Cải tiến thi tốt nghiệp THPT: giáo viên băn khoăn, học sinh hớn hở
Hào hứng, sung sướng là tâm trạng của hầu hết học sinh lớp 12 khi được nghe về dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, trong đó có phương án giảm số môn thi tốt nghiệp từ sáu môn còn bốn môn, trong đó hai môn văn, toán bắt buộc và hai môn tự chọn.
Thí sinh đang thi môn Anh văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại HĐT Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM
Tại Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, nhiều học sinh lớp 12 cho biết rất hào hứng khi nghe tin thi tốt nghiệp chỉ còn bốn môn và hi vọng phương án này sẽ được Bộ GD-ĐT áp dụng trong mùa thi tới đây.
Em Khánh Chiêu, học sinh lớp 12A1, phấn khởi cho biết: “Đọc được thông tin giảm tải kỳ thi tốt nghiệp THPT, em cảm thấy vui và nhẹ nhõm. Hiện nay học sinh lớp 12 chúng em phải học chương trình rất nặng để chuẩn bị cho việc thi sáu môn tốt nghiệp. Nếu số môn thi chỉ còn bốn, chúng em sẽ giảm được áp lực học tập, có thêm nhiều thời gian và cơ hội cho các môn chính. Em có thể tập trung một số môn vừa thi tốt nghiệp vừa thi đại học. Chỉ hơi tiếc là môn Anh văn được học sinh đầu tư học rất nhiều nhưng không phải là môn bắt buộc. Với việc giảm môn thi, nhiều học sinh sẽ bỏ các môn phụ để ưu tiên cho các môn chính. Thực sự các môn phụ cũng cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, chỉ tiếc rằng học sinh chúng em không đủ thời gian để tiếp thu tất cả khối lượng kiến thức của tất cả các môn học”.
Trong khi đó, các giáo viên vẫn khá băn khoăn với dự thảo này của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là giáo viên một số môn phụ. Một giáo viên lịch sử tại quận 12, TP.HCM cho biết: “Cái được của lần cải tiến này là học sinh được giảm tải, tuy nhiên chiến lược này cũng có mặt trái là làm cho học sinh bỏ luôn các môn phụ, chỉ tập trung cho các môn nào thi thì mới học. Môn phụ từ trước đến nay học sinh đã chê, nay lại càng “phụ” hơn. Như vậy, những môn học còn lại sẽ không phát huy được giá trị kiến thức của nó. Mặt khác, việc tổ chức thi với các môn tự chọn sẽ rối ở các khâu đăng ký, địa điểm thi, khâu quản lý… nếu không có những hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ”.
Một giáo viên xin giấu tên tại Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM, nêu ý kiến: “Thay đổi từ sáu môn còn bốn môn thực chất vẫn chỉ là thay đổi về hình thức của kỳ thi. Hệ lụy của chuyện này là học sinh sẽ bỏ môn phụ, kỳ thi sẽ mất đi giá trị đánh giá toàn diện học sinh. Giảm tải để kỳ thi nhẹ nhàng hơn, trong bối cảnh tiêu cực thi cử vẫn còn, kết quả thi tốt nghiệp quá cao… sẽ làm mất giá trị của kỳ thi. Nếu những môn thi tốt nghiệp trùng các môn thi đại học, chỉ cách nhau một tháng, sao không mạnh dạn cắt bỏ “cục thịt thừa” là kỳ thi tốt nghiệp. Chỉ cần xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập để đánh giá thì kết quả sẽ thực chất hơn, bởi ở mảng phổ thông, lẽ ra môn nào cũng cần thi, cần đánh giá. Với cách cải tiến này, học trò đã từng xé đề cương sử, nay các em sẽ bỏ luôn nhiều môn khác”.
Video đang HOT
L.TRANG
Thi tốt nghiệp THPT năm 2014: đa số đều đồng tình
Những điều chỉnh lớn về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 được rất nhiều người hưởng ứng. Đặc biệt là giáo viên và học sinh, những người trực tiếp giảng dạy và chịu áp lực thi cử trong nhiều năm qua.
Học sinh vui mừng
Khi nghe thông tin việc thi tốt nghiệp năm nay chỉ còn 4 môn thay vì 6 môn như mọi năm em rất vui. Vì hiện tại, chương trình học của học sinh lớp 12 rất nặng, vừa phải đảm bảo kết quả học trong trường, vừa phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Đặc biệt, em có thể tự chọn 2 môn cho mình để thi. Điều này giúp thời gian ôn thi tốt nghiệp và đại học sẽ đồng nhất. Em sẽ chọn lý, hóa vì dự kiến thi ĐH khối A. Không chỉ em mà các bạn trong lớp cũng rất phấn khởi với thông tin này. Nó giúp chúng em học hành nhẹ hơn, có trách nhiệm và thời gian đầu tư cho quyết định của mình.
