Cẩm nang tuyển sinh 2013: Bạn đồng hành của thí sinh
Trong cuộc hành trình tìm kiếm, thực hiện giấc mơ học tập, thay đổi cuộc đời; thí sinh sẽ không bao giờ đơn độc vì bên cạnh các bạn luôn có gia đình, người thân yêu, bạn bè.
Cẩm nang tuyển sinh 2013 của Báo Thanh Niên sẽ là một trong những bạn đường tin cậy của thí sinh trong hành trình đó.
Nuôi dưỡng ước mơ, thay đổi cuộc đời
Ở lứa tuổi 17 ai cũng có rất nhiều ước mơ. Đây chính là động lực để chúng ta phấn đấu, là hương vị giúp cuộc đời có ý nghĩa hơn. Ước mơ sẽ được nuôi dưỡng, phát triển nếu có một môi trường tốt, một nơi để ươm mầm.
Những người thực hiện cuốn cẩm nang này đều trải qua những tháng ngày tuổi trẻ với nhiều ước mơ đẹp. Và chúng tôi cũng có khoảng thời gian bối rối, lúng túng để tìm nơi vun đắp, thực hiện những hoài bão của mình. Hiểu được những băn khoăn đó của thí sinh nên khi thực hiện cẩm nang, chúng tôi mong muốn mình là người bạn đường dẫn dắt, hướng dẫn thí sinh vào mọi ngóc ngách của thông tin. Từ đó giúp thí sinh chọn lọc có định hướng, quyết định những con đường để thực hiện được ước mơ.
Học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân đón nhận Cẩm nang tuyển sinh 2013 của Báo Thanh Niên – Ảnh: Lê Thanh
Nhiều người tin rằng muốn thay đổi cuộc đời phải bắt đầu từ việc học. Điều này càng đúng với những ai không có sự trợ giúp gì ngoài năng lực thật sự của mình, những thí sinh xuất thân từ vùng nông thôn. Có muôn ngả đường của sự học, có vô vàn lối vào đời lập thân, lập nghiệp; vấn đề là chúng ta sẽ xác định đâu là hướng đi phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Cuốn cẩm nang phần nào cung cấp cho thí sinh những cơ sở để ra quyết định phù hợp.
Ai nắm chắc thông tin, người đó có nhiều cơ hội
Trong một thế giới bùng nổ thông tin thì người chiến thắng sẽ là người tiếp cận sớm và biết xử lý thông tin hợp lý, khôn ngoan.
Các thí sinh sẽ có những gì từ cuốn Cẩm nang tuyển sinh 2013 do Báo Thanh Niên phát hành?
Điều đầu tiên thí sinh cần đọc là các thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh năm 2013. Một kỳ thi vẫn theo phương thức “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) nhưng có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật như: thay đổi chỉ tiêu ngành kinh tế ở các trường, cách thức tuyển sinh mới vào 10 trường khối ngành văn hóa nghệ thuật, thi liên thông chung với kỳ thi tuyển sinh chính quy, các ngành học mới, rút ngắn thời gian xét tuyển…
Video đang HOT
Thí sinh sẽ tìm thấy những số liệu cần thiết như chỉ tiêu tuyển sinh vào từng ngành của các trường năm 2013, tỷ lệ chọi theo ngành, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 theo nhóm ngành, điểm trúng tuyển và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các trường năm 2012… được sắp xếp một cách hệ thống và tập hợp đầy đủ trong cẩm nang này. Có lẽ đây là phần mà nhóm biên soạn đã đầu tư thời gian nhiều nhất với sự dày công tỉ mỉ nhằm đem lại cho người đọc cái nhìn trọn vẹn, tra cứu dễ dàng nhất về thông tin tuyển sinh của các trường.
Vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT không còn ban hành cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thông qua bài viết của các chuyên gia ở từng môn học, thí sinh sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích về cách thức ôn tập và làm bài thi hiệu quả. Đó sẽ là những hướng dẫn chi tiết về cách học thuộc dễ nhớ, cách làm bài tốt các môn tự nhiên, xã hội, chú ý với đề thi CĐ, nhận định về xu hướng ra đề thi mở ở một số môn xã hội, cách làm bài để đạt điểm cao như các thủ khoa… Song song đó, những chuyên gia trong lĩnh vực y tế và dinh dưỡng sẽ chia sẻ bí quyết giảm áp lực và tăng cường sức khỏe trong mùa ôn thi.
Đây là lần đầu tiên Báo Thanh Niên đưa vào cẩm nang bộ công cụ trắc nghiệm tự khám phá sở thích nghề nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề. Trải qua các bước này, thí sinh sẽ có thêm một điểm tựa vững chắc để quyết định chọn ngành thi nào cho phù hợp với bản thân mình.
Vào ĐH không phải con đường duy nhất để đi đến thành công. Do vậy, bên cạnh thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, cẩm nang sẽ mở ra nhiều hướng đi khác để học sinh chọn lựa như: học nghề, TCCN…
Ngoài ra, cẩm nang còn là sổ tay cần thiết cho sinh viên trong năm đầu nhập học với những thông tin cần thiết như: học kỹ năng, vay vốn, tìm nhà trọ, mua sắm, quản lý tài chính, tìm việc làm, tìm nơi trau dồi ngoại ngữ, hệ thống thư viện, nơi vui chơi giải trí sau giờ học… Và điều quan trọng không kém là những hoạt động thiện nguyện giúp sinh viên sống có ích với cuộc đời, xã hội…
Ý kiến
Rất ấn tượng!
Trong rất nhiều cẩm nang tuyển sinh khác nhau mà em được sở hữu năm ngoái, ấn tượng nhất có lẽ là ấn phẩm do Báo Thanh Niên phát hành. Bởi lẽ chỉ ở đây em mới tìm thấy bảng tổng hợp điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 các trường theo từng nhóm ngành. Điểm chuẩn này nếu tìm trên trang web các trường cũng có, nhưng rất mất thời gian. Thay vào đó, với bảng thống kê này, em có thể dễ dàng tìm kiếm điểm chuẩn các ngành khối y dược mà em dự định thi vào. Ngoài ra, bài viết về dinh dưỡng mùa thi cũng cho em nhiều lời khuyên hữu ích về cách ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp trong suốt quá trình ôn tập và thi cử. Em nghĩ đây là cuốn sách thực sự cần thiết với thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Huỳnh Võ Hoàng Sơn
Sinh viên ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Điểm tựa vững chắc
Mọi thí sinh trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi đều phân vân trong việc lựa chọn ngành nghề. Ngành đó bản thân mình phải thích, nhưng thích thôi chưa đủ mà còn phải phù hợp với lực học của bản thân, với khả năng đáp ứng công việc khi ra trường, rồi còn phải nghĩ đến công việc đó xin dễ hay khó… Và khó hơn hết có lẽ là làm sao để biết mình thích ngành đó và mình hợp với ngành đó thực sự. Em đã tìm được câu trả lời này nhờ vào những bài viết định hướng ngành nghề trong cuốn cẩm nang này. Em từng mong muốn được trở thành bác sĩ, nhưng với nỗi sợ bệnh viện thì việc em chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ sinh học có lẽ phù hợp hơn. Em tin là có rất nhiều học sinh khác cũng tìm thấy trong cuốn cẩm nang này một điểm tựa vững chắc như em.
Đỗ Hoàng Thu Trang
Sinh viên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Thùy Ngân – Hà Ánh
Theo Thanh niên
Nhiều thắc mắc về liên thông
Sáng 27.1, hơn 1.000 học sinh tập trung tại hội trường Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Phước để nghe các chuyên gia chương trình Tư vấn mùa thicủa Báo Thanh Niênphối hợp với Bộ GD-ĐT giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ 2013.
