Cám cảnh mang 1,5 tỷ đồng trúng số trả nợ cho chồng
Từ ngày người phụ nữ tật nguyền Lê Thị M. (35 tuổi) cùng chồng con dắt díu nhau đi trốn nợ, những người hàng xóm vẫn không ngừng nhắc lại chuyện xưa. Chẳng ai ngờ, một cô gái được cha mẹ hết lòng yêu thương chăm sóc, lớn lên trong hoàn cảnh khá giả, từng có tình yêu đẹp như cổ tích lại phải sống đời tha phương nay đây mai đó.
Kết cục đau lòng hôm nay càng khó tin hơn, khi M. từng trúng xổ số giải đặc biệt lên tới 1,5 tỷ đồng. Người đẩy M. đến bước đường ngày hôm nay, không còn ai khác ngoài gã chồng ham mê cờ bạc – người từng cùng M dệt nên mối tình được ngưỡng mộ ngày nào.
Trắng tay vì chồng
Chuyện xảy ra tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Từ ngày M. cùng gia đình phải “bán xới” khỏi nơi này, người dân vẫn chẹp miệng xót thương cô gái tật nguyền mà nết na, chăm chỉ và thông cảm cho cha mẹ cô, nay đã già vẫn nặng lòng vì đứa con khốn khổ. Chuyện của M. cũng trở thành “điển hình” để nhiều bậc phụ huynh can ngăn mỗi lần thấy con “mon men” lại gần các trò đỏ đen.
Những người biết chuyện vẫn bảo, M. thiệt thòi từ lúc mới sinh ra. Vừa lọt lòng, cô đã theo cha mẹ di cư từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp. Lang thang miền địa đầu đất nước, cuối cùng, gia đình M. chọn định cư tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. M. là chị cả trong gia đình có 3 anh chị em, hồi bé cũng khỏe mạnh như ai nhưng đến 3 tuổi bỗng bị liệt một cánh tay sau trận sốt kéo dài. Vì thế, dù cha mẹ đều là nhà giáo, M. cũng muốn học hành như chúng bạn, nhưng cô vẫn phải nghỉ học sớm trong tiếc nuối.
Ở nhà, M. chủ yếu đảm trách chăm nom 2 em nhỏ và phụ giúp bố mẹ việc vặt trong gia đình. Ngày đó, lương giáo viên ba cọc ba đồng nên gia đình M. thường chịu cảnh thiếu trước hụt sau, chạy ăn từng bữa. Cực chẳng đã, cha mẹ M. mở một lò bánh mỳ ngay tại nhà, những mong kiếm đồng ra đồng vào trang trải thêm cho cuộc sống.
Thật không ngờ, lò bánh mì cực kỳ hút khách, lúc nào cũng có người ghé mua. Thấy vậy, gia đình M. quyết định mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm nhân công. Trong số đó, có chàng trai tên Thành vừa tròn 20 tuổi. Sau một năm làm việc, Thành luôn tỏ ra là chàng trai siêng năng, chăm chỉ nên được gia đình M. rất quý mến.
Cũng trong thời gian này, Thành để ý đến M., dù bị liệt một bên tay nhưng gương mặt vẫn ưa nhìn, cuốn hút. Chàng thanh niên nghèo rớt mồng tơi bắt đầu mơ đến một tương lai tươi sáng cho riêng mình. Để biến nó thành hiện thực, Thành không ngại làm bất cứ điều gì, miễn là khiến M. và cha mẹ cô hài lòng. Cuối cùng, Thành cũng thu về quả ngọt, có được trái tim M. Mối tình người làm thuê nghèo khó và cô gái tật nguyền con của ông bà chủ lò bánh mì đẹp như cổ tích, khiến bà con chòm xóm ai cũng vui mừng.
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng M. nay phải dựng bảng sang nhượng.
