Cam Kim An có gì đặc biệt, mà giá những 45.000 đ/kg vẫn cháy hàng?
Đến xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội) những ngày này đâu đâu cũng thấy sắc đỏ rực rỡ của cây cam Canh. Cam Canh Kim An vỏ mỏng, mọng nước và có vị ngọt, thơm đặc trưng. Thương hiệu cam Canh Kim An từ lâu đã được khẳng định trên thị trường Thủ đô cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.
Những tỷ phú cam Canh
Mới đầu vụ cam Canh, nhưng từ trên tuyến đê dẫn xuống xã Kim An, không khí mua bán cam Canh diễn ra tấp nập. Anh Nguyễn Duy Quang (thôn Tràng Cát), vui mừng cho biết, năm nay cam Canh được mùa, cây nào cũng sai trĩu quả. Với 1 mẫu trồng cam Canh VietGAP, gia đình anh ước tính sẽ thu hoạch được 30 tấn cam. Hiện với giá bán 45.000 đồng/kg, gia đình anh Quang sẽ có tiền tỷ trong tay.
Từ trồng cây cam Canh, nhiều nông dân xã Kim An có thu nhập cao. Ảnh: T.L
Năm 2014, sản phẩm cam Canh Kim An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An”. Năm 2016, xã Kim An được ngành nông nghiệp công nhận 18,8ha cam sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến cuối năm 2017, này xã có thêm 22ha cam nữa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP nên cam của gia đình tôi luôn được khách hàng tin dùng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây cam Canh Kim An không chỉ tăng năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều. Năm nay cam được mùa, được giá nên gia đình tôi rất phấn khởi. So với việc trồng lúa và lá dong, cam Canh có giá trị cao hơn gấp 7-8 lần” – anh Quang bộc bạch.
Theo anh Quang, trong quá trình chăm sóc cây, gia đình anh và các hộ trồng cam VietGAP đã áp dụng bón phân hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây… Đặc biệt, nguyên tắc thu hoạch cam sau 2 tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật được anh thực hiện nghiêm túc để cam luôn đảm bảo an toàn.
Ông Lê Xuân Long là một trong những hộ tiên phong trồng cam Canh ở thôn Ngọc Liên. Vừa làm vừa thử nghiệm, giờ ông Long đã dày dặn kinh nghiệm. “Được trời phú cho chất đất phù sa màu mỡ, cây cam Canh rất hợp đất Kim An. Cam Canh Kim An vỏ mỏng, mọng nước và có vị ngọt, thơm đặc trưng, rất được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Vào thời điểm này, hầu hết các vườn cam tại Kim An đã được thương lái đặt mua” – ông Long cho hay.
Theo ông Long và anh Quang, cam Canh là loại cây “khó tính”, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.
Về kỹ thuật chăm sóc cam Canh, ông Long cho biết có thể kể cả ngày cũng không hết chuyện từ đảo rễ, nhấc cây lên đặt lại đến chăm bón bằng đậu tương, ngô nghiền ngâm kỹ cả năm pha loãng ra để tưới. Bởi thế quả cam đẹp, vỏ mỏng mảnh, múi cam ngọt lừ. Bình quân mỗi năm gia đình, ông Long thu lãi 600 – 700 triệu đồng từ việc trồng cam.
Xây dựng thương hiệu cam sạch
Video đang HOT
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết: Từ năm 2001, cây cam Canh đã được nông dân Kim An đưa về trồng tại địa phương. Những năm gần đây, được hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam cho hiệu quả kinh tế cao và là cây trồng chủ lực của nông dân xã Kim An.
“Hiện xã có 206,73ha diện tích sản xuất, trong đó cây ăn quả chiếm 130ha. Chủ lực là cây cam với diện tích trên 110ha tập trung trồng ở 2 thôn Tràng Cát và Ngọc Liên. Vụ cam năm 2017 này có khoảng 60 – 70ha cam Canh cho thu hoạch” – ông Cường thông tin.
Ông Cường không khỏi tự hào, bởi cây cam chính là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con xã viên. “So với các cây trồng khác, cam là cây mang lại hiệu quả cao nhất cho nông dân với thu nhập trung bình đạt từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt hơn 2 tỷ đồng/ha” – ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam nên từ nhiều năm nay, nông dân Kim An luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu. Đặc biệt từ năm 2012, thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao TP.Hà Nội” của UBND thành phố, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã hỗ trợ xã Kim An xây dựng mô hình thâm canh và sản xuất cam Canh theo hướng VietGAP.
“Trong 2 năm triển khai dự án thâm canh cây cam đường tại Kim An, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, người trồng cam ở Kim An đã thực hiện thành thục quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây cam canh Kim An không chỉ tăng năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều” – ông Cường cho biết.
Bí thư Đảng ủy xã Kim An Trần Văn Thuấn cho biết, thời điểm này, xã tập trung quảng bá cam đường Kim An trên các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Xã cũng mong muốn được thành phố, Sở NNPTNT tiếp tục quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ thâm canh trên cây cam trong những năm tiếp theo.