Thi ĐH hay học CĐ rồi liên thông?
Ngay khi chương trình bắt đầu, Nguyễn Thị Hằng, học sinh (HS) lớp 12A5 Trường THPT Hùng Vương, đã băn khoăn về sự thay đổi trong quy định về liên thông năm nay. Hằng hỏi: "Em muốn thi vào một trường CĐ nhưng 3 năm sau mới thi liên thông được, vậy theo thầy cô em có nên thi CĐ hay cố gắng thi ĐH? Nếu em tốt nghiệp CĐ loại khá thì có được thi liên thông ĐH ngay không?". Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp: "Năm nay Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới hướng dẫn việc tổ chức liên thông các bậc học. Theo đó, thí sinh sau khi tốt nghiệp CĐ căn cứ ngày cấp bằng, dưới 36 tháng muốn liên thông lên bậc cao hơn phải tham gia chung với kỳ thi ĐH-CĐ chính quy. Nếu tốt nghiệp hơn 36 tháng, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi 3 môn tại trường. Trước đây tốt nghiệp loại khá được thi liên thông ngay, bây giờ không quy định như vậy nữa. Do đó, tùy điều kiện, tùy năng lực học tập mà các em cân nhắc nên thi ĐH hay thi, học CĐ rồi khi có điều kiện phù hợp thì thi lên bậc học cao hơn".
Học sinh tỉnh Bình Phước đặt nhiều câu hỏi về quy chế thi liên thông tại chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung, hỏi nếu đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học thì có được tuyển thẳng hay không. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết: "Trong hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 mới đây, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có một số thay đối về xét tuyển thẳng. Theo đó, những em tham gia tập huấn trong đội tuyển Olympic quốc tế được đăng ký nguyện vọng xét tuyển thẳng theo môn mà các em dự thi. Bên cạnh đó, những em đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật quốc tế đã tốt nghiệp THPT cũng nằm trong diện này".
Quan tâm việc làm khối ngành kỹ thuật
Bên cạnh rất nhiều câu hỏi về khối ngành kinh tế, không ít HS đã đặt những câu hỏi liên quan đến các ngành kỹ thuật, nông, lâm nghiệp, giao thông vận tải...
Lê Văn Hùng, HS lớp 12A4 Trường THPT Hùng Vương, thổ lộ: "Em muốn về tỉnh làm ngành cao su thì em nên học ngành nào? Hóa học hay chế biến cao su?". Thạc sĩ Vũ Thu Hương - Phó giám đốc ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 2), đưa ra lời khuyên: "Bình Phước cũng là nơi có thể làm giàu từ cây cao su. Em thể học ngành lâm nghiệp hay nông nghiệp đều được. Hoặc ngành chế biến gỗ, ngành trồng trọt cũng có thể làm về cây cao su". Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin thêm HS có thể học các ngành thuộc khoa nông học, trong đó có chuyên ngành cây cao su hoặc ngành công nghệ hóa học cũng đáp ứng phần chuyên sâu về cây cao su.
HS Nguyễn Văn Dũng, Trường THPT chuyên Quang Trung, lại muốn thi vào ngành công nghệ điện tử nhưng không biết mức độ khó, dễ của ngành này và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Ngọc Diện - Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, giải đáp: "Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này với nội dung đào tạo có khoảng 60-70% là giống nhau. Đây là một trong nhiều ngành kỹ thuật có cơ hội việc làm lớn vì các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng với mức lương cao".
