Campuchia kỳ vọng vào ‘đại nhảy vọt’ nhờ công nghệ 5G Trung Quốc
Cuộc đua khai trương các dịch vụ mạng viễn thông 5G tại Campuchia đang nóng lên từng ngày khi một loạt nhà mạng lớn liên tục giới thiệu các trạm 5G với mức đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.
Smart Axiata, công ty con của tập đoàn Axiata có trụ sở tại Malaysia, hay Cellcard – công ty viễn thông thuộc tập đoàn Campuchia Royal Group – đang hy vọng sẽ dẫn đầu khu vực ASEAN nhờ việc triển khai các dịch vụ thương mại 5G vào cuối năm 2019.
*Không muốn tụt lại phía sau
Giám đốc điều hành Smart Axiata, ông Thomas Hundt cho biết, các thiết bị trong dự án 5G của Smart được lắp đặt tại thủ đô Phnom Penh và những cuộc thử nghiệm thực tế gần như đã hoàn tất. Trong cuộc phỏng vấn của báo Nikkei (Nhật Bản), ông Thomas Hundt xác nhận Smart sẽ sử dụng công nghệ thế hệ mới của Huawei, hãng hỗ trợ thiết bị cho mạng 4G hiện tại của Smart.
Công ty viễn thông này đặt mục tiêu khởi động các dịch vụ thương mại 5G ngay khi nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ Campuchia. Giám đốc Thomas Hundt tự tin: “Chúng tôi sẽ là quốc gia đầu tiên tại ASEAN khai trương mạng 5G”. Lãnh đạo nhà mạng Smart Axiata thông báo công ty sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công nghệ 5G trong vòng 3-5 năm tới.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cellcard Ian Watson công bố giai đoạn đầu tiên của đơn vị này là đặt 500 trạm phát 5G trải khắp Phnom Penh, Sieam Reap và Sihanoukville. Với những gì đã triển khai, ông Ian Watson cho biết dịch vụ 5G của Cellcard sẽ được khai trương trong tháng 12/2019 với việc lựa chọn ZTE là đối tác cung cấp thiết bị đầu tiên. Cellcard sẽ tăng dần số trạm 5G lên con số 2.000 trên khắp cả nước Campuchia vào năm tới.
Theo kế hoạch, Cellcard sẽ đầu tư 200 triệu USD vào mạng 5G trong vòng 18 tháng tới và sẽ sử dụng cả công nghệ của Nokia cho việc mở rộng mạng 5G ở các vùng nông thôn Campuchia. Tuy nhiên, ông Ian Watson cũng thừa nhận rằng việc triển khai thương mại dịch vụ này bên ngoài các khu vực đô thị Campuchia vẫn còn khá yếu.
Giám đốc điều hành Cellcard quả quyết: “Tôi cho rằng trong vòng từ 3-5 năm tới, chúng tôi bắt đầu thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư này. Vấn đề là ở chỗ, nếu không đầu tư, bạn sẽ bị tụt lại phía sau”.
Các động thái trên diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều sự hoài nghi về vai trò cung cấp mạng 5G của hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc này trên khắp thế giới.
Video đang HOT
Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nước khác loại Huawei ra khỏi kế hoạch xây dựng hạ tầng 5G vì những quan ngại công nghệ của hãng này có thể được sử dụng làm gián điệp cho Bắc Kinh, một cáo buộc mà Huawei luôn bác bỏ. Nhật Bản và Australia trên thực tế đã “đóng cửa” với công ty Trung Quốc này trong khi một số nước châu Âu đã tỏ ra thận trọng trong việc hợp tác với Huawei.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Smart Axiata, ông Thomas Hundt cho rằng Smart đã cân nhắc các quan ngại về an ninh và thấy rằng “xét một cách toàn diện, gồm các yếu tố kỹ thuật, hỗ trợ hệ thống và chi phí, Huawei vẫn là lựa chọn tốt nhất”.
Liên quan tới vấn đề này, Marc Einstein – chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ ITR có trụ sở tại Nhật Bản – cho rằng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Phnom Penh và Bắc Kinh chính là nhân tố đóng góp vào sự thành công của Huawei tại Campuchia. Và điều quan trọng hơn, theo vị chuyên gia này, Huawei có thể cung cấp thiết bị với giá rẻ hơn các đối thủ châu Âu.
Các dịch vụ 5G hiện đã có mặt tại một số vùng ở Mỹ, Hàn Quốc và các thị trường châu Âu trong khi mạng siêu tốc độ này dự kiến được ra mắt tại một số thành phố lớn của Trung Quốc trong năm nay. Dịch vụ 5G sẽ chưa đi vào hoạt động ít nhất là trong năm 2020 tại nhiều nước phát triển và phần lớn khu vực Đông Nam Á.
