Camera lớp học: Hỗ trợ hay giám sát?
Gần đây, một phụ huynh tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bí mật gắn camera trong lớp học.
Clip thu được trong 4 ngày (từ 27 – 30/8) cho thấy cảnh cô giáo cô đánh, véo tai liên tục các học trò. Bên cạnh sự bất bình về hành vi của giáo viên, cũng có nhiều ý kiến tranh luận về việc “nên hay không nên lắp camera trong lớp học”.
Hoang mang về ứng xử trong lớp học
Hầu như đa số phụ huynh đều đồng tình với việc trang bị camera trong các lớp học, với lý do chính là để “ giám sát các hành vi bạo lực học đường”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoà (phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Do có quá nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh ngay trong lớp học, nên tôi nghĩ cần có sự giám sát”. Bên cạnh đó, chị Hoà cũng cho rằng việc lắp đặt camera giám sát cũng là phục vụ công tác quản lý của nhà trường, giúp các bên liên quan kịp thời xử lý các tình huống và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Cô giáo đánh nhiều học sinh tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Chụp từ clip.
“Tôi cho rằng, việc có camera sẽ giúp giáo viên và học sinh tự điều chỉnh, đồng thời cũng là một bằng chứng quan trọng khi cần thiết, để xử lý kịp thời, chính xác các vi phạm trong nhà trường hoặc để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Bên cạnh đó, phụ huynh sẽ yên tâm hơn vì có thể kiểm tra, giám sát việc học tập, sinh hoạt của con em mình” – chị Thanh Hoà cho biết.
“Đúng là việc lắp camera sẽ tốt hơn cho công tác điều hành, quản lý, chứ không chỉ để phụ huynh giám sát con em hay cách hành xử của giáo viên”, một phụ huynh khác đồng tình.
Tuy nhiên, việc lắp camera lớp học cũng không được sự đồng thuận của tất cả các phụ huynh. Cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải “giám sát”các hoạt động của cô và trò trong lớp học. “Đã gửi con đến trường thì cần tin tưởng, chẳng lẽ cha mẹ không đi làm mà cả 8 tiếng ngồi quan sát lớp học hay sao”, chị P.H.A (quận Ba Đình) cho biết.
Còn với ngành giáo dục, việc lắp camera lớp học cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Bà Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Dương, Hà Nội cho biết: Khi bắt đầu triển khai lắp camera lớp học, nhà trường vấp phải nhiều khó khăn bởi giáo viên phản đối. Nhưng việc lắp đặt camera lớp học vẫn được tiến hành, nhằm giúp nâng cao trách nhiệm của giáo viên, cũng như bảo vệ họ trong những tình huống bất ngờ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Công Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hoà, Hà Nội cho biết: Hiện tại, nhà trường triển khai việc lắp camera trong khu vực của trường, khu ngoại cảnh, hàng lang… Việc này có hiệu quả tốt là nhà trường bao quát được hoạt động chung, kịp thời giúp đỡ được học sinh khi có vụ việc xảy ra. Nhưng để triển khai lắp trong lớp học thì cần phải xem xét, lấy ý kiến nhiều chiều và còn phụ thuộc vào tính chất mỗi trường nữa.
Video đang HOT
“Phụ huynh cũng nên có niềm tin vào các thầy cô bởi họ đã quá áp lực rồi. Thực ra không yêu thương con trẻ thì giáo viên sẽ không đi dài được với nghề”, bà Nguyễn Công Thị Thu Huyền nhấn mạnh.
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: “Tôi phản đối hành vi xâm phạm trẻ của cô giáo nhưng tôi cũng muốn phân tích khía cạnh này. Cách đây gần 10 năm, xuất hiện phong cách giáo dục “không phạt”. Phụ huynh lên án cả chép phạt, phạt tập thể dục… hậu quả thì trẻ phải gánh chịu. Cùng với phong cách “soi và can thiệp nhà trường ở mọi chi tiết”, các phụ huynh đã làm hỏng môi trường giáo dục trẻ”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Tạo môi trường minh bạch
Tại Hà Nội, một số trường tiểu học học bắt đầu tính tới phương án lắp camera ở khuôn viên trường, thậm chí ở từng lớp học, nhưng triển khai còn khá dè dặt.
Trường Tiểu học An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những trường tiểu học ít ỏi trên địa bàn Hà Nội triển khai việc lắp camera lớp học. Cô Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo viên không muốn có cảm giác bị theo dõi. Nhưng ban lãnh đạo nhà trường đã phân tích cho giáo viên hiểu việc lắp camera lớp học có hiệu quả như thế nào. Ví dụ, chính giáo viên có thể tự vệ khi có sự viện diễn ra theo chiều hướng tiêu cực khiến học sinh hay phụ huynh hiểu lầm. Camera lớp học chính là căn cứ để thực hiện tốt các nhiệm vụ minh bạch trong môi trường học đường, giúp phụ huynh, học sinh hiểu giáo viên hơn, ban giám hiệu nắm được tình hình hơn”.