Theo Danviet
Lên núi đãi..."vàng ròng"
Từ cây cam, cây bưởi đến đám cỏ mọc hoang trong trang trại của anh Đỗ Quang Minh (thôn Kim Bắc 4, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đều không ngừng "đẻ" ra tiền. Những cố gắng, nỗ lực của anh đã biến khu đất rộng lớn thành trang trại xanh mướt.
Từ trung tâm xã Tú Sơn ngược dốc mà lên sẽ tới trang trại đầy cây trái đang nằm lọt thỏm giữa bốn bề mây núi của anh Minh. Trải khắp trang trại là những hàng cây dài tít tắp. Cây nào cũng sai trĩu quả.
Bưởi Diễn, cam Canh là cây mũi nhọn
Với cách làm sáng tạo, anh Minh đã và đang gặt hái được nhiều thành công. Ảnh: X.T
Không giống những đại gia trồng cam ở Cao Phong "một mắt ngủ, một mắt phải để ý đến vườn cam", anh Minh làm vườn khá ung dung. Hàng ngày anh đi khắp nơi buôn nông sản, trong khi công việc ở trang trại vẫn hoạt động bình thường. Lý do anh đưa ra rất đơn giản, là anh chọn trồng 1.000 gốc bưởi Diễn đã già, hầu như anh không phải chăm sóc nhiều; được sống trên vùng đất màu mỡ, cây nào cây nấy khỏe khoắn, tươi tốt.
Giữa trưa hè nắng gắt, anh Minh ngồi trên chiếc võng đung đưa, khuôn mặt bình thản, an nhàn như đang đi tận hưởng một kỳ nghỉ dưỡng. Nhìn anh lúc này không ai nghĩ anh đang là ông chủ của cả vạn cây trái các loại. "Mấy hôm nay tôi trốn nắng ở đây suốt. Ở đây mát lành, ngắm cây cối, mình lại khỏe ra, nên chẳng muốn đi đâu" - anh Minh chia sẻ.
Quả như lời anh Minh nói, từng hàng cây là những cỗ máy điều hòa tự nhiên làm cho không khí nơi đây thật trong lành. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Minh tự hào khoe: Nhờ làm đúng kỹ thuật, phun thuốc theo "3 đúng": Đúng thuốc, đúng lúc và đúng liều lượng, nên cây cối trong vườn phát triển rất tốt.
Hiện tại anh Minh đã ghép được 400 cây cam Canh và gần 1.000 cây bưởi Diễn. Năm nay cây nào cũng sai trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu. Nhìn những chùm cam Canh như được xếp quả, anh Minh không giấu được nỗi vui mừng: "Cây cam Canh rất hợp với đất này. Từ khi trồng cam Canh, chưa năm nào tôi bị mất mùa. Năm ngoái, vườn cam này cho thu 17 tấn quả, dự tính năm nay được trên 20 tấn quả, trừ hết các chi phí, mỗi năm tôi thu nhập vài trăm triệu đồng". Năm nay thời tiết diễn biến thất thường khiến nhiều vườn cam Canh ở Cao Phong rụng mất 60% số quả, thậm chí có vườn không còn quả nào. Riêng vườn cam của anh Minh, cây nào cũng nhiều quả.
Ngoài ghép cây cam trên gốc bưởi, anh còn ghép cây bưởi đỏ Tân Lạc trên cây bưởi Diễn. Đến nay, cây bưởi đỏ đã được 2 năm cho quả sai. Chất lượng ngon, ngọt, nhiều thương lái tìm đến mua. Anh cho biết: Trong thời gian tới, tôi sẽ ghép hết vườn bưởi Diễn thành bưởi đỏ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nói về khu đất đẹp tựa khu nghỉ dưỡng mà anh đang sở hữu, anh Minh bảo: "Tôi mua lại khu đất này đã sẵn nong, sẵn né rồi. Mình chỉ cộng thêm quyết tâm là có tiền tỷ".
Ngoài vườn bưởi Diễn, anh Minh còn "chuyển đổi" thành công 400 cây cam Canh. Đang là mùa mưa, nhưng không cây cam Canh nào của anh Minh dính bệnh. Dẫn tôi đi thăm vườn, anh Minh thủng thẳng kể, một lần khi đi thu mua ngô anh biết có người do nợ nần muốn bán vườn 8ha bưởi Diễn ở xóm Kim Bắc 4, xã Tú Sơn. Thấy hợp lý, anh quyết định mua lại. Sau khi mua vườn, anh cũng cất công đi tìm hiểu nhiều nơi và các vườn gần khu vực sinh sống, thấy cây cam và cây bưởi đỏ thích hợp với đất của mình. Nhiều người cũng khuyên nên ghép cam canh trên gốc bưởi cũ sẽ mang lại hiệu quả cao, tốt nhất là nên ghép vào tháng 8, tháng 9 và anh Minh làm theo.