Dù là quốc gia xuất phát chậm hơn về phát triển kinh tế trong khối ASEAN, nhưng Campuchia đặt mục tiêu là nước đầu tiên trong khu vực đưa mạng viễn thông siêu tốc độ này đi vào hoạt động với mong muốn tạo cú hích trong ngành công nghệ số.
Chuyên gia Marc Einstein nhận định rằng việc nhà mạng Campuchia sớm thông qua dịch vụ 5G là tín hiệu tốt, nhưng sẽ phải mất “vài năm” để đa số khách thuê bao có thu nhập trung bình sử dụng được mạng siêu tốc độ. Ông Marc Einstein phân tích: “Đó có thể là dịch vụ thương mại đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng trong nhiều tháng tới, nó không phải là duy nhất.”. Ông cũng nói thêm rằng công nghệ mới sẽ giúp Campuchia có bước “nhảy vọt” so với các dịch vụ mạng hữu tuyến nghèo nàn của quốc gia này.
Nhà phân tích Sofea Zukarnain thuộc hãng công nghệ Frost & Sullivan ITC cho rằng Campuchia vẫn cần phải tăng cường mạng cáp quang của nước này để hỗ trợ việc mở rộng mạng 5G. Chuyên gia hãng Frost & Sullivan ITC phân tích: “Để đảm bảo hoạt động bền vững của mạng 5G, cần có đường truyền mạnh và ổn định.
Tại Campuchia mới chỉ có khoảng 137.000 đường kết nối cáp quang (số liệu năm 2018) do chi phí thuê kênh riêng khá đắt, lượng khách cá nhân và doanh nghiệp sử dụng ít và người sử dụng có xu hướng chuộng kết nối Internet không dây. Cáp quang rất quan trọng trong những giai đoạn đầu của mạng 5G”.
Cả Cellcard và Smart đều tuyên bố tiếp tục đầu tư cho mạng 4G hiện tại. Theo một báo cáo gần đây của Open Signal về thị trường Campuchia, mạng Smart có chất lượng 4G ổn định nhất, với tỷ lệ tín hiệu 4G đạt hơn 80% trong một thời gian, trong khi Cellcard và Metafone lần lượt đạt 75% và 78%.
Dù vậy, tốc độ truyền dẫn dữ liệu tại Campuchia khá chậm, chỉ đạt dưới 10 megabits/giây dù sóng mạng 4G khá tốt.
Báo cáo nhấn mạnh: “Giống như nhiều nước ASEAN, Campuchia dường như tập trung nhiều vào nỗ lực mở rộng mạng 4G cho các kết nối băng thông rộng, thay vì tập trung vào tốc độ dữ liệu truyền tải. Nói chung, Campuchia đạt quy mô phủ sóng 4G hơn nhiều quốc gia châu Âu theo phân tích toàn cầu”.
Theo Bnew
Phát triển 5G để củng cố hệ sinh thái kỹ thuật số mới
Các nhà nghiên cứu đang mong đợi việc triển khai 5G vào năm 2020, sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn hơn cho môi trường số hóa rộng rãi trong tương lai.
Theo cuộc khảo sát mới của Rysavy Research về sự phát triển 5G vào năm 2020 tầm nhìn 2030, và ý nghĩa của công nghệ chuyển đổi từ 1G trong những năm 1980 lên 5G, đã được triển khai trên toàn cầu trong vài tháng qua, việc chuyển đổi sang 5G đã diễn ra đồng thời với những tiến bộ liên tục của công nghệ 4G LTE.
5G sẽ làm thay đổi mạng không dây bằng việc triển khai hạ tầng dày đặc, khai thác phổ tần chưa từng có cho các hệ thống di động, có thể sử dụng các kênh vô tuyến cực rộng, sử dụng các phương pháp ảo hóa và hỗ trợ các ứng dụng mới có độ tin cậy cao và độ trễ thấp.
Báo cáo trên cũng dự đoán rằng, 5G sẽ đóng vai trò là nền tảng của một môi trường hoàn toàn số hóa được tạo ra bởi những chiếc xe tự lái, thành phố thông minh, máy tính có thể đeo được và những đổi mới khác.
Các thiết bị IoT tiếp tục phổ biến hơn và việc triển khai công nghệ 5G trên toàn cầu vào năm 2020 sẽ thúc đẩy việc sử dụng và áp dụng rộng rãi hơn các hệ thống từ máy sang máy. Kế hoạch triển khai 5G vào giữa năm 2020 và các bản cập nhật tiếp theo dự kiến vào năm 2021-2022. Các điện thoại thông minh 5G đầu tiên sẽ có mặt vào cuối năm 2019. Các nhà cung cấp cũng đang lên kế hoạch sản xuất máy tính xách tay tích hợp công nghệ 5G.