Ngày tổ chức đám cưới, gia đình M. không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy, cũng không chê gia cảnh Thành nghèo khó. Họ chỉ mong cặp vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Sau đám cưới, Thành ở rể, kinh tế gia đình riêng được cha mẹ vợ đỡ đần chu tất. Lúc này, cha mẹ M. đã đến tuổi nghỉ công tác, họ dồn sức lực đầu tư thêm cho xưởng bánh mì. Chẳng mấy chốc, gia đình M. trở thành giàu có thuộc hàng nhất nhì thị trấn Đầm Dơi. Còn Thành, từ một chàng trai nghèo, được cha mẹ vợ chỉ dẫn làm ăn, nên không bao lâu cũng có cuộc sống sung túc. Vợ chồng M. chính thức thành một trong những cặp đôi giàu có tại địa phương.
Video đang HOT
Nhưng đáng tiếc, từ ngày có tiền, Thành đổi thay tâm tính, như quên hẳn cuộc sống khốn khó ngày xưa. Thay vào đó, anh thường la cà quán xá, chi tiêu vung tay như một đại gia tầm cỡ. Giấc mộng làm giàu cỡ lớn cũng ngày một “phình to”, ngoài thời gian phụ vợ bán quần áo ngoài chợ, Thành lại tìm với những canh bạc đỏ đen, với hy vọng phát tài từ chiếu bạc. Nhưng là một kẻ non tay, Thành ăn một thì thua mười, ăn mười lại thua trăm. Không bao lâu, Thành lún sâu vào nợ nần. Bị chủ nợ dọa chặt tay, Thành buộc lòng xin vợ tiền trả nợ, với con số lên tới 100 triệu đồng. Biết chuyện, M. suýt ngất xỉu nhưng rồi cô lại cắn răng trả nợ hộ chồng, với hy vọng chồng sẽ hồi tâm chuyển tính.
Tuy nhiên, Thành một mặt hứa thay đổi, một mặt vẫn vô cùng hậm hực vì cho rằng mình bị “quê”, bị mất uy tín với vợ con, hàng xóm khi phải ngửa tay xin tiền vợ trả nợ. Từ suy nghĩ yếm thế ấy, Thành lúc nào cũng ấp ủ kế hoạch “phục thù” chủ nợ và giải pháp của anh không gì hơn là những canh bạc chông chênh.
Sau một thời gian “im ắng”, Thành quyết định đánh lớn một mẻ, nếu thắng sẽ lấy lại tấ cả những gì đã mát. Nhưng người tính không bằng trời tính, đánh càng lớn thua càng đậm, Thành hoảng sợ trốn chui lủi khắp nơi, mặc vợ con khốn đốn vì chủ nợ liên tục thúc giục và đe dọa. M. muốn buông xuôi, nhưng lại nghĩ tới 2 đứa con chung, nên thêm một lần chấp nhận gánh nợ cho chồng. Lần này, M. phải dốc cạn toàn bộ tiền tiết kiệm bấy lâu, số tiền còn thiếu phải năn nỉ chủ nợ thư thư rồi trả nốt. Còn Thành, khi thấy vợ đã lo lắng êm xuôi, lại về nhà thề thốt đổi thay, hứa hẹn không bao giờ tái phạm. Nhìn chồng đau khổ nhận lỗi, M. và bố mẹ mình cũng đành chấp nhận bỏ qua.
Tự bắt cóc mình để đòi tiền chuộc trúng số của vợ
Do phải vét gia sản trả nợ cờ bạc cho chồng, kinh tế của M. rơi vào hoàn cảnh khó khăn, việc buôn bán cũng không còn thuận lợi. Thế là, mỗi ngày M. đều mua một vài tấm vé số, với hy vọng trúng giải để có tiền trang trải toàn bộ nợ nần. Bất ngờ, M. trúng thật, với giá trị giải thưởng lên tới 1,5 tỷ đồng. Ngày trúng số, M. mừng đến phát khóc, tin tức lan nhanh khắp nơi.
