Cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, nhưng sao cấm được phụ huynh cho con học thêm?
Để học thêm dạy thêm tràn lan, khoan hãy đổ trách nhiệm do giáo viên ép buộc. Vì, thầy cô không tổ chức dạy thêm thì phụ huynh vẫn tìm người khác dạy cho con mình
Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh mới yêu cầu Trưởng các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn.
Quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm mỗi nơi mỗi khác (Ảnh minh họa: Báo Lao động).
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.
Có cấm được dạy thêm, học thêm bậc tiểu học?
Nếu hỏi “có cấm không dạy thêm, học thêm được ở bậc tiểu học?” thì câu trả lời của chúng tôi là: Nếu quyết tâm làm nghiêm, làm triệt để sẽ cấm được giáo viên các trường công lập không dạy thêm vì họ sợ bị kỷ luật.
Nhưng nếu hỏi “Có cấm học sinh không đi học thêm ở bậc tiểu học?” thì chúng tôi dám khẳng định chắc chắn rằng sẽ không bao giờ cấm được. Vì, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không ít học sinh và phụ huynh hiện nay.
Giáo viên công lập sẽ không được dạy thêm nhưng giáo viên tư thục, giáo viên về hưu, sinh viên sư phạm sẽ vẫn có quyền đi dạy thêm. Và như thế, học sinh tiểu học vẫn phải đi học thêm.
Càng chứng tỏ không phải việc học thêm ở bậc tiểu học hiện nay là hoàn toàn do giáo viên ép buộc mà các em cần phải học, nhất định phải học do nhiều lý do sau:
Thứ nhất , vì căn bệnh chạy theo thành tích điểm số đã ăn sâu bén rễ trong giáo dục quá lâu, khi học sinh gần như không có quyền được lưu ban nên chất lượng học tập thật sự khá thấp, không tương xứng với các điểm số, học bạ và số liệu báo cáo của các trường.
Trong lớp, với sĩ số lớp học ít nhất hơn 50 học sinh, lớp đông còn lên tới 60 hoặc hơn nữa thì giáo viên dù cố gắng đến mấy cũng không thể kèm riêng cho những học sinh này. Vì thế, buộc học sinh phải đi học thêm.
Video đang HOT
Thứ hai , vẫn còn không ít phụ huynh sính thành tích, điểm cao, đặt kỳ vọng vào con quá nhiều nên mong muốn con đi học thêm sẽ học tốt hơn, có nhiều thành tích hơn.
Thứ ba, chương trình học và kiểm tra, thi thường quá vênh nhau, kiểu học một đằng nhưng thi một nẻo.
Học sinh tiểu học mà yêu cầu ra đề kiểm tra theo ma trận, mức này mức kia, kiến thức kiểm tra lại không phải kiến thức trong sách giáo khoa…không cho con đi học thì sợ không làm bài tốt mà cho đi học lại mệt. Đây cũng là lý do để việc học thêm nở rộ.
Thứ tư , phụ huynh muốn con được vào học trường điểm, trường chuyên, lớp chuyên lớp chọn, lớp học tăng cường, nếu học sinh không đi học thêm, luyện thi bên ngoài sẽ không đủ trình độ để dự thi vì điểm chuẩn vào các trường này quá cao.
Ví dụ, đỗ vào lớp 6 của Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2020 có điểm chuẩn là 57,6 điểm.
Trước đó, năm 2019 điểm chuẩn là 48 điểm, năm 2018 điểm chuẩn là 65,25 điểm, năm 2017 là 58 điểm.
Nhiều bài toán trong đề thi được xem là “hại não”. Nhiều đề thi tiếng Anh vào các lớp nâng cao, tăng cường được xem là rất khó.
Điều kiện dự tuyển vào những trường này rất khắt khe như học sinh có điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 của môn Tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên.
Học sinh làm bài khảo sát bằng Tiếng Anh với thang điểm 100. Trong khi, tỷ lệ học sinh tham dự quá đông, số lượng tuyển vào quá ít thì làm sao học sinh không phải tham gia ôn luyện đêm ngày?
Thứ năm , chương trình mới được đánh giá rất nặng nên phụ huynh phải cho con đi học thêm ngay từ khi còn học mẫu giáo.
Có phụ huynh nói rằng, tôi không muốn cho con đi học thêm nhưng vẫn phải cố vì nếu chỉ học ở trường con tôi sao có thể thi được? Đề thi thì ra trên trời mà học chỉ là là mặt đất.
Thứ sáu , một số phụ huynh do điều kiện gia đình không thể đưa đón con nên có nhu cầu gửi giáo viên cả ngày (thầy cô trở thành bảo mẫu, đón trẻ về từ trường nuôi ăn và dạy học), hình thức này phổ biến nhiều nhất tại các thành phố.
