Camera trong lớp học: Cảm giác an tâm hay sự mất niềm tin?
Là một người mẹ, tôi thật sự đau lòng khi theo dõi tin tức về vụ camera được lắp lén trong lớp học để rồi phát hiện ra nhiều trẻ bị cô giáo bạo hành.
Phụ huynh vừa làm việc vừa theo dõi con hoạt động ở trường qua camera – Đào Ngọc Thạch
Câu chuyện lắp camera khiến tôi đau lòng vì những đứa trẻ đáng thương có lẽ đã một thời gian dài chịu cảnh sống trong sợ hãi với một cô giáo thích dùng đòn roi hơn lời giảng, tôi cũng thật sự đau khi thấy giáo dục ngày càng có những câu chuyện đáng buồn.
Người thầy, người làm nghề cao quý đang đứng trước nguy cơ bị theo dõi lén, bị giám sát một cách không công khai. Phụ huynh, bất đắc dĩ trở thành những người lắp camera và thu thập đủ bằng chứng cô giáo đang bạo hành con em họ. Từ tiền lệ này, sẽ còn bao nhiêu lớp học, bao nhiêu phụ huynh sẽ tiếp tục âm thầm lắp camera để theo dõi cô giáo nữa?
Chiếc camera được lắp lén trong lớp học, tôi luôn nghĩ nó như biểu hiện của sự mất niềm tin. Trường học, một nơi những tưởng là an toàn nhất, tin cậy nhất, thì lại trở thành nơi đáng ngờ nhất và người ta phải nghi kỵ nhau, âm thầm theo dõi cả chính người đang dạy dỗ con mình.
Xã hội hình như đang camera hóa, không chỉ lắp camera giám sát bán hàng, theo dõi an ninh trật tự trên đường, xử phạt nguội giao thông, nhà nhà người người lắp camera ở khắp ngôi nhà của mình, để đề phòng kẻ trộm.
Mới đây, mẹ tôi ở quê cũng lắp một cái camera ở phòng khách, dù lúc nào cũng có người ở nhà. “Nằm ở đâu thì mẹ mở điện thoại ra cũng nhìn được xem có ai đột nhập vào nhà mình không”, mẹ nói. “Nhưng nếu trộm đã vào trong nhà được rồi, thì mẹ làm gì?”, tôi hỏi, mẹ ậm ờ “thôi thì nó cũng có cảm giác yên tâm hơn”.
“Cảm giác yên tâm hơn”, đó là cái mà nhiều phụ huynh có thể có khi trong lớp học mầm non hay tiểu học hay các bậc học khác của con cái mình có lắp camera, nhưng gốc rễ của mọi vấn đề, không phải là hai từ “cảm giác”. Nếu chúng ta không thể giải quyết triệt để an ninh, trộm cướp, côn đồ, thì 1.000 hay vô vàn cái camera ở quanh nhà và trên đường cũng vô ích. Và giáo dục không đi từ gốc rễ là giáo dục con người, bằng tình yêu thương để chạm tới trái tim con người, thì lắp camera khắp nơi trong phòng học, hay sân trường, căn tin cũng chẳng thể nào bảo vệ con trẻ và giúp chúng trưởng thành, hạnh phúc!
Video đang HOT
Theo Thanh niên
Nhiều ý kiến trái chiều về lắp đặt camera học đường
Vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đánh nhiều học sinh trong lớp được ghi lại bằng camera gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.
Vấn đề lắp camera trong lớp học đã được đặt ra theo chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh từ năm 2017 sau vụ bạo hành trẻ xảy ra tại quận 12.
Tuy nhiên việc "cần thiết" này cho tới nay còn nhiều ý kiến khác nhau dẫn tới tình trạng nơi này lắp nơi kia không.
PV báo CAND đã thu thập được một số kiến về vấn đề trên.
Chủ trương đã có nhưng nơi có, nơi không?
Theo tìm hiểu của PV, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh được gắn camera ở cổng trường, hành lang dãy phòng. Vụ việc xảy ra tại lớp 2/11 khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi, liệu trước đây có thể từng xảy ra tình trạng giáo viên bạo hành học sinh mà nhà trường và phụ huynh không biết, hay nhà trường biết là không có biện pháp ngăn chặn để đến khi phụ huynh gắn camera trong lớp học mới phát hiện vụ việc?
Vụ việc bạo hành trẻ tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh không phải lần đầu việc gắn camera trong các trường, lớp học được nhắc đến, nhất là sau khi xảy ra các vụ bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ( năm 2017 tại quận 12), rồi vụ bé hơn 8 tháng tuổi bị chấn thương sọ não trong ngày đầu đi học ở cơ sở mầm non tư thục Hoa Tuổi Thơ (ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An)...
Sáng 9-7 vừa qua, chị Đặng Thị Cương đưa 2 con là bé Đặng Thị Thanh Nhàn (8 tháng) và bé Đặng Tuấn Anh (6 tuổi) đến học tại cơ sở mầm non Hoa Tuổi Thơ. Đến trưa giáo viên gọi điện báo đến đưa đón bé Nhàn, người mẹ phát hiện con bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu. Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh chẩn đoán bé Nhàn bị vỡ mạch máu não, nứt sọ, xuất huyết dưới màng cứng, phù não lan tỏa, có huyết khối xoang tĩnh mạch dọc bên... Kết quả giám định của Trung tâm pháp y Long An cho biết tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích của bé Nhàn là 84%. Cô giáo giữ trẻ nói bé tự té, khi yêu cầu trích xuất camera thì cơ sở này nói camera bị hỏng. Đến nay cha mẹ cháu bé thưa gửi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết và cơ sở này không nhận trách nhiệm.
Trước tình trạng mất an toàn cho học sinh như trên tại trường học, nhiều phụ huynh mong muốn nơi con mình học cần gắn camera để quan sát.
Camera ghi nhận lại hành vi phản giáo dục của cô giáo gây bức xúc dư luận xảy ra tại TH Phan Chu Trinh -Tân Phú.
Tuy nhiên, qua trao đổi với PV Báo CAND, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, tại cuộc họp với UBND Thành phố năm 2017 sau khi xảy ra vụ việc bạo hành trẻ Mầm Xanh, lãnh đạo UBND đã có ý kiến sẽ lắp đặt camera cho toàn bộ hệ thống trường Mầm non và Tiểu học, nhưng mới đang thực hiện được thí điểm lắp đặt camera tại một số trường Mầm non khu vực Q1 và Q.12. Việc lắp đặt camera trong lớp cho tới nay diễn ra khá dễ dàng tại các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn thành phố, còn hầu hết trường công lập từ Mầm non trở lên mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích.
Sắp tới Sở sẽ họp để nắm hiệu quả của việc lắp camera trong trường học ở 02 quận trên, rồi sẽ mở rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố. "Tuy nhiên, vấn đề vẫn là cái tâm của nhà giáo, thầy cô phải thương yêu coi học sinh như con cháu mình, phải có phương pháp giáo dục hiệu quả chứ không thể sử dụng bạo lực để dạy học sinh". Bà Thu nhấn mạnh.
Gắn camera trong lớp học còn gây nhiều ý kiến tranh cãi (Hình có tính chất minh hoạ).
Vị trí lắp đặt camera: Còn gây tranh cãi!
Qua tìm hiểu của PV, hầu hết phụ huynh mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng cần gắn camera trong lớp học. Camera giúp kịp thời biết được tình trạng học sinh đánh nhau, việc xâm hại học sinh; phụ huynh xúc phạm, gây thương tích cho giáo viên; hoặc nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm của giáo viên; truy xuất hình ảnh khi cần thiết... Tuy nhiên, hiện nay các trường học mới gắn camera ở cổng trường, hành lang, các góc khuất, mục đích để bảo vệ an toàn, phòng chống kẻ gian ở trường học, hầu như chưa gắn trong từng lớp, nhất là khối Tiểu học, THCS.
Nhiều GV cho rằng, không cần thiết, khi có camera sẽ tạo áp lực cho giáo viên khi dạy học, có cảm tưởng như lúc nào cũng có người đang theo dõi.
Thầy Nguyễn Hoài Chương, nguyên Phó GĐ sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: "Theo tôi, trong khuôn viên nhà trường chỗ lắp đặt camera thuộc vị trí công cộng cần phải giám sát, không liên quan bí mật riêng tư thì là lắp được. Camerra cũng là một phương tiện bình thường. Lắp đặt cũng khiến người giáo viên cẩn trọng hơn trong hành vi của mình hàng ngày. Việc lắp đặt camera không ảnh hưởng gì quyền cá nhân là bình thường. Không phân biệt cấp học là Mầm non, Tiểu học, hay THCS. Không có chuyện tạo áp lực cho cô khi giảng bài khi có camera. Mình không có hành vi nào phản sư phạm với học trò thì không có gì mà áp lực. Chỉ có điều khi đưa ra chủ trương đại trà thì kinh phí ngân sách có chịu được hay không mà thôi".