Người mừng cho M. nhiều, người lo cho M. cũng lắm. Họ xì xầm bàn nhau, chồng M. đã 2 lần lún nợ, lại sẵn sàng trốn đi mặc vợ con khốn đốn xoay xỏa, thì khối tài sản khổng lồ kia chắc gì đã được “yên thân”. Lời qua tiếng lại cũng tới tai M., chị buồn nhưng lại nghĩ Thành đã hồi tâm, chắc đã biết thương vợ con khổ sở. Để chắc chắn, chị nhờ cha mẹ gửi giúp 1 tỉ đồng tại ngân hàng, còn lại vài trăm triệu dành làm vốn làm ăn. Rồi sức khỏe không đủ, chị M. sang nhượng sạp hàng dùng số tiền có được đầu tư làm chủ hụi. Công việc nhẹ nhàng hơn, bà con thị trấn ủng hộ nên kinh tế của M. bắt đầu khởi sắc trở lại. Nhưng lúc này, người chồng một lần nữa đem đại họa giáng xuống đầu M..
Quặn lòng người mẹ Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Lê Thị Hai (mẹ ruột của M.) cho biết: Từ ngày vợ chồng M. bỏ đi biền biệt, bà không đêm nào được ngon giấc. Mỗi lần nhớ đến hai đứa cháu ngoại phải bỏ học trốn theo cha mẹ để lánh nợ thì lòng bà lại quặn đau. Bà thở dài, phải chi vợ chồng nso biết dừng lại thì sự thể đâu đến nỗi này.
Thấy vợ có bạc tỷ trong tay, Thành đắc ý trở lại. Gã tự an ủi đời người “lên voi xuống chó” mấy hồi, giờ nhìn đám chủ nợ im re lại thấy sung sướng, mãn nguyện. Nhưng ý muốn tự thân làm giàu vẫn luẩn quẩn trong đầu gã, ngay cả khi gã tỏ ra ngoan ngoãn trông con giữ nhà. Một ngày, trong lần hẹn hò café cùng bạn bè, hắn được một người trong đám bạn ô hợp mách nhỏ cho nghề cá cược bóng đá. Trong đầu gã hiện lên viễn cảnh giàu sang dễ dàng, hiện lên ánh mắt thán phục của người vợ đã mấy lần phải oằn lưng trả nợ giúp chồng. Thế là hắn quyết định chi tiền cho “lĩnh vực” mới.
Ban đầu, may mắn liên tiếp đến, gã tích được kha khá tiền sau một mùa giải Ngoại hạng Anh. Hắn tin rằng, vận may của mình đã tới, cái “nghề” cá cược bóng đá sẽ giúp hắn hái ra tiền mà chẳng mất một giọt mồ hôi. Vì thế, hắn hăng hái gom tiền, chờ đến mùa World Cup để tha hồ “gặt hái”.
Nhưng tiền đến chẳng thấy đâu, Thành liên tục ôm đầu dứt tóc vì ngày càng thua nặng. Gã trở nên xanh xao, bộ dạng lôi thôi vì nhiều đêm thức trắng và chán nản. Sau trận đấu cuối cùng, chẳng còn ai thấy bộ dạng của gã. Nhưng lần này, Thành “tiến bộ” hơn. Thay vì biến mất không vết tích, Thành bắn tin về gia đình nhà vợ phải… chuộc hắn về. Số tiền chuộc là 300 triệu đồng, nếu không mạng sống của hắn sẽ bị đe dọa, bị giết chết. M. một lần nữa yếu lòng, người phụ nữ tật nguyền không muốn chồng bỏ mạng nên đành đáp ứng yêu cầu quá quắt này. Lúc ấy, M. chỉ mong sao chồng được trở về toàn thây.
Ngày chồng về, M. chẳng giận được bao lâu. Miệng lưỡi dẻo quẹo của gã đủ sức lừa gạt và làm mềm lòng người vợ tật nguyền luôn một lòng yêu chiều chồng. Còn gã vẫn mải miết dấn thân vào các cuộc ăn chơi, chẳng đoái hoài đến gia đình, vợ con hay lo lắng về kinh tế. Những lần ăn chơi “quên trời” của gã khiến số nợ tăng lên nhanh chóng, gia đình mất hoàn toàn khả năng trả nợ. Một ngày cách đây 10 tháng, các chủ nợ thình lình kéo đến, la hét om xòm, làm náo động cả thị trấn Đầm Dơi. Số nợ của hắn lúc này đã lên tới bạc tỷ. Còn M., vì thương chiều chồng mù quáng, cũng mang cả số tiền góp hụi cho chồng ăn chơi. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng M. phải trốn chui lủi biệt tích.