Chị Lan, phụ huynh có con học tại phường Long Bình, tỉnh Đồng Nai nói rằng: “Một số phụ huynh như mình phải đi làm cả ngày, nhà rất xa nhiều khi công việc bận rộn không thể thường xuyên chạy về nên phải nhờ cô giáo.
Với lại phải nói sách giáo khoa bây giờ kiến thức nặng quá. Mình ngày xưa học tốt mà về nhà kèm con thấy sách cũng phải choáng. Cho nên nói một cách công bằng, dạy thêm có tốt có không tốt, tùy theo từng hoàn cảnh phụ huynh, miễn là không ép học sinh”.
Hiện bậc tiểu học đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Trong thực tế, buổi chiều chỉ ôn tập lại kiến thức các em đã học ở buổi chính khóa.
Học sinh vẫn học theo lớp đúng sĩ số, đúng giáo viên nên thầy cô muốn nâng cao cho học sinh giỏi hay hạ chuẩn cho học sinh yếu cũng rất khó dạy. Hiện, giáo viên vẫn dạy phân hóa nhưng chất lượng không cao.
Nếu so với lớp học bên ngoài chỉ khoảng 10 đến 15 em/nhóm học thêm theo trình độ thì giáo viên dạy nâng cao hoặc dạy dưới chuẩn, dạy kiến thức căn bản sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Vậy giải pháp nào để tình trạng dạy thêm không trở thành vấn nạn?
Thứ nhất , phải tổ chức được buổi 2 tại trường dạy theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Ví như nhóm học nâng cao, nhóm chỉ phổ cập kiến thức. Mỗi nhóm học không quá 20 em/lớp.
Thứ hai , phụ huynh và học sinh được chọn giáo viên. Bởi, không phải thầy cô giáo nào cũng có khả năng dạy nâng cao đặc biệt là môn Toán.
Thứ ba , xóa trường chuyên, xóa lớp chọn, lớp nâng cao, lớp nguồn…ở bậc trung học như hiện nay để buộc học sinh phải thi đầu vào cạnh tranh một cách khốc liệt.
Thứ tư , không gây áp lực thi cử, nên học gì thi nấy, tổ chức đánh giá kiểm tra một cách nhẹ nhàng, phù hợp, tuyệt đối không đánh đố học trò.
Thứ năm , chương trình mới phải có tính vừa sức với học sinh. Ngay như chương trình lớp 1 vừa triển khai trong năm học này đã được nhận xét là quá nặng. Bởi thế, dự báo trong năm học tới đây sẽ có nhiều học sinh sẽ phải đi học thêm từ khi 5 tuổi.
Một khi không còn áp lực học và thi thì cho dù giáo viên có ép buộc cũng không thể lùa học sinh đến lớp học thêm nhiều như thế.
Bởi vậy, để xảy ra tình trạng học thêm dạy thêm tràn lan như hiện nay, khoan hãy đổ trách nhiệm do giáo viên ép buộc. Vì, trong thực tế thầy cô có không tổ chức dạy thêm thì phụ huynh vẫn tìm người khác để dạy cho con mình.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tp-hcm-yeu-cau-xu-ly-nghiem-giao-vien-ep-hoc-them-699309.html?fbclid=IwAR3ZTuhzWw1ybPdus5w91RgP9Flhd3pU_juAv5zcW9qAgrmFizF-EArBwdQ
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/diem-trung-tuyen-vao-lop-6-truong-thpt-chuyen-tran-dai-nghia-nam-2020-661772.html
Không ép học sinh học thêm và dạy trước chương trình lớp 1
Các trường tăng cường giám sát việc dạy thêm học thêm, không dạy trước chương trình lớp 1, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ.
Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ. - BÍCH THANH
Ngày 10.1, sau khi Sở GD- ĐT TP.HCM có văn bản yêu cầu 24 quận, huyện tăng cường quản lý việc dạy thêm học thêm, Phòng Giáo dục Quận 1 đã có những yêu cầu cụ thể đến các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Theo đó, trong thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra tình hình thực tế tại một số trường về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm. Đồng thời cũng ghi nhận từ một số phản ánh của giáo viên, phụ huynh, người dân.
Từ đó, Phòng Giáo dục đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:Tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm.Tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên thuộc đơn vị mình quản lý.
Tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghê thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên THCS tham gia hoạt động dạy thêm ở các trung tâm đã được cấp phép. Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào và giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Quận 1 cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức như dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật ký dạy học (nếu có), hồ sơ đánh giá học sinh... để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Giáo viên cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt dạy học phân hoá đối tượng.
Cũng trong chỉ đạo các trường về các nội dung liên quan đến dạy thêm học thêm , Phòng Giáo dục Quận 1 có yêu cầu với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để học sinh tiến bộ.
Sửa thông tư về dạy thêm học thêm, Bộ nên giữ lại điều này Thông tư về dạy thêm, học thêm được bổ sung thì khoản b điều 4 không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa cần giữ lại. Ngày 26 tháng 8 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13...