Đàm Ngọc Thanh (lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM)
Đổi mới này sẽ giúp kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng hơn so với thi 6 môn như trước, nhưng em vẫn thấy áp lực bởi kỳ thi tốt nghiệp và đại học quá gần nhau. Áp lực học tập của học sinh hiện nay rất khủng khiếp, bỏ bớt 2 môn thì cũng vui thật nhưng em thấy vẫn còn rất nặng nề.
Phạm Thị Phương Anh (lớp 12A5 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM)
Mới nghe có thể chỉ thi 4 môn thì em cũng mừng, nhưng vẫn thấy lo. Ngoài toán và văn bắt buộc, các bạn học sinh chắc chắn sẽ chọn 2 môn kia là hai môn sở trường mà mình tự tin nhất nên đề thi chắc phải khó hơn nhiều so với thi 6 môn như trước. Lớp em nghe qua tin này ai cũng vui mừng, phấn khởi, mong là đề án được thực hiện ngay trong kỳ thi năm nay.
Nguyễn Hồng Hạnh (lớp 12A2 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM)
Ở trường mấy hôm nay đang bàn luận sôi nổi thông tin về dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Em và các bạn trong lớp thấy rất phấn khởi và nhẹ nhõm khi nghe sẽ giảm các môn thi tốt nghiệp còn 4 môn thôi. Theo em nghĩ hiếm có học sinh nào không qua được kỳ thi tốt nghiệp, những năm gần đây tỉ lệ đậu tốt nghiệp luôn đạt gần 100%, giảm bớt 2 môn thi sẽ vẫn đảm bảo chất lượng kỳ thi mà học sinh sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thầy cô cũng lưu ý chúng em không được chủ quan, có thể năm nay vẫn chưa áp dụng thay đổi được ngay đâu.
Thái Thị Kim Vi (lớp 12A17 Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Còn 2 năm nữa mới thi tốt nghiệp nhưng nghe qua dự thảo em cũng thấy vui, không biết các anh chị lớp 12 có được thi 4 môn theo dự thảo này ngay trong năm nay không, mong là tới năm em thi tốt nghiệp, dự thảo này đã được áp dụng, nhìn các anh chị lớp 12 học nhiều quá mà em cũng thấy áp lực.
Huỳnh Minh Thành (lớp 10T01 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM)
Giáo viên ủng hộ
Thay đổi đột phá
Đổi mới trong thi cử đối với học sinh THPT lần này thể hiện sự đột phá, tiến bộ. Đồng thời sẽ làm giảm căng thẳng, áp lực về thi cử như hằng năm cho học sinh; giảm bệnh thành tích trong nhà trường và cả lo lắng của phụ huynh có con em học lớp 12. Toán và văn là những môn cơ bản, các em đã được rèn luyện từ khi còn là học sinh tiểu học cho nên phù hợp là môn bắt buộc của kỳ thi cuối cấp. Hai môn tự chọn thay vì 3 môn sẽ giúp học sinh từng vùng miền được thi những gì phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mình.
Theo tôi, nếu như việc này được áp dụng ngay trong năm nay thì rất tốt. Nhưng để giáo viên, phụ huynh, học sinh có tâm lý tốt hơn; nhà trường có những bước chuẩn bị chu đáo trong việc hướng nghiệp; các sở có nhìn nhận, khảo sát để chọn môn phù hợp với học sinh địa phương mình thì năm sau thực hiện sẽ kỹ càng, chính xác hơn.
Cô Nguyễn Thị Thái Xuân (giáo viên bộ môn văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM)
Phương pháp học cần thay đổi để phù hợp với cách thức thi này
Tôi rất ủng hộ phương án mà bộ đã đề ra. Nó thể hiện nhìn nhận đúng đắn về áp lực, căng thẳng mà nhiều năm qua ngành giáo dục đã phải chịu, nhất là tốn kém về tiền bạc của xã hội nhưng lợi ích thu được chẳng là bao. Chúng ta đã có cách thức thi cử rất tiến bộ nhưng song song đó phải là một chương trình học phù hợp, thay đổi để ngày càng hoàn thiện. Tôi nghĩ chương trình học hiện tại vẫn còn rất nặng đối với các em, ta nên học hỏi các nước về cách học tín chỉ, cách đánh giá học sinh THPT để các em chủ động lựa chọn môn học cho mình. Khi tốt nghiệp cấp III, các em đã có kiến thức nền để phục vụ xã hội.
Theo Tuoitre