Theo Phạm Vũ
Đổi vận sau lần trúng số mà không được lĩnh vì vé rách
Sống gần hết cuộc đời trong nghèo khó, ông Hiếu vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời. Bởi vậy mỗi ngày, ông đều trích ra khoản tiền nhỏ mua một tờ vé số. Kiên trì mãi, cuối cùng vận may cũng đến, trong lần dốc túi mua giúp bà lão bán vé số ế, ông đã trúng giải trị giá 100 triệu đồng.
Chắc mẩm trong tay có số tiền lớn, ông Hiếu mừng đến quýnh quáng chân tay. Thế nhưng, vì vô tình làm rách một phần tờ vé, lão nông nghèo không được lĩnh giải. Chạm tay hụt "lộc trời", ai cũng tiếc cho ông, nhưng kỳ lạ thay, từ đó ông lão nghèo đổi vận.
Làm rách chiếc vé cả đời mong ngóng
Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, ấp Bình Hưng Hạ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã phải oằn mình bốc vác trên bến phà Bình Minh. Lớn lên, ông Hiếu lập gia đình, hoàn cảnh nhà vợ cũng chẳng khá hơn. Vợ chồng nên nghĩa với đôi bàn tay trắng, vì thế dù quanh năm làm lụng, vợ chồng ông vẫn không thoát khỏi "vòng kim cô" đói nghèo.
Trăn trở cùng giấc mộng đổi đời, ông Hiếu bàn với vợ vay lãi, lấy tiền mua một chiếc ghe cũ, tính về sẽ đi chở hàng thuê. Thế nhưng, ngày sắm được ghe thì chuyện tìm mối hàng trở nên nan giải. Hơn hai tháng trôi đi, ông Hiếu vẫn không kiếm được cho mình một chuyến hàng nào. Ghe nằm một chỗ, tiền vay lãi dồn dập đến hạn trả như thúc hông, cuộc sống vốn túng quẫn càng thêm khốn đốn. Mỗi đêm thức dậy nhìn chiếc ghe neo bến, vợ chồng ông Hiếu như "ngồi trên đống lửa".
Tấm vé số bị rách của ông Nguyễn Văn Hiếu
"Đã nghèo lại gặp eo", giữa lúc nợ nần bủa vây, ông Hiếu bỗng dưng phát bệnh thoát vị đốt sống lưng, người đàn ông trụ cột nay trở thành gánh nặng khiến gia đình thực sự rơi vào bế tắc. Sau nhiều đêm suy tính, người vợ bàn với ông Hiếu hóa giá chiếc ghe, bán rẻ để lấy tiền trang trải nợ nần. Trở về cảnh nghèo túng bần hàn, nhìn vợ con cơ cực không đành, ông Hiếu lại mang thân bạo bệnh ra bến phà cắn răng xim làm nghề khuân vác. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông Hiếu đều dồn hết vào trả nợ, còn dư chút ít để chật vật chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng ngày. Cuộc sống luẩn quẩn quanh cái nghèo, ông Hiếu luôn nung nấu hi vọng một ngày nào đó sẽ khá hơn, vì thế mỗi ngày làm việc xong ông đều trích ra một ít tiền mua một vài tờ vé số dắt túi, và cuối cùng vận may cũng đã đến.
Ngày 1/3/2010, ông Hiếu về quê dự đám cưới đứa cháu ở huyện Gò Công, dọc đường gặp một bà lão bán vé số ế mời thảm thiết, thương tình, ông lão đã ghé lại mua giúp một tờ (Công ty SXKT tỉnh Kiên Giang). Mua xong, ông liền bỏ đại vào trong túi áo mà không quan tâm tờ vé trúng giải hay trượt. Ngày hôm sau, khi đang ngồi ở bến phà chờ hàng về để bốc, ông Hiếu chợt nhớ tờ vé trong túi đã mua ngày hôm qua, ông liền lấy ra dò xem thì phát hiện nó đã bị nhàu rách một góc vì thấm mồ hôi. Thấy vậy, ông Hiếu định ném bỏ, nhưng lại nghĩ đây có thể là cơ may đổi đời, ông lấy điện thoại ra nhắn tin dò. Kết quả báo về dãy số 588510 trùng với số của giải đặc biệt, trị giá 100 triệu đồng.
