Cấm tuyệt đối đặt thêm hồ sơ sổ sách cho giáo viên
Bộ GD-ĐT vừa ra chỉ thị cấm các sở, phòng và các trường không được quy định thêm những loại hồ sơ, sổ sách ngoài giáo án, sổ chuyên môn…
Ảnh minh họa
Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các trường mầm non, trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của giáo viên.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc sở GD&ĐT, Trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành.
Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Video đang HOT
Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT- BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí quản trị tổ chức, hành chính nhà trường theo Điều 5 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Hiện nay, các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định mà giáo viên cần làm gồm có:
Mầm non: Sổ kế hoạch giáo dục trẻ em; Sổ theo dõi trẻ như điểm danh, theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; Sổ chuyên môn như dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn; Sổ theo dõi đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đối với giáo viên mầm non.
Đối với giáo viên tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên: Giáo án (bài soạn hoặc sổ tay lên lớp) các môn học và hoạt động giáo dục; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ; Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp); Sổ công tác Đội (đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội).
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT quản lý sổ sách đào tạo nghề
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, sử dụng các hồ sơ, sổ sách điện tử; tin học hóa, tích hợp các hồ sơ, sổ sách trong các phần mềm quản lý đào tạo của trường.
Ảnh minh họa
Nội dung trên được nêu rõ tại Thông tư 23/2018/TT-BLĐTBXH quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Theo Thông tư, hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhằm mục tiêu thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, góp phần bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo. Hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải bảo đảm tính khoa học, thực tiễn; thuận tiện trong tổ chức, quản lý và sử dụng.
Các loại hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng bao gồm: Hồ sơ, sổ sách dành cho các trường gồm có: Chương trình đào tạo, Kế hoạch đào tạo, Tiến độ đào tạo, Thời khóa biểu, Sổ lên lớp, Sổ quản lý học sinh, sinh viên, Sổ theo dõi đào tạo tại doanh nghiệp và Sổ cấp bằng tốt nghiệp; hồ sơ, sổ sách dành cho giáo viên, giảng viên gồm có: Kế hoạch giảng dạy, Giáo án và Sổ tay giáo viên.
Thông tư nêu rõ, Hiệu trưởng các trường căn cứ vào các loại hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng quy định cụ thể biểu mẫu cho từng loại hồ sơ, sổ sách, bảo đảm tính khoa học, dễ quản lý, sử dụng, thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với việc tổ chức dạy học theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ, hiệu trưởng các trường được quyền tự chủ quy định hồ sơ, sổ sách đào tạo trên cơ sở các hồ sơ, sổ sách quy định, bảo đảm việc quản lý, đào tạo đạt chất lượng, hiệu quả.
Hồ sơ, sổ sách dành cho nhà trường do đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ xây dựng, trình hiệu trưởng phê duyệt vào đầu năm học hoặc đầu các học kỳ. Hồ sơ, sổ sách dành cho giáo viên, giảng viên do giáo viên, giảng viên trực tiếp được phân công giảng dạy xây dựng và được lãnh đạo đơn vị khoa hoặc phòng phê duyệt trước khi thực hiện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, sử dụng các hồ sơ, sổ sách điện tử; tin học hóa, tích hợp các hồ sơ, sổ sách trong các phần mềm quản lý đào tạo của trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử phải bảo đảm các yêu cầu sau: Đáp ứng được mục tiêu trong đào tạo và quản lý đào tạo, nhất là quản lý kết quả đào tạo, cấp bằng trung cấp, cao đẳng; đáp ứng được các nội dung theo quy định về hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu được quy định; đảm bảo tính pháp lý, thuận tiện, dễ sử dụng, có thể trích xuất nội dung thành văn bản giấy theo yêu cầu; đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin, sao lưu dữ liệu.
Hiệu trưởng các trường quy định việc quản lý, sử dụng các hồ sơ, sổ sách điện tử trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng bảo đảm thống nhất theo quy định của Thông tư và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực từ 21/1/2018.
Tuệ Văn
Theo baochinhphu
Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai Đọc bài "Kiếm đâu cho đủ minh chứng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên?" của tác giả Loát Trần, bản thân là giáo viên, tôi thấy đó cũng chính là nỗi lòng của giáo viên nói chung mỗi khi năm học kết thúc. Ảnh minh họa Đến hẹn lại lên, để chuẩn bị cho đợt nghỉ hè, giáo viên phải hoàn...