Cảm động những câu chuyện đầy ấp tình người trong mùa dịch COVID-19
Khi cả thế giới đang rối bời vì khủng hoảng mà dịch COVID-19 đã và đang gây ra thì đâu đó vẫn còn đọng lại những câu chuyện đầy ấp tình người được nhắc đi nhắc lại khá nhiều, như là một cách để xua tan đi bầu không khí vô cùng u ám đang bao trùm khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính đến thời điểm hiện tại, chủng virus Corona mới (hay tên chính thức là COVID-19) đã đem đến sự xáo trộn không hề nhỏ trong suốt quý I của năm 2020. Những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Italy, Pháp,… cũng là các quốc gia có nền y học tiên tiến bậc nhất nhưng cũng đều đang trong tình thế “vỡ trận” trước đại dịch lần này.
Giữa muôn trùng những khó khăn đang bủa vây thì đâu đó xung quanh cuộc sống này, vẫn còn đọng lại những câu chuyện đầy tính nhân văn, như là một cách để thắp sáng lên nguồn hy vọng trong cuộc chiến đầy cam go với đại dịch COVID-19 lần này!
Cậu bé 12 tuổi tại TP.HCM dành toàn bộ tiền lì xì để mua khẩu trang phát tặng người đi đường
Thời điểm sau Tết Nguyên Đán 2020 cũng chính là lúc mà khắp các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam dậy sóng bởi câu chuyện của cậu bé 12 tuổi Andy Đào Nguyên – người đã dành toàn bộ khoản tiền lì xì 10 triệu đồng để mua khẩu trang phát cho người đi đường giữa lúc cơn bão giá cả khẩu trang trở thành nỗi lo trên khắp đất nước Việt Nam.
Theo đó, sau khi biết tin dịch bệnh do chủng virus Corona mới bắt đầu xuất hiện và lan rộng, cậu bé Andy Đào Nguyên (TP.HCM) đã cùng mẹ đi mua khẩu trang để phòng ngừa cho gia đình. Thấy nhiều hiệu thuốc, cử hàng hết sạch khẩu trang để bán, Andy đã chủ động đưa mẹ 10 triệu đồng – đồng thời cũng là tiền lì xì Tết của cậu bạn và nhờ mẹ mua dùm khẩu trang để phát cho người đi đường.
Bé Andy Đào Nguyên bỏ tiền lì xì cùng mẹ phát khẩu trang miễn phí cho người dân
Bởi dĩ cậu bé quyết định thực hiện hành động trên là do thời điểm này, giá khẩu trang trên thị trường bắt đầu tăng dần do nhu cầu của người dân khi hay tin dịch bệnh xuất hiện, kết hợp thêm với việc một số cá nhân, tổ chức đầu cơ tích trữ để nâng giá thành khẩu trang khiến cho giá của một hộp khẩu trang y tế có thể bị đội lên gấp nhiều lần so với ngày thường.
Việc làm của cậu nhóc chỉ mới 12 tuổi này đã phần nào thể hiện được suy nghĩ, tinh thần tương trợ lẫn nhau vốn nổi tiếng của người Việt. Mặt khác chính câu chuyện trên cũng đã bắt đầu cho một loạt những chương trình, hoạt động trao tặng khẩu trang của khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Việc làm của cậu bạn đã nhanh chóng lan rộng ra khắp mọi miền tổ quốc
Người chồng “đồng hành” cùng vợ của mình là một bác sĩ đang chống dịch COVID-19
Những ngày giữa tháng 2/2020, cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao đoạn clip đầy xúc động ghi lại cảnh một người đàn ông đang lái xe theo vợ của mình – một bác sĩ đang làm nhiệm vụ đem lại sự sống cho hàng ngàn người trước cơn bạo bệnh do đại dịch COVID-19 gây ra.
Cụ thể nữ bác sĩ xuất hiện trong đoạn clip là cô Wang Xiaoting. Những ngày này, vì thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh nhân nên cô cần cách ly với gia đình. Hết giờ làm, cô trở về một khách sạn nhỏ dành riêng cho các y bác sĩ đang tham gia điều trị tại một bệnh viện gần đó.
Từ 3 giờ sáng, nữ bác sĩ đã phải rời khỏi khách sạn, đi bộ tới bệnh viện để chuẩn bị vào ca trực của mình, người chồng của cô đã xuất hiện, chầm chậm lái xe theo sau vợ và ghi lại đoạn clip giản dị mà cảm động này.
Nữ bác sĩ này có lẽ là người phụ nữ may mắn nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này khi bà không “cô đơn” trong suốt chặng hành trình làm nhiệm vụ của mình
Đây là cách duy nhất để anh có thể cùng đồng hành với vợ trên một đoạn đường trong những ngày này. Đoạn clip đã khiến hàng triệu người xem cảm động. Người chồng – anh Wang Yinghe – muốn lái xe theo sau để vợ cảm thấy an tâm trên chặng đường di chuyển tới bệnh viện, đồng thời đèn xe cũng sẽ giúp cô nhìn thấy đường dễ dàng hơn vì trời còn chưa sáng.
Người đàn ông lặng lẽ lập bàn thờ, chịu tang cha ở khu cách ly vì sợ ảnh hưởng đến cộng đồng
Trở về từ Malaysia và trong diện phải chịu cách ly 14 ngày ở Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ quốc phòng – an ninh (Trung đoàn 971 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng), ông Trần Đình Sỹ (51 tuổi, quê Nghệ An) nhận được tin báo cha mất do tuổi cao sức yếu.
Phận làm con, muốn được nhìn bậc sinh thành lần cuối, ông Sỹ nói với cán bộ trung tâm xin về, nhưng được sự động viên rồi suy xét lại việc mình có thể đang trong thời gian ủ bệnh nên ông Sỹ quyết định chịu tang cha trong khu cách ly.
Ông Sỹ lập bàn thờ ngay trong khu cách ly tập trung vì không muốn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh
Một cán bộ tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh (Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng) cho biết sau khi cân nhắc việc có thể ảnh hưởng tới cộng đồng, những người ở nhà và được động viên, ông Sỹ đã quyết định ở lại. Các cán bộ ở trung tâm cũng chu đáo mua giúp nhang, hoa quả… để ông Sỹ lập bàn thờ, thắp hương vọng về người cha quá cố vào chiều 23/3.
Ba câu chuyện kể trên chỉ là số ít vô vàn những câu chuyện đầy tính nhân văn khác được chia sẻ rộng khắp trong mùa dịch COVID-19 vừa qua. Có thể thấy được rằng, dù bạn còn trẻ hay đã già, dù bạn là ai, địa vị như thế nào trong xã hội đi chăng nữa thì hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà tất cả mọi người cần nắm chặt tay nhau, chung sức, đồng lòng để vượt qua khó khăn.
Dù cho có gian nan cách mấy đi chăng nữa thì tinh thần đoàn kết, đặc biệt là sự hỗ trợ của cả một cộng đồng, người dân trong cùng một nước luôn là bàn đạp vững chắc để chúng ta có thể hướng đến chiến thắng cuối cùng, chiến thắng đại dịch COVID-19!
Bác sĩ Việt ở tâm dịch New York: Mọi thứ hoàn toàn bị mất kiểm soát, các bác sĩ bảo nhau lập di chúc
'New York đã quá tải. Hầu hết nhà xác đều đã quá tải, không còn chỗ để thêm, nên bây giờ thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác'.
Gần 3 tuần sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19, căn bệnh do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây nên, New York ngày 29/3 đã bước qua cột mốc khiến nước Mỹ lo ngại: Thành phố và khu vực lân cận New York đang chiếm gần 5% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. New York đã trở thành tâm điểm mới của đại dịch.
Mới đây, dòng trạng thái chia sẻ của một bác sĩ Việt có nickname Trinh Trang Yaretttại tâm dịch New York City đã thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng. Trang Phương Trinh hiện đang là bác sĩ nội trú sinh ở Bệnh viện New York Presbyterian. Chị Phương Trinh sau khi sang Mỹ du học, tốt nghiệp ĐH Baylor và trường Y Johns Hopkins hiện đang định cư tại Mỹ.
Bài viết gây bão mạng của bác sĩ Việt làm việc tại bệnh viện ở New York
Tiin.vn xin được trích lại nguyên văn bài viết:
'Tháng 3, trong tâm bão.
Bữa giờ rất nhiều người hỏi thăm tình hình ở New York City (NYC) thế nào. Và thật tình là, với một đứa từng viết báo như mình, cũng không thể nào giải thích hay diễn tả bằng lời được hết những gì đang diễn ra trong bệnh viện bây giờ.