Mừng quá, ông Hiếu quên luôn công việc đang làm, chạy về nhà khoe tờ vé số với vợ. Ngỡ chồng đùa, bà Hai (vợ ông) mắng: "Ông chắc lúc sáng không ăn gì nên hoa mắt, nếu vé số trúng giải thì tôi cho ông xài hết". Ông Hiếu liền móc túi áo, lấy ra tờ vé và đưa kết quả dò cho vợ xem. Bà Hai vớ lấy đem so rồi tay run lẩy bẩy, miệng lắp bắp: "Trúng thiệt ông ơi, gia đình mình thoát nghèo rồi". Thế nhưng, chưa hết mừng thì bà Hai chợt nhìn đến góc tờ vé bị rách.
Theo quy định của công ty phát hành vé, người trúng thưởng sẽ không được nhận thưởng nếu vé bị rách, hỏng. Thế nên, hai vợ chồng lão nông nghèo vừa mừng vừa lo, mừng vì chắc chắn trúng thưởng, lo vì cơ hội nhận được tiền cũng rất mong manh. Chiều rồi đêm hôm ấy, cả hai vợ chồng phập phồng đi ra đi vào, hết bàn chuyện sẽ dùng tiền vào việc gì nếu được thưởng lại sang đến chuyện "nếu chẳng may không được lĩnh giải". Nhưng nghĩ mãi chẳng ra được giải pháp. Hai vợ chồng đành chong đèn, thức luôn chờ trời sáng.
Tinh mơ hôm sau, ông Hiếu tức tốc cùng một người thân mang tờ vé số đến Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang lĩnh thưởng. Khi nhân viên phía công ty xổ số đối chiếu, xác nhận tờ vé trúng giải là thật, ông Hiếu mừng rơn. Nhưng khi nhân viên báo tin rằng, chủ nhân tờ vé không được lĩnh giải vì vé đã bị rách, lão nông nghèo hụt hẫng. Ông Hiếu đứng trân người, bao dự tính của vợ chồng, cơ hội thoát nghèo trong phút chốc tan thành mây khói, dù sau đó ông hết lời van nài, phía công ty xổ số vẫn lắc đầu từ chối giải quyết.
Nhớ lại chuyện bị từ chối trả thưởng, ông Hiếu không giấu được sự tiếc nuối: "Tôi là nông dân mua vé số để cầu may và ủng hộ Nhà nước. Cả đời mới trúng một lần lại không được lĩnh vì vé bị rách. Xét về lý thì họ đúng nhưng ở góc độ nào đó thì rõ ràng có thể châm chước giải quyết được, vì thực tế phần rách không liên quan đến dãy số, dấu mốc gì". Đến nay dù đã hơn 3 năm trôi qua, tờ vé số đáng giá bằng "gia tài khổng lồ" ấy vẫn được lão nông giữ kỹ trong tủ khóa. Ông chưa bao giờ thôi hi vọng, biết đâu một ngày nào đó phía công ty xổ số sẽ nghĩ đến chữ tình cho ông lĩnh thưởng.
Kỳ lạ đổi vận sau khi chạm hụt "lộc trời"
Tự tay làm tuột mất "lộc trời", vợ chồng lão nông nghèo tiếc đứt gan đứt ruột. Thế nhưng thay vì suy sụp, ông lại xem đó là cách ông trời thử thách bản lĩnh, để ông quyết tâm vượt qua cảnh khốn khó. Và như một sắp đặt, ngay chính trong ngày không lĩnh được thưởng, ông Hiếu được một người bạn ở Cần Thơ rủ cùng buôn bán dừa trái với cơ hội kiếm tiền rất lớn. Sau khi tính toán, thấy như vớ được phao cứu cả gia đình đang chới với trong cái nghèo, ông Hiếu vui vẻ đồng ý và bắt tay vào cuộc.