Phạm Đức Hùng, HS Trường THPT Hùng Vương, đặt một câu hỏi thú vị: "Em rất yêu môi trường và muốn học ngành quản lý môi trường, nhưng bạn gái em lại muốn em làm giám đốc, vậy xin các thầy cho hỏi học các ngành này ở đâu, cơ hội trúng tuyển và cơ hội việc làm ra sao?". Tiến sĩ Huỳnh Chức - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM, tư vấn: "Ngành quản lý môi trường hiện được đào tạo ở nhiều trường như ĐH Bách khoa TP.HCM (điểm chuẩn khoảng 17-18), ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM (15 điểm), ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM (tương đương điểm sàn)... Dù các em tốt nghiệp trường nào thì cơ hội việc làm cũng đều rộng mở đối với những cử nhân có năng lực, có chuyên môn và kỹ năng". Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn thêm ngành nghề nào cũng có thể làm giám đốc nếu như bản thân có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình muốn tham gia và kiến thức thuộc các lĩnh vực liên quan.
Chương trình cảm ơn Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, VNPT Bình Phước đã phối hợp tổ chức thành công chương trình. Cảm ơn Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang đã hỗ trợ xe đưa đón đoàn tư vấn, các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2 và ĐH Hồng Bàng đã trao tặng 15 suất học bổng, trị giá 15 triệu đồng cho HS tỉnh Bình Phước.
Mang thông tin đến học sinh vùng biên giới
Kết thúc buổi tư vấn trực tiếp tại thị xã Đồng Xoài, chiều cùng ngày, đoàn tư vấn mùa thi tiếp tục hành trình đến với HS Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu và Đắk Ơ thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Năm nay, Trường Võ Thị Sáu có lứa HS lớp 12 đầu tiên nên các em rất háo trước thông tin từ đoàn tư vấn. Thùy Duyên, HS lớp 12A1 cho biết: "Từ trước tới giờ, em không biết gì về thông tin tuyển sinh. Chính vì vậy, em đã tranh thủ đến sớm để hỏi những điều mà em chưa biết". HS của trường này tập trung đặt câu hỏi về quy chế tuyển sinh, những điểm mới, cách chọn ngành, trường hiệu quả và dễ đậu.
Học sinh Trường Đắk Ơ chăm chú nghe hướng dẫn thực hiện phiếu trắc nghiệm ngành nghề mà Báo Thanh Niên tặng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đáng chú ý, trong buổi tư vấn lớp tại Trường Đắk Ơ thuộc xã Đắk (một trong hai xã vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập), hơn 300 HS đã chăm chú lắng nghe các chuyên gia tư vấn từ đầu cho đến cuối buổi. Trường giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, phần đông là HS người dân tộc Tày và Stiêng, có khoảng 70% thuộc gia đình khó khăn. Bế Thị Ngọc Duyên - người dân tộc Tày, cho biết: "Nhà có 3 chị em, em là con út, anh chị chưa có ai vào ĐH, nên em rất quan tâm đến thông tin tư vấn, để hy vọng chọn đúng ngành nghề, vào ĐH". Điểu Le - người dân tộc Stiêng, nói: "Em là con trai lớn trong gia đình 5 anh em. Gia đình em đều làm nông. Em chưa bao giờ được tiếp xúc với thông tin tuyển sinh nên em tranh thủ, vượt 20 km để đến với buổi tư vấn này". Theo ông Lê Văn Thắng - Phó bí thư Đoàn Trường Đắk Ơ, từ khi trường thành lập (năm 2005) tới nay mới có Báo Thanh Niên đến tư vấn.
Đến giờ ra về, các HS xếp cẩn thận từng tài liệu mà các trường ĐH-CĐ, Báo Thanh Niên cung cấp.
Minh Luân - Mỹ Quyên
Theo Thanh niên
Tư vấn mùa thi đến với học trò vùng biên Sáng 27.1, Đoàn tư vân mùa thicủa Báo Thanh Niêntiêp tục hành trình đến Bình Phước (tỉnh thứ 2 tại khu vực miên Đông Nam bô). Buôi sáng, chương trình Tư vấn mùa thi 2013 đã lên sóng trực tiêp trên Đài truyên hình tỉnh Bình Phước với sự theo dõi của hàng vạn học sinh trong toàn tỉnh. Chiêu cùng ngày, từ...