Tiến sĩ Dương Trần Bình- Hiệu trưởng Tiểu học Lê Đức Thọ - Gò Vấp cũng cho biết: "Trường tôi ngay từ năm 2015 sau khi ở một vài địa phương có xảy ra vụ bạo hành trẻ đã thực hiện lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khuôn viên nhà trường và các điểm công cộng trong nhà trường. Kể cả chỗ ngủ, phòng ăn của học sinh vì ở đây được thiết kế riêng biệt. Trừ 2 điểm là nhà vệ sinh và lớp học có cô chủ nhiệm. Vì đảm bảo riêng tư không gian của thầy cô khi giảng bài. Riêng phòng chức năng Tin học và tiếng Anh là lắp vì nơi này có nhiều tài sản học tập có giá trị".
Thầy này cho biết trường Tiểu học Lê Đức Thọ có tới 40 vị trí lắp camera (khoảng hơn 50 triệu đồng). Nguồn kinh phí từ một phần nguồn thu trong hoạt động của nhà trường và nguồn ngân sách. Kiên quyết không vận động hay kêu gọi gì PHHS, tuân thủ đúng theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT. Và cho rằng, nếu lắp camera ở lớp học có cô chủ nhiệm giảng bài thì phải có sự đồng thuận của giáo viên (GV) và có chủ trương thống nhất của cấp trên. Không thể tự ý làm sẽ gây sự thắc mắc giữa GV các trường. Thầy Bình cho biết: "Theo tôi biết tại quận Gò Vấp hiện nay hầu như lắp đặt camera ở hầu hết các trường Mầm non, tiểu học và THCS. Phòng ngủ một số trường cũng có lắp. Phòng ăn, Phòng chức năng đều lắp. Vấn đề là tư tưởng GV phải thông suốt. Mục đích cao nhất là phối hợp chặt chẽ với PHHS để quản lý, chăm sóc các trẻ, bảo vệ trẻ an toàn tại trường học".
Nhà giáo Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Tiểu học sở GD &ĐT TP Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến : "Tôi đã đi châu Á, châu Mỹ, châu Âu và thấy, họ không gắn camera trong lớp học mà chỉ gắn camera tại vị trí sân chơi, khuôn viên nhà trường, giám sát việc sinh hoạt, ngủ, nghỉ, ăn uống của HS để cùng PHHS quản lý theo dõi bảo vệ trẻ an toàn thôi. Lớp học theo tôi là không gian sáng tạo, giảng dạy của người thầy. Mỗi bài giảng thầy cô có cách giảng riêng để nội dung được đi vào lòng học trò. Không lắp camera cũng là để tôn trọng người thầy, để tôn trọng tính sư phạm của người thầy.
Khi một HS hư thì GV chủ nhiệm có trách nhiệm báo cáo lại Ban giám hiệu Nhà trường, để cùng nghiên cứu, điều chỉnh, cử chuyên gia tới dự giờ, giúp HS này được bình thường trở lại. Nếu một GV vi phạm đạo đức người thầy thì Ban Giám hiệu họp cùng tổ chuyên môn để cùng tìm cách giải quyết; vì mỗi thầy, cô đều có một cá tính. Hiệu trưởng phải nắm bắt được để điều chỉnh cá tính của người thầy vào đúng "quỹ đạo". Không ai lắp đặt camera vào phòng học theo dõi thầy cô mang tính vô cảm, nhất là Tiểu học và THCS".
Nhưng theo thầy Điệp, Khối Mầm non thì do còn quá nhỏ, Bảo mẫu, cô giáo phải chăm sóc cho ăn uống, lo chữa bệnh tật nên lắp camera là cần thiết . Cái chính là hãy giải thích cho các cô, camera chỉ là phương tiện hỗ trợ chăm sóc theo dõi các cháu tốt hơn ở lứa tuổi này. Phải thông suốt tư tưởng cho các cô. Lớp nào nhiều trẻ có vấn đề bệnh tật, ốm yếu thì lắp trước, rồi dần dần làm các lớp còn lại. Tận dụng nguồn ngân sách và nguồn thu của nhà trường để lắp vì khi đã có chủ trương thì mạnh dạn làm. Tất cả phải xuất phát vì quyền lợi tốt nhất cho học sinh, vì tình thương yêu với học trò".
H.Nga-N.Cảnh
Theo CAND
Thất vọng với nền giáo dục, cha mẹ Trung Quốc ráo riết cho con du học Mất niềm tin vào kỳ thi đại học khốc liệt quá mức cần thiết cùng nền giáo dục "khô khan", nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi bạo để con cái đi học nước ngoài. Đối với Iris Wang, phụ huynh người Thượng Hải, trường học phương Tây luôn là phương án tốt nhất. Bà Wang giải thích quan niệm trên xuất...