5G sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng lượng truy cập mạng không dây cố định, tăng cường thực tế, thực tế ảo, các video độ phân giải cực cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chơi game trên điện toán đám mây, hệ thống ô-tô, hệ thống trường học, thành phố thông minh, máy tính có thể đeo được và giám sát bằng video. Một số ứng dụng trong số này đã được xử lý bằng công nghệ 4G, nhưng chi phí của 5G thấp hơn, thông lượng cao hơn, độ tin cậy cao và độ trễ thấp hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển tiềm năng của công nghệ mới này.
Ngoài ra, 5G cũng rất quan trọng trong việc phủ sóng truy cập internet đến các khu vực nông thôn vẫn đang phải truy cập mạng dây truyền thống. Các nhà máy đang nhanh chóng kết hợp với các hệ thống thông minh, thiết bị IoT vào quy trình công việc của họ và 5G sẽ giúp giảm chi phí đáng kể. Ở các vùng nông thôn, các công nghệ không dây có thể được tạo ra và duy trì với một phần chi phí của mạng có dây, nhưng được mở rộng băng thông rộng đến nhiều người hơn.
Hiệp hội cung cấp dịch vụ internet không dây cho biết, chi phí đầu tư cho công nghệ không dây thấp hơn nhiều so với cáp dây và cáp quang hiện nay.
Một phần trong kế hoạch chuyển đổi sang 5G trở nên dễ dàng là do 4G LTE đang nhanh chóng được cải thiện và sẽ được tích hợp cùng với 5G để giúp cả hai hệ thống phát triển mạnh. 5G sẽ không thay thế LTE, trong nhiều trường hợp, cả hai công nghệ này sẽ được tích hợp chặt chẽ với nhau và cùng tồn tại ít nhất là vào cuối những năm 2020. Bệnh cạnh đó, công suất mạng không dây sẽ tăng gấp đôi sau ba năm và được phát triển bởi sự tăng cường truy cập vào phổ tần mới và đổi mới làm tăng hiệu quả những phổ tần này.
Dự báo của Cisco mới đây về mức tiêu thụ dữ liệu di động trên toàn cầu đến năm 2022, được đo bằng exabyte (tỷ gigabyte) mỗi tháng và thấy rằng lưu lượng truy cập đang tăng với tỷ lệ hằng năm là 46%.
Chỉ riêng tại Mỹ, dữ liệu di động năm 2018 đã tăng 82% so với năm 2017. Vào tháng 6-2019, có hơn 8,71 tỷ kết nối mạng GSM-HSPA-LTE lớn hơn cả 7,59 tỷ dân số trên thế giới.
Đến cuối năm 2023, thị trường băng rộng di động toàn cầu dự kiến sẽ có khoảng 9,9 tỷ thuê bao, chiếm hơn 99% thị phần.
Về tương lai, mạng 5G có thể cho phép các thành phố thông minh tối ưu hóa lưu lượng cho người đi bộ, các phương tiện xe cộ, kết nối các tiện ích của đồng hồ và triển khai những thùng rác thông minh có thể cảnh báo khi được dọn sạch.
Các thiết bị IoT sẽ sớm trở thành một phần không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và cung cấp hàng hóa. Những chiếc xe tự lái thông minh sẽ cần 5G và thậm chí để phục vụ cho hàng triệu ứng dụng chưa được tạo ra.
Các khả năng phát triển 5G được mong đợi trong năm 2020, kết hợp với sự phát triển của máy tính thu nhỏ và trí tuệ nhân tạo, sẽ tăng cường về trải nghiệm của con người và có thể tương tác với thiết bị thông qua giao tiếp bằng giọng nói hoặc cử chỉ tự nhiên của con người. Các thiết bị đeo sẽ trở nên phổ biến như: đồng hồ và các thiết bị suy đoán có thể được cấy vào cơ thể hoặc gắn vào tai con người.
Tương lai của công nghệ không dây, bao gồm cả LTE và 5G, rất tươi sáng, khả năng phát triển liên tục và mở rộng năng lực, cũng như sự đổi mới về dịch vụ, sáng tạo và không giới hạn ứng dụng mà các công nghệ này cho phép.
Theo Nhân Dân
Viettel tuyên bố đã phát sóng 1.000 trạm NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn TP Hồ Chí Minh Ngày 12/9/2019, Viettel đã phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kết nối Internet cho vạn vật và đưa thành phố này trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng. Viettel tuyên bố đã phát sóng 1.000 trạm NB-IoT, phủ kín 100% địa bàn...