm và thu hút được nhân tài cũng như là giữ chân người tài cho đất nước.
Tuy nhiên khi đặt vấn đề về lương cho từng ngành nghề cụ thể thì cần tính toán lại để thấy rằng, mức độ, tính chất của từng ngành nghề có những đặc thù khác nhau.
Video đang HOT
Nói ngay như trong ngành Giáo dục, từ Nghị quyết Trung ương 2 cho đến Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đều khẳng định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương lại đưa vấn đề tiền lương vào Nghị quyết. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng giáo dục, luôn muốn thu hút những người giỏi vào ngành Giáo dục và giữ chân được người giỏi ở trong ngành giáo dục.
TS Nguyễn Đắc Hưng phân tích, giáo viên là nghề có tính chất đặc thù bởi: Thứ nhất, giáo viên là những kỹ sư tâm hồn. Họ phải là những người tiêu biểu cả về đạo đức và tài năng thì mới có thể đứng trong hàng ngũ nhà giáo để đào tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên có chất lượng và là nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Thứ hai, giáo viên có ở các vùng miền khác nhau, từ những vùng thuận lợi cho đến vùng biên giới, hải đảo. Vì vậy cần thiết có chính sách đặc thù để khuyến khích giáo viên đến những vùng, miền đó để dạy học.
TS Nguyễn Đắc Hưng: Không phải ngẫu nhiên, mà Trung ương lại đưa vấn đề tiền lương vào Nghị quyết
Không tạo sự phân tâm cho đội ngũ nhà giáo
TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, hơn lúc nào, cần phải đặt vấn đề về tiền lương của giáo viên theo đúng tính thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Còn vấn đề những ai được hưởng mức lương cao thì lại là chuyện khác, việc đó ngành sẽ có cách giải quyết phù hợp.
Nhưng để có được điều này thì cần có chính sách đặc thù về tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và không nên đánh đồng. Khi chính sách tiền lương thỏa đáng thì sẽ có cơ sở để yêu cầu giáo viên nâng cao chất lượng. Tức là quyền lợi luôn phải đi kèm với nghĩa vụ. Có như vậy mới tạo được sự công bằng và không tạo sự phân tâm cho đội ngũ nhà giáo cũng như những người quản lý giáo dục.
“Đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp là hoàn toàn hợp lý và có có sở” – TS Nguyễn Đắc Hưng.
Sỹ Điền (ghi)
Theo giaoducthoidai.vn
"Phân luồng" giúp học sinh và gia đình tiết kiệm thời gian, tiền bạc
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh yếu, kém nhưng lại có năng khiếu và rất khéo tay khi học nghề. Hơn nữa, hiện nay trong xã hội đang có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" nên công tác phân luồng học sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Phân luồng học sinh từ việc nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề. Ảnh minh họa/internet
Đó là ý kiến của thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang). Theo thầy Lạc, làm tốt công tác phân luồng không chỉ mang lại cho xã hội nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn giúp học sinh và gia đình tiết kiệm nhiều thời gian, tiền bạc và công sức khi khả năng học tập của các em không đáp ứng được theo nội dung, chương trình giáo dục phổ thông.
Hầu như ở các trường THCS và THPT đều tổ chức dạy nghề cho học sinh theo quy định trong chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Ở cấp THCS, công tác dạy nghề thường do các Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thị đảm nhận.
Tuy nhiên, thầy Đàm Thanh Lạc cho rằng, việc tổ chức dạy nghề cho học sinh ở các trung tâm này còn nhiều bất cập về nội dung cũng như phương pháp dạy. Nội dung dạy nghề chỉ tập trung vài nghề như: thêu tay, cắt may, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng... Nội dung dạy nghề thiếu sự hấp dẫn nên ít học sinh đăng ký học hoặc học qua loa để kiếm điểm cộng cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.
Ngoài ra, phương pháp dạy nặng về truyền thụ lý thuyết, thời lượng dành cho học sinh thực hành hết sức hạn chế do thiếu thốn cơ sở vật chất. Không ít học sinh học xong khóa học sửa chữa xe gắn máy mà không sửa được những trục trặc thông thường của xe do các em chỉ được làm quen trên hình vẽ mà không có phụ tùng để thực hành thường xuyên.
Bên cạnh đó, Không chỉ học sinh mà cả một bộ phận nhỏ cán bộ, giáo viên chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp - dạy nghề. Đối với cấp THPT, hầu hết các trường chỉ tổ chức dạy nghề tin học theo quy định.
Nguyên nhân do không có giáo viên chuyên trách dạy nghề và điều kiện cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng việc giảng dạy các nghề khác. Không có sự lựa chọn nghề để học nên học sinh buộc phải học nghề tin học do nhà trường tổ chức. Từ đó, trong tư tưởng phần lớn học sinh chỉ hướng đến việc cộng điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chưa nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc học nghề.
Để giúp phân luồng học sinh, theo thầy Đàm Thanh Lạc, trước tiên phải làm cho các em nhận thức được rằng: Đại học không phải là con đường duy nhất để các em lập nghiệp. Để các em bước vào đời mà học nghề cũng là hành trang vững chắc để các em có chỗ đứng trong xã hội.
Trách nhiệm của nhà trường là cần thu hút học sinh học nghề, thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề. Muốn làm được điều này, nhà trường cần khảo sát nhu cầu học nghề trong học sinh và liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường dạy nghề để tư vấn, hướng dẫn và tổ chức dạy nghề cho học sinh.
Các nghề đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng cần phong phú, thiết thực và đảm bảo "đầu ra" để các em có thể tiếp tục học chuyên sâu nghề đó khi tốt nghiệp THCS hay THPT. Có như thế, công tác dạy nghề mới phát huy được lợi ích, hiệu quả đối với học sinh. Từ đó, góp phần phân luồng học sinh và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nguyễn Hoài (ghi)
Theo giaoducthoidai.vn
Hải Dương: Tổ chức đối thoại giữa CBQL, giáo viên với học sinh mỗi học kỳ Sở GD&ĐT Hải Dương vừa có văn bản tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Trong đó yêu cầu tổ chức ít nhất 1 buổi toạ đàm, đối thoại giữa CBQL, giáo viên với học sinh trong nhà trường mỗi học kỳ. Ảnh minh họa/internet Cùng với đó, lắng nghe, tôn trọng, sẵn sàng đối thoại giữa CBQL,...