Những ngày qua, mình có muốn viết cũng không viết nổi vì cảm xúc như đã chai sạn đi. Chỉ trong vòng một tháng, NYC của mình đã thay đổi đến chóng mặt. Và hiện tại, ngay trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm trong bệnh viện là lại cảm thấy như đang đi ra chiến trường, và ai cũng có chung một nỗi niềm, lo lắng và bất lực.
Đầu tháng 3, hai vợ chồng được nghỉ và vẫn còn kéo nhau road trip xuyên bang. NYC và nước Mỹ lúc này vẫn còn hoạt động bình thường. Dịch bệnh lúc này hầu hết chỉ ở Seattle. Ngay trong bệnh viện, mọi người cũng chỉ nói về COVID-19 như thể nó ở tận đâu xa lắm và không liên quan đến mình, chỉ là những ai đi du lịch từ những nước vùng dịch về thì phải cách ly 14 ngày.
Hai đứa mình may mắn không lên kế hoạch đi chơi xa như mọi lần, vì cần ở lại đi ăn đám cưới bạn thân. Ngày xuất hành đi chơi, cả hai còn đùa với nhau là nếu có ai đi dự đám cưới này mà bị nhiễm bệnh cũng chả sao, vì hết phân nửa khách mời là bác sĩ. Vậy mà chỉ trong vòng 10 ngày đi chơi mà mọi sự đã thay đổi đến chóng mặt.
Ngày thứ nhất, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở New York (NY). Bệnh viện của hai đứa đều gửi email nhắc nhở mọi người cẩn thận, chú ý rửa tay thường xuyên.
Ngày thứ hai, email từ bệnh viện nhắc lại từng bước mặc dụng cụ bảo hộ (PPE) trong trường hợp có bệnh nhân nghi mắc COVID-19.
Ngày thứ ba, ca bệnh thứ hai xuất hiện, dù không phải ở trong NYC mà là ở vùng ngoại ô New Rochelle, đây lại là ca siêu lây nhiễm khi bệnh nhân này đã nhập viện từ cách đó mấy ngày với chẩn đoán viêm phổi và hoàn toàn không được cách ly. Khi đọc tin này, mình đã bắt đầu thấy rùng mình khi nghĩ đến những người thân và nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này và hoàn toàn không mặc đồ bảo hộ, và nghi là trong vài ngày tới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca lây nhiễm từ bệnh nhân này.
Ngày thứ tư, có 9 ca bệnh mới và đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Bệnh viện bọn mình tiếp tục gửi email nhắc nhở nên hạn chế đi du lịch đến các quốc gia có dịch, và nếu không có gì cần thiết thì đừng nên đi đâu cả. Lúc này dịch đã bùng phát mạnh mẽ tại Ý.
Ngày thứ năm, bệnh viện email nhắc lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong email, họ cũng cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Lúc đọc email này mình thấy buồn cười, vì nước rửa tay khô bình thường để đầy trong kho, còn phát miễn phí cho bệnh nhân nữa, cớ gì phải cấm như vậy. Nhắn tin hỏi bạn thì mới biết là do mọi người bắt đầu mua sạch sản phẩm này trong siêu thị, và bệnh nhân và người đi thăm bệnh bữa giờ đã "chôm" hết trong bệnh viện, nên bây giờ nó lại là hàng hiếm, và không được dùng thoải mái như xưa nữa.
Ngày thứ sáu, NY có 44 ca bệnh, hầu hết đều liên quan đến bệnh nhân số 2. Email từ bệnh viện thông báo tất cả những buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 bác sĩ đều phải bị hủy bỏ. Họ bắt đầu lo sợ nếu nhiều bác sĩ bị bệnh cùng lúc thì sẽ không có ai chăm bệnh nhân.
Ngày thứ bảy, NY có 89 ca. Bệnh viên thông báo tất cả những bác sĩ và nhân viên đang làm việc ở nước ngoài đều phải quay về ngay lập tức. Bạn bè nội trú của mình đang thực tập một tháng ở Châu Phi cũng bị bắt quay về. Bệnh viện cũng yêu cầu các bác sĩ đang được nghỉ phép phải khai báo là đã đi đâu và định đi đâu. Cả hai đứa mình đều phải đưa ra lịch trình đi chơi, lúc này chỉ mong về nhà ngay vì cảm thấy tình hình khá căng thẳng.
Ngày thứ tám, số ca tăng lên 106. Bệnh viên yêu cầu nhân viên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh đều phải ở nhà, không được đi làm, để tránh lây nhiễm.
Ngày thứ chín, 142 ca. Nước Ý thông báo giới nghiêm toàn quốc. Bệnh viện NY nhìn bệnh viện Ý bị quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Bệnh viện của mình thông báo PPE bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.
Ngày thứ mười, 173 ca. Hai đứa mình về lại NYC, chuẩn bị đi làm lại, và bước thẳng vào tâm bão. Từ ngày thứ 10 đến hôm nay, mọi thứ hoàn toàn bị mất kiểm soát, và đây cũng là hiện thực cuộc sống trong tâm dịch: Là tất cả bệnh viện ở NYC hiện giờ đang hoàn toàn quá tải. Số ca bệnh cứ tăng lên gấp đôi mỗi 3 ngày. Số lượng bệnh nhân bị nặng và cần đặt nội khí quản khá cao, và số máy thở đang vơi dần.
Người dân hối hả đi mua sắm hàng dự trữ tại khu Bronx, New York, trước thời hạn bắt đầu đóng cửa những cửa hiệu không thiết yếu ngày 22/3. Ảnh: NYT.
Hiện thực đau lòng là hầu hết bệnh nhân COVID-19 khi mất đều ra đi một mình
Khi mình viết những dòng này, thì bệnh viện của mình và của Ian chỉ còn khoảng 100 máy thở mỗi nơi. Và vấn đề không phải chỉ ở số máy thở, mà còn là thiếu hụt số phòng và số nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân. Hiện giờ cả khoa nhi của bệnh viên mình đã phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện dã chiến đang được dựng lên khắp nơi, và chính phủ đang kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc vì không đủ bác sĩ. Và số đồ bảo hộ (PPE) cứ vơi dần đều. Ban đầu quy định là tất cả mọi người phải mang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm, và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân. Khi số lượng N95 giảm mạnh, thì quy định mới là được phép dùng lại N95 trong một ngày, rồi lại đổi thành chỉ được dùng N95 khi đặt nội khí quản, còn lại phải đeo khẩu trang thường.
Và hiện tại bây giờ, khi số lượng khan hiếm cùng cực, thì mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng 1 lần) và phải dùng đúng cái khẩu trang đó đến khi nào có hàng mới về, ngày này qua ngày khác. Bình thường, chuyện dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng, và nếu bị bắt gặp thì sẽ bị phạt ngay, nhưng thời điểm này thì bao nhiêu quy định đều không còn tác dụng gì nữa hết.
Hiện thực đau lòng là hầu hết bệnh nhân COVID-19 khi mất đều ra đi một mình. Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không còn được vào thăm nữa. Rất nhiều gia đình đã phải nhìn người thân của mình ra đi qua facetime, và rất nhiều gia đình còn không hay biết người thân của mình đã mất vì bệnh viện không liên lạc với họ được. Và mất vì bệnh này, nếu không được tiêm morphine, là cảm giác như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Đó là cái chết đau đớn và cô độc nhất!
Hầu hết nhà xác đều đã quá tải, không còn chỗ để thêm, nên bây giờ thành phố phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác. Và vì lệnh cấm tập trung đông người, nên người mất cũng không được có đám tang. Người nhà tới giờ vẫn không thể gặp họ lần cuối. Là sản phụ bây giờ phải đi sinh một mình, không được có chồng hay người nhà vào thăm để tránh lây nhiễm. Là bao nhiêu ông bố lỡ dịp không được nhìn thấy con mình ra đời. Là các nội trú sinh các ngành khác nhau đều được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu, khi họ hoàn toàn kiệt quệ về sức lực và quá nhiều bác sĩ đã mắc bệnh và phải ở nhà. Là quyết định cho sinh viên năm cuối trường Y tốt nghiệp sớm để có thêm một lượng bác sĩ mới để giúp bệnh viện trong cơn đại dịch này. Là khi mình và bạn bè trong ngành đều không dám về nhà hay gặp người nhà, vì bọn mình đã mặc định là chắc chắn đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không đứa nào muốn để lây cho ba mẹ và ông bà.
New York đang trở thành một trong những tâm điểm dịch lớn của thế giới. Ảnh: Reuters.