Cô Nguyễn Thanh Nhàn, giáo viên trường Tiểu học An Dương cho biết: “Khi mới bắt đầu triển khai việc lắp camera lớp học, giáo viên cảm thấy rất áp lực và e ngại. Nhưng sau đó thì áp lực này giảm đi. Đến nay, mọi việc vẫn diễn ra bình thường”. Được biết, trường Tiểu học An Dương lắp camera lớp học từ năm 2018. Sau 1 năm triển khai, trường đã thu được những hiệu quả rõ nét: Dù lực lượng ban giám hiệu mỏng nhưng việc quản lý vẫn thuận lợi. Giáo viên từ cảm giác không thoải mái đã thích nghi được.
Trước ý kiến về việc nếu triển khai việc lắp camera lớp học sẽ gặp phải sự can thiệp thái quá của phụ huynh, lãnh đạo trường Tiểu học An Dương cho rằng cần có giới hạn phù hợp. Điều này là thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tạo môi trường minh bạch, thân thiện, tiết học hiệu quả là điều mà nhà trường muốn hướng tới.
Phân tích về xu hướng này, TS Trần Thu Hương, Khoa tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội phân tích: Điều quan trọng là giảm thiểu, hạn chế hiện tượng tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục, ví dụ chất lượng giảng dạy, mối quan hệ thầy cô và các con, không gian an toàn trong nhà trường. Cũng cần giảm tối đa tình trạng bắt nạt ở học đường, trên cơ sở xây dựng tinh thần cộng đồng trong nhà trường với sự lành mạnh trong mối quan hệ học trò – giáo viên và mối quan hệ giữa các học trò với nhau của mỗi lớp học.
Trao đổi với PV Báo Tin tức, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay chưa có quy chuẩn về việc lắp đặt camera trong lớp học. Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến của các nhà trường, các chuyên gia giáo dục về việc có nên triển khai việc lắp đặt camera trong lớp học đồng bộ hay không. Đây là vấn đề cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng.
Theo Lê Vân/ Báo Tin tức
Chiếc camera đặt lén ở góc lớp
Sự việc cô giáo đánh, kéo tai, chửi học trò lớp 2 tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TPHCM) được phanh phui bằng một chiếc máy quay đặt lén ở góc tủ của lớp.
Từ đây cũng kéo theo những băn khoăn...
Trước hết, phải khẳng định, ai đặt chiếc camera này cũng không thay đổi bản chất hành vi đánh, kéo tai, phạt học trò của cô N.H.H. trong không gian lớp học mà cô là người chịu trách nhiệm. Ở đó, lớp học ngập tràn trong cảnh học sinh bị đánh, kéo tai, bị phạt...
Clip cô N.H.H đánh, kéo tai trẻ... được tung ra từ một máy quay đặt lén trong lớp học
Nếu không có chiếc máy quay đặt lén này thì việc cô giáo đánh học trò có thể là "bí mật" trong lớp học. Có chăng chỉ được thể hiện qua những lời kể yếu ớt, tâm lý hoảng sợ của học sinh và thêm sự hoang mang của những phụ huynh có quan tâm đến con.
Tuy nhiên, chiếc máy quay đặt ở góc lớp tại một trường học không có quy định gắn camera trong lớp là một vấn đề đề được nhắc đến trong sự việc này. Cô giáo N.H.H. đã hoàn toàn nhận hành vi của mình là sai, xin lỗi phụ huynh và xin nhận mọi kỷ luật.
Cô H. cho biết, trước khi clip được tung ra, có người đã gọi điện cảnh báo và cả đe dọa cô H., sau đó thì cô không dám đánh, mắng học sinh nữa. Cô vốn đang có "mâu thuẫn" với nhà trường khi đứng ra tố cáo những sai phạm của hiệu trưởng nên cô rất sợ bị kiện, bị "nắm thóp".
Thông tin phụ huynh vào trường đặt lén máy quay, góc độ là người trong cuộc, cô H. khẳng định, phụ huynh không thể vào lớp để đặt máy quay, lớp học này có hai khối lớp theo học, sáng một lớp, chiều một lớp. Nhất là góc quay ở trên cao, bắt buộc phải bắc ghế, bắc thang mới có thể lắp đặt được thiết bị. Việc gắn thiết bị trong nhiều ngày, sau đó còn phải gỡ ra để thay pin, lấy dữ liệu... theo cô H., không phụ huynh nào làm được nếu không được phép của nhà trường.
