Cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi quay trở lại trường
Để chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến, song song với các biện pháp an toàn, nhà trường và phụ huynh cũng cần chuẩn bị cho các em tâm thế sẵn sàng, tránh gây hoang mang.
Nhà trường và phụ huynh ổn định tâm lý cho trẻ
Chị Hoàng Lan, giáo viên lớp 1 ở một trường Tiểu học tại Quận 6 cho biết, hiện tại có nhiều phụ huynh băn khoăn về việc cho con đi học tại trường hay tiếp tục học trực tuyến. Trong đó, vấn đề an toàn cho con trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay được nhiều phụ huynh quan tâm.
Một học sinh THCS tại TP.HCM đang học online (Ảnh: Vũ Hường)
Chị Lan chia sẻ, có nhiều cha mẹ vì phải đi làm, không thể theo sát con khi bé học ở nhà nên sẽ cho bé đi học lại nhưng vẫn không yên tâm. Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ trường và họp phụ huynh sắp tới, chị Lan cũng thường xuyên trao đổi cùng cha mẹ các em, dẫn chứng từ việc trẻ càng nhỏ tuổi không may nhiễm COVID-19 thì đa số đều nhẹ.
Chị cũng nhắc đến việc học sinh đi học lại, lớp học được chia ca, tách lớp và ngồi giãn cách, nên việc kiểm soát cũng tốt hơn.
Theo chị Lan, khi phụ huynh đồng ý cho con đến trường thì cần phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho trẻ, kể cả trong tình huống xấu nhất, chứ không nên nửa vời như hiện nay: “Mình nói với học sinh cũng như phụ huynh, nếu như chúng ta tiếp tục học trực tuyến thì các con cũng cần chuẩn bị tinh thần để học và thi trực tuyến. Trường hợp nếu trở lại trường, phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý, sức khoẻ, mình phòng cả 2 trường hợp luôn”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho hay, nhà trường đang lên kế hoạch, chuẩn bị tập huấn cho thầy cô và cả phụ huynh về công tác phòng dịch. Giữa nhà trường và phụ huynh sẽ liên lạc trao đổi mỗi ngày để nắm được tình hình sức khoẻ từng em. Nếu có biểu hiện bệnh, các em sẽ được nghỉ học để theo dõi sức khoẻ, khi ổn định sẽ quay trở lại trường học bình thường.
Nhà trường cũng xây dựng những kịch bản để ứng phó khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh, đảm bảo an toàn. Những học sinh có biểu hiện bệnh sẽ được đưa đến phòng riêng, thực hiện test nhanh. Đồng thời, Ban an toàn phòng chống COVID-19 của trường sẽ tư vấn cho học sinh và phụ huynh có tâm lý an toàn tiếp tục việc học.
“Làm sao để các em đến trường học trong bình thường mới, nhưng có sự an tâm. Xử lý một cách nhẹ nhàng, khoa học khi có học sinh dương tính, để bản thân em đó không hoang mang, gia đình không hoang mang, đồng thời các hoạt động của nhà trường vẫn được diễn ra”, thầy Phú nói.
Video đang HOT
Trường THPT Nguyễn Du khử khuẩn để chuẩn bị đón học sinh trở lại (Ảnh: NTCC)
Tâm lý thích nghi cần có từ chính phụ huynh
Theo Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, yếu tố về an toàn cho trẻ trong tình hình dịch bệnh như hiện nay vẫn là quan trọng nhất. Khi mở cửa trường học, không chỉ nhà trường mà phụ huynh cũng cần chú ý đến việc hướng dẫn kỹ hơn tuân thủ 5K, cách thức phòng chống dịch bệnh để thích ứng trong bối cảnh mới. Các bậc phụ huynh có tâm lý lo ngại con đi học sẽ không may mắc bệnh nên tìm hiểu kỹ và tin tưởng những khuyến cáo về bệnh tật cũng như hướng dẫn của ngành y tế, giáo dục.
Hơn nữa, học sinh đã có một khoảng thời gian rất dài ở nhà, không được tham gia các hoạt động xã hội, chính vì vậy ngoài việc chuẩn bị an toàn cho con thì việc chuẩn bị tâm thế cũng như năng lực thích ứng với môi trường mới cũng cần được chú trọng. Tuỳ vào độ tuổi khác nhau mà cha mẹ có sự chuẩn bị khác nhau, tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường.
Tiến sĩ Công cho biết, những nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ đang có những vấn đề tiêu cực khi ở nhà quá lâu, học trực tuyến quá lâu, như: béo phì, bệnh lý về mắt, cột sống, ít tiếp xúc, kém khả năng giao tiếp xã hội, có dấu hiệu lo âu, trầm cảm…
Tiến sĩ Công chia sẻ: “Chúng ta cần cân nhắc trong bối cảnh này cần phải cho thích nghi. Bởi vì chúng ta không thể nào để trẻ mãi ở trong nhà được. Chúng ta cần cho trẻ một bối cảnh rộng hơn để phát triển tâm lý cũng như thể chất của mình”.
Để học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sự ủng hộ và đồng hành của phụ huynh bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch từ nhà trường sẽ giúp cho các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường./.