Nỗi sợ hãi bao trùm
Cả tuần nay, mẹ chồng mình đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn và nói chuyện với hai đứa mình qua cửa sổ. Hôm qua bà lại đòi vào nhà, và Ian phải nói: "Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được!'. Thế là bà lại phải quay ra.
Là khi bọn mình phải sống trong nỗi sợ là sẽ lây bệnh cho chồng/vợ/người yêu, những người đang sống ngay trong nhà. Bạn bè mình có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người phải ra thuê khách sạn hoặc Airbnb ở, đứa nào có con thì phải gửi con về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp con. Hai đứa mình vì cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát, và cứ mặc định là đứa nào bị trước cũng sẽ lây cho đứa kia thôi.
Là khi dịch bệnh khiến người ta phải lường trước tình huống xấu nhất. Các bác sĩ đều đang hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Vợ chồng phải dặn nhau trước là nếu đến lúc hoàn toàn hôn mê thì có nên đặt nội khí quản không, hay là cứ để cho ra đi thanh thản. Lời nói đùa mọi khi 'Nếu em có chuyện gì thì anh cứ đi lấy vợ mới đi' trong thời điểm này lại thành ra nói thật.
Là các ông bố bà mẹ có con đi làm trong bệnh viện là cứ như đang ngồi trên đống lửa. Mẹ chồng mình thì mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau bắt hai đứa uống, và mỗi ngày đều tiếp tế lương thực, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được vào nhà gặp mặt. Mẹ đứa bạn mình, mỗi khi nó trực đêm là bà thức nguyên đêm nói chuyện cùng nó vì bà lo đến không ngủ được. Ba đứa khác thì năn nỉ nó xin nghỉ làm đến khi nào hết dịch rồi quay lại. Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ, vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa.
Chị Trang Phương Trinh và chồng đều đang làm bác sĩ tại New York. (Ảnh: FBNV)
Nhưng tình người và niềm hy vọng không bao giờ tắt
Trong thời điểm khó khăn này, lại làm mình thêm trân quý những gì mà gia đình, bạn bè, và cộng đồng đang chung tay góp sức giúp bọn mình chống dịch. Là khi nhận được tin từ bệnh viện là chỉ còn đủ một khẩu trang cho mỗi bác sĩ, mình đã gửi tin nhắn cầu cứu đến một loạt bạn bè, hỏi xin nếu đứa nào còn khẩu trang thì cho mình mua lại. Vậy mà chỉ trong vòng mấy ngày, bọn bạn mình đã hỏi dò người quen và bằng cách nào đó mỗi đứa đều kiếm ra được vài chục khẩu trang gửi về cho mình. Ba mẹ cũng chạy khắp thành phố kiếm chỗ bán khẩu trang để gửi lên. Giờ vậy mà mình đã có đủ khẩu trang ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.
Là khi hàng loạt các nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn đều quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để bọn mình tập trung làm việc. Từ UberEats, Sweet Greens, rồi bao nhiêu tiệm bánh nổi tiếng, chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện ra là sẽ được ăn miễn phí, mà còn được giao tới tận bệnh viện nữa. Rồi thì nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế. Cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hi vọng về các bệnh viện.
Là khi cả thành phố hẹn nhau chiều nay đúng 7 giờ cùng nhau vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện. Tới đúng giờ, ngồi trong bệnh viện nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, và vẫn giữ đúng luật không đi ra đường và không đứng gần nhau, lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.
Và vì tất cả những điều đó, mình tin là NYC sẽ qua được đại dịch này. Cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu nữa thì không ai biết được, nhưng COVID-19 sẽ qua đi, và thành phố này sẽ trở lại như xưa, vì ở đây có những con người luôn hết mình vì nó và luôn có một niềm tin bất diệt vào thành phố không bao giờ ngủ.
Bài viết cho một tháng 3 đầy bão táp!'
H.Yen
Chùm ảnh Hà Nội trước và sau 100 năm: Những góc phố cũ 'một thời để nhớ' nay còn đâu? Những bức ảnh so sánh Hà Nội trước và sau 100 năm dưới cùng một góc nhìn nhưng đã có nhiều sự thay đổi khiến ai nấy khi xem đều không khỏi bồi hồi, nhung nhớ. Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến luôn là đề tài truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ người Việt Nam. Từ người già...