Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?
Chúng tôi được đào tạo và vượt qua rất nhiều kỳ thi như viên chức, học thêm tiếng Anh, tin học bên ngoài nhưng vẫn thiếu 1 loại chứng chỉ mới được công nhận.
Tâm sự với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Mến (Hưng Yên) đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Đầu tiên là 3-4 năm đào tạo trong các trường Cao đẳng, Đại học.Cô Mến nói: “Những giáo viên như chúng tôi muốn đứng được trên bục giảng phải được đào tạo và trải qua rất nhiều kỳ thi.
Sau đó chúng tôi phải trải qua kỳ thi viên chức với các phần thi vấn đáp về luật, bài thi kiến thức chuyên môn, thi soạn giáo án, giảng bài.
Như vậy để có thể đứng được trên bục giảng người giáo viên đã được đào tạo, được công nhận và trải qua các kỳ thi chuyên môn.
Tuy nhiên mỗi năm giáo viên lại bị yêu cầu thêm đủ loại giấy tờ, chứng chỉ.
Tôi trộm nghĩ có phải các cơ quan đang làm khó chúng tôi hay không?”.
Lý giải về điều này cô Mến cho biết: “Tôi nghĩ rằng những thành tích cũng như năng lực của chúng tôi đã được khẳng định trên bục giảng bằng kết quả học tập của học sinh, bằng các giải thưởng, bằng cấp.
Liệu chúng tôi có phải đánh giá lại mình có đủ năng lực dạy dỗ học trò khi thiếu chứng chỉ hay không?
Những loại chứng chỉ ấy có ý nghĩa như thế nào đến chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên hay chỉ để làm đẹp hồ sơ”.
Các lớp ôn, thi, cấp chứng chỉ hoạt động bát nháo khiến giáo viên bức xúc (Ảnh: N.D)
Chung tâm trạng của cô Mến, nhiều ngày qua, trên khắp các diễn đàn giáo dục, giáo viên đang bàn tán sôi nổi về những loại chứng chỉ trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Sẽ chẳng có điều gì đáng nói nếu như chất lượng của các lớp bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ được đảm bảo và đúng như số tiền giáo viên bỏ ra.
Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều nơi, họ thực sự cảm thấy xót xa cho số tiền họ bỏ ra vì những lớp học vô bổ.
“Chúng tôi đang theo học lớp bồi dưỡng chức danh nghiệp vụ.Cô Trần T.A. giáo viên Hưng Yên phản ánh:
Họ thu tiền một cách trắng trợn. Không đi thì họ bảo không đủ điều kiện bằng cấp.
Video đang HOT
Đi học thì học phí 2,3 triệu đồng, đóng thêm 200.000 đồng tiền quỹ lớp”.
Bên cạnh đó theo một số giáo viên, đã xuất hiện tình trạng thu tiền cho các lớp chống trượt với giá không hề nhỏ chút nào.
Cô A. nói: “Họ gọi thẳng chúng tôi vào và ra giá 6 triệu đồng cho một lớp chống trượt.
Không biết ở những nơi khác như nào nhưng tại nơi tôi học đã xuất hiện những gói chống trượt. Đến hôm làm bài thu hoạch sẽ có người làm cho mình”.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi trải qua lớp học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghiệp vụ, thầy Trần Văn Thắng (Hà Nội) gọi đây là lớp học : Vô bổ và vặt tiền giáo viên.
Nhiều tiêu cực đã được bộc lộ tại các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghiệp vụ (Ảnh minh họa: Internet)
Thầy Thắng bức xúc: “Tôi hỏi nếu giáo viên chúng tôi không có những loại chứng chỉ ấy thì không dạy được học sinh à? Một năm giáo viên đều được tham gia học tập bồi dưỡng thường xuyên.
Điều này cũng chính là chúng tôi tự học tập và cập nhật những kiến thức liên quan tới công việc dạy học.
Theo tôi đây là quá đủ để nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên rồi.
Thế còn cái chứng chỉ chức danh nghiệp vụ và cái lớp học bồi dưỡng ấy nó có giúp gì cho giáo viên hay không hay chỉ vặt tiền của giáo viên”.
