Cải thiện kỹ năng phát âm tiếng Anh
Ngoài luyện nghe và nhại theo người bản xứ, người học cần tập phát âm câu khó, chia từ thành cụm âm tiết và ghi âm lại, sau đó tự sửa lỗi.
Tiếng Anh là ngôn ngữ khó nói với lượng từ vựng khổng lồ và cách phát âm khác biệt so với cách viết. Tuy nhiên, việc phát âm tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng hơn với sáu cách sau đây.
Luyện tập nguyên âm, phụ âm và cụm âm tiết
Từ vựng tiếng Anh được cấu tạo từ nguyên âm và phụ âm, tạo thành âm tiết. Các nguyên âm trong tiếng Anh (a, e, i, o, u) được phát âm bằng nhiều cách, tùy thuộc vào phụ âm đứng trước, đứng sau và gốc ngôn ngữ của từ. Mỗi nguyên âm đều có cách phát âm ngắn (như là âm a ngắn trong từ “bat”) và cách phát âm dài (như âm a dài trong từ “play”).
Ngoài ra các phụ âm trong tiếng Anh cũng có thể được phát âm bằng nhiều cách, tùy thuộc vào từng từ. Ví dụ, phụ âm c có thể được phát âm như âm s trong từ “cereal” (ngũ cốc), trong khi lại được phát âm như âm k trong từ “cat” (con mèo).
Bởi vậy, để nắm chắc cách phát âm từng từ trong tiếng Anh, bạn cần chia từ ra từng âm tiết, từng nguyên âm phụ âm. Sau đó, bạn có thể tra cứu và tìm hiểu cách phát âm các nguyên âm, nhờ sự trợ giúp của từ điển và bảng phiên âm quốc tế (International Phonetic Alphabet) để làm quen dần với các cách phát âm, từ đó có thể phát âm khi nói và bắt âm khi nghe chuẩn xác hơn.
Lắng nghe người bản xứ
Một cách hiệu quả nhất để học phát âm là lắng nghe cách người bản xứ phát âm từng từ. Bằng cách nhại theo họ, bạn sẽ quen dần với việc phát âm và nói có ngữ điệu. Dần dần, bạn có thể bắt chước cách phát âm của những cụm từ, cách diễn đạt dài hơn và có thể có giọng phát âm tiếng Anh chuẩn hơn.
Việc nghe cách phát âm và nhại theo này còn được gọi là phương pháp speech shadowing, được ứng dụng nhiều trong cả việc dạy ngôn ngữ, dạy phiên dịch hay dạy thanh nhạc.
Ảnh: Shutterstock
Quan sát chuyển động miệng khi phát âm
Để phát âm từng âm tiết, người nói phải cử động miệng, môi và lưỡi đúng cách. Nếu người học ngoại ngữ chuyển động miệng theo một cách khác, khả năng phát âm của họ sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới khó hiểu, không tròn vành, rõ chữ.
Khi giao tiếp với người bản xứ hay với những người học ngoại ngữ nhiều kinh nghiệm, bạn nên quan sát cách họ chuyển động cơ miệng khi phát âm. Ví dụ, như từ “love” (tình yêu) trong tiếng Anh, khi phát âm, lưỡi cần chuyển động xuống dưới. Còn từ “pirate” (cướp biển) lại yêu cầu người nói phải mím môi để phát âm chữ p chuẩn xác.
Video đang HOT
Luyện tập các câu khó phát âm ( tongue twisters)
Các câu khó phát âm thường có nhiều từ với những âm tiết tương đồng, khiến người nói gặp khó khăn trong việc phân biệt, làm rõ âm tiết. Ví dụ “she sells seashells by the seashore” (Cô ấy bán vỏ ốc bên bờ biển) khiến nhiều người bản xứ cũng phải ngọng khi lần đầu gặp phải.
Việc luyện tập các câu khó sẽ giúp người học ngoại ngữ nâng cao khả năng phát âm rõ ràng các âm tiết.
Ghi âm
Khi nói chuyện bằng ngoại ngữ, do quá tập trung vào suy nghĩ nội dung và lựa chọn cách diễn đạt, nhiều người không thể kiểm soát được các lỗi sai phát âm. Điều này có thể được cải thiện nhờ ghi âm lại khi luyện tập. Những bài khi âm có thể giúp bạn nhận ra vấn đề của mình khi nói và tìm cách giải quyết.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự quay video để chú ý hơn đến các cử động cơ miệng, môi, và lưỡi khi nói. Từ đó, bạn có thể so sánh với cách người bản xứ phát âm để tìm ra những vấn đề của bản thân.
Thuê gia sư giao tiếp
Khi các cách luyện tập trên không còn hiệu quả, bạn có thể thuê một gia sư giao tiếp, những người có nhiều năm kinh nghiệm, để trực tiếp nhận định khả năng của bạn và hướng dẫn cách cải thiện. Đây thường là phương pháp có chi phí cao nhất, tuy nhiên sẽ giúp bạn cải thiện khả năng một cách nhanh chóng nhất.
Sáu trở ngại luyện nghe tiếng Anh
Ngoài phát âm sai, từ vựng kém, Hoàng Ngọc Quỳnh cho rằng trở ngại khi luyện nghe tiếng Anh còn là chọn sai tài liệu và thiếu tập trung.
Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, tốt nghiệp loại xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017. Năm ngoái, chị giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster (Anh) trị giá 89.000 bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ đồng) và là tác giả hai cuốn sách luyện nghe, nói tiếng Anh.
Với kinh nghiệm du học, IELTS 8.0, trong đó Speaking 8.5, chị Quỳnh chỉ ra sáu trở lại khiến người học gặp khó khi luyện nghe tiếng Anh.
Việc luyện nghe tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Một phần do các bạn không có môi trường để học và thực hành kỹ năng nghe từ sớm, vốn từ vựng hạn chế hay khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn chưa tốt; một phần do bạn không luyện được sự tập trung khi nghe tiếng Anh, và phần còn lại do việc thực hành chưa đúng cách hoặc chưa đủ.
Tôi sẽ lần lượt phân tích các khó khăn kể trên và đưa ra một số giải pháp để phần nào giúp các bạn luyện nghe tiếng Anh dễ dàng và hiệu quả hơn.
1. Phát âm (Pronunciation)
Cách phát âm của người bản ngữ rất khác so với cách bạn vẫn nói tiếng Anh, khiến bạn bị "lạc" khi nghe, không thể bắt nhịp kịp để hiểu hết những gì họ nói. Trong nhiều trường hợp, vì không thể nghe rõ những câu đầu, bạn sẽ hoang mang và không tập trung được vào phần còn lại của cuộc hội thoại.
Ngoài việc nghe được cách phát âm chuẩn của 44 âm tiếng Anh và thực hành để có thể nói được gần giống như vậy, bạn nên quan tâm đến một số vấn đề khác để luyện nghe tiếng Anh tốt hơn.
Đầu tiên, bạn cần học cách nhấn trọng âm của từ (word stress) chính xác. Việc quen với cách nói có trọng âm, nhấn trọng âm chính xác giúp việc nghe tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn.
Tiếp theo, bạn cần học và thực hành cách nối âm và nói giản lược trong phát âm tiếng Anh (linking and reduction). Đa số từ tiếng Anh có xu hướng được nối với nhau trong các hội thoại theo tốc độ tự nhiên.
Ngoài ra, người bản ngữ cũng thường xuyên rút gọn các từ khi nói (reduction). Điều này giúp họ cảm thấy việc nói (đặc biệt trong giao tiếp đời thường) dễ dàng, hiệu quả và tự nhiên hơn. Tuy nhiên, thói quen này lại khiến người nghe, đặc biệt là những người có tiếng mẹ đẻ riêng rẽ, không nối với nhau khi phát âm (như tiếng Việt) sẽ cảm thấy khó khăn.
Chị Hoàng Ngọc Quỳnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
2. Từ vựng (Vocabulary)
Nếu đã thực hành nghe tiếng Anh trong thời gian tương đối dài, thậm chí một vài năm, bạn có thể phát âm chuẩn, nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu khi nghe tiếng Anh theo nhiều chủ đề, khả năng rất cao là do vốn từ vựng của bạn còn hạn chế.
Khi lượng từ vựng không đủ, việc luyện nghe rất khó khăn dù bạn có tập nhiều lần. Bạn cần tích lũy đủ lượng từ vựng cơ bản, thực tế và theo các chủ đề thông dụng. Dĩ nhiên, bạn sẽ không thể học được hàng trăm từ vựng chỉ qua một đêm mà nên học từ từ để tìm phương pháp phù hợp với bản thân. Bạn có thể học từ vựng qua các tình huống giao tiếp, tra từ điển, ghi chép, hoặc qua ngữ cảnh với các bài luyện nghe theo nhiều chủ đề.
3. Sự tập trung (Concentration)
Nếu quá lo lắng về việc phải nghe hiểu hoặc luôn nghĩ về nhiều thứ khác nhau, bạn sẽ lơ đễnh và khó bắt hết các ý mà mình nghe được. Thực ra đây không phải là chuyện của riêng bạn mà là vấn đề của rất nhiều người học tiếng Anh, thậm chí cả những người mà các kỹ năng khác đã khá tốt. Vì vậy, song song với việc học từ vựng và phát âm chuẩn, bạn cần nâng cao sự tập trung khi nghe tiếng Anh.
4. Phương pháp luyện nghe (Listening Methods)
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy có nhiều cách để thực hành nghe tiếng Anh. Cách nghe nào cùng đúng, trừ luyện nghe một cách thụ động (passive listening only). Trên thực tế, luyện nghe thụ động cũng là một cách thực hành kết hợp cho việc học tiếng Anh khá tốt. Bạn có thể chỉ nghe mà không cần phải hiểu, hay theo cách nói dễ hiểu của nhiều người chính là "tắm tiếng Anh". Cách thực hành này giúp não bộ làm quen với âm điệu, ngữ điệu, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh và giúp cho việc học dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu luôn nghe tiếng Anh một cách thụ động, bạn có thể cảm giác như mình hiểu hết những gì nghe thấy nhưng đó chỉ làm cảm giác. Bởi thực tế, bạn không chủ động "nạp" từ vựng, ngữ pháp và các cách phát âm đó vào đầu mà chỉ mới "làm quen" với chúng. Thậm chí, việc nghe thụ động còn "tai hại" tới mức, bạn dần hình thành thói quen nghe mà không cần hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc dần dần bạn không có phản xạ nghe hiểu tiếng Anh.
Bạn cần kết hợp cả hai phương pháp thực hành nghe bằng cách thường xuyên nghe chủ động, hiểu những gì mình nghe được, từng chút một. Khi thực hành nghe thụ động kết hợp với chủ động đủ lâu, tiếng Anh sẽ "ngấm" dần vào não bộ của bạn.
Các từ, cụm từ và các câu tiếng Anh có tần suất được sử dụng nhiều nhất được lặp đi lặp lại trong đầu tới khi bạn có thể sử dụng được chúng. Khi đó, bạn bắt đầu có khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh, nói ra được tiếng Anh và dần "phản xạ nghe hiểu" với các bài nghe với tốc độ nhanh dần.
Chị Hoàng Ngọc Quỳnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
5. Tài liệu luyện nghe (Listening Materials)
Nếu bạn chọn tài liệu nghe quá khó hoặc quá dễ (việc này liên quan tới tốc độ nghe và từ vựng sử dụng trong bài nghe) thì khả năng nghe sẽ khó được cải thiện.
Nếu tài liệu nghe quá khó, bạn sẽ không thể hiểu được những gì nghe được, do đó dễ dàng từ bỏ việc học tiếng Anh. Một số người bạn của mình muốn tăng khả năng nghe "thần tốc" đã chọn cách nghe tin tức từ CNN, CNBC và xem phim không phụ đề. Các bạn ấy đều thất bại trong việc cải thiện khả năng nghe, vì các tài liệu này thực sự là vượt xa trình độ khi đó.
Ngược lại, nếu tài liệu luyện nghe quá dễ, khả năng nghe của bạn sẽ chỉ dừng chân tại chỗ. Bạn có thể cảm thấy các video dạy tiếng Anh khá dễ nghe có tốc độ nói khá chậm, từ vựng đơn giản hướng vào người học. Nếu không bước ra khỏi "vùng an toàn", bạn sẽ không thể hướng tới việc nghe hiểu các bản tin tiếng Anh hay xem phim không cần dùng phụ đề.
Cách chọn tài liệu:
- Tài liệu nghe mức trung bình, giúp bạn hiểu 70-80%. Bạn cũng có thể chọn các tài liệu "siêu khó" để thách thức khả năng nghe như đã đề cập bên trên, nhưng chỉ nên sử dụng khi đã hiểu sơ nội dung bằng việc xem transcript hoặc học trước từ mới.
- Tài liệu nghe thuộc các lĩnh vực bạn hiểu hoặc chủ đề quan tâm, hứng thú. Việc này rất quan trọng vì chí ít bạn cũng hiểu ít nhiều hoặc đoán biết được nội dung đang được nói tới. Việc bắt đầu bằng những thứ khiến bạn muốn tiếp tục nghe, xem, đọc sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi trong hành trình học tiếng Anh đầy khó khăn.
6. Động lực (Motivation)
Trở ngại cuối cùng với nhiều bạn trong việc thực hành nghe tiếng Anh nói riêng và học các kỹ năng tiếng Anh nói chung chính là thiếu động lực học tập. Khi nghe không hiểu, bạn thường chán nản, mất động lực và từ bỏ.
Thực ra, tiếng Anh cần rất nhiều thời gian luyện tập để có thể thuần thục, không phải chỉ sau vài ngày chăm chỉ luyện tập là đủ. Đặc biệt trong một môi trường không nói tiếng Anh, việc nghe hiểu ngôn ngữ này sẽ mất thời gian dài.
Cuộc đua vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao Muốn con gái vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chị Nguyễn Thu Huệ cho con học thêm bên ngoài tuần ba buổi, học một buổi với gia sư. Sống tại quận Đống Đa, chị Huệ giải thích muốn con vào trường Amsterdam một phần vì trường gần nhà, có chất lượng đào tạo tốt, một phần nhận thấy con...