Cấm học sinh sinh viên nói xấu nhà trường, thực hiện được không?
Câu chuyện đuổi học học sinh ‘ nói xấu’ thầy cô trên Facebook của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) và quy tắc ứng xử cấm sinh viên thực hiện hành vi này của Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Sinh viên năm nhất tham gia ngày hội tân sinh viên năm 2018 tại ĐH Quốc gia TP.HCM – ẢNH: LÊ THANH
Hạn chế khả năng phản biện của sinh viên?
Nhiều ý kiến cho rằng điều này góp phần làm hạn chế khả năng phản biện của người học vốn đang rất cần khuyến khích ở nước ta…
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên (SV) Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng SV có quyền được bày tỏ quan điểm, bởi qua đó nhà trường và thầy cô có cơ hội hiểu rõ hơn về mình. Nếu nói đúng, nhà trường ghi nhận và sửa sai. Nếu phản ánh chưa chính xác có thể nhắc nhở, cung cấp thêm thông tin để SV hiểu.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo – Công tác SV Trường ĐH Việt Đức, nói: “Hiện tượng này thực tế không xảy ra nhiều mà chỉ cá biệt một vài trường hợp. Nếu dùng đến từ “cấm” có vẻ quá nặng nề, rất nhạy cảm, lại khiến xã hội nhìn nhận hiện tượng này là phổ biến”.
“SV cần được khuyến khích tư duy phản biện, điều này không chỉ tốt trong học tập, nghiên cứu mà còn rèn luyện cho các bạn tính tự chủ và sáng tạo. Tất nhiên phản biện cần dựa trên tinh thần xây dựng”, tiến sĩ Huy chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nói: “Kỹ năng phản biện của người học cần được đặc biệt khuyến khích. Đây là một trong 4 kỹ năng cần thiết, tuy nhiên do không được dạy một cách đàng hoàng nên người học đôi khi bị nhầm lẫn giữa phản biện với phản đối”.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, khẳng định trường không cấm quyền tự do phát ngôn của SV mà bộ quy tắc chỉ có tính chất định hướng văn hóa ứng xử của người học.
Ông Đạo cho rằng trường vẫn khuyến khích SV phản biện. Cụ thể trường đã tạo nhiều kênh để SV được nói lên ý kiến của mình như: hộp thư góp ý, một năm tổ chức 2 lần đối thoại trực tiếp SV…
Tuyên truyền, giáo dục thay vì cấm
Video đang HOT
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì cấm đoán và xử lý thì nên hướng dẫn, tuyên truyền và giáo dục SV sẽ hiệu quả hơn.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm: “Xã hội ngày càng phát triển theo hướng mở, việc cấm đoán học sinh không được bày tỏ chính kiến về thầy cô, về nhà trường đến nay không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Các em có quyền thể hiện quan điểm của mình, có quyền nói đến những mặt chưa tốt của thầy cô hay nhà trường. Vấn đề là phải giáo dục các em sử dụng quyền đó như thế nào cho đúng để không vi phạm pháp luật. Tự do ngôn luận nhưng không được xâm phạm, bôi nhọ người khác, không dùng ngôn từ kích động, lăng mạ, vu khống. Nếu các em nói đúng thì không gọi là “nói xấu”. Giảng viên cũng cần phải có đủ sự trưởng thành, cởi mở để lắng nghe, tiếp thu những góp ý đúng của người học”.
Tiến sĩ Đỗ Hùng Chiến, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng mạng xã hội là tự do, không nên cấm và cũng không cấm được. Giảng viên nếu bị “nói xấu”, thì trước tiên cần tìm hiểu những lời nói đó có đúng không, và đúng đến đâu để sửa. Còn về phía SV, cũng nên phản biện về thầy cô một cách tôn trọng dù là ở trên mạng xã hội, điều đó thể hiện tư cách và sự trưởng thành của mình.
Tạo cơ hội cho học sinh sửa sai
Học sinh (HS) đang ở lứa tuổi vị thành niên nên cần có những động thái nhằm tạo cơ hội cho các em nhận thức và sửa sai. Hình thức xử lý cần có tính chất răn đe và để những HS khác ý thức điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp trong môi trường học đường.
Thạc sĩ VŨ THỊ BÍCH THÚY (Tổ trưởng Giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Cần môi trường giáo dục dân chủ
Môi trường giáo dục phải thực sự dân chủ, nhà trường cần tạo nhiều kênh đối thoại với HS. Khuyến khích, động viên để HS mạnh dạn thể hiện chính kiến, quan điểm và suy nghĩ một cách tích cực nhất. Việc này cũng giúp nhà trường và giáo viên có điều kiện nhìn nhận lại quá trình giảng dạy của mình.