Thầy Thắng đặt ra bài toán kinh tế: “Mỗi lớp khoảng 50-100 học viên, mỗi học viên khoảng 3 triệu đồng.
Con số này nhân lên vô cùng lớn. Đấy chỉ là một lớp nhưng khi nhân lên quy mô cấp Huyện, tỉnh và trên cả nước mới thấy dòng tiền là lớn như thế nào.
Trong khi đó giá trị của loại chứng chỉ này vẫn còn nhập nhằng và quyền lợi của giáo viên được cấp chứng chỉ có được tăng lên hay không thì vẫn bỏ ngỏ”.
Như vậy theo nhiều ý kiến phản ánh của giáo viên: Họ cũng chẳng thích thú gì khi phải nộp một số tiền lớn để tham gia các lớp học bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghiệp vụ.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định không bắt buộc tất cả các giáo viên phải tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, ai muốn thì học, không muốn thì thôi.
Thế nhưng tại nhiều địa phương lại đang xảy ra tình trạng lập lờ, sử dụng quyền lực mềm để ép giáo viên đi học.
Giáo viên tham gia lớp học này phải đóng học phí thường dao động ở mức 2-3 triệu đồng, có địa phương nhiều hơn thế nữa, đó là chưa kể tiền phải bỏ ra mua giáo trình để học.
Chính việc lập lờ giữa bắt buộc và không bắt buộc và cả tâm lý “học cho rồi” của giáo viên đã trở thành một món mồi ngon của nhiều trường đại học khi liên kết với ngành giáo dục địa phương để mở lớp đào tạo.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh tình trạng bát nháo mở các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghiệp vụ tại nhiều địa phương để thu tiền của giáo viên.
Chất lượng của những lớp học chống trượt như vậy thì giáo viên có chứng chỉ hay không có chứng chỉ có quan trọng không? (Ảnh:N.D)
Điều này đặt ra câu hỏi việc mở lớp bồi dưỡng như trên sẽ làm lợi cho ai?
Theo quy định muốn được thi, xét thăng hạng thì ngoài chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng phải có thêm những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.
Nếu giáo viên chưa có 2 chứng chỉ này thì học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cũng không có ích gì?
Do vậy nó xảy ra một hiệu ứng dây chuyền đó là người người, nhà nhà đổ xô đi học các loại chứng chỉ tiếng anh, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Về hiệu quả thì không dám bàn tới nhưng số tiền phải bỏ ra cũng ngót nghét chục triệu đồng vì những loại chứng chỉ trên.
Trong khi những lớp bồi dưỡng như này lại có rất nhiều khuất tất và tiêu cực.
Việc theo học các lớp bồi dưỡng chứng chỉ cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chuyên môn của giáo viên thì người được hưởng lợi nhất là những đơn vị thu tiền và các trường liên kết đào tạo.
Do vậy nhiều thầy cô bức xúc hỏi: Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa chúng tôi mới được công nhận là giáo viên có chuyên môn, có thể đi dạy?
Nam Dương
Theo giaoduc.net
Bồi dưỡng GV thế nào cho hiệu quả?
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi GV, cần bồi dưỡng những kiến thức nào để thiết thực, hiệu quả, tổ chức các lớp học tại thời gian nào, địa điểm nào cho phù hợp.
Bồi dưỡng giáo viên là công tác thường xuyên tại các cơ sở GD. Ảnh: Hữu Cường
Nghỉ hè là thời gian thích hợp nhất
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thời điểm GV có nhu cầu được bồi dưỡng cao nhất là vào kì nghỉ hè. Còn nếu việc bồi dưỡng được tổ chức vào các thời điểm khác trong năm học, GV thường rất khó tham gia vì còn bận lên lớp và các kế hoạch khác của cá nhân.
Một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: Nếu các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho GV được tổ chức vào kì nghỉ hè, chúng tôi có thể bố trí các công việc cá nhân để tham gia. Nếu không bận các tiết dạy thì việc tham gia sẽ dễ hơn rất nhiều.