Phía Trường tiểu học Phan Chu Trinh khẳng định trường không có quy định gắn camera trong lớp học. Trước thông tin "phụ huynh vào lớp bí mật đặt máy quay", nói về quy định phụ huynh được vào lớp học trong trường hợp nào, bà Trần Thị Mai Hoa - Hiệu phó Trường tiểu học Phan Chu Trinh cho hay, nhà trường chỉ cho phụ huynh vào lớp ngày đầu tiên của năm học để đưa đón học sinh, sau đó, ngày thứ 2 đưa đón tại sân trường. Vào giờ học thì phụ huynh không được đến lớp, mọi trao đổi với giáo viên đều diễn ra ở phòng tiếp dân, phòng làm việc của ban giám hiệu.
Trước ý kiến về việc liệu có khả năng phụ huynh vào lớp gắn camera hay không, bà Hoa cho biết đó cũng là thắc mắc của nhà trường. Tuy nhiên, vị hiệu phó thông tin thêm, quy định phụ huynh không được vào lớp nhưng trong tuần đầu tiên của năm học, nhà trường có tổ chức cho các lớp trang trí lớp học, lúc này có huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh.
Trong thời gian này, có một số phụ huynh tài trợ ti vi, quạt, rèm cửa... nhà trường có tạo điều kiện để phụ huynh vào lớp. Thời gian cho phụ huynh lắp đặt là từ ngày 20/8 cho đến hết tháng 8.
Hiện nay, nhà trường tạm thời đình chỉ công tác giảng dạy của cô H. và sự việc được thanh tra quận tiếp nhận, xử lý.
Không liên quan đến sự việc này nhưng ở một diễn biến khác, cô H. là người tố cáo về một số sai phạm, hành vi của hiệu trưởng nhà trường, bà Đ.T.S. Mới đây, vào ngày 22/8/2019, UBND quận Tân Phú đã ra Văn bản số 188/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết tố cáo của giáo viên N.H.H. đối với một số hành vi không đúng quy định của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Theo đó, kết quả xác minh cho thấy, hiệu trưởng đơn vị đã kê khai chứng từ bảng kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng các môn tin học, mỹ thuật không đúng tình hình thực tế. Qua kiểm tra, cho thấy đơn vị đã khắc phục sai phạm và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch hơn 259 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với sai phạm này đối với tập thể Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và cá nhân Hiệu trưởng chưa được xử lý.
Nói một cách tách bạch, việc cô H. có những hành vi đánh, kéo tai, phạt trẻ trong nhiều ngày liền của đầu năm học và việc cô là người đứng ra tố cáo sai phạm là hai sự việc độc lập. Điều này không thay đổi hành vi cô đánh, kéo tai, xử phạt trẻ một cách phản giáo dục trong lớp học.
Hiện nay, việc có nên gắn camera công khai ở lớp học hay không vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong nhiều năm qua giữa hai trường phái. Nhưng chuyện chiếc camera được đặt lén sẽ là một lời cảnh báo, cảnh tỉnh.
Trong một hội thảo gần đây về Đạo đức nhà giáo tổ chức ở TPHCM, PGS.TS Trần Thị Phương Mai (ĐH Sư phạm Hà Nội) khi đề cập đến một số clip bạo hành, đánh đập trẻ trong lớp học, bà đặt câu hỏi: Ai có thể vào quay các anh chị? Nếu không phải là đồng nghiệp, là người bên cạnh chúng ta?
TS Phương Mai nói đến điều này không phải nhắc giáo viên đối phó, đương đầu, mất niềm tin mà muốn nhấn mạnh, mỗi người thầy phải luôn nhắc bản thân không ngừng tự rèn luyện, phải chuẩn mực, biết kiềm chế, tỉnh táo, cẩn trọng trong hành vi đạo đức lẫn lời ăn tiếng nói.
Còn khi bản thân mình có hành vi phản giáo dục, mình vi phạm đạo đức làm người, đạo đức nhà giáo thì không điều gì có thể biện minh. Mình không thể ngăn cấm, kiểm soát được người khác nhưng hoàn toàn có thể thay đổi, kiểm soát, điều chỉnh hành vi, lời nói của chính mình.
Thiết nghĩ lời nhắc nhở này không chỉ dành riêng cho nghề giáo, cho người thầy mà cho tất cả mỗi chúng ta...
Hoài Nam
Theo Dân trí
Lắp camera trong lớp học: Giải pháp để minh bạch hóa thông tin Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp camera trong lớp học ban đầu có thể khiến giáo viên lo lắng, nhưng đó là giải pháp để minh bạch hóa thông tin, giúp giáo viên thực hiện hoạt động dạy và học tốt hơn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) Việc phụ huynh lắp camera trong lớp học và từ đó phát hiện cô giáo đánh nhiều...