Nhiều địa phương bắt đầu mở cửa trường đón học sinh
Nhiều địa phương bắt đầu cho học sinh trở lại trường học từ ngày 15/11 khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho khối 12 từ ngày 22/11; khối lớp 10 và 11 từ ngày 29/11. Việc đi học lại chỉ triển khai tại các địa phương vùng dịch cấp độ 1 và 2, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình. Học sinh vùng cấp độ 3, học sinh thuộc diện cách ly y tế tập trung thì học trực tuyến.
Học sinh các khối lớp 8, 9 dự kiến sẽ đến trường sau khi các em được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 đủ 14 ngày. Với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định thì sẽ có kế hoạch cụ thể.
Đồng Nai cũng có kế hoạch cho sinh viên và học sinh các cấp trở lại trường từ ngày 22/11 đến 1/12. Mỗi huyện, thành phố chọn từ 1 đến 4 cơ sở giáo dục tổ chức thí điểm.
Sau ngày 1/12, các địa phương rà soát, đánh giá quá trình tổ chức cho học sinh đi học tại cơ sở giáo dục và tình hình thực tiễn dịch bệnh tại địa phương để đưa ra quyết định tiếp theo về việc tổ chức cho sinh viên, học sinh các cấp trở lại trường.
Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện/thành phố điều chỉnh phương án theo hướng mở dần với trẻ lứa tuổi nhà trẻ (có thể tổ chức cho trẻ ăn sáng theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh).
Với giáo dục phổ thông và thường xuyên, thời gian đầu ưu tiên cho học sinh lớp 1, 2, 9, 12. Sau mỗi tuần, các cơ sở giáo dục đánh giá độ an toàn và điều kiện để tăng dần số lượng học sinh.
Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường. (Ảnh minh họa: Zing)
Tại Lâm Đồng, UBND TP Bảo Lộc cũng thống nhất chủ trương cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 15/11.
Do dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Việt Yên ( Bắc Giang) được kiểm soát, Chủ tịch UBND huyện quyết định cho phép các trường tiểu học, THCS đón học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 15/11. Riêng học sinh các trường mầm non tiếp tục nghỉ cho đến khi có thông báo mới.
Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho học sinh đi học trở lại từ 15/11, trong khi một số trường ở Nghi Sơn vẫn tổ chức dạy học trực tuyến.
Từ ngày 15/11, Sở GD&ĐT Nghệ An quyết định chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Vinh. Địa bàn áp dụng là học sinh vùng dịch cấp độ 1 và 2.
Riêng những học sinh đang thuộc diện cách ly y tế tập trung hoặc đang sinh sống và cư trú trong vùng có dịch COVID-19 vẫn sẽ học trực tuyến.
Sau khi ổn định hoạt động dạy và học trực tiếp cho học sinh lớp 12, các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 để chuẩn bị cho học sinh lớp 10 và lớp 11 trở lại trường học tập.
Tại Hà Tĩnh, học sinh ở thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà đến trường trở lại từ 15/11. Tuy nhiên, một số trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục dạy trực tuyến do liên quan ca mắc COVID-19.
Huyện Nam Trà My ( Quảng Nam) cho phép trường học tại 7 xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Vân và Trà Vinh dạy học tập trung trở lại từ 15/11. Học sinh 3 xã Trà Mai, Trà Don và Trà Tập tiếp tục nghỉ học.
Huyện Núi Thành cho học sinh ở những xã vùng xanh, vàng đi học từ 15/11. Trường học ở vùng cam kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cho phép các địa bàn thuộc thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, trường THPT Phong Châu cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11.
Để đảm bảo phòng chống dịch khi dạy học trực tiếp, Sở yêu cầu các trường tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, đồ dùng dạy học,... cũng như xây dựng phương án tổ chức dạy học 2 ca theo khối buổi sáng và buổi chiều; bố trí thời điểm ra, vào lớp, thời điểm bắt đầu và kết thúc buổi học, thời gian nghỉ giữa các tiết học và quản lý học sinh bảo đảm phù hợp.
Đối với cấp mầm non, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh học sinh để thống nhất phương án chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường trên tinh thần tự nguyện; tùy theo tình hình cụ thể nghiên cứu xem xét việc tổ chức bán trú, bảo đảm an toàn cho trẻ.
Đối với giáo dục tiểu học, tạm thời các trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, không tổ chức dạy buổi 2 và các hoạt động sau giờ chính thức trong ngày cho đến khi có thông báo mới.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương không nên lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học. Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn.
Các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học, vì hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên. Hơn nữa, Bộ trưởng Y tế cho rằng rủi ro ở lứa tuổi 6 - 11 không lớn. Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2.
Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Muôn vàn nỗi niềm khi học sinh Hà Nội quay lại trường Hà Nội đã cho phép học sinh ở 18 huyện, thị xã ngoại thành tới trường nhưng nhiều phụ huynh vừa mừng lại vừa lo lắng, thấp thỏm. Cụ thể, học sinh của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 sẽ cho các khối lớp 5, 6, 9, 12 quay trở lại trường học. Còn...