Sáng tạo để tăng giá trị
Cây bưởi đỏ sai trĩu quả mà anh Minh đã ghép từ thân bưởi Diễn. Ảnh: X.T
So với những ông chủ khởi nghiệp từ trang trại khác, anh Minh lại là người khá suôn sẻ trên con đường lập nghiệp. Sinh ra và lớn lên tại đất Hải Dương. Sau nhiều năm lang bạt kỳ hồ, anh chọn xứ Mường là nơi dừng chân lập nghiệp. Từ chỗ buôn thúng bán mẹt, dần dần vợ chồng anh đã gây dựng được cơ nghiệp lớn. Anh xây dựng đại lý ngô to nhất nhì ở xã Tú Sơn. Hàng ngày anh vẫn đánh xe tải đi thu mua ngô ở khắp nơi. Việc buôn bán hanh thông là vậy, nhưng ước muốn như ăn vào máu anh là muốn có đất trồng cây lại trỗi dậy. Như duyên trời định, anh đã mua được khu đất tươi tốt này.
Trong quá trình làm nông nghiệp, anh cũng không ngừng sáng tạo ra cách làm mới. Do người chủ cũ trồng quá nhiều bưởi, anh đã cải tạo bằng cách cắt cành bưởi đi để ghép cam Canh. Sau mỗi lần ghép thất bại, anh lại kỳ công làm lại. Giờ thì vườn cam canh ghép bưởi của anh đã cho thu hoạch lớn. "Ngày đầu tôi làm vậy, nhiều người cho rằng khó thành công. Tuy nhiên, sau 3 năm, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, mình đã làm đúng".
Cam Canh ghép trên gốc bưởi, cây luôn khỏe hơn, ít bị sâu bệnh và tất nhiên năng suất cũng cao hơn nhiều. Điều đặc biệt hơn là từ khi ghép cây theo cách này, vườn cam Canh chưa bao giờ mất mùa.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi vườn cam Canh, anh Minh cũng đã thử nghiệm ghép bưởi đỏ - một giống bưởi quý của xứ Mường. Cách làm của anh đã làm thay đổi diện mạo của cả trang trại. Từng cây bưởi đỏ sai như nho đã bắt đầu cho thu hoạch, có cây cho thu 300 quả/vụ.
Bà đỡ cho người nghèo
Bất cứ một thứ cây gì mọc trong vườn của anh Minh cũng "đẻ" ra tiền. Đám cỏ mọc xung quanh gốc cây cũng được anh tận dụng làm thức ăn cho đàn bò. Có lúc trang trại của anh có 30 con bò sinh sản. "Nuôi bò mình có nguồn phân hữu cơ bón cho cây. Mỗi năm nó cũng mang lại cho mình một khoản không nhỏ" - anh Minh chia sẻ.
Trang trại rộng ngút tầm mắt của anh Minh. Ảnh: X.T
Sau nhiều năm nuôi bò và cũng là người chuyên đi thu mua nông sản cho bà con ở các xã vùng cao của huyện Kim Bôi, anh Minh cảm nhận được nỗi vất vả của người nông dân. Nơi này, đất đai rộng bát ngát, nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, ngô, cỏ... bà con bỏ phí rất nhiều. Bà con cũng muốn chăn nuôi, nhưng lại thiếu vốn, nên anh Minh đã nảy ra ý tưởng đầu tư mua bò cho bà con nuôi "rẽ".
Năm 2015, anh Minh đã bỏ ra gần 200 triệu đồng mua 10 con bò cái cho các hộ nuôi. Để cải tạo đàn bò, anh Minh cất công xuống Trung tâm gia súc lớn (Ba Vì, Hà Nội) mua con bò đực giống tốt, nặng trên 5 tạ. Chú bò đực này có "trách nhiệm" thụ tinh cho đàn bò cái của bà con.
Lợi nhuận thu được từ nuôi bò, anh sẽ chia đôi với bà con. Khi các hộ không muốn nuôi nữa thì đàn bò cũng được chia đôi. Anh chia sẻ: Với hình thức này, các hộ không phải lo về vốn, chỉ mất công chăm sóc nên rất yên tâm chăm sóc bò.
Cách làm của anh Minh đã giúp nhiều người nghèo ở xóm Kim Bắc 4 có cơ hội vươn lên. Anh Minh chia sẻ, người nhận nuôi bò trước hết phải là hộ nghèo và những hộ này phải có nhu cầu thoát nghèo thật sự. Người nhận nuôi cũng phải có trách nhiệm báo cho chủ khi phát hiện bò bị ốm và chịu trách nhiệm đền bù nếu để bò chết hoặc mất trộm. Sau hơn 3 năm triển khai "ngân hàng bò" cho người nghèo, đến giờ đàn bò của anh Minh đã được hơn 40 con.
Theo Danviet
Những tuyến đường nào của Hà Nội sắp bị hạn chế giao thông? Công an TP. Hà Nội vừa thông báo kế hoạch phân luồng giao thông phục vụ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM II) tổ chức từ ngày 9 - 22/5 trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, từ 6 giờ - 9 giờ, từ 11 giờ - 14 giờ 30 và từ 16 giờ - 19 giờ...