Thạc sĩ PHẠM PHƯƠNG BÌNH (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM)
Tạo diễn đàn
Nhà trường nên lập trang web và diễn đàn cho HS và phụ huynh góp ý kiến và bày tỏ thái độ… Ở mục diễn đàn có cả phần công khai và không công khai để thu thập ý kiến. Đây là cách ứng xử văn minh trong môi trường truyền thông số.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững (Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông Học viện Báo chí
và Tuyên truyền)
Bích Thanh – Tuệ Nguyễn (ghi)
Theo thanhnien
Đại học ở TP HCM cấm sinh viên 'nói xấu' thầy cô trên Facebook
Quy tắc mới của Đại học Tài chính - Marketing khiến sinh viên băn khoăn vì không rõ ràng, nhiều người có thể mắc lỗi và bị xử lý.
Đại học Tài chính - Marketing (TP HCM) vừa ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường. Trong đó quy định, sinh viên "ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường" phải kính trọng, lễ phép, đúng mực. Thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự "tôn sư - trọng đạo".
Trường nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Điều 6 trong quy tắc ứng xử của người học với nhà trường của Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: phongcongtacsinhvien.ufm.edu.vn
Quy tắc này gây ra những tranh luận trái chiều trong sinh viên. Ngọc (khoa Du lịch) đặt trường hợp: ai đó không hài lòng với việc học ở trường hoặc thái độ giảng viên rồi lên Facebook bày tỏ, liệu có bị quy vào việc "nói xấu giảng viên, nhà trường".
"Tôi cho rằng, trừ trường hợp vu khống, bịa đặt hoặc phán xét nhà trường, giảng viên một cách vô văn hóa, dung tục thì đáng bị xử lý. Còn lại, việc góp ý hoặc phê bình một cách có cơ sở, lịch sự thì không có gì đáng chê", nữ sinh bày tỏ.
Nhiều sinh viên khác cho biết, việc đánh giá điểm rèn luyện ở Đại học Tài chính - Marketing khá chặt nên lo ngại quy định trên sẽ khiến nhiều người bị quy vào phạm lỗi và bị xếp loại yếu kém. Bởi mục đích bộ quy tắc này có ghi là cơ sở để giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy chế nhà trường.
"Liệu trường có đủ sức kiểm soát hết thông tin trên mạng và loại trừ khả năng tạo tài khoản giả để chơi xấu nhau giữa các sinh viên?", Trung (khoa Tài chính - Ngân hàng) băn khoăn.
Ở luồng ý kiến khác, nhiều người lại ủng hộ quy tắc của trường bởi tình trạng phát ngôn bừa bãi, bêu xấu người khác trên Facebook và các mạng xã hội đang rất phổ biến. "Nói xấu, vu khống người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, bị phạt hành chính thậm chí nếu hậu quả nghiêm trọng là xử lý hình sự. Trường quy định như vậy là cần thiết, hạn chế sinh viên của mình vi phạm rồi bị xử lý theo pháp luật", một nữ sinh khoa Du lịch nói.
Sinh viên Đại học Tài chính - Marketing trong giờ tan học. Ảnh: Mạnh Tùng.
Quy tắc mang tính định hướng cho sinh viên
TS Lê Trung Đạo (Hiệu phó Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định, quy tắc ứng xử vừa ban hành, bao gồm cả việc nghiêm cấm sử dụng mạng xã hội đăng tin và bình luận theo hướng tiêu cực về trường và giảng viên, là mang tính định hướng, động viên người học có ứng xử đúng đắn.
Mục đích của quy tắc là xây dựng văn hóa của trường, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng kỷ cương, nề nếp. Quy tắc còn định hướng các mối quan hệ theo tính nhân văn, nâng cao khả năng thích nghi xã hội và xây dựng môi trường học tập lành mạnh.
"Trường muốn sinh viên chín chắn trong phát ngôn, tìm hiểu rõ ngọn ngành của mỗi sự việc khi đưa lên mạng xã hội bởi thời đại hiện nay một thông tin xấu, không đúng sự thật sẽ lan truyền rất nhanh và gây hậu quả lớn", ông Đạo chia sẻ.
Trường không ủng hộ việc nói xấu giảng viên trên mạng xã hội bởi muốn góp ý, sinh viên còn nhiều kênh khác như hòm thư trường học, các tổ chức đoàn thể, các hội nghị giữa trường và sinh viên.
Cũng theo ông Đạo, nếu một sinh viên góp ý những mặt chưa được của trường hoặc cán bộ, giảng viên trên mạng với thái độ tích cực, lịch sự thì trường sẽ ghi nhận. "Thực tế chúng tôi thường xuyên theo dõi các diễn đàn sinh viên, đoàn thể của trường, nắm bắt tâm tư, phản ánh và những bức xúc của người học để có những điều chỉnh phù hợp", Phó hiệu trưởng chia sẻ.
Đại học Tài chính - Marketing trụ sở tại quận 7, TP HCM hiện có hơn 19.000 người học. Năm ngoái, Thủ tướng có quyết định sáp nhập trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan vào đại học này.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Thu hồi quyết định đuổi học bảy học sinh vì xúc phạm thầy cô trên Facebook Lãnh đạo Sở Giáo dục Thanh Hóa cho rằng vi phạm của nhóm học sinh chưa đến mức phải đuổi học một năm. Ngày 1/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định đuổi học bảy học sinh lớp 10A5, thông báo cho các em ngày...