Camera nào giám sát lương tâm người thầy?
Camera thật lợi hại khi có thể ghi nhận tường tận hành vi sai trái của bất cứ ai, kể cả người thầy, người cô trên bục giảng, trong nhà trẻ…
Nhưng có camera nào giám sát lương tâm người thầy, cũng như những người khác trong các ngành nghề khác?
Ảnh: campussafetymagazine.com
Thêm một vụ cô giáo bị phát hiện đánh đập học sinh một cách phản giáo dục được công bố nhờ camera do phụ huynh bí mật gắn tại lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM). Nói “thêm” bởi vì trước đó đã có những vụ việc nghiêm trọng được phát hiện, không phải từ sự giám sát của nhà trường mà từ phụ huynh hoặc báo chí.
Trước đây, báo Tuổi Trẻ từng có bài điều tra bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ ở Thủ Đức (TP.HCM), và những người thực hiện hành vi dã man trong chăm sóc, giáo dục trẻ đã phải hầu tòa, nhận mức án thích đáng.
Cũng là những hành vi phi pháp, phản giáo dục được phát hiện qua camera, hoặc chuyên hoặc không chuyên, để rồi cuối cùng, để lại trong lòng người một khoảng trống mênh mông.
Ở đó có nỗi hoài nghi về lương tâm, trách nhiệm người thầy, về sự an toàn của con trẻ khi đến lớp, đến trường – nơi được xem là trau dồi đạo đức, lối sống, trao truyền những kiến thức nền tảng để một người được trưởng thành…
Vâng, camera thật lợi hại khi có thể ghi nhận tường tận hành vi sai trái của bất cứ ai, kể cả người thầy, người cô trên bục giảng, trong nhà trẻ…
Không ai phủ nhận sự hỗ trợ đắc lực từ công cụ này, nhưng khi người ta phải dùng đến camera trong nhiều nơi, nhiều chỗ, nhất là trong lớp học – nơi cần niềm tin và là nơi phát huy cao nhất giá trị về tình thương, giáo dưỡng tâm hồn con người – thì quả thật đáng lo, nếu không nói là đáng báo động, về việc niềm tin bị đánh cắp.
Những hành xử của những người lẽ ra là quy chuẩn đạo đức, là tấm gương cho người trẻ, cho xã hội đã ít nhiều bị biến chất, tha hóa, khiến không ai còn dám đặt niềm tin, buộc phải sử dụng camera để giám sát. Những chiếc camera vô tình lại tạo áp lực lên chính những người có tâm huyết và tình thương thật sự đối với công tác trồng người.
Tất nhiên, những người trong sạch sẽ nghĩ rằng mình làm đúng thì có 10 cái camera cũng đâu nghĩa lý gì, ngược lại đấy là những ống kính ghi lại những việc làm tốt của bản thân. Như vậy là quá tốt.
Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây chính là có camera nào giám sát lương tâm người thầy (cũng như bao con người khác trong các ngành nghề, lĩnh vực công tác khác)? Và câu trả lời, chính là những “lời thề” hoặc “lời hứa”, những ý niệm chọn nghề ban đầu, với tấm lòng tha thiết trong công việc cần được ghi nhớ và nuôi dưỡng trên suốt chặng đường làm nghề.
Đừng để mình biến chất vì bất cứ lý do gì. Đó chính là nguyên tắc và đó cũng là chiếc camera vô hình soi chiếu tâm hồn của người thầy, người công chức… trong khi thực thi công vụ.
Mình làm tốt việc này là vì mình (trước tiên), vì mình cũng là đối tượng cần nuôi dưỡng tâm hồn hơn bao giờ hết. Nếu tâm hồn người thầy bị vẩn đục bởi sân si hay bất cứ thứ gì liên quan tới tiền bạc, thì khó có thể trồng người một cách tốt lành, hạnh phúc. Một cái cây non hay một tâm hồn thơ trẻ được nuôi dưỡng bởi dưỡng chất có độc tố thì làm sao khỏe mạnh được?
Mong rằng, trường học hay bất cứ nơi nào cũng không cần phải lắp camera vẫn được an toàn, mỗi chỗ trong xã hội đều được thiện lành từ chính camera bên trong mỗi người, luôn giám sát và nhắc nhở họ làm việc một cách tử tế, tràn đầy tình thương và sự hiểu biết…
Theo tuoitre
Vụ học sinh Gateway tử vong: 'Giáo dục vô cảm thì nên đóng cửa trường'
"Nếu coi giáo dục là dịch vụ, dạy con người vô cảm, vô trách nhiệm thì nên đóng cửa trường", TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
"Liên tục trong các bản tin, thông báo của nhà trường đều rất quanh co, lập lờ về nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Tôi không thấy sự chân thành, hối lỗi nào ở phía nhà trường. Lương tâm của người thầy trước vụ việc như thế này là nên nhận lỗi và chịu trách nhiệm chứ không phải tìm cách giảm tội", TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nói về vụ việc bé Lê Hoàng Long tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway, Hà Nội, chiều 6/8.