Quả thật, trời không phụ người, từ ngày cùng bạn làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hiếu đã có những bước thay đổi không ngờ. Hết chuyến hàng nọ nối tiếp chuyến kia, tiền lời gối đầu liên tục. Chỉ sau hơn 3 năm, ông Hiếu đem về cho gia đình một số vốn đáng kể bằng chính mồ hôi công sức mình. Ông xây lại nhà khang trang, mua ghe mới, sắm xe, đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, cho các con đi học đầy đủ. Từ chỗ hụt bữa từng ngày, vợ chồng ông đã có phần dư bỏ vào tiết kiệm.
Ngôi nhà khang trang của ông Hiếu.
Nay cuộc sống đã ổn định, ông Hiếu đã không còn phải nai lưng khuân thuê vác mướn như ngày xưa nữa. Hàng ngày, ông cùng các con trai xuôi ngược buôn bán trái cây trên chính chiếc ghe lớn của gia đình. Qua bao gian nan vất vả của đời người, nay mới được nếm trái ngọt từ sức cần lao, ông Hiếu cười khà hãnh diện: "Tôi cho rằng tờ vé số ấy rách mà lại hay, trời thử thách tôi ấy chứ. Giả dụ như ngày đó được lĩnh tiền, không biết chừng ỷ lại, ăn tiêu rồi nghèo lại hoàn nghèo không biết chừng".
Cần xem lại chất lượng in vé Ông Nguyễn Văn Hiếu bức xúc: "Tôi không nhận được tiền thưởng đã đành. Thế nhưng phía Công ty SXKT Kiên Giang cũng nên xem lại chất lượng tờ vé mà họ phát hành. Bởi thực tế, vé của họ in bằng giấy thường nên chỉ cần dính nước thì khả năng bị nhòe và rách rất cao. Tôi đã khiếu nại nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng vẫn không có kết quả. Như thế, nếu một người trúng giải mà vô tình rơi vào trường hợp như tôi thì rất đáng tiếc".
Đi lên từ nghèo khó, vợ chồng ông Hiếu thường dạy các con "đói cho sạch, rách cho thơm". Trong gia đình, con cái luôn phải kính cẩn với cha mẹ, anh em đùm bọc, giúp đỡ nhau. Thấm nhuần lời dạy dỗ, mười người con của vợ chồng ông Hiếu ai cũng đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Nhớ lại những ngày cơ cực trước kia, anh Mười (27 tuổi), người con trai đang sống cùng vợ chồng ông Hiếu cho hay: "Tới giờ mình vẫn nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Nhìn những gì gia đình chúng tôi đang có ngày hôm nay, người ta không thể tưởng tượng được trước đó cha mẹ, anh em tôi phải khổ thế nào".
Ông Tư Trực - Trưởng ấp Bình Hưng Hạ (xã Bình Ninh) cho biết: "Ngày trước gia đình ông Hiếu là một trong những hộ khó khăn nhất trong ấp, không những thế lại có tới 10 người con, nên cái nghèo cũng được xếp vào hàng đầu của xã. Tới năm 2010, khi biết tin ông Hiếu trúng số ai cũng mừng cho họ, nên khi biết ông không được lãnh thưởng, đã không ít người tiếc thay. Cũng may sau lần đó, gia đình ông ấy cố gắng làm ăn phất lên liên tục, tới nay thì đã vươn lên là hộ khá giả khiến nhiều người phải thán phục lấy làm gương phấn đấu".
Theo Minh Tuấn
Cay đắng chồng phụ bạc khi trúng vé số 7 tỷ Trong số báo trước, chúng tôi từng đề cập đến chuyện ông Nguyễn Lộc gặp vận may hy hữu, trúng liên tiếp 55 tờ vé số độc đắc chỉ trong 60 ngày. Thế nhưng, cầm trong tay tổng số tiền lĩnh giải gần 7 tỷ, ông lại mang đi hưởng thụ cuộc sống xa hoa, bỏ mặc vợ con. Để rồi sau này,...