Campuchia bất ngờ vì quyết định cắt viện trợ của Mỹ
Giới chức Campuchia hôm nay 28/2 cho biết họ vô cùng bất ngờ và lấy làm tiếc vì quyết định cắt viện trợ “thiếu tôn trọng” của Mỹ.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan (Ảnh: Cambodia Daily)
“Ngoài việc lấy làm tiếc và bất ngờ với quyết định của một quốc gia hữu nghị (Mỹ) về viện trợ phát triển, Campuchia tự hào duy trì và tiếp tục nền dân chủ bằng nghị lực”, phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết với Reuters.
Ông Phay Siphan gọi quyết định cắt viện trợ của Mỹ là “thiếu tôn trọng” và “thiếu trung thực”. “Dân chủ thuộc về người dân, không phải một đảng phái đã bị giải thể”, ông Siphan nói thêm.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Nhà Trắng ngày 27/2 cho biết sẽ đình chỉ hoặc cắt một số chương trình viện trợ cho Campuchia với lý do đưa ra là tình hình bất ổn gần đây ở Campuchia.
Một tòa án ở Campuchia ngày 27/2 đã ra lệnh niêm phong trụ sở của Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP). Trước đó, Tòa án tối cao Campuchia quyết định giải thể đảng này theo đề xuất của chính phủ với cáo buộc CNRP âm mưu tiếm quyền.
Video đang HOT
Nhà Trắng cho biết đã viện trợ hơn 1 tỷ USD cho Campuchia. Mặc dù quyết định hoãn hoặc cắt một số chương trình viện trợ của Bộ Tài chính Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và quân đội Mỹ đối với Campuchia, nhưng Washington sẽ tiếp tục các dự án để hỗ trợ trực tiếp cho người dân Campuchia trong các lĩnh vực y tế, rà phá bom mìn, nông nghiệp và an sinh xã hội.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước phản đối quyết định Jerusalem
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 cảnh báo sẽ cắt viện trợ tài chính cho các nước bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
"Họ đã nhận hàng triệu thậm chí hàng tỷ USD viện trợ, sau đó họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Được thôi, chúng tôi sẽ theo dõi những lá phiếu này. Cứ để họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được kha khá. Chúng tôi không quan tâm", Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng hôm qua.
Cảnh báo trên đưa ra ngay trước cuộc họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 193 thành viên vào hôm nay 21/12 theo đề nghị của các nước Ả rập và Hồi giáo. Các thành viên Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết tương tự. Mỹ là thành viên duy nhất trong số 15 thành viên bỏ phiếu phủ quyết.
Mỹ là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an nhưng lại không có quyền như vậy trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của Hội đồng bảo an, do vậy kết quả bỏ phiếu sẽ chỉ mang tính biểu tượng.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cảnh báo sẽ "điểm danh" những nước tại Liên Hợp Quốc không ủng hộ việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ báo cáo lên Tổng thống Trump.
"Tại Liên Hợp Quốc, chúng tôi luôn bị đòi hỏi phải làm hơn nữa, cho đi nhiều hơn nữa. Vì vậy khi chúng tôi đưa ra một quyết định theo nguyện vọng của người dân Mỹ về việc sắp đặt đại sứ quán, chúng tôi không nghĩ rằng những quốc gia mà chúng tôi đã giúp đỡ lại chống lại chúng tôi. Vào ngày thứ Năm (21/12) sẽ có một cuộc bỏ phiếu để chỉ trích lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ điểm danh lại", bà Haley viết trên Twitter.
Một số nhà ngoại giao cấp cao nói rằng, những cảnh báo này khó làm thay đổi các lá phiếu tại Đại hội đồng.
Chủ tịch Đại hội đồng Miroslav Lajcak từ chối bình luận về cảnh báo của Tổng thống Trump, song nhấn mạnh: "Các quốc gia thành viên có quyền và trách nhiệm bày tỏ quan điểm của họ". Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong khi đó chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Theo số liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), trong năm 2016, Mỹ đã dành khoảng 13 tỷ USD để viện trợ kinh tế và quân sự cho các quốc gia châu Phi vùng tiểu Saharan và 1,6 tỷ USD cho các quốc gia Đông Á, châu Đại Dương. Mỹ viện trợ khoảng 13 tỷ USD cho các nước Trung Đông, Bắc Phi, gần 7 tỷ USD cho các nước Nam Á và Trung Á, 1,5 tỷ USD cho châu Âu và Á-Âu, 2,2 tỷ USD cho các quốc gia ở Tây bán cầu.
Trong một động thái gây tranh cãi và chưa có tiền lệ, hôm 6/12, Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, quyết định này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và rằng Mỹ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel. Trong khi đó, giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là "mồi lửa" làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực.
Minh Phương
Theo Dantri
Mỹ cắt hàng loạt viện trợ cho Campuchia Nhà Trắng ngày 27/2 tuyên bố Mỹ sẽ hạn chế hỗ trợ quân sự và cắt các chương trình viện trợ khác cho Campuchia. Thủ tướng Hun Sen, lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia, bỏ phiếu tại cuộc bầu cử thượng viện ở tỉnh Kandal ngày 25/2 (Ảnh: Reuters) "Sự thụt lùi về dân chủ gần đây ở Campuchia đã khiến chúng tôi...