Nhiều chuyên gia, phụ huynh đều cho rằng cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm vụ việc này để làm gương cho các hoạt động trong ngành giáo dục.
Quy trình có lỗ hổng
Bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho biết tất cả thông tin hiện tại đều cho thấy khâu đưa đón trẻ và nhiều khâu khác của trường đang có lỗ hổng, giáo viên, nhân viên không được tập huấn chuyên nghiệp.
"Có thể thấy rõ ràng nhân viên phụ trách đưa đón học sinh làm theo cảm tính dẫn đến bỏ quên trẻ trên xe. Nếu có khâu điểm danh, bàn giao trẻ cho cô giáo một cách chi tiết hoặc chí ít tài xế kiểm tra xe trước khi đóng cửa thì đã không có sự việc đau lòng", bà Quyên nói.
Việc đưa đón học sinh của trường Gateway bị cho là có lỗ hổng, giáo viên vô trách nhiệm. Ảnh: Duy Hiệu.
Chia sẻ quan điểm trên, TS Vũ Thu Hương cho rằng quy trình đón đưa trẻ đến trường thường qua nhiều khâu, nếu được thực hiện nghiêm túc và giáo viên không vô tâm thì đã không có sự việc đau lòng chiều 6/8.
"Người phụ trách đưa đón trẻ không làm hết trách nhiệm. Giáo viên trong lớp cũng không phát hiện trẻ vắng hoặc phát hiện nhưng không liên hệ phụ huynh để hỏi. Tài xế cũng không kiểm tra xe xem trẻ có quên đồ đạc hay không. Chỉ cần một trong những khâu này được thực hiện, chúng ta đã không phải chứng kiến vụ việc như hôm nay", bà Hương nói.
Làm giáo dục đừng vô tâm, vô trách nhiệm
TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng khi chỉ coi giáo dục là dịch vụ, nhiều trường chỉ quan tâm tâm lý phụ huynh - khách hàng - mà không chú trọng lợi ích, cảm giác của trẻ.
"Theo tôi quan sát, trường đang coi giáo dục là một dịch vụ, mà đã là dịch vụ thì họ quan tâm người trả tiền. Nếu chúng ta coi giáo dục đơn thuần chỉ là dịch vụ, sẽ có rất nhiều điều xảy ra. Chúng ta không quan tâm đến cảm giác của từng đứa trẻ mà chỉ quan tâm đến bố mẹ chúng - người trả tiền", bà Hương nêu quan điểm.
Nữ tiến sĩ tâm lý nêu quan điểm với giáo dục, đó là điều rất không ổn. Sự việc của trường Gateway đã cho thấy điều ấy. Học sinh vắng trên lớp cũng không ai biết và gọi điện báo với phụ huynh.
Chuyên gia giáo dục này cho rằng cách ứng xử của nhà trường cũng không cho thấy cái tâm của người làm giáo dục. Nhiều ý kiến trên mạng cũng hướng tới chủ đề này: Làm giáo dục mà thiếu cái tâm và vô trách nhiệm thì hậu quả khôn lường.
"Cứ tiếp tục kinh doanh giáo dục một cách vô tâm như vậy sẽ còn nhiều vấn đề khác xảy ra. Nếu coi giáo dục là dịch vụ, dạy con người vô cảm, vô trách nhiệm thì nên đóng cửa trường", bà Hương nhấn mạnh.
Bản thông báo ban đầu được cho là "vô cảm" của trường Gateway bị dư luận phản ứng, sau đó nhà trường đã chỉnh sửa lại. Ảnh: Chụp màn hình.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope (Mỹ), cố vấn khoa học của tổ chức Ruy Băng Tím, cũng cho rằng ban đầu, trường Gateway thiếu thành thật trong thông tin phản hồi về vụ việc. Sự chậm trễ đó gây bức xúc dư luận.
Với tư cách vừa là phụ huynh vừa là một giảng viên, cô Thanh (TP.HCM) cũng cho rằng khi giáo dục được đem ra kinh doanh nhưng thiếu cái tâm và trách nhiệm là điều tồi tệ. Sự việc này là hồi chuông cảnh báo cho tất cả trường học, nhất là các trường tư thục.
'Không thể chấp nhận việc bỏ quên học sinh trên xe của trường Gateway'. Sự việc nam sinh trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô khiến nhiều phụ huynh bức xúc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà trường.
Theo Zing
Vụ cô giáo đánh, kéo tai học trò: Cần nhìn nhận đa chiều PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng Khoa các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận đa chiều vụ cô giáo tiểu học tát, mắng, véo tai học sinh trong nhiều ngày và bị camera giấu kín ghi lại. Gần đây, dư luận bức xúc với việc cô giáo N.H.H (giáo viên chủ nhiệm lớp...