Cảm phục cô học trò khiếm thính đa tài
Ở trường chuyên biệt Tương Lai, nhắc đến cô học trò Dương Thị Thúy Nga, các thầy cô đều không giấu được niềm vui, sự tự hào về cô học trò ngoan hiền, học giỏi, đa tài của mình.
Dù là một học sinh khiếm thính nhưng em đã biết vượt qua hoàn cảnh để trở thành một tấm gương sáng cho nhiều em khuyết tật noi theo.
Vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để đến được với kiến thức như những người bình thường khác, Dương Thị Thúy Nga (15 tuổi) đã chứng minh cho nhiều người biết rằng, người khiếm thính vẫn có thể làm được những điều mà người thường vẫn làm được bằng nghị lực và lòng đam mê của mình.
Cô học trò Dương Thị Thúy Nga luôn tỏ ra thích thú với những tiết học Văn trên lớp.
Từ khi lọt lòng mẹ, Thúy Nga đã kém may mắn so với những người khác, em bị khiếm thính bẩm sinh. Thời điểm đó, ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai quê em không hề có trường học dành cho người khuyết tật. Thấy bạn bè tíu tít đến trường, em nằng nặc đòi ba mẹ đi học. Cảm động trước tinh thần hiếu học của cô con gái, ba em đã gửi em ra Đà Nẵng ở nhờ nhà người thân và làm hồ sơ để em được nhập học. Cô Trương Thị Ngọc Hà chính là người đầu tiên giúp em đến với con chữ ở bậc tiểu học trường chuyên biệt Tương Lai.
“Vừa mới nhập học, Nga hòa đồng rất nhanh vào môi trường mới. Các em học sinh ở đây đều chung hoàn cảnh nên rất dễ hòa đồng và chia sẻ mọi chuyện cùng nhau. Nga tư chất rất thông minh. Em học chữ và làm toán rất nhanh. Nhiều lúc em khiến tôi phải ngạc nhiên về khả năng của em”, cô Ngọc Hà chia sẻ.
Cũng theo cô Hà, học sinh khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn khi làm phép tính chia vì khả năng tư duy của các em còn hạn chế. Nhưng nếu người giáo viên biết sử dụng kí hiệu, chỉ dạy kỹ càng chậm rãi cho các em học thì các em vẫn có thể tiếp thu được kiến thức. Lên học ở bậc THCS, Thúy Nga học đều tất cả các môn nhưng môn mà em yêu thích nhất vẫn là môn Văn.
Kể về niềm đam mê của mình, Nga ra hiệu: “Môn Văn giống như một người bạn thân thiết của em vậy. Mỗi khi gặp chuyện vui hay chuyện buồn em đều viết những tâm sự của mình ra giấy. Đó là cách để em cảm thấy thoải mái và thêm yêu cuộc sống hơn”. Còn cô Nguyễn Thị Nghĩa, giáo viên dạy văn của Nga thì cho biết: “Năm lớp 6 thành tích môn Văn của Nga luôn xếp loại giỏi ở cả hai kỳ. Trong kỳ thi giữa kỳ lớp 7 vừa rồi, môn Văn của em cũng đạt điểm tuyệt đối, 10 điểm”.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Nghĩa – giáo viên dạy Văn đang chỉ bài cho cô học trò “cưng” Thúy Nga.
Không chỉ giỏi, cô học trò khiếm thính Dương Thị Thúy Nga còn rất đa tài trong nhiều lĩnh vực. Năm 2011, Nga đã xuất sắc giành 2 huy chương vàng ở môn cờ vua và bóng bàn trong giải thể thao giành cho người khuyết tật toàn quốc. Mới đây, Nga cùng các bạn Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia tiết mục múa trong chương trình văn nghệ mang tên “Từ trái tim đến trái tim” tổ chức tại công viên 29 – 3. Nhìn những điệu múa uyển chuyển trong tiết mục “Một thoáng quê hương”, ít ai biết được rằng đây là tiết mục công phu của những học sinh khiếm thính.
Dù khiếm thính nhưng Thúy Nga luôn lạc quan trong cuộc sống.
Khi hỏi về ước mơ sau này của mình, Nga cười dịu dàng ra hiệu: “Em muốn học thật giỏi để sau này trở thành cô giáo dạy các em cùng chung hoàn cảnh của mình. Suốt thời gian học ở mái trường này, em xem các cô ở đây như những người mẹ hiền truyền đạt cho em bao điều bổ ích, lắng nghe mọi chuyện của em. Sau này, em cũng muốn được đứng trên bục giảng để chỉ dạy cho các em”.
Theo Tiin
Tâm sự của cô giáo dạy học trò khuyết tật
Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng lắm gian truân. Dạy học sinh bình thường đã khó, thì việc dạy học sinh khuyết tật lại càng khó hơn. Ngoài yêu nghề đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khổ..." - cô Lê Thị Ngọc Lan, Trường Hy Vọng Quy Nhơn chia sẻ.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, có dịp đến thăm Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, được chứng kiến hình ảnh học sinh (HS) ở đây học bài, trò chruyện với các bạn, với thầy cô giáo, chúng tôi đã hiểu thêm phần nào nỗi khổ nhọc của cái nghiệp "trồng người".
Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn thành lập mới được 3 năm với hơn 20 cán bộ giáo viên và gần 100 HS khuyết tật. HS ở đây chủ yếu bị khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ... Để dạy học trò ở đây không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được bởi ngoài tình yêu thương cao cả còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại và chịu khổ thì mới có thể gắn bó với nghề lâu được.
Ở ngôi trường này, cô trò chỉ giao tiếp bằng cử chỉ, hành động...
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học trường ĐH Quy Nhơn, cô Lê Thị Ngọc Lan đã có 11 năm kinh nghiệm dạy các em khuyết tật, chia sẻ: "Các em ở đây bị nhiều loại bệnh nhưng khi vào trường thì được chia thành 2 lớp là HS khiếm thính và HS khó khăn về học. Đối với HS khiếm thính, khả năng nghe, nói bị hạn chế nhưng các em tiếp thu bài nhanh. Còn với các em khó khăn về học, chậm phát triển trí tuệ (thường là bệnh Down) đã chậm tiếp thu và cũng nhanh quên nên việc dạy các em thường mất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, tính cách của các em nhiều khi không được ổn định hay ức chế nên có nhiều em cải lại cô giáo. Những lúc như vậy mình lại phải nhẹ nhàng để giảng giải cho các em hiểu..."
Học sinh Trường Hy Vọng Quy Nhơn.
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, cô Lan nói thêm: "Khi còn là sinh viên năm 3, tôi tình cờ chứng kiến buổi chào không phải là hát mà chào cờ bằng tay của các em. Từ đó, trong đầu mình bắt đầu có suy nghĩ mình phải làm điều gì đó giúp các em nên khi ra trường, tôi xin về đây dạy. Tuy nhiên, khi học đại học, mình chưa được học chuyên môn nên khi xin về đây dạy mình phải tự túc bỏ tiền túi vào Sài Gòn học 8 tháng, rồi lại về dạy gần nửa năm không có lương...".
Đã 11 năm gắn bó với việc dạy các học sinh khuyết tật, bao lớp học trò ra trường, có em có việc làm ổn định, có em đã có chồng con, nhiều lúc cô Lan thấy thực sự mệt mỏi nhưng mỗi khi nghĩ về học trò mình, cô lại quyết tâm gắn bó với nghề. "Dạy các em rất vất vả, có những lúc mình bất lực rất mệt mỏi nhưng khi nghĩ về các em mình lại càng cố gắng. Nhất là bao thế hệ HS ra trường đã có chồng con nhưng vào ngày này vẫn nhớ gọi điện, mua hoa tặng đã làm động lực cho mình thêm yêu nghề và nguyện gắn bó với các em" nước mắt rưng rưng" - cô Lan chia sẻ.
Chiếc gương để các em nhìn miệng cô giáo để nói cho những học sinh nói khó.
Còn cô Phương Ái Vân, cũng tốt nghiệp ngành Sư phạm, chia sẻ: "Mới về tiếp xúc với các em tôi chẳng hiểu gì hết, mọi giao tiếp cô trò chỉ bằng ký kiệu. Để dạy được tôi phải vào TPHCM học lớp nghiệp vụ 8 tháng. Tuy nhiên, khi về dạy mình cũng còn khó khăn nhưng bây giờ đã hiểu và gắn bó với các em, mình rất hạnh phúc khi được dạy các em".
Niềm vui khi các học sinh trao tặng cô những bông hoa tươi thắm vào ngày 20/11.
Từ không hiểu gì về ngôn ngữ cử chỉ của các em nhưng với lòng yêu thương trẻ đã giúp cô Ái Vân thêm gắn bó, gần gũi với các em hơn 10 năm qua. Không chỉ vậy, thấy HS khiếm thính khó khăn trong việc tập đọc tiếng Việt, cô Ái Vân đã nghiên cứu thiết kế ra bảng phụ dành cho môn tập đọc. Thiết kế của cô đạt giải Nhất của trường và được Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định tặng giấy khen chiến sĩ thi đua.
Những tấm giấy khen là thêm động lực giúp cô Ái Vân thêm gắn bó với học sinh nơi đây.
Thầy Trần Gia Chính - hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Đây là công việc "đặc biệt' đòi hỏi các thầy cô phải chịu khổ, tính kiên nhẫn cao, có cái tâm sáng của người thầy. Với tinh thần vì các em HS thân yêu, cán bộ, giao viên nhà trường luôn luôn tìm những phương pháp giảng dạy mới để các em thích thú với mỗi môn học".
Doãn Công
Theo dân trí
Mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng về đạo đức Chiều 14/11, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2012. GS Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước đã đến tham dự và đã có những lời chia sẻ với ngành giáo dục. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã...