Cảm động bức thư cô giáo gửi học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19
“Sự học là vô bờ, tri thức không chỉ đến từ trường học mà đến từ chính sự tìm tòi, khám phá của mỗi người”, cô Dương Thị Thu Trang nhắn gửi.
Cô Dương Thị Thu Trang, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), viết bức tâm thư cảm động gửi học sinh những ngày nghỉ học phòng dịch Covid-19.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bức thư này.
Cô Dương Thị Thu Trang (áo dài, ngoài cùng bên trái). (Ảnh: tinhuyquangtri.vn)
Thầy giáo của cô ra một bài tập: “Hãy viết một lá thư gửi cho học sinh của mình khi các em tạm nghỉ học vì dịch Covid 19″.
Cô trả bài như sau:
“Thư gửi các em học sinh thời Covid – 19!
Cả cuộc đời mình, dù trí tưởng tượng có phong phú bao nhiêu, cô chưa từng hình dung ra kịch bản về một trận Ôn dịch có thể làm chao đảo cả thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Có nằm mơ cô cũng chưa từng nghĩ có lúc nhà trường phải tạm đóng cửa hàng tháng trời để ngăn ngừa một trận Ôn dịch vì nó có thể đe dọa đến tính mạng của bất kỳ ai nếu mắc phải.
Nhưng rồi, chúng ta đã trải qua và đang đối mặt với nó. Học sinh cả nước nghỉ học.
Thoạt đầu cô biết có rất nhiều bạn học sinh có vẻ rất vui mừng vì kỳ nghỉ Tết kéo dài 10 ngày vẫn chưa thấm vào đâu, bất chấp ở đâu đó vẫn có những tiếng khóc than, thì có nhiều em vẫn reo hò khi nhận được thông báo: tạm nghỉ học.
Cô biết trong thời gian nghỉ học có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tận dụng khoảng thời gian hiếm hoi này để thực hiện những dự định của mình: có nhiều em tìm đọc những cuốn sách yêu thích;
Video đang HOT
Có nhiều em bắt đầu học làm bếp nấu ăn, làm những món bánh ngon lành; có nhiều em được bố mẹ đưa về quê chơi cùng với ông bà, người thân – ở đó các em đã có những trải nghiệm thú vị;
Có nhiều em tham gia các khóa học trực tuyến do nhà trường tổ chức và cả những khóa học các em tự đăng ký trên mạng, thậm chí phải trả phí cho các khóa học đó…
Rảnh rỗi thì các em chơi một môn thể thao, nghe một bản nhạc, hoặc vẽ một bức họa ngộ nghĩnh, đáng yêu. Và cũng có nhiều em, hàng ngày phải ra hàng quán để phụ gia đình làm những công việc giúp đỡ thêm bố mẹ, có nhiều em đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập, có nhiều em bán hàng online, trông em và làm những công việc nhà bởi bố mẹ thì bận trăm công nghìn việc ở bên ngoài…
Điều các em mong nhất vẫn là được đến trường cùng thầy cô bè bạn, được học tập, vui chơi và khám phá… Cô rất cảm kích…
Nhưng cô cũng biết, vẫn còn nhiều em học sinh kỳ nghỉ này đã làm đảo lộn sinh hoạt cũng như học tập của các em.
Cô biết có một số em hàng ngày thức dậy rất muộn, có em đến 9 giờ mới ăn sáng, thậm chí ngủ đến 11 giờ trưa và bỏ luôn bữa sáng của mình (vì tối qua đã thức rất khuya) – điều đó hoàn toàn không tốt cho sức khỏe;
Cô biết có một số em dù thầy cô có giao bài tập về nhà và hướng dẫn các em tự học nhưng các em vẫn chưa hề đụng tới;
Cô biết có một số em, hàng ngày vẫn rủ nhau đến các hàng quán giết thời gian bằng cách uống cà phê, đánh bài, thậm chí còn hút thuốc lá; đi qua rạp chiếu phim cô thấy rất đông những bạn trẻ tuổi học sinh hàng ngày vẫn đến đó, xe đạp điện dựng kín trước cổng rạp;
Có nhiều em khi không đến trường thì hàng ngày vẫn dắt xe ra khỏi cửa tụ tập cùng bè bạn của mình ở các công viên, hoặc thậm chí rủ nhau đi đua xe trên các cung đường;
Cô biết có những em lứa tuổi học sinh hàng đêm vẫn đến các quán bar với những ánh đèn xanh, đỏ, với nồng nặc mùi rượu bia và thuốc lá… thậm chí cả các chất kích thích vô cùng độc hại khác;
Cô biết có nhiều em đã biến kỳ nghỉ chống dịch của mình thành vô bổ khi dán mắt vào màn hình máy tính và điện thoại với những trò chơi hàng tiếng đồng hồ, thậm chí nguyên cả ngày, bỏ cả ăn, ngủ;
Cô biết có nhiều em than phiền vì kì nghỉ ngày kéo dài khiến cuộc sống thật buồn chán vì không biết làm gì cho hết một ngày dài như thế….
Các em thân mến!
Cuộc sống là như thế đó! Nó có thể đặt chúng ta vào những tình huống không ngờ đến, nó có thể làm thay đổi cuộc đời của mỗi người.
Khi những người dân ở các vùng dịch khắp nơi trên thế giới đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng, khi có bao người đang đối diện với dịch bệnh, chết chóc và thiếu lương thực, vật tư y tế…
Khi có những con người tuyệt vọng đến nỗi phải ném tiền qua cửa sổ trong những tòa nhà bị cách ly…
Khi có những con người chỉ cầu mong được bình yên để vượt qua kiếp nạn…thì chúng ta vẫn còn may mắn biết bao nhiêu.
Điều cô muốn nhắn gửi đến tất cả các em rằng: dù cuộc đời có đặt ta vào bất kỳ tình huống nào, chúng ta hay biết cách làm chủ cuộc sống của mình, hãy chủ động đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cho cuộc đời mình.
Sự học là vô bờ, tri thức không chỉ đến từ trường học mà đến từ chính sự tìm tòi, khám phá của mỗi người.
Đừng để thời gian trôi qua vô ích, chỉ khi chúng ta làm chủ được tri thức thì chúng ta mới có thể làm chủ được cuộc đời mình.
Cô yêu tất cả các em.”
Cô Dương Thị Thu Trang từng đoạt giải Ba với dự án “Loại bỏ ô nhiễm Trắng – Hành động của chúng ta” tại diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam đầu năm 2020.
Dự án này được đánh giá cao với 5 tiêu chí rất khó từ ban tổ chức và xuất sắc vượt qua hơn 1.000 giáo viên tham gia dự án trên toàn quốc, để dành giải Ba tại diễn đàn Education Exchange 2020 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức.
Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net.vn
Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu công nhận kết quả học tập trực tuyến bậc phổ thông
Công nhận kết quả học trực tuyến, trên truyền hình, phát thanh với học sinh phổ thông phải nghiên cứu kỹ.
Ảnh minh họa
Ngày 20/2, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp học tập cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch Covid-19.
Tại đây, bên cạnh việc đồng tình và cổ vũ việc triển khai học tập trực tuyến ở các trường, địa phương có điều kiện, Hiệp hội đề nghị triển khai dạy học trên truyền hình, phát thanh.
Thực tế, tất cả các biện pháp này đều đã được nhiều địa phương, nhà trường triển khai và thu được kết quả tốt.
Việc học tập, rèn luyện kiến thức của học sinh được đảm bảo phần nào.
Trước tình huống nghỉ học kéo dài, và cũng cần chuẩn bị cho các sự kiện lớn gây gián đoạn việc đến trường, nhiều ý kiến đóng góp cho Bộ giáo dục đã được đưa ra.
Đầu tiên là phải chuẩn hóa và chuẩn bị nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, việc thi, công nhận kết quả học tập trực tuyến, trên truyền hình, phát thanh cũng được đặt ra.
Về vấn đề này, ngày 25/2/2020, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo ông Độ, đối với trình độ trên phổ thông (trung cấp, cao đẳng, đại học) thì việc học từ xa đã được triển khai và công nhận kết quả.
Bậc học này triển khai thuận lợi do người học đã trưởng thành.
Riêng với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức còn phải dạy làm người. Bởi thế, việc dạy và học cần phải trực tiếp, tương tác tại chỗ...
Với điều kiện nước ta hiện nay thì chưa làm được và Bộ sẽ quan tâm nghiên cứu đến đào tạo từ xa ở bậc phổ thông để có phương pháp, kế hoạch cụ thể.
Sông Hồng
Theo giaoduc.net.vn
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng Chiều nay (25/2), Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) và Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Quản...