Thời điểm "cuối học kì I, đầu học kì II" được ít GV lựa chọn nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm GV bận rộn nhất trong năm học. Thời điểm này họ bận tổ chức ôn tập, chuẩn bị đề thi, chấm thi, giáo án cho kì mới nên sẽ rất khó sắp xếp thời gian để tham gia bồi dưỡng.
Về thời gian bồi dưỡng, các GV chủ yếu lựa chọn phương án "tùy theo từng nội dung". Bởi lẽ mỗi nội dung khác nhau cần thời gian bồi dưỡng phù hợp. Nội dung nào phức tạp cần đầu tư nhiều thời gian hơn. Nên căn cứ vào nội dung cụ thể mới lên được kế hoạch về thời gian bồi dưỡng bao nhiêu cho hợp lí. Bên cạnh đó, phương án ít được GV lựa chọn nhất là "từ 3 đến 5 ngày".
Một GV khi được phỏng vấn cho biết: Trong năm học, nếu thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 3 ngày trở lên sẽ gây trở ngại cho GV, bởi ảnh hưởng đến lịch công tác. Nếu muốn tổ chức thì phải có thông báo từ rất sớm mới sắp xếp được. Do đó, căn cứ lựa chọn thời gian bồi dưỡng của GV phụ thuộc vào nội dung và việc bố trí, sắp xếp công việc cá nhân khác của họ.
Theo ý kiến của GV, địa điểm bồi dưỡng phù hợp nhất là tại các trường nơi họ đang giảng dạy. Bởi lẽ với GV, việc bồi dưỡng tại chính nơi họ đang dạy sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia. Theo chia sẻ của đa số GV, nếu bồi dưỡng tại các trường, GV sẽ đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, có thể tranh thủ thu xếp công việc cá nhân, bố trí thời gian tham gia bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, địa điểm "trường ĐHSP" được ít GV lựa chọn hơn. Nhiều thầy cô cho rằng, thực trạng trên là do GV đến từ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên việc tổ chức bồi dưỡng tại địa điểm này sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra các khóa bồi dưỡng.
GV cần bồi dưỡng gì?
Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV cập nhật kiến thức và các phương pháp mới để vận dụng vào thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT, chưa xuất phát từ nhu cầu của chính GV.
Do đó, cần phải đổi mới nội dung và hình thức, cách thức để việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV trở thành nhu cầu học tập thường xuyên.
GV có nhu cầu cao đối với việc bồi dưỡng do nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc này đối với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên cũng có một số ít GV cho rằng không cần thiết bởi họ cảm thấy tự bản thân có thể trau dồi, học hỏi qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhu cầu ở mỗi nội dung cần bồi dưỡng có sự khác biệt, nhưng mức độ nhu cầu cần được bồi dưỡng của GV ở các nội dung cụ thể là rất cao. Ví dụ như những nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các kĩ năng dạy học, giáo dục, quản lí lớp học theo yêu cầu đổi mới giáo dục...
Trong đó, các nội dung GV có nhu cầu cần bồi dưỡng cao nhất là: Thiết kế và tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với các đối tượng học sinh; Thiết kế và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS.
Các kĩ năng về nghiệp vụ sư phạm được GV hết sức chú trọng. GV có nhu cầu bồi dưỡng những kĩ năng này để giúp cho họ thực hiện tốt hoạt động giảng dạy của mình, bởi đây là những kĩ năng GV sử dụng xuyên suốt trong quá trình dạy học trên lớp.
Một số nội dung cần bồi dưỡng khác cũng được rất nhiều GV quan tâm như: Phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; Thiết kế, sử dụng các đồ dùng dạy học, phương tiện dạy học một cách có hiệu quả; Nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và một số phần mềm tin học để nâng cao chất lượng dạy học - giáo dục như Microsoft Power Point, Violet, Moviemaker, Imindmap...
Vân Anh
Theo GDTĐ
CT-GDPT mới: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực của học sinh. Đây là sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây và điều